Đâu rồi thời đĩa hát - Tản văn Phạm Thị Hải Dương

11.11.2017

Ô tô không ngừng lao trên đường. Ngọt như lời mẹ ru. Tua lại chuyến đi. Nhiều nhất là bia và cười. Thêm vài số thứ tự nữa vào danh sách các mối quan hệ cần giữ gìn. Việc, tưởng là chính yếu lại chiếm phần ít thời gian và tâm tư. Chừng ba ngày, nhẩm lại vỏn vẹn mấy dòng. Rồi, nó trôi đi mất không hãm lại kịp. Trông như chiếc lá dại dột, chọn ngay chỗ xoáy nước mà trao thân. 

Đâu rồi thời đĩa hát - Tản văn Phạm Thị Hải Dương

Đã có bao nhiêu chiếc lá rơi xuống ngay hố đen ngồn ngộn ấy. Chịu. Đếm sao được khi bên tai, Quang Dũng đang dỗ dành người yêu:“Anh và em sẽ sống. Trong một mái nhà tranh. Lấy trúc thưa làm cổng. Lấy tơ liễu làm mành.”

Tại ca sỹ biết truyền cảm hay hệ thống giải trí êm ái trên ô tô mà bản nhạc như dòng suối nhỏ, khe khẽ trôi vào lòng. Người ngồi ô tô không còn ám ảnh cảm giác tròng trành như đang trên dòng sông nhỏ, bằng chiếc ba lá đêm trăng dữ, như mọi lần.  Ngả người ra sau vì biết chừng, đầu óc lại bắt đầu hoài niệm. Ai đó đã nói, hoài niệm là thuộc tính của con người. Đã thuộc về bản thể thì cứ để nó ở lạị, nếu nó không muốn rời đi. Nhất là những nhung nhớ thuần khiết hơn mấy loại nước lọc quảng cáo trên ti vi. Hoài niệm đêm nay có tên nhớ thời xài…đĩa lậu.

Hồi xa lắc, không biết trên đời có một loại bản chính, hẳn sẽ có thêm vài kiểu bản sao. Nhớ mong manh, bé như cây chuối đẹt, đã chạy theo mẹ ra chợ. Hay đứng lọt thỏm trong mái hiên tiệm thuốc thú y, nhìn ra mấy bà cô bán đĩa hát ngồi trơ mình dưới nắng. Chợ có khi đông khi vãn nhưng mấy chỗ bán đĩa nhạc thì lúc nào cũng có người ghé xem. Một tấm bạt nhỏ trải ra đất, xếp vừa khít một loạt đĩa hát vuông vuông. Vì đĩa được bọc trong ni lon, gặp nắng sà xuống nên khi nào chỗ các cô ngồi cũng lóng lánh như có hào quang. Khiến con trẻ dường bị mê hoặc và thèm một lần sắm vai…cô bán đĩa. Muốn chạy ra khỏi hiên, ghé chỗ cô, nói cô ơi cho con ngồi chỗ cô một lát. Bốn bên là đĩa hát đủ màu sắc, ai ghé mua, để con cầm cái đĩa, ra giá, bỏ vào túi nilon như cô làm, cô nhé!

Sau này lớn lên, được dịp nghĩ lại giấc mơ xưa, con lại thấy rùng mình. Nếu theo nghề của mấy cô chắc bây giờ con sẽ hụt hẫng lắm. Sẽ giống mấy ông đồ già, lâu lâu nhớ nghề, bày mực tàu giấy đỏ ngay trong nhà mình, rồi kêu thằng cháu nội chơi trò buôn bán. Khi mà mẹ rút sợi dây điện đầu đĩa CD, thay vào dây nguồn vi tính. Mẹ cất hết Phi Nhung, Trường Vũ, Đan Trường, Cẩm Ly…Cả những chiếc đĩa hoạt hình như Tom and Jerry. Một thời con tua đi tua lại, đến mức đến đoạn con mèo vào đưa chân trước định tóm con chuột thì cả hai con đứng… cứng ngắt. Chắc con sẽ như đứa trẻ nhà nghèo mất con búp bê baby mới được tặng.

Mới đó mà trở dậy, lớn khi nào không hay. Nghe nhạc cũng sành điệu hơn, theo khái niệm của người thành phố. Thỉnh thoảng, chạy ra 38 Trần Bình Trọng, bổ sung vài bài lạ lạ trước mỗi chuyến đi dài. Nghĩ lại, thì ra hồi nhỏ cả nhà mình, xóm mình thậm chí xã mình toàn nghe đĩa lậu. Đĩa sao ra trăm ngàn cái. Bìa giấy, bên phải bán thân ca sỹ, bên trái danh sách bài hát được đánh số một hai ba. Có cái đĩa hát ruột của mẹ từ lúc mới lấy ba, hồi nó “nghỉ hưu non”, mẹ tiếc ngậm ngùi. Mẹ nói Trường Vũ hát bài Tí ngọ của tôi nghe day dứt quá! Sau này con có lùng hết mấy tiệm đĩa nhạc, thử nghe nhưng vẫn không tìm được “…người con gái trên lầu cao sau hàng chậu hoa mười giờ.”  của mẹ.

Mấy lần về thăm nhà, con hay kéo hộc tủ, nhìn chồng đĩa lặng lẽ thu mình dưới ánh điện. Hồi nhỏ, con hay chờ… đĩa hư để xin mẹ gắn sau xe đạp, hoặc xỏ vào sợi cước, xoay xoay chơi cả buổi ngoài đồng. Giờ đĩa dư nằm thành đống, sao con không thử chơi lại mấy trò đó xem sao. Lúc bước lên ô tô, đổi mấy bài không tên của Vũ Thành An bằng CD bolero của Lam Phương. Nhìn chiếc đĩa nhẹ nhàng trôi vào máy, cũng đường kính chừng đấy, lóng lánh bảy màu cầu vồng nhưng thứ con dùng có khi đắt gấp trăm lần mấy chiếc đĩa trong hộc tủ nhà mẹ.

Mà sao con không bị mê hoặc. Đĩa xịn. Đương nhiên chất lượng âm thanh rất khá. Những chuyến đi dài, âm nhạc trên xe khởi động theo động cơ. Khi đó con là cô gái. Âm nhạc như đôi khuyên tai. Cô gái thường đeo khuyên tai khi đi tiệc nhưng trong bữa tiệc, cô không bao giờ thấy nó. Thấy thương cho bản nhạc mình mang về, như một nữ nhà văn từng thương thành phố khi tâm trí thường trực về quê mẹ, nơi gặp gỡ rất ít mà nhung nhớ đầy tràn. Con cũng vậy. Thương mấy đêm sâu hoắm, nhà hàng xóm còn vọng qua: “Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng. Hương nồng hoa tình ái, đậm đà đây đó gọi tên…” Thế mà sao không có cảm giác khó chịu, phiền lòng. Hình như qua một khoảng rào, một cánh cửa khép hờ, một vòm lá… âm nhạc trở về đúng một phần thiên chức của nó, làm con người trở nên dịu dàng và bao dung hơn. Giấc ngủ đến theo lời thỏ thẻ của ca sỹ khi nào không rõ.

P.T.H.D