Làm đề án đi! - Truyện ngắn Lưu Công (Trung Quốc)
Ông nghỉ hưu đã hơn một tháng nay, suốt ngày buồn bã, ăn không ngon, ngủ không yên, lại hay cáu gắt linh tinh , cả nhà chẳng hiểu ra sao cả. Các con sốt ruột, đưa ông đi khám bệnh. Bác sĩ lắc đầu, bảo: bệnh tâm lý thôi, không có gì đâu.
Bà càu nhàu: “Ông cứ thế này thì ai mà chịu nổi? Ông phải nghĩ tới mọi người chứ?”
Anh con trai tốt nghiệp đại học đọc bao nhiêu là trước tác của các chuyên gia tâm lý, nghiệm ra rằng, nguyên nhân căn bệnh của bố là xuất phát từ chữ “nhàn”, mà theo cách nói dân gian là “nhàn cư vi bất thiện!”. Anh liền gợi ý một số công việc để bố làm thêm cho vui, như gác cổng, giữ xe,, bán báo vân vân…nhưng ông cự tuyệt tất. “Mày nghĩ gì lạ thế hả con? Lẽ nào ngay cả quyền đựơc nghỉ ngơi của bố cũng không có?”Anh con trai bó tay.
Ông vẫn như thế, buồn rầu, giận dỗi, mắng mỏ mọi người…
Dạo này, thấy các bạn đồng nghiệp ai cũng mua Smart TV, anh con trai nghĩ, hay là ông già cũng muốn giải trí theo trào lưu mới, bèn thăm dò ý bố. Ông ngẫm nghĩ một lát rồi gật gật đầu, phán : “Được! Làm đề án đi!”.
Ôi trời! Câu nói như một liều thần dược khiến anh sáng suốt hẳn ra! Trong thâm tâm anh nghĩ, thói quan cách đã thành cố hữu thấm vào máu thịt, thành nét đặc trưng trong hàng ngũ quan chức Trung Quốc! Anh liền làm các “tờ trình” về việc soạn thảo “ Những công việc trọng yếu của gia đình cần được trình duyệt”, “Về những cuộc Hội nghị gia đình” v.v tất cả gồm 8 văn bản. Anh đề nghị ông quyết, cứ theo đó mà thực hiện, nếu có gì đột xuất thì phải thỉnh thị, phải báo cáo hẳn hoi, không được tự ý làm bừa!
Trong cuộc “Hội nghị gia đình” lần thứ nhất, ông huấn thị: “Tất cả đều phải căn cứ theo qui định mà làm” và lệnh cho anh con trai khởi thảo “Những qui định về việc quản lý gia đình” để mọi thành viên đóng góp ý kiến trước, bản thân ông sẽ thẩm định và phê duyệt cuối cùng!
Mọi việc được tiến hành theo đúng yêu cầu ông đặt ra. Thấy chữ ký tắt với các ý kiến ngắn kèm theo của con trai, con dâu và vợ: “Đồng ý, mời bố phê chuẩn”; “Qui định rất hợp lý, mời bố quyết cho!”, “Tôi thấy tốt lắm, ông duyệt đi”, trong lòng ông rất vui. Ông lấy chiếc lược nhỏ lúc nào cũng dắt trên túi áo chải chải lên đầu theo thói quen và đốt điếu thuốc lá hiệu Song hỉ, sảng khoái phả ra một làn khói mỏng, huơ bút viết “ 8 giờ tối thứ 6 tuần này mở hội nghị gia đình để nghiên cứu thông qua các dự thảo đã trình!”
Đúng 8 giờ tối thứ 6 các thành viên trong gia đình đều tề tựu đông đủ. Hội nghị do ông chủ trì, cháu nội làm thư ký ghi chép, anh con trai tuyên đọc từng chữ từng câu trong bản “Những qui định về việc quản lý gia đình”. Tất cả từng mục, từng điều đều phải biểu quyết : Việc quản lý công việc hàng ngày giao cho cụ bà đảm trách, nhiệm vụ là đi chợ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa; việc vui chơi giải trí giao cho cô con dâu lo với nhiệm vụ chăm sóc chuyện học hành của bọn nhỏ, hướng dẫn các trò chơi cho trẻ, đặt báo và làm các việc lặt vặt khác (nếu có); quản lý đối ngoại do anh con trai đảm nhiệm, vạch kế hoạch giao lưu và duy trì mối quan hệ với lãnh đạo, đồng nghiệp và bạn bè; việc quản lý tài chính, đích thân ông phụ trách, duyệt chi các khoản từ 100 tệ trở lên. Hội nghị còn qui định, cứ nửa tháng họp Hội nghị gia đình một lần, toàn thể các thành viên đều không được vắng mặt (trừ trường hợp có lý do chính đáng).
Từ khi có bản “qui định…” này, mọi công việc trong nhà đều thực hiện rất trôi chảy. Ông dường như đã trở về với cương vị công tác mà ông phải rời xa hơn một tháng nay. Chiếc lược nhỏ vẫn được cào cào lên da đầu, khói thuốc Song hỉ vẫn lan tỏa đây đó trong căn phòng của ông. Thỉnh thoảng con cháu lại nghe ông hát mấy câu trong vở Kinh kịch “Đèn lồng đỏ”. Trông ông vui vẻ, hả hê lắm, cả nhà cũng thoải mái hơn nhiều!
Trà Ly (Dịch)