Nhà Nhiếp ảnh gia Lương Nghĩa Dũng và những bức ảnh sống mãi với thời gian
Qua thời gian sàng lọc, vai trò Người thư ký thời đại của nhiếp ảnh mang trong mình sức mạnh của sự thật, đương nhiên, sức mạnh của lịch sử càng được khẳng định. Đây là điều chúng ta có quyền tự hào về truyền thống Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.
Cuộc sống của con người trôi qua rất nhanh, người ta bị cuốn hút vào công việc hàng ngày, có lúc quên đi dĩ vãng, quên những sự tích phi thường, những con người anh hùng.
Nhưng có điều thú vị, khi xem lại ảnh, ví như cụm tác phẩm Những khoảnh khắc để lại của Lương Nghĩa Dũng là chúng ta nhận ra, nhớ lại, biết được cụ thể hơn, sâu sắc hơn về thời kỳ hào hùng chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
Đại đội 11 Quân giải phóng truy kích địch tại mặt trận đường 9, năm 1972. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng
Cách đây 10 năm (2006-2007), bức ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu của liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng và bức ảnh Đánh chiếm Đồn Cái Keo của Trần Bỉnh Khuool đã được Hội NSNAVN đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Chúng tôi hy vọng Nhiếp ảnh chiến tranh chống Mỹ cứu nước Việt Nam sẽ được khẳng định đúng vị trí của nó với hai cánh chim đầu đàn Trần Bỉnh Khuool trong Nam và Lương Nghĩa Dũng ngoài Bắc. Nhưng khi bỏ phiếu thì cả hai anh mỗi người chỉ thiếu một phiếu, thành thử không đạt. Lúc ấy, chúng tôi đành đề nghị chuyển cấp cho tác phẩm của hai tác giả này vào Giải thưởng Nhà nước. Vì hai anh đã hy sinh, không tự đăng ký, hoặc đề nghị gì được, mà hồ sơ do gia đình và Hội NSNAVN làm, nên Hội đồng đã nhất trí thông qua quyết định để tác phẩm của hai anh vào diện Giải thưởng Nhà nước. Thật đáng tiếc, chỉ thiếu một phiếu thôi, mà ta mất đi hai Giải thưởng cao nhất trong nhiếp ảnh. Tôi tự trách mình chuẩn bị chưa kỹ cho các anh. Điều này làm tôi day dứt và nuối tiếc mãi, đến hôm nay, sau 10 năm mới vơi đi một nửa. Một nửa nữa còn đau đáu về Trần Bỉnh Khuool, mà chúng tôi chưa làm được.
Để chọn tác phẩm đạt được Giải thưởng Hồ Chí Minh là việc làm công phu và rất khó. Hãy bỏ đi quan niệm “Xin, cho”, hãy quên đi sự “Thông cảm” hoặc mẹo “vận động” trong công việc này. Làm như vậy là coi thường giải thưởng, là hạ thấp Hội đồng, là xúc phạm tác giả, đặc biệt không xứng đáng đối với những người đã ngã xuống trên chiến trường. Họ ra trận không vì danh vọng, không vì giải thưởng nào cả, mà chỉ vì họ là một công dân yêu nước muốn ghi lại trung thực cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân ta, dù phải hy sinh tính mạng mình. Bởi vậy, phải tìm ra những ảnh đích đáng, phải để ảnh tự nói lên tất cả, tự nó gõ vào con tim và khối óc bạn đọc, và khi đứng vào giải thưởng nó phải lấp lánh như kim cương…
Tôi trao đổi với anh Lương Xuân Trường, con trai liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng về tinh thần này và hướng tìm kiếm tác phẩm của cha anh. Ngoài cuốn sách Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn của Lương Nghĩa Dũng, xuất bản năm 2012, cần chọn lại các ảnh nổi trội trong số hơn 2.200 ảnh của ông tại kho tư liệu Ban Ảnh TTXVN. Lúc ấy Lương Xuân Trường tìm được ảnh Chiến sĩ Quân Giải phóng gọi loa vận động quân đội Sài Gòn ra hàng tại mặt trận Đường 9. Hay quá, hình ảnh rất nhân văn. Nhưng ngay sau đó, Trường linh cảm thấy không ổn, vì ngờ rằng ảnh gọi loa ấy là của Vũ Tạo, ông Tạo lại là bố vợ Trường. Làm ẩu, thì Trường đều có tội với hai ông bố ở bên kia thế giới. Khớp lại các dữ liệu thì đúng có nhầm lẫn, đấy là ảnh của Vũ Tạo! Có sự lẫn lộn này là do hai ông Dũng và Tạo cùng đi chiến dịch Quảng Trị, cùng gửi phim ra, có thể lẫn lộn trong lúc tráng phim, in ảnh mẫu, hoặc khi dựng maket ở Hà Nội... Bởi vậy đã có trường hợp cán bộ tư liệu vào sổ đăng ký phim phải ghi tên cả hai tác giả cho một seri ảnh.
Vậy nên maket số 1 bị đổ. Phải làm maket 2, nhưng seri ảnh thứ hai này chưa nổi bật. Tôi sốt ruột, phải trực tiếp tới Phòng tư liệu ảnh cùng với Xuân Trường dò tìm một lần nữa. May thay, chúng tôi đã tìm ra bức ảnh Đánh chiếm cứ điểm 365. Ảnh mẫu cỡ 6 x 9 cm nhỏ, in quá đậm, đen kịt, mất hết chi tiết, trông thoáng qua thì bình thường như nhiều ảnh khác. Tuy nhiên, soi kính lúp nhìn kỹ, rồi phóng to lên, chỗ đen xịt ấy hiện lên mờ mờ như khói, mà đúng là khói đạn pháo còn đặc quánh chưa tan phủ kín lô cốt và thi thể người lính Sài Gòn nằm trước cửa hầm. Tôi giật mình, khâm phục sự lăn xả của anh, và như reo lên với anh: Anh Dũng ơi! Cái chốt của seri ảnh là đây rồi. Thế là bộ ảnh Những tấm ảnh để lại được hình thành. Nó là ảnh số 5, tột cùng bi tráng, tột cùng khốc liệt! Từ tấm ảnh chốt ấy, chúng tôi chọn lựa lại 4 ảnh tiêu biểu khác đẹp và nổi tiếng một thời. Nó tạo thành một tuyến thời gian được đánh dấu từ những năm đầu cầm máy cho đến những ngày cuối cùng của Lương Nghĩa Dũng tại mặt trận, và một tuyến không gian chuyển dịch từ Bắc vào Nam nơi dấu chân anh đã qua, và cũng là điểm dừng cuối cùng, nơi anh buông tay máy.
Nhớ lại những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, ảnh trên báo quá “hiền lành”, lính tráng, súng đạn đều nhẵn nhụi, sạch sẽ! Ban tuyên huấn Trung ương đặt câu hỏi: Ảnh chiến đấu của ta sao lại lạnh tanh thế? Việt Nam Thông tấn xã và các báo vào trận, dường như mở ra một cuộc thi đua chụp cho bằng được họng súng đang khạc đạn, tóe lửa, rồi săn lùng máy bay bốc cháy trên bầu trời, tìm kiếm máy bay rơi, và bắt sống giặc lái… Hàng chục nhà nhiếp ảnh ở Hà Nội, Hải Phòng như Lâm Hồng Long, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Mai Nam, Vũ Ba, Văn Bảo, Minh Trường, Minh Lộc, Hữu Thứ, Vũ Tín, Trịnh Hải, Vũ Hân, Bảo Hanh, Vũ Hanh, Đinh Quang Thành v.v.. trực chiến tại các trận địa cao xạ, họ chụp được khá nhiều ảnh lửa khói hào hùng. Nhưng thành công nhất là Vũ Tạo và Nghĩa Dũng. Năm 1966 Vũ Tạo chụp được bức ảnh bất hủ các chiến sĩ pháo cao xạ 37 ly đội mũ sắt đeo nùn rơm bình tĩnh nổ súng bắn máy bay Mỹ trong lúc hai quả bom nổ sát trận địa, bùn đất, khói bom bị bung lên, bốc cao ngùn ngụt. Đấy là trận đánh bảo vệ cầu Phủ Lạng Thương, Bắc Giang. Từ hình ảnh các chiến sĩ gan dạ, sừng sững trước bom đạn, Vũ Tạo đặt cho ảnh của mình cái tên ngắn gọn: Hiên ngang, bức ảnh này đã được giải A Hội Nhà báo Việt Nam năm 1967, và được Giải thưởng Nhà nước năm 2007 cùng với tác phẩm Đấu pháo ở Dốc Miếu của Lương Nghĩa Dũng. Nhưng “đặc tả” pháo 100 ly đánh máy bay Mỹ thì chỉ có ảnh Lương Nghĩa Dũng là đầu bảng. Bức ảnh này được chụp từ độ cao của đài quan trắc rada.Tại điểm cao này rất nguy hiểm, dễ “ăn” bom và tên lửa Mỹ, vì từ xa máy bay Mỹ đã phát hiện ra sóng rada của ta, lập tức chúng phóng tên lửa, và thả bom. Do ham góc đẹp gần như duy nhất này tại các trận địa cao xạ ở đồng bằng, nên Nghĩa Dũng đã nhiều lần bị tên lửa, hoặc bom hất xuống đất tới ngất xỉu.
Cụm tác phẩm đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh của Lương Nghĩa Dũng gồm 5 bức: Lửa vây máy bay Mỹ, Nữ pháo binh Ngư Thủy, Đưa xe tăng vào trận địa, Xốc tới, và Đánh chiếm cứ điểm 365. Đặc biệt, bức ảnh chốt của seri ảnh này là Đánh chiếm cứ điểm 365 chiều 30/3/1972, mở màn cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị, đại đội 1 tiểu đoàn Sơn Mỹ quân giải phóng Quảng Trị tiến đánh Cứ điểm 365, được pháo binh yểm trợ, sau 30 phút tấn công, vào 17 giờ 30 phút, Cứ điểm này đã bị tiêu diệt. Trận mở màn phải thắng, đấy là quyết tâm của bộ đội. Trận mở màn phải có ảnh, đấy là tâm nguyện của Lương Nghĩa Dũng, trước khi vào chiến dịch, nhà nhiếp ảnh đã đinh ninh như vậy. Do đó anh đề nghị với lãnh đạo chiến dịch cho mình bám sát mũi tấn công. Bởi vậy, khi ba chiến sĩ lao lên cửa lô cốt trong khói đạn mù mịt là anh đã lấy được khuôn hình chuẩn xác và bấm máy liền. Đây là thời điểm gay cấn nhất, trong bắn ra, ngoài bắn vào, mà thường ở ngoài trời trống hoác dễ ăn đạn hơn. Nó là thời điểm bất lợi nhất cho các chiến sĩ công đồn, cũng là thời điểm nguy hiểm nhất đối với phóng viên chụp ảnh. Bức ảnh thể hiện rõ nét sự dũng cảm tuyệt vời của người lính xung kích, đồng thời cũng nói lên sự quả cảm hết mình của người chụp ảnh. Nguy hiểm là vậy, mà Lương Nghĩa Dũng vẫn theo sát bộ đội đến ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị. Anh vẫn kịp gửi về Hà Nội những cuộn phim đánh chiếm thị xã Quảng Trị. Nhưng không hiểu, có chăng định mệnh khắc nghiệt, mà sau trận mở màn chiến dịch Quảng Trị, sau bức ảnh ấy tròn 2 tháng, thì nhà nhiếp ảnh xông xáo của chúng ta phải buông tay máy tại phía Nam huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị khi đi cùng đơn vị xe tăng truy kích địch.
Vậy là những băn khoăn, lo lắng của tôi đã được giải tỏa khi cụm tác phẩm của liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng có sự đồng thuận tuyệt đối của các cấp Hội đồng. Thì ra, những bức ảnh điển hình xuất sắc có giá trị trường tồn luôn được mọi thế hệ tôn vinh. Ảnh của ông đã giúp chúng ta không thể quên, mà tự thấy, tự cảm, tự hiểu những gì đã xảy ra trong chiến tranh. Đặc biệt đối với những người tuổi đời ít hơn tuổi bức ảnh, hoặc không sống trong bầu không khí của bức ảnh ra đời, nhưng hôm nay khi được xem ảnh họ đã rung cảm, nhận ra sự thật lịch sử và ý nghĩa xã hội sâu xa của nó. Tôi luôn nghĩ Lương Nghĩa Dũng vẫn đang kể chuyện chiến đấu và chiến thắng với chúng ta qua từng bức ảnh.
Chu Chí Thành
(Văn nghệ số 20/2017)