Nhà văn - kỹ sư Lê Khôi: Trang sách cũng như cánh đồng

04.05.2021
Nguyễn Sông Hàn
BBT: Nhà văn Lê Khôi sinh ngày  21  tháng 5  năm 1928.  Quê quán tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; trú quán phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Do tuổi cao, sức yếu, nhà văn Lê Khôi qua đời năm 2018. Ông để lại một số tác phẩm đã được xuất bản như sau:  Cuộc phiêu lưu của kiến Fooc-Ru - NXB Đà Nẵng, 1994; Hồi sinh - NXB Đà Nẵng, 1998; Quê hương -  NXB Đà Nẵng, 2000; Sau đêm trăng hạ tuần là  bình minh - NXB Văn học, 2010; Chuyện tình duyên thời nhà Trần -  NXB Văn học, 2011; Còn trong ký ức -  NXB Văn học, 2012; Lưỡng Bộ Thượng Thư Trương Công Hy - NXB Văn học, 2013 Ngoài viết văn, ông còn viết kịch bản phim. Kịch bản phim Hồ Quý Ly từng đoạt Giải Nhất (năm 2005)

Nhà văn - kỹ sư Lê Khôi: Trang sách cũng như cánh đồng

 

Đương thời, nhà văn Lê Khôi quan niệm về công việc viết văn: “Văn chương là vườn hoa tư tưởng, đạo lý, trí thức. Người “trồau:ng hoa” phải có tâm hồn yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu nước, có một thời thiếu niên, thanh niên đọc nhiều sách, mới được văn thơ thấm đượm tâm hồn, mơ tưởng cầm bút bước theo các bậc nhà văn tiền bối.

Ngày nay không phải nhà văn chuyên nghiệp mới viết được tiểu thuyết; công nhân, nông dân, công chức, sinh viên thường xuyên đọc sách vẫn cảm thấy văn chương trỗi dậy trong tâm hồn. Tuy nhiên tiểu thuyết cần có nội dung thiết thực. Những sự kiện, biến cố xã hội đang hoặc đã xảy ra gây cảm xúc tâm hồn nhà văn thì nội dung tiểu thuyết mới là nguồn cảm hứng cho độc giả. Nếu đó là hư cấu, dù là cây bút thần thánh của nhà văn nào thì độc giả chỉ thấy nhàm chán. Vì vậy nhà văn phải sống với thực tế, tôn trọng lịch sử mới có nguồn cảm hứng khi cầm bút”.

Ban biên tập Trang Văn nghệ Đà Nẵng trân trọng giới thiệu bài viếtNhà văn - kỹ sư Lê Khôi: Trang sách cũng như cánh đồng” của Nguyễn Sông Hàn khắc họa một góc chân dung nhà văn Lê Khôi:

Sách của nhà văn Lê Khôi

 Năm 70 tuổi ông trở lại cầm bút viết văn rồi viết kịch bản phim lịch sử. Kỹ sư nông nghiệp Lê Khôi không ngờ là người rất có duyên với các giải thưởng văn học và các nhân vật lịch sử…

Sau các giải thưởng truyện ngắn do Tổng cục Chính trị và UBND Đà Nẵng trao tặng trước đó, năm 2005, ông được trao giải Nhì (không có giải nhất) cuộc thi viết kịch bản phim lịch sử do Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và UBND TP.Hà Nội trao cùng với số tiền 50 triệu đồng. Năm 83 tuổi, ông lại gây bất ngờ khi in cuốn sách mới: Lưỡng bộ thượng thư Trương Công Hy… một nhân vật xứ Quảng thời Tây Sơn.

 Học từ nhà tù đến công trường, đồng ruộng…

Kỹ sư Lê Khôi sinh năm 1928 tại Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn. Năm 1945, ông vừa học xong Diplôme chương trình Pháp thì tham gia phong trào Việt Minh cướp chính quyền ở Hội An và trở thành bí thư đoàn Thanh niên cứu quốc xã Cộng Hòa (nay là xã Điện Minh, huyện Điện Bàn). Năm 1948 ông bị Pháp bắt giam cấm cố tại nhà lao Côn Đảo và được trao trả tại Sầm Sơn sau hiệp định Genève.

Từ những năm 1975 đến cho đến năm 2000, trừ những năm sang Campuchia làm chuyên gia tại Battambang, hầu như nông dân tại 255 hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng không ai không biết đến ông với tư cách là một kỹ sư trồng trọt và bảo vệ thực vật tận tụy với nghề và bám sát đồng ruộng. Kể cả những lúc phụ trách những công việc quản lý, lãnh đạo, người ta cũng ít thấy ông ở bàn giấy.

Sau khi về hưu năm 61 tuổi, nhiều hợp tác xã nông nghiệp và hộ nông dân vẫn tìm đến ông để mời làm cố vấn cho việc gieo trồng và bảo vệ thực vật của họ. Trên sách báo, những bài viết hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp với những ví dụ cụ thể của ông hàng ngày đều đến với người nông dân xứ Quảng. Kỹ sư Lê Khôi cũng là nhân vật của nhiều bộ phim về nông thôn của nhiều nhà làm phim tư liệu, khoa học nổi tiếng.

Nhưng cuộc đời ông không phải là con đường bằng phẳng. Hết tù cấm cố bởi chính quyền Pháp, khi ra Bắc lại bị quy oan là phản động phải đi gánh đất, lao động nhiều năm từ các công trường, nông trường ở Bái Thượng, Bến Thủy, Quỳnh Lưu, Tây Hiếu… trước khi được minh oan và phục hồi đảng tịch vào năm 1958.

Từ khi được đi học rồi dạy đại học cho đến triển khai các công trình nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp ông dường như luôn bị chèn ép, thậm chí trù dập bởi tính thẳng thắn đấu tranh cho lẽ phải, không chịu luồn cúi trước cấp trên. Đối với Lê Khôi, học và đem cái học của mình phục vụ cho phát triển là mục tiêu suốt đời. Trong tù, ông trau dồi tiếng Pháp và học tiếp toán, hóa, sinh vật do các bạn tù trí thức của ông truyền lại. Khi kỹ sư nông nghiệp Lưu Văn Lê quê Gò Công vào nhà lao cấm cố, ông thọ giáo kỹ thuật trồng trọt và say mê nghề từ đó. Lúc lao động ở nông trường Tây Hiếu, ông học tiếp về kỹ thuật trồng cà phê và bảo vệ thực vật. Giáo sư Đường Hồng Dật dạy ông nhiều kinh nghiệm, kiến thức về bảo vệ thực vật, còn Viện sĩ Lương Định Của lại là người thầy lớn dìu dắt ông vào con đường nghiên cứu gen và lai tạo giống lúa. Ông kể năm đã gần bát tuần: “Nhờ hiểu biết ở cả hai lĩnh vực cộng với vốn ngoại ngữ nên mình nghiên cứu sâu hơn, và yêu nghề hơn”.

Nhưng càng yêu nghề thì phải càng vắng nhà luôn vì tiếng gọi của đồng ruộng. Điều ấy vợ con ông đều không muốn, dù biết “ông già vẫn còn ngứa ngáy tay chân không chịu được”!

 

Viết cho đỡ ngứa tay!

Chuyện văn chương đã có sẵn trong ông thời trẻ. Lúc ở tù, ông đã làm thơ, viết kịch thơ cho bạn tù diễn ngoài Côn Đảo. Trong hai năm làm chuyên gia ở Battambang văn chương lại thức dậy trong ông. Giao du với giới trí thức bạn, nghe họ kể nhiều chuyện cảm động những năm dưới chế độ Pôn Pốt, vào đọc ở các kho tư liệu khoa học về côn trùng ở Pnompenh do Pháp để lại, ông viết liền hai cuốn sách Hồi sinh (truyện ngắn) và Cuộc phiêu lưu của chú kiến Foo-ru (chuyện khoa học giả tưởng).

 Ông nói vui: “Viết rồi để đó. Nào ngờ khi vợ con không cho lội ruộng nữa, mình mới đem ra sửa và gửi in thì lại được giải thưởng. Và được hội nhà văn thành phố mời vô sinh hoạt như một nhà văn… trẻ!”. Bị kích thích bởi thành công ban đầu, Lê Khôi đem những ký ức của thời trẻ bên thành La Qua của dinh trấn Quảng Nam thời tiền khởi nghĩa và những chuyện cảm động khác về các bạn tù ở Côn Đảo viết tập truyện Quê hương hơn 200 trang. Lại được giải! Ngon trớn, ông nhảy sang nghiên cứu lịch sử và viết liền mấy ngàn trang kịch bản phim. “Nào ngờ khi đưa cho các nhà văn đi trước đọc, mấy ảnh lại động viên và gửi cho Cục Điện ảnh”.

Trong căn nhà ông đang ở tại khu tập thể Hòa Cường Đà Nẵng, “nhà văn trẻ” Lê Khôi đem ra khoe với chúng tôi những tập bản thảo dày cộm được đánh vi tính, đóng bìa cẩn thận. Ông nói: “Mình gắng sống lâu để viết cho xong những nhân vật yêu thích trong lịch sử Việt Nam. Nhiều chuyện trong sử ta rất lý thú nhưng ít được người ta chú tâm. Cứ nghĩ Vương Thông thời nhà Minh và Tôn Sĩ Nghị đời nhà Thanh là những tướng tài là thế, mang hàng vạn ngựa chiến xâm lược nước ta mà vẫn bị quân dân ta tiêu diệt. Vậy thì tướng ta phải tài giỏi mưu trí hơn chứ. Nhưng ta rất thiếu phim lịch sử để giáo dục các thế hệ về sau. Tuổi trẻ bây giờ cứ coi vua Càn Long như một minh quân nhưng không hiểu ông ta đã sai Tôn Sĩ Nghị sang xâm lược nước ta. Người ta xem phim và nhớ sử Tàu còn sử nước mình thì không rõ. Tôi viết về Nguyễn Trãi cũng vì nhiều chi tiết về ông và gia đình chưa được nhắc tới. Vì sao Nguyễn Anh Vũ, con trai của Nguyễn Trãi và bà Trần Thị Thái thoát khỏi vụ án vườn Lệ Chi và hậu duệ của bậc danh tài ấy sau này đóng vai trò gì trong xã hội cận đại? Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Lý Chiêu Hoàng, Ngọc Hân công chúa… là những nhân vật đặc biệt của lịch sử chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các công thần nhà Tây Sơn như ngài lưỡng bộ Thượng Thư Trương Công Hy hiện cũng ít tài liệu nói đến. Ông là vị quan thanh liêm, đỗ đạt dưới triều chúa Võ Vương, làm thầy dạy của ấu chúa Nguyễn Phúc Dương rồi được trọng dụng dưới triều Tây Sơn… Tôi nhờ mê sử, gần đây lại được bạn bè công tác trong ngành này giúp đỡ và tìm đọc một số gia phả nên đã sưu tầm được nhiều tư liệu bổ ích để viết các kịch bản văn học cho phim lịch sử. Sau này ai có dựng được phim không tôi không biết được, vì tùy thuộc nhiều thứ, nhưng việc yêu thích tôi vẫn làm. Chỉ mong có được sức khỏe!”.

Tôi biết tính ông Lê Khôi khi ông còn đương chức: Làm cho đến cùng những dự định của mình, miễn là có ích và không ngại chuyện thị phi. Ông cũng có một đức tính khác, là sự hiếu thảo. Mẹ ông mới mất ở tuổi gần 100. Lúc bà còn sống, dù bận việc tới đâu, hàng ngày ông vẫn ghé về nhà, ngôi nhà cổ ở thị trấn Vĩnh Điện, thổi cơm và chăm chuốt từng món ăn cho mẹ. Có lúc tôi thấy ông say mê đọc những bài thơ cổ cho mẹ nghe và phải đọc to vì tai bà đã điếc nặng. Chuyện làm nông nghiệp của ông thì như đã kể. Chuyện viết văn, làm kịch bản phim lịch sử của ông sẽ đến đâu, hay dở thế nào, còn phải có thời gian minh xét. Như lời ông tâm sự, đó cũng là công việc khó khăn vạn lần so với gieo trồng, cày cuốc trên đồng ruộng. Tôi viết về ông, chỉ vì yêu những tính cách đó ở ông, một nhân vật đương thời không phải dễ dàng gặp được.

(Theo http://baoquangnam.vn)