Bồ câu nhỏ bên giáo đường xưa - Vũ Ngọc Giao
Ngôi giáo đường nhỏ bé nằm khuất sau hàng me già. Đã mấy mươi năm vẫn lặng yên ở đó. Mỗi khi đi qua, chân tôi chậm lại. Tôi miên man nhớ ngày xưa...
Ngày đó tôi còn bé lắm, tôi sống cùng cha trong một căn nhà nhỏ. Cách khu vườn nhà tôi là một gia đình rất đông con. Tôi thích sang đó chơi. Là gia đình có đạo nên ngày Chủ Nhật, các chị nhà bên đó thường đến nhà thờ. Khi các chị đi, tôi lại về nhà thui thủi một mình. Một lần, thấy tôi buồn nên chị Cả sang xin bố cho tôi theo cùng.
Lần đầu đến nhà thờ, tôi thích lắm. Đó là một ngôi giáo đường nhỏ bé, nằm trong khu vườn có nhiều cội me già, bên ngoài nhà thờ ốp những phiến đá to. Tôi ngồi chơi trên ghế đá trong sân, chờ các chị học đàn.
Lần đầu đến một nơi lạ, tôi chẳng dám đi đâu, chỉ đưa mắt nhìn quanh. Ngôi giáo đường rêu phong, hàng me già rụng đầy lá vàng li ti trên lối đi, có một ngôi nhà nhỏ phía sau giáo đường, cửa đóng im ỉm...
Tôi ngồi như vậy rất lâu, từng cơn gió lạnh bắt đầu kéo về, rít bên tai tôi. Tôi co ro vì lạnh, chỉ mong sao chóng được về nhà. Bỗng một người đàn ông đến bên tôi. Ông mặc chiếc áo len dài tay màu xám, tóc đã có nhiều sợi bạc. Ông hỏi tôi sao lại ngồi đây, hỏi tôi tên gì, bao nhiêu tuổi. Nhìn ông thân thiện nên tôi vui vẻ trả lời. Ông ngồi trên ghế đá cùng tôi, rủ tôi xem đàn chim Bồ Câu đang ăn thóc trong sân. Ông dắt tôi vào ngồi nhà nhỏ cửa đóng im ỉm, ở đó có tủ sách và một cái bàn làm việc.
Ông để tôi ngồi trên một chiếc ghế rồi lấy lon sữa đặc pha cho tôi uống. Ít khi được đi đâu, nên tôi nhút nhát, vậy mà với ông tôi lại dạn dĩ. Tôi ngồi chơi với ông cho đến khi các chị đi tìm. Lúc ra về, ông cúi xuống bảo tôi “Lần sau nhớ đến chơi với Cha!”
Từ đó, tôi hay theo các chị đến nhà thờ, xem các chị đàn, sinh hoạt. Lần nào tôi cũng chạy chỗ ông ở. Cũng có khi cửa đóng im ỉm vì ông bận đâu đó, tôi lại đứng xem đàn chim Bồ Câu gừ gừ, phành phạch vỗ cánh trở về.
Mỗi khi tôi đến, ông luôn cho tôi ngồi trên chiếc ghế quen thuộc, lưng tựa vào tường rồi đi pha sữa cho tôi. Ông có vẻ thích làm việc này, có lẽ ông nghĩ tôi bị còi xương. Bao giờ cũng vậy, ly sữa nóng sôi nên tự tay ông cầm cho tôi uống từng ngụm, đến chừng đã nguội, ông bảo tôi phải tự cầm uống. Khi tôi ngán, ông lấy thìa đút cho tôi đến khi hết thì thôi. Những lúc như vậy, tôi tranh thủ quan sát ông. Nhìn gần, trông ông càng ấm áp, hiền lành.
Khi đã thân với ông, thôi thì đủ thứ chuyện trên đời được tôi lôi ra kể say sưa. Nào chuyện con chó nhà hàng xóm chạy sang vườn cắn chết gà, bị bố tôi quẳng cây củi vào chân nên giờ phải đi cà nhắc. Nào chuyện con cóc cụ trong vườn già quá, đi không nổi nên lăn ra chết, làm tôi phải đào lỗ chôn, còn thắp hương cho nó nữa...
Năm đó tôi học lớp một. Tôi thường đi học một mình, không ai đưa đón cả. Từ nhà tôi đến trường phải đi ngang qua nhà thờ, nên lần nào có chuyện gì vui là tôi đi nhanh về, ghé sang phòng ông và kể. Bao giờ ông cũng nghe tôi, chăm chú, chứ không tỏ vẻ chán như bố tôi. Ông hay cười hích hích khi nghe tôi kể chuyện, đuôi mắt nheo lại, ấm áp, thân thương. Kể chán, tôi lại chạy loăng quăng trong phòng, sờ vào cái này, cái kia. Lần nào tôi cũng gây “tai họa”, khi thì làm vỡ bình nước, làm tủ sách ngã nhào, lúc thì phích nước sôi đổ lênh láng.
Lần nào ông cũng cặm cụi lau chùi, dọn dẹp, tuyệt nhiên không mắng tôi một lời. Ngày đó tôi rất dễ bị ho, mỗi khi thời tiết đang nóng chuyển qua lạnh là tôi ho, đang lạnh chuyển sang nóng, tôi cũng ho, mỗi đợt ho dai dẳng cả tháng. Mỗi lần tôi đến, thấy tôi ho, ông lại cặm cụi tìm đủ thứ cho tôi ngậm, nào mật ong, đường phèn, chanh...
Có lúc tôi cũng ngạc nhiên, sao ông thương tôi đến vậy? Dù không họ hàng gì với tôi cả. Một lần ông hỏi tôi “Nếu cho con điều ước, con ước gì nào?” Tôi trả lời ngay “Con ước một con búp bê biết nhắm mắt, mở mắt, tóc vàng, mặc váy hồng”. Tôi còn nói thêm rằng, bà ngoại tôi đang ở một nơi rất xa, xa nửa vòng trái đất hứa sẽ gửi về cho tôi một con búp bê như thế.
Một thời gian không lâu sau, bà gửi về cho tôi một con búp bê đẹp hơn tôi tưởng tượng. Người búp bê thơm nức, chân tay nó mềm như em bé thật. Đến chỗ ông, chưa kịp khoe, ông đã đặt vào tay tôi một con búp bê bằng nhựa, không biết nhắm mắt, tóc thì loe hoe. Tôi lắc đầu quầy quậy bảo“Con không thích, em này xấu quá, bà ngoại đã gửi về cho con một em búp bê rất đẹp!”
Mãi sau này, mỗi khi nhìn thấy những con búp bê xinh đẹp, tôi lại nhớ đến con búp bê “xấu xí” của ông. Tôi thấy thương ông vô hạn... Nhớ nhất lần ông cho tôi một chiếc bánh mì không. Ngày đó, bánh mì cũng hiếm hoi. Tôi ngồi co chân lên ghế ăn ngon lành, đến chừng chán, tôi quăng nó ra bàn. Ông nhẹ nhàng cầm mẩu bánh mì lên, dắt tôi ra chuồng chim Bồ Câu, ngắt bánh mì thành từng vụn nhỏ, rải xuống sân cho Bồ Câu trở về ăn. Ông còn dạy tôi biết quý trọng thức ăn, cho mình và cho người khác.
Cho đến giờ, tôi vẫn quen, không bao giờ đổ thức ăn thừa đi cả và tiết kiệm từng mẩu bánh mì không. Ông còn kể cho tôi nhiều điều, về lòng yêu thương, sự sẻ chia... Một lần tôi lấy quyển tranh trên giá xuống, trong đó có nhiều hình ảnh đẹp, tôi thích nhất hình vẽ một cô gái đang ngồi đánh đàn dưới giàn nho. Tôi xem đi xem lại, ông bảo với tôi rằng, đó là thánh nữ Xêxilia...
Một buổi trưa đi học về, hôm ấy lạnh, tôi đến chỗ ông. Từ xa tôi đã thấy ông ở hành lang. Ông dắt tôi vào, ông không cười, cũng không hỏi chuyện tôi như mọi lần. Ông mang ra một gói kẹo mềm cho vào cặp tôi, dặn tôi chỉ được ăn sau khi ăn cơm, dặn tôi phải mặc ấm, quàng khăn khi trời lạnh, dặn tôi phải ăn nhiều cho mau lớn... Ông dặn tôi bao nhiêu chuyện tôi chẳng thể nào nhớ hết. Lúc về, ông đưa tôi ra đến cổng. Hôm ấy tôi có mặc áo ấm, nhưng ông vẫn cởi chiếc áo len ông mặc, chiếc áo len mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông, rồi mặc vào cho tôi. Áo dài xuống quá đầu gối tôi, hai cánh tay áo thừa ra lủng lẳng như người bị cụt tay, trông buồn cười. Ông bật cười hích hích... Chiếc áo len đó, khi tôi lên lớp ba, gia đình tôi chuyển đến một nơi khác, một ngày tôi cuống cuồng lục tìm, mãi không ra...
Tôi đâu biết rằng đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông. Những lần sau đó, đi học về tôi lại ghé sang nhà thờ, đến căn phòng của ông, nhưng ông không còn ở đó, chỉ có một người đàn ông lạ mặt, lạnh lùng... Ông đã đến một nơi khác làm việc mà không nói với tôi, có lẽ ông sợ tôi buồn.
Từ đó, tôi không còn đến nhà thờ như trước nữa, nhưng trong lòng tôi đã ấp ủ một điều... mà mãi đến sau này, khi trưởng thành, có thể tự quyết định mọi chuyện cho cuộc đời của mình, tôi tự đến nhà thờ mà không cần ai, và tôi đã chọn thánh nữ ngồi chơi đàn dưới giàn nho làm bổn mạng cho mình, thánh nữ Cha tôi gọi là Xêxilia...
Đi qua cuộc đời, tôi có bao nhiêu nỗi vui thì cũng có chừng đó nỗi buồn. Nỗi vui thường đến một mình, còn nỗi buồn luôn có con Người rủ rê. Tôi đã gặp nhiều bậc chân tu. Tôi thấy nhiều người sống ở đây mà hồn đã gửi nơi khác, thấy nhiều người say mê kinh kệ, nhưng không ai như Cha tôi cả.
Đi qua Yêu Thương, tôi đã gặp nhiều người đàn ông trong đời, không ai trong số người tôi yêu thương mặc áo len dài tay khi trời lạnh. Vì sao? Tôi cũng không biết nữa... Và tôi tin vào Định Mệnh... Yêu Thương cho đi, theo cách riêng của mỗi người, cho đi mà không chờ nhận lại, thì Yêu Thương ở đâu đó, trong một ngăn rất sâu trong trái tim người…
V.N.G