Chất đồng quê trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh - Nguyễn Thụy Kha
Tôi nhặt lại chữ “thượng du” trong quên lãng nhiều năm, khi nghe Nguyễn Ngọc Hạnh bảo tôi: “Anh trở lại làng Rô là đi qua quê tôi đó. Nơi ấy, thượng nguồn sông Vu Gia, Đại Lộc, là nơi Hạnh sinh ra…”.
Còn với những người lính Khu V chúng tôi thời kháng chiến, đây là nơi đứng chân bao năm, chờ đến một ngày tràn xuống đồng bằng, tràn xuống biển Quảng-Đà tràn ngập niềm vui giải phóng. Riêng với Hạnh, thượng du này là gốc, là một kho tàng bí ẩn ở ngay trong lòng mình, trong thơ mình.Ai đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đều nhận ra chất đồng quê trong thơ anh. Cũng đã có bao thi sĩ trên thế giới và Việt Nam đều có chất này. Song đồng quê ở mỗi người đều có một địa chỉ riêng. Đồng quê của Hạnh là miền thượng du bên ngọn nguồn sông Vu Gia lở bồi lặng lẽ. Đó là thượng du miền Trung Việt Nam khắc khoải theo sóng núi bốn bề đổ ra khơi hòa sóng biển. Bởi vậy, thượng du của Nguyễn Ngọc Hạnh khác thượng du của Y Phương miền biên cương phương Bắc, càng khác thượng du của Nây Nô Tây Nguyên phía Nam.
Bởi vậy, Nguyễn Ngọc Hạnh mới thắc thỏm: “Làng tôi ở ven sông/ Bốn bên núi bốn bề yên ắng/ Chưa hiểu hết mưa nguồn/ Tôi đi về phía biển”. Đó là sự ngỡ ngàng ngàn đời của người thượng du miền Trung Việt Nam. Cũng là mưa, cũng là buồn, nhưng mưa ấy, buồn ấy ở thượng du thì: “Mưa nào buồn như mưa trên sông”, còn ở đồng bằng là: “Mưa Tam Kỳ thật buồn”. “Mưa nào buồn” đây, mà “thật buồn” kia.
Dường như có một luồng thanh khí nối chặt tâm hồn Hạnh với miền thượng du quê hương. Ám ảnh trong trẻo đó mơ hồ trong cảm thức, để khi òa ra thì nức nở khôn cùng: “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn...”. Ám ảnh ấy như lòng giếng sâu miền núi đã dẫn dụ Hạnh đến những thi ảnh đột nhiên: “Lặng lẽ với giếng sâu/ Xin nối sợi dây gàu cho lòng bớt cạn”, và chợt chiêm nghiệm độc điệu: “Vét cạn lòng giếng ấy/ Chỉ nghe tiếng gàu rơi...”. Không có phù hoa phố phường nào dứt nổi Hạnh-thượng-du ra khỏi mía và bắp, ra khỏi dâu và cỏ.
Vầng trăng kia cũng sáng cùng núi và mây: “Trăng nghiêng bóng mẹ trên đầu rẫy” và khiến ta giật mình giữa bùn lầy đồng lúa: “Ai hiểu được dưới vành nón lá/ Một mặt trời mọc giữa ruộng sâu”. Ôi mặt trời hiu hắt của thượng du. Cũng nhờ gốc gác này, Hạnh đã có một góc nhìn khác về thành phố Đà Nẵng thân yêu khi đứng trên đỉnh Bà Nà: “Chiều xuống mơ màng bên dốc núi/ Mới huơ tay ngỡ chạm phố rồi”. Không gian giữa một Đà Nẵng mơ màng lãng đãng trên cao và một Đà Nẵng sinh động, đổi mới từng ngày bên dòng sông Hàn dường như gần lại...
“Đà Nẵng nơi này thức cùng tôi/ Để tường tận về một Đà Nẵng khác/ Trăng Bà Nà mong manh trôi dạt/ Giữa rừng sao lấp lánh phía sông Hàn”
Những bồng bột thời trai trẻ đã qua. Giữa văn minh hiên đại, ai cũng ngỡ có thể bứng gốc rễ quê làng của mình mang ra trồng ở thành phố thì hồn quê vẫn sống được, nhưng khi bứng xong thì mới thấy mình đã nông nổi. Cái gốc rễ ấy không cách gì thích ứng với môi trường thị thành mà mình định sẽ trồng xuống, nên đành trồng lại nó vào chính đáy lòng mình trong tiếc nuối và ân hận. Chính vì thế mới có S.Esenin, mới có Nguyễn Bính... Còn Hạnh thì xoay sở thế nào đây khi đã chớm tuổi lặng thầm chiêm cảm. Xoay sở thế nào đây để có một cái gì đó của chính mình thì hình như Hạnh đã chạm tới ở tập “Thơ tình” này.
Đọc tập thơ, thấy ở đấy cả thơ trữ tình lẫn ngụ tình, thấy tình yêu mà hơn hết là chân thật tình đời. Nhận ra Hạnh đã lờ mờ tìm được sức kết dính những ngôn từ như kết dính bí ẩn của những viên gạch dựng nên tháp Chàm. Cũng nhận ra Hạnh bắt đầu có sự sắp xếp giản dị lại nội thất ngôi - nhà - bài - thơ để bớt đi những đồ vật thừa, những đồ chưng diện cảnh vẻ của những người nông nổi hợm hĩnh, khoe khoang. Dám vứt bỏ là dám đi tới mình, mặc dù có thể đau xót, có thể rớm máu khi gắng vượt qua những vòng gai ngăn chặn của sự rỗng tuếch, lòe loẹt, nhưng đạt được tín điều: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”.
N.T.K
-----------------------
(*) Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh - NXB Hội Nhà văn, 2012 - Giải thưởng Hội Nhà văn TP Đà Nẵng 2012