Chùm truyện ngắn của Nguyễn Thị Như Thắm

07.07.2016

Trại sáng tác Văn học, Mỹ thuật thiếu nhi 2016 do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức từ ngày 14/6 đến ngày 30/6/2016, có 45 em tham gia gồm 23 em có năng khiếu văn, thơ và 22 em có năng khiếu hội họa với 63 truyện ngắn, tản văn, thơ và 89 bức tranh.

Ban Tổ chức đã chọn trao 02 giải Nhất, 02 giải Nhì và 06 giải Ba cho các sáng tác đạt chất lượng tốt.
Vannghedanang.org.vn giới thiệu truyện ngắn Bỏ nghề và Hạt cảm xúc của Nguyễn Thị Như Thắm (Lớp 8/5, Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh), đạt giải Ba của Trại.

Chùm truyện ngắn của Nguyễn Thị Như Thắm

 

BỎ NGHỀ

 

     - Này, anh bạn, quyết định xong xuôi cả rồi chứ?

     Không ngoài dự đoán của tôi, Phong đang bước vào. Tôi đã nghe câu hỏi ấy suốt cả tuần nay. Nhưng sao… khó trả lời quá…

     Tôi đã từng rất hãnh diện mỗi khi nhắc đến nghề nghiệp của mình, về cái làng chiếu Cẩm Nê tiếng tăm vang lừng. Gia đình tôi vốn có truyền thống làm chiếu từ lâu đời. Và dệt chiếu đã trở thành nguồn sống, là thú vui tao nhã cho cả nhà tôi.

     Thế nhưng, cuộc sống có muôn vàn biến đổi. Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, những tấm chiếu bỗng trở nên tụt hậu. So với nệm, chiếu có lẽ kém xa. Người ta chuộng nằm nệm hẳn cũng vì lẽ ấy. Những cái chiếu chúng tôi làm ra do đó mà không tìm được đầu ra suôn sẻ. Hàng làm ra nhiều mà tồn đọng cũng nhiều, việc sản xuất gần như đình trệ. Điều mà chúng tôi lo ngại nhất lúc bấy giờ chính là làm sao để tiêu thụ hết số hàng làm ra, và chẳng ai còn muốn dệt thêm nữa…

     Và, bây giờ, tôi đang đứng trước hai sự lựa chọn: một là chuyển sang nghề mới, hai là vẫn làm chiếu. Có lẽ đây là bài toán khó khăn nhất trong đời tôi. Tôi yêu dệt chiếu như ông cha tôi đã từng yêu nó. Mấy mươi năm gắn bó, chẳng lẽ tôi nỡ lòng nào chối từ một công việc mà tôi từng gọi là “ước mơ”? Nhưng nếu vẫn giữ khư khư cái nghề ấy, liệu mẹ tôi – người đang phải chịu biết bao cơn đau vì ung thư, người tôi yêu nhất trên đời – có qua nổi căn bạo bệnh?

     Phong vẫn đang hồi hộp chờ câu trả lời từ tôi. Tôi nhìn cậu một hồi lâu, muốn nói mà như có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Tôi muốn nói với Phong, rằng tôi nghe tiếng mẹ ho lụ khụ trong phòng, rằng tôi nghe nhịp tim mình thổn thức, rằng tôi chấp nhận từ bỏ nghề dệt chiếu mà mình đã từng ước mơ. Nuốt một cái gì đó ở cổ, tôi nghẹn ngào:

     - Cậu lo việc phá bỏ xưởng dệt đi nhé! Ngày mốt, khoảnh đất ấy tôi sẽ sang tên cho ông Tư. Ông ấy bảo tôi muốn mua nó mấy tuần nay rồi.

     …

     Ngày xưa, đã có lần cô giáo bảo học sinh chúng tôi viết về tuổi thơ của mình. Tôi vẫn còn nhớ tôi đã viết gì vào tờ giấy kiểm tra ngày hôm ấy:

     “Tuổi thơ của tôi là những lần học lỏm bí quyết dệt chiếu của ba tôi, là những lần lén lấy trộm cói của ba, lén dệt một cái chiếu với những kỹ năng vụng về, là những lần xem ba phơi cói rồi nhuộm màu… Tuổi thơ của tôi, không chỉ có rặng tre xanh bát ngát, không chỉ có cánh đồng lúa xanh màu mạ mới, mà còn phủ đầy màu sắc của những bó cói khô. Tuổi thơ của tôi, vẫn hằn sâu khát vọng: “Tôi sẽ là một người thợ dệt chiếu lão thành”.”

     …

     Bây giờ, tôi nằm đây và nghĩ ngợi. Nằm trên chính chiếc chiếu hoàn hảo đầu tiên mà tôi làm được. Tôi nghĩ về hồi mình còn bé, nghĩ về cả những chuyện ở tương lai.

     Ngày mai, tôi không còn là một người thợ dệt chiếu.

 

 

 

HẠT CẢM XÚC

 

     Mẹ thường bảo tôi, mỗi người có rất nhiều hạt cảm xúc. Đôi khi tôi băn khoăn: “Hạt cảm xúc là hạt gì?” nhưng mẹ chỉ mỉm cười: “Có hạt là vàng, có hạt là nhọ nồi con ạ”. Tôi lại hỏi: “Làm sao để phân biệt chúng?”, mẹ lắc đầu bí ẩn: “Đó là nhiệm vụ của trái tim con”.

     Hôm nọ, mẹ mang về tặng tôi hai hũ thủy tinh. Trong mỗi hũ có mười hạt nho nhỏ. Nhưng các hạt trong hũ màu vàng có màu vàng tươi, còn số nằm trong hũ màu tím kia lại mang màu tím sẫm. Tôi hỏi mẹ lý do mẹ tặng tôi hai hũ thủy tinh này, mẹ không trả lời mà chỉ bảo, hạt vàng là hạt của những cảm xúc vui, hạt tím là ngược lại; nếu tôi đem lại niềm vui cho người khác thì tôi sẽ lấy một hạt màu vàng ra khỏi hũ, nếu tôi khiến người khác buồn rầu hay trút giận lên họ thì tôi phải lấy một hạt màu tím ra. Mẹ bảo hai mẹ con sẽ chơi một trò chơi, nếu hũ màu vàng hết hạt trước hũ màu tím thì mẹ thắng và ngược lại. Thuở ấy còn bé, tôi nào có nghĩ ngợi gì nhiều. Mẹ nói gì lại làm nấy thôi.

     Có lần, tôi bị một đứa bạn xô ngã. Chẳng rõ là vô tình hay cố ý, nhưng cú ngã ấy khiến tôi ê ẩm hết cả người. Thế là tôi cứ rủa nó mãi, mặc cho nó thanh minh đủ điều. Về nhà, nhìn thấy cái hũ tím, tôi lấy một hạt tím ra. Đếm đi đếm lại, thấy hạt tím chỉ còn 9 mà hạt vàng vẫn còn 10, tôi chợt nảy ra một ý: “Tại sao mình không trút giận thật nhiều lên người khác để hạt tím nhanh hết?”. Nhưng rồi, buổi tối, tôi tá hỏa khi phát hiện số hạt vàng tự nhiên biến mất đi hai viên. Và kế hoạch trút giận lên người khác của tôi sụp đổ.

     Một hôm, trên đường về, tôi nhìn thấy cô bé hàng xóm đang đi bộ về nhà. Hỏi ra mới biết cô bé mới tan học, đợi mãi mà ba mẹ vẫn chưa đến đón nên đành đi bộ. Tự nhiên thấy thương thương, tôi chở cô bé về nhà. Cô bé vui lắm, cảm ơn tôi rối rít luôn. Nhưng tôi còn vui hơn cả thế. Về đến nhà, tôi chạy ngay vào phòng và lấy một hạt màu vàng ra khỏi hũ như lời mẹ đã dặn. Và thật bất ngờ, buổi tối hôm ấy, số hạt màu vàng trong hũ tự nhiên tăng lên thêm hai viên nữa. Vui quá đi! Cứ thế này tôi sẽ thắng mẹ thôi! Tôi tự nhủ, mình phải làm thêm nhiều việc tốt nữa mới được.

 

     …

 

     Trò chơi đó tôi đã thắng với thành tích ngoài mong đợi, và nó vẫn tiếp tục mãi đến khi tôi bận rộn với đống sách vở. Sau này, tôi mới biết, hạt vàng năm ấy chính là “hạt vàng”, và hạt tím ngày xưa chính là “hạt nhọ nồi” mà mẹ nói.

     Bây giờ tôi đã đủ lớn để hiểu ra mục đích của mẹ khi đặt ra trò chơi ấy. Mẹ muốn tôi làm thật nhiều việc tốt, và cũng muốn tôi nghiệm ra một điều rằng: Khi mình trút giận hay làm buồn lòng người khác một, ắt mình sẽ mất đi gấp đôi; nhưng khi mình khiến người khác vui một, ắt mình sẽ nhận lại được hơn cả thế.

 

 

N.T.N.T