Chúng tôi làm báo văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ - Đông San Vĩ
Vào những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 (thế kỷ trước), tôi làm phóng viên, biên tập ở tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ. Nói là làm báo nhưng thực ra, chúng tôi phải làm những việc như mọi cán bộ, chiến sĩ ở Khu V trong chiến tranh: chống càn, di chuyển, làm nhà, sản xuất, theo các đoàn cán bộ và bộ đội đi các chiến dịch, các đợt tuyên truyền phát động quần chúng sản xuất, chiến đấu, chống dồn dân, bắt lính, cướp bóc thóc gạo của địch. Vì thế, làm báo là nhiệm vụ chính lại biến thành việc phụ.
Tờ báo lại ra không đều kỳ, có khi 3 tháng một số, có khi 4, 5, 6 tháng một số, có khi kéo dài tới cả năm mới có một số, bởi đã bận bao việc tôi vừa kể trên lại thiếu bài vở một cách trầm trọng. Nếu tình trạng ấy mà xảy ra bây giờ thì tòa soạn đói to, lại bị cấp trên kỷ luật nữa. May sao ngày ấy cấp trên đã chẳng khiển trách lại còn cấp cho chút ít lương thực, thực phẩm, chúng tôi lại tự sản xuất nên rau sắn nuôi nhau qua ngày.
Theo tôi nghĩ, một tờ tạp chí văn nghệ dù thời chiến hay thời bình đều phải có nhiều bài vở hay, tốt hoặc đáng đọc. Có thế mới phát hành được, mới có người đọc, tạp chí mới “sống” dài dài. Bài vở tốt ở đâu ra? Đó là bài vở của đông đảo cộng tác viên xa gần gởi đến. Nhưng lúc ấy chúng tôi lại rất ít cộng tác viên. Chủ yếu là anh chị em trong cơ quan, anh chị em làm báo chí và yêu văn nghệ quanh quanh Khu và các tỉnh. Anh chị em ở các tỉnh lại gởi bài rất ít bởi họ cũng rất bận, thư bài qua lại thường thất lạc vì địch hay đánh phá các trạm, các đường giao liên, nhiều chiến sĩ giao liên ngã xuống vẫn còn ôm bao hàng (thư, công văn, bài vở) máu thấm loang đỏ. Mà cộng tác viên các tỉnh gởi đến chủ yếu là thơ. Cũng phải nói thực lòng, ngoài những anh chị em sáng tác, thơ của các cộng tác viên khác thường hô hào chung chung khó mà sử dụng được. Những bài “đinh” cho các số tạp chí lại càng khó. Đó là những bài tốt phục vụ cho các ngày truyền thống, các ngày lễ lớn của đất nước, những phản ánh toàn diện và sâu sắc các chiến dịch, các công tác lớn của Khu. Vì vậy, những bài “đinh” của báo phải phân cho anh em trong tạp chí viết hoặc đặt bài cho các cộng tác viên quen biết ở quanh Khu. Nhưng hồi ấy, tạp chí chỉ có 4, 5 người lại phân nhau vừa đi công tác vừa ở nhà sản xuất nên viết được rất ít. Việc đặt bài cho các cộng tác viên “gạo cội” viết bài “đinh” còn khó hơn, bởi đây là Tạp chí văn nghệ, có đặc thù riêng của nó nên chỉ có thể đặt bài cho các nhà báo viết được ký văn học, mà số đó ở quanh Khu thì rất hiếm. Chúng tôi không thể đặt bài cho anh em sáng tác văn học các tỉnh vì họ ở xa, trong chiến tranh liên lạc nhau rất khó. Cuối cùng, vẫn anh em ở tạp chí và anh em bên Ban văn học Quân khu trằn lưng ra viết các bài “đinh”. Tôi nhớ, bên Quân khu có các anh Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, còn bên này có Chu Cẩm Phong, Dương Hương Ly là chủ lực, gánh vác công việc này. Mặt khác, muốn cho tờ tạp chí văn nghệ địa phương phong phú thì phải có nhiều văn xuôi (ký, truyện, ghi chép) và các bài về văn hóa, văn nghệ địa phương. Trong khi đó, bản thảo về các loại này rất thiếu. Anh em trong tạp chí phải huy động mọi vốn liếng, chống chọi với cơn đói kinh niên bởi lúc này chúng tôi không có gạo, sắn, bắp, chỉ ăn thân cây dớn, để mỗi người cày 2, 3 cái văn xuôi hoặc bài phê bình, giới thiệu cho một số báo, ký 2, 3 bút danh mới lạ hoắc. Nhiều khi trong cơn đói, chúng tôi ngồi kể cho nhau nghe những món ăn đặc biệt ở quê mình, vừa kể vừa chắp chắp lưỡi, không ngờ, chính nhờ thế, anh em nảy ra ý giục nhau viết lại để có được những bài giới thiệu đặc sản quê hương. Bởi vậy, khi anh em trong cơ quan đi công tác, thường được các thủ trưởng dặn cố viết văn xuôi (đặc biệt cho anh em làm thơ) và thu thập được nhiều bài về tình hình hoạt động cũng như phê bình, giới thiệu văn hóa văn nghệ các địa phương nơi mình đến.
Vào tháng 9-1970, tôi được đi thực tế lần đầu tiên xuống đồng bằng Quảng Ngãi. Trước khi đi, nhà thơ Hải Lê (Vương Linh), thư ký tòa soạn căn dặn:
- Lâu nay Quế chưa đi thực tế, chỉ lo sản xuất nên mới viết được thơ thôi. Nay đi thực tế phải viết văn xuôi. Tạp chí mình thiếu văn xuôi quá. Coi thử Hoài Hà, Nguyễn Trung Hiếu, Vũ Hải Đoàn (anh em sáng tác văn học ở Quảng Ngãi) có văn xuôi, nhất là ký thì cầm về luôn.
Nghe anh dặn, tôi cực kỳ lo vì hồi giờ tôi chưa hề cầm bút viết văn xuôi. Xuống tới căn cứ Quảng Ngãi, tôi đến Đoàn văn công Quảng Ngãi nắm tình hình hoạt động, viết một cái tin dài dài gởi theo giao liên về tạp chí rồi lao xuống xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) bu vào nghe anh chị em du kích kể chuyện chiến đấu mong viết được một cái bút ký. Nhưng mải chẳng làm sao viết được. Một mặt là chưa nắm vững kỹ thuật viết thể loại ký, mặt khác chưa viết lần nào nên chưa có kinh nghiệm gì. Một hôm, có một cán bộ xã kể cho tôi nghe chuyện một cô gái có mưu trí đánh lừa giặc để cứu một chiếc ghe chở gạo của đoàn vận tải Khu. Chuyện hay quá. Tôi suy nghĩ mãi vẫn không viết được ký, đành quay sang định viết thử một cái “Người tốt việc tốt”. Tôi nhớ dạo đó cấp trên hay vận động anh em báo chí, văn nghệ viết “Người tốt việc tốt” theo ý kiến của Bác Hồ. Tờ tạp chí Tác phẩm mới và báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vẫn đăng “Người tốt việc tốt” của các nhà văn có tên tuổi. Thế là tôi viết “Người tốt việc tốt”. Không ngờ bài ấy được nhà thơ Hải Lê và anh em tạp chí khen là viết gọn, xúc động, có vấn đề.
Cũng trên đà ấy, cuối năm 1971, trước khi tôi đi công tác ở Phú Yên, nhà thơ Hải Lê lại nhắc tôi viết văn xuôi. Phải nói rằng, sau chuyến đi công tác ở Quảng Ngãi về, cơ quan được Ban văn học miền Nam (ở miền Bắc) gởi cho một thùng sách, tôi vội ngấu nghiến những tập bút ký: Những người đi chiến đấu của nhiều tác giả, Truyện và Ký của Nguyễn Thi, Anh Đức… nên cũng nắm được chút ít về cách viết ký. Lần này về quê hương, tôi cố gắng đi thực tế ở vùng sâu, hỏi chuyện, ghi chép, lấy tư liệu. Ở xã An Chấn quê tôi, tôi gặp những em bé chăn bò được Cấp ủy tổ chức vào du kích mật. Với bản tính hồn nhiên và ngộ nghĩnh của con trẻ, các em như con thoi chạy giấy tờ liên lạc cho xã, lừa bọn lính ngụy và Nam Hàn để lấy súng đạn cung cấp cho anh chị du kích, mưu trí và dũng cảm diệt bọn ác ôn. Các em ngồi trên những tảng đá giữa lòng suối cạn, tay quất quất roi bò, kể cho tôi nghe những câu chuyện tưởng như những trò chơi vậy. Và tôi đã xúc động, viết một mạch bút ký “Những em bé chăn bò Nhạn Phú” như có ai đó đọc cho tôi chép. Từ Phú Yên tôi gởi bài về tạp chí bằng Điện-minh-ngữ. Một tuần sau, tôi nhận được ý kiến của anh Hải Lê: “Bút ký sinh động, khá lắm, viết nữa đi”. Thế là tôi lao vào viết tiếp bút ký “Những xóm làng đồng nước”, lại được anh em bảo: “Được!”. Vậy là từ đây, bên cạnh việc làm thơ tôi viết cả văn xuôi.
Từ cuối năm 1971 về sau, tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ đã có thêm khoảng 10 anh chị em sáng tác văn học, đều là học viên khóa IV, Hội Nhà văn Việt Nam bổ sung cho chiến trường Khu V. Đã có lực lượng rồi, để cho tờ tạp chí phong phú về các mảng đề tài như chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phá khu dồn, diệt ác, trụ bám ở đồng bằng cũng như việc sản xuất và phục vụ chiến đấu của đồng bào các dân tộc miền núi, các anh lãnh đạo tạp chí cử anh chị em đi theo các chiến dịch, các địa phương. Tôi nhớ lúc ấy, các anh Nguyễn Khắc Phục, Nay Nô, Hoàng Hởi đi chiến dịch Công Tum; Hà Phan Thiết, Bùi Thị Chiến, Từ Quốc Hoài đi chiến dịch Bắc Bình Định; Trần Vũ Mai đi Khánh Hòa; tôi đi Phú Yên; Đỗ Văn Đông, Nguyễn Bá Thâm, Hoàng Minh Nhân đi Quảng Nam, Quảng Đà; Nguyễn Đức Hạt, Phan Nghĩa An đi Đức Phổ (Quảng Ngãi)… Do vậy, bài vở cho tạp chí được phong phú hơn về đề tài các mặt hoạt động ở Khu và các tỉnh. Tạp chí cũng ra đều kỳ hơn, cứ 3 tháng một số. Một lực lượng biên tập ở nhà cũng hùng hậu hơn, các anh Hải Lê, Cao Duy Thảo, Dương Hương Ly, Ngô Thế Oanh…thay phiên nhau vừa biên tập vừa “gánh vác” những bài phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước, phù hợp với hoạt động của chiến trường, như các ngày thành lập Đảng, sinh nhật Bác 19-5, Quốc khánh 2-9, Ngày Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời 20-12…
Sau ngày Hiệp định Pari được ký kết, một số anh lãnh đạo Hội Văn nghệ giải phóng Khu V và tạp chí ra Bắc chữa bệnh, nhà văn Nguyễn Chí Trung phụ trách cả 2 tạp chí văn nghệ ở Khu: Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ và tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ. Nhà văn Nguyễn Chí Trung đem hòa lực lượng phóng viên, biên tập 2 tạp chí lại với nhau và phân chia anh chị em đi theo các đề tài và sở trường của từng người. Khi chúng tôi viết xong bài, anh Trung tập hợp tất cả lại rồi đem chia theo đề tài cho cả 2 tạp chí, bên Quân giải phóng có nặng về đề tài quân sự hơn một tí, bên này nặng về đề tài “dân chính” hơn một tí. Vì thế từng tạp chí lại càng phong phú hơn, bổ sung cho nhau, cùng nâng cao chất lượng cho cả hai tạp chí.
Để có bài gấp, phục vụ kịp thời cho phong trào, nhà văn Nguyễn Chí Trung còn phân công cho một số anh em có khả năng viết nhanh và tốt, đi xuống cơ sở một thời gian ngắn, hoàn thành bài mang về cho tạp chí. Tôi nhớ vào tháng 4-1974, anh Nguyễn Chí Trung bảo tôi:
- Tạp chí cần gấp một bài viết về diệt ác, mở mãng. Vừa qua du kích Xuyên Hòa (nay là Duy Hòa, Duy Xuyên, QuảngNam) đã diệt tên ác ôn Văn Công Thạnh, do đó mở được cả khu Tây Duy Xuyên. Nội trong 15 ngày, Quế phải xuống Xuyên Hòa lấy tài liệu và viết xong bài cho tạp chí. Tạp chí làm xong rồi, chúng mình chỉ chờ bài cậu thôi.
Thế là tôi sang Ban Tuyên huấn Khu lãnh mấy ngày gạo và lên đường. Thường thì từ cơ quan (lúc đó ở cầu Bà Huỳnh, Hiệp Đức, QuảngNam) theo đường giao liên xuống tới Ban Tuyên huấn Quảng Đà phải mất 2 ngày, từ đấy xuống Xuyên Hòa mất thêm một ngày nữa. Để rút ngắn thời gian, tôi đi tự do. Ngày đầu chỉ tới 8 giờ đêm là tôi đến Ban Tuyên huấn Quảng Đà, hôm sau đi nửa buổi là tới Xuyên Hòa. Đến nơi, báo cáo công việc cho xã xong, tôi lao đến đội du kích hỏi chuyện ngay. Hai ngày sau, tôi mua mấy cân gạo ở trong dân, quay lên căn cứ tỉnh Quảng Đà, tìm một khóm rừng gần Ban Tuyên huấn có ít người qua lại, căng tăng, mắc võng, nấu một hăng gô cơm cho cả ngày, sẽ ăn với muối hầm, ngồi trên dép, kê giấy lên một tảng đá tương đối bằng mà viết. Chỉ 2 ngày sau tôi viết xong. Tôi đọc lại, sửa chữa và chép lại một ngày nữa rồi vù về cơ quan nộp bài cho tạp chí. Kể ra đâu chỉ mất có 8 ngày. Bài ký có tên là “Mảnh đất không mất” được nhà văn Nguyễn Chí Trung khen là xúc động.
Một số bạn tôi cũng được phân công viết như vậy: Thái Bá Lợi viết về đội phẫu vùng đông Thăng Bình (QuảngNam) tại vùng Đông Thăng Bình rồi mang về. Nguyễn Hồng viết ký “Đêm Cao Điểm” ở Gia Lai. Trần Vũ Mai viết về Cam Ranh ở căn cứ Khánh Hòa. Nguyễn Bá Thâm viết về trận Trùm Giao ở ngay tại Điện Bàn. Dương Hương Ly, Nguyễn Bảo viết về trận Thượng Đức ở Đại Lộc…
Do bài vở ngày càng phong phú nên càng về cuối cuộc chiến tranh (1973-1975) tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ (cả tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ) ra đều kỳ hơn, cứ 2 tháng 1 số.
Tuy nhiên, tạp chí của chúng tôi vẫn còn nhiều gian truân lắm. Có nhiều khi bài vở đã đầy đủ rồi nhưng lại xảy ra những việc đột xuất, không lường trước được nên tạp chí ra chậm tiến độ, hoặc có số không ra được. Tôi nhớ vào khoảng tháng 4 năm 1971, khi đã hoàn tất bài vở, nhà thơ Dương Hương Ly cầm bản thảo lội đèo vượt suối đi 2 ngày đường đến chỗ nhà văn Nguyên Ngọc, chủ nhiệm tạp chí để duyệt. Nào ngờ, vừa đến nơi, nhà thơ gặp trận càn lớn của địch vào căn cứ của Khu nên dù bài vở đã duyệt xong vẫn không quay về cơ quan được. Khoảng tháng 9, khi địch rút, nhà thơ mang bản thảo về, tòa soạn phải bỏ số báo vì tính thời sự, chỉ dùng lại một số thơ truyện cho số sau. Lần nữa, vào năm 1973, khi chúng tôi đã chuẩn bị xong bài vở, đưa qua nhà in thì nhà in lại đang di chuyển theo lệnh của Khu nên phải mất mấy tháng sau mới in được. Đấy là báo tôi còn may. Nhiều tờ báo khác ở chiến trường gặp những bất trắc có khi mất cả những số báo, không ra được. Có một lần vào năm 1967, đồng chí thư ký tòa soạn báo Phú Yên đưa bài đi in, gặp địch phục, chúng bắn chết đồng chí và cướp bản thảo số báo. Vào đầu năm 1970, một nữ nhà báo ở Quảng Ngãi đưa bài đi in khi qua suối đã bị một con lũ cuốn trôi… Làm sao kể hết được những chuyện bất trắc và đau lòng như thế. Cái chính là, sau những khó khăn, trở ngại, bất trắc và những hy sinh đó, những tờ báo ở vùng giải phóng Khu V, trong đó có tờ tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ của chúng tôi vẫn lặng lẽ ra đời, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Khu V vững bước trên con đường kháng chiến để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đ.S.V