Chuyện hai người bạn nghiện thuốc lá – Truyện ngắn Lưu Trùng Dương

11.06.2012
Lúc bấy giờ đã quá nửa đêm. Chính ủy Trung đang ngủ chập chờn bỗng giật mình thức giấc vì một tiếng động rất khẽ. Trung nhìn qua chiếc võng treo gần đấy: Không thấy Thành đâu cả (Đơn vị vừa mới đến đóng quân trong nhà dân buổi chiều hôm đó - hai người bạn treo võng nằm gần nhau). Trung nghiêng đầu nhìn xuống dưới gầm chiếc giường tre kê ở góc nhà, thì thấy Thành đang dùng cả hai tay, hai chân bò sát đất, sục sạo, tìm kiếm một vật gì đó. Chiếc bật lửa trên tay cứ kêu xẹt...xẹt... liên tiếp, và những tia lửa cứ chớp chớp liên hồi. Đúng là điệu bộ của một người đang mò tìm một bảo vật mà mình vừa vô ý đánh rơi.

Chuyện hai người bạn nghiện thuốc lá – Truyện ngắn Lưu Trùng Dương

- Anh làm chi ở dưới gầm giường đó, hở anh Thành? - Trung hỏi nhỏ không dám nói to, sợ ông cụ chủ nhà nghe tiếng.

Thành giật mình, ngoảnh lại, - rồi chẳng nói chẳng rằng, cứ thế bò ra khỏi gậm giường. Khi đã ngồi yên trên võng, - Thành mới nói với giọng của người có lỗi:

- Thuốc hết trơn, không còn một điếu. Muốn tìm thử... may ra có cái tàn thuốc nào không. Mỏi lưng cả buổi, tìm miết mới được một mẩu nhỏ xíu này đây. Mà ngó bộ nó dơ quá, chắc không dám vấn lại để hít vài hơi cho đỡ ghiền…

Nghe giọng nói buồn buồn tiếc rẻ của Thành - Trung phải mím môi cố nén một tiếng cười. Trung lắc đầu, chỉ cái tàn thuốc đen xỉn, nằm kẹp giữa 2 ngón tay của bạn: - Trời ơi, trông nó giống như một con sâu róm! Anh còn tiếc gì mà không vứt bỏ nó đi?...

Thành làm theo lời Trung một cách miễn cưỡng. Nhưng sau khi ném cái tàn thuốc ra sân, Thành không nằm lại với chiếc võng, anh bước ra sân, đi đi lại lại dưới bấu trời đầy sao, như đang miên man suy nghĩ một điều gì hệ trọng...

Đoán chừng là bạn mình vì thiếu khói thuốc nên không ngủ được. Trung lặng lẽ bước theo ra sân:

- Thôi, anh đừng tiếc cái tàn thuốc ấy nữa. Tôi đền bù cho anh điếu thuốc cuối cùng của tôi đây.

Người cán bộ chỉ huy đã đứng tuổi mở to đôi mắt mừng rỡ, giống như một đứa nhỏ nhà nghèo bỗng nhiên được anh nó dúi cho một chiếc kẹo ngon mà cậu bé đã thèm ăn từ lâu lắm. Trung kéo cái dây khóa áo bờ-lu-dông, thò mấy ngón tay vào tận đáy cái túi áo sơ mi bên trong, móc ra một điếu thuốc thẳng. Thấy người bạn đứng sững, nhìn đăm đăm không chớp mắt cái bảo vật trên tay mình, Trung đùa vui:

- Này anh thử hít mấy cái xem có thơm không, rồi thử sờ tay vào xem cái điếu thuốc này là chuyện có thật giữa đời, hay chỉ là chuyện giữa chiêm bao.

Suýt nữa thì Thành làm theo lời Trung, sờ tay vào điếu thuốc. Nhưng, anh đã kịp dừng lại, cố giữ vẻ bình thản:

- Thôi, anh cứ giữ lấy mà hút… anh cũng ghiền thuốc không kém gì tôi Với lại ai cũng biết điếu thuốc nào của anh cũng là... "điếu thuốc cuối cùng”.

Như vừa bị chạm vào một điểm yếu tế nhị, Trung hơi nóng mặt, vội cãi lại ngay.

- Anh có thể không tin, cho rằng tôi nói theo... thói quen. Nhưng, quả thật, điếu này là điếu cuối cùng. Dù vậy, tôi biết anh ghiền nặng hơn tôi… để anh hút…

- Tôi mà ghiền nặng hơn anh? Chưa chắc!

Đến đây, như vừa chợt nảy ra một sáng kiến. Thành nói nhanh :

- Cũng là dân ghiền nặng như nhau, vậy ta chia đôi điếu thuốc cuối cùng của ông là tốt nhất.

- Thôi, đừng bẻ đôi làm gì. Vừa mất công vừa lãng phí: dù sao, hai cái tàn thuốc cũng hao tốn thuốc hơn là một cái tàn thuốc.

Khi bắt đầu chia sẻ với nhau điếu thuốc cực kỳ quý hiếm ấy, Trung không quên "sự phân công chặt chẽ”, vốn là một nét sâu đậm trong tính cách của anh:

- Anh đang cơn ghiền, anh hút trước nửa điếu. Phần còn lại, đến lượt tôi.

Nói xong, không đợi Thành kịp có phản ứng gì, Trung bước nhanh ra sau vườn múc nước giếng rửa mặt. Lúc ấy, trời vẫn còn mờ tối, xóm làng vẫn ngủ yên. Chỉ nghe vọng lại từ cuối xóm một tiếng gà gáy lẻ loi. Và ở phía xa xa, nghe ầm ì vài tiếng súng lớn vu vơ, rời rạc.

Vậy là khuya hôm đó, trên đường hành quân di chuyển vùng căn cứ của sư đoàn, chính ủy Trung và sư trưởng Thành đã hút chung một điếu thuốc.

Sư đoàn Mười Một, một sư đoàn anh hùng, không chỉ nổi tiếng trong Quân khu, mà còn nổi tiếng ở khắp nước. Nhưng, có lẽ người chỉ huy sư đoàn cũng nổi tiếng không kém. Anh không chỉ nổi tiếng, vì trong quân đội ta số cán bộ cao cấp được tuyên dương anh hùng là khá hiếm hoi, mà còn vì nhiều nét cá tính rất độc đáo của anh

Điều dễ hiểu là khi biểu dương người sư - đoàn - trưởng anh hùng, các cơ quan thông tấn báo chí thường ca ngợi nơi anh lòng dũng cảm tuyệt vời, tinh thần quyết chiến quyết thắng, tài năng quân sự được phát triển rất sớm ... và các đức tính khác của một vị tướng, mà ít khi nói đến tính cách riêng của anh trong sinh hoạt hàng ngày. Trái lại, khi bình phẩm về người chỉ huy yêu mến của mình, cán bộ và chiến sĩ trong sư đoàn lại chỉ thích nói về cá tính và những thói quen hàng ngày của sư trưởng. Nghe chuyện họ nói, hình như sư trưởng của họ không hề có một tật xấu nào cả, mà chỉ có toàn tính tốt. Trong con người một anh hùng cũng có thói xấu chứ, có gì lạ đâu? Thế nhưng, trong con mắt nhìn và trong lời kể của cán bộ và chiến sĩ sư đoàn Mười Một, không ít thói xấu của sư trưởng đã trở thành những thói quen ngộ nghĩnh, vui vui, thậm chí đáng yêu. Hay nói theo cách nói của anh em là "rất ngon lành”, "rất dễ thương”.

Ví dụ như cái chuyện sư trưởng không thích xem văn công, hơn thế, còn sợ và xa lánh các cô nữ văn công, không dám trò chuyện hoặc làm quen với họ, chứ chưa nói gì đến việc dám nhận các cô văn công trẻ đẹp như tiên làm con nuôi hoặc làm em kết nghĩa, như một số cán bộ cùng lứa tuổi với anh (tức là lứa tuổi trên 40 mà chưa vợ). Nhiều người bào chữa cho sư trưởng: "Thế thì có gì là khuyết điểm? Vào những năm tháng đói cơm, lạt muối ấy, một buổi biểu diễn nghệ thuật giữa rừng sâu là cực kỳ quý hiếm. Sư trưởng tự nguyện làm trực ban tác chiến để nhường cho đồng đội, cho cán bộ dưới quyền được xem văn công, được thỏa lòng ước mong, khao khát... Có khi việc nhường nhịn món ăn tinh thần này còn khó hơn việc sư trưởng vẫn tự nguyện bớt khẩu phần của mình để nuôi thương binh nặng, để giúp cho Đoàn Văn công cám hơi, chống đói…” Những người khác lại phân tích theo tâm lý của chính họ: "Kể ra sư trưởng cũng có nhiều nhược điểm khi đứng trước phái đẹp: phần thì luống tuổi rồi mà vẫn là "lính phòng không”, phần thì vốn xuất thân con nhà nghèo, học hành chữ nghĩa không đến nơi đến chốn, ăn nói không được dịu dàng, văn hoa cho lắm, khi đứng trước ba quân ra lệnh "một là…hai là… ba là...”, giọng nói càng hùng hồn sang sảng, không cần mi-cờ-rô mà vẫn vang xa như sấm thì càng tốt, và khi đứng trước các cô tiên ấy mà lúng túng như ngậm hột thị là chuyện thường tình ta phải thông cảm. Chính vì dự phòng cái tình cảnh khó ăn khó nói ấy mà vị sư trưởng anh hùng phải sợ, phải xa lánh các cô tiên nữ văn công...”.

Mấy cán bộ ở gần sư trưởng hàng ngày thì lại giải thích với vẻ am hiểu, đánh giá sư trưởng đúng với tính cách của anh hơn: "Trời ơi! Mấy ông chưa nghe sư trưởng tâm sự với chính ủy à? Sư trưởng đã tuyên bố thẳng thừng: "Đánh giặc xong, tha hồ xem văn công! Đánh giặc xong, tôi mới cưới vợ!”. Thì ra, ông Thành chỉ muốn tập trung tư tưởng, tình cảm, tập trung mọi tinh lực, mọi thì giờ vào công việc đánh giặc. Giờ đây, khi bọn giặc đang buộc ta phải cầm súng, thì nỗi đam mê lớn nhất là đánh giặc, niềm vui lớn nhất là chiến thắng! Ông Thành muốn tranh thủ, tận dụng mọi khoảng thời gian để tìm tòi những phương án tác chiến hay nhất, những kế hoạch tấn công tài tình nhất. Đừng nói chuyện xem văn công, ngay cả những bữa ăn, những giấc ngủ, nếu có thể bỏ qua những thứ ấy để có thêm thì giờ tập trung cho chiến đấu và chiến thắng, thì sư trưởng của chúng ta sẵn sàng làm như vậy ngay...”

Đại lọai những lời nhận xét bình phẩm như thế xoay quanh tính nết của người cán bộ được đồng đội và chiến sĩ rất mực tin yêu ấy còn nhiều, không sao kể xiết. Ở đây, tôi chỉ có thể thuật lại với bạn đọc đôi điều về cái tật nghiện thuốc lá của anh. Sở dĩ tôi kể chuyện về cái thói quen thường được gọi là một thứ chứng bệnh ấy, vì nó cũng được phổ biến không kém gì những câu chuyện về tài đánh giặc và lòng dũng cảm của sư trường Thành. Vả chăng, mặc dù sư trưởng sư đoàn Mười Một rất nổi tiếng, câu chuyện rất thú vị ấy đến nay vẫn chưa được các nhà văn, nhà báo vốn rất nhạy cảm với những chuyện đời thường mà hấp dẫn, kể lại với bạn đọc.

Theo lời cán bộ và chiến sĩ sư đoàn Mười Một thì cả chính ủy và sư trưởng của họ đều xứng đáng được xếp vào hàng kiện tướng nghiện thuốc lá. Đã có lần họ cường điệu lên đôi chút, rằng: sư trưởng Thành hút thuốc không ngừng, nối điếu sau với điếu trước, ông ta không cần diêm và bật lửa là vì thế; còn chính ủy Trung thì có thể nhịn cơm chứ không thể nhịn thuốc. Các thứ thuốc bổ, đường, sữa, kẹo, bánh... thứ gì ông ta cũng sẵn sàng san sẻ với đồng đội, riêng thứ thuốc lá thì không. Anh em đặt ra câu chuyện tiếu lâm kể rằng ông ta để bao thuốc lá còn đầy một bên túi áo này, còn ở túi bên kia thì chỉ để có mỗi một điếu, khi móc thuốc ra hút trước đông người, bao giờ ông ta cũng nhắc lại câu nói mà người nghe đã thuộc lòng: "À, đây là điếu thuốc cuối cùng”. Lâu ngày rồi "Điếu thuốc cuối cùng” trở thành biệt hiệu của ông ta đấy. Nhiều anh em còn bảo rằng sở dĩ hai vị chỉ huy này rất thân nhau, làm việc với nhau rất tâm đầu ý hợp là vì họ quý nhau ở chỗ cùng nghiện nặng thuốc lá, đặc biệt, chính nhờ có mùi thuốc lá, khói thuốc lá, mà những buổi trao đổi ý kiến, bàn bạc tay đôi của họ càng đạt kết quả tốt, mùi thuốc lá càng nồng nặc bao nhiêu, khói thuốc lá càng đậm đặc bao nhiêu, thì ý kiến của hai vị chỉ huy càng dồi dào, sáng suốt bấy nhiêu. Các chiến sĩ liên - trung còn khoe với mọi người rằng thủ trưởng của họ rất tiết kiệm: cả hai vị thủ trưởng đều thích dùng các loại thuốc bình dân, rẻ tiền, như thuốc rê, thuốc xắt, hoặc vấn nguyên cả lá thuốc to hơn cả cái lá bàng mà hút. Ngay cả những lúc dễ mua, họ cũng không ham chuộng thuốc lá ngoại và các loại thuốc lá thơm, nói chung là không hợp với túi tiền của anh bộ đội Giải phóng. Mỗi lần chuẩn bị vào chiến dịch, nhất là những chiến dịch mở ra ở vùng dân cư thưa thớt, phần hành trang nặng nhất của hai cán bộ chỉ huy này chính là thuốc lá. Nói nặng nhất có lẽ không thật chính xác. Phải nói là cồng kềnh nhất thì đúng hơn. Vì những lá thuốc khô, hoặc những bao thuốc xắt, tuy không nặng bằng gạo, nhưng lại chiếm nhiều thể tích hơn gạo, đạn, sổ tay v…v... Anh em cán bộ ở phòng Tham mưu sư đoàn thường nói vui rằng: chỉ cần đem cân riêng từng cái ba lô đựng thuốc lá của sư trưởng và chính ủy, thì đã biết ai nghiện thuốc lá nặng hơn ai: - trong chiến dịch Đ.X., trọng lượng ba lô thuốc lá của sư trường Thành là trên 3 kg, trong khi đó, ba lô thuốc lá của chính ủy chỉ nặng dưới 2 kg. Đến chiến dịch X.H., trọng lượng tương xứng của hai cái ba lô nói trên là 4 kg và 3 kg.

Trên đường hành quân, các chiến sĩ thông tin, liên lạc thường mang hộ những thứ nặng nề, lỉnh kỉnh, phần vì chăm lo sức khỏe của người chỉ huy lớn tuổi hơn mình, phần vì nhận thấy trong hành trang của người chỉ huy có nhiều thứ thiết yếu mà người chiến sĩ không cần đến, như bản đồ, sổ tay, ống nhòm, đèn pin… Nhưng, hễ mỗi lần anh em chiến sĩ đề nghị với thủ trường để anh em mang hộ cái ba lô đựng thuốc lá đều bị nhẹ nhàng từ chối: "Yên chí, yên chí, có nặng gấp đôi tôi cũng mang được!”…

Nguyên nhân đích thực của lời từ chối từ phía chính ủy Trung thì anh em chiến sĩ hiểu ngay được. (Họ liên hệ với câu nói gần như quen miệng của người cán bộ: "Điếu thuốc cuối cùng”). Trường hợp sư trưởng Thành thì có khác. Trong thời kỳ việc tiêu thụ thuốc lá còn tính bằng số bao thuốc, điếu thuốc, những người công bằng đều thừa nhận rằng: quả thật, mỗi ngày sư trưởng chỉ hút hết vài bao thuốc, nhưng lại phải bỏ ra đến 5, 6 bao. Có thể nói trong mỗi cuộc họp, sư trưởng đều bỏ ra ít nhất là một bao thuốc lá, dù chỉ hút 1, 2 điếu. Mà ở chỉ huy sở, hội họp là chuyện hằng ngày. Khi thì họp giao ban, sau đó là họp Tham mưu, Tác chiến, khi khác lại họp Tăng gia - chống đói, khi khác nữa thì họp giải quyết một số việc khẩn cấp như: Lấy gì nuôi thương binh nặng, trong khi cả sư đoàn chỉ còn vài lon gạo ?... Dĩ nhiên là trong các buổi họp sư trưởng không thể hút thuốc lá một mình, mà ngoài các buổi họp khi làm việc với cán bộ dưới quyền, anh cũng không thể không mời anh em cùng hút, cũng như không thể nói "Đây là điếu thuốc cuối cùng” của tôi... Thế nhưng, sư trưởng tự mình biết rõ cái "chứng bệnh” mãn tính của mình. Dù sao cũng phải tính chuyện phòng xa, tránh cái tình cảnh oái oăm: nửa đường chiến dịch đã hết thuốc.

Về phần chính ủy Trung, đã bao nhiêu lần nhìn thấy cái số phận quá ngắn ngủi của những bao thuốc lá mà người bạn thân vừa mới đặt trên bàn đã nhanh chóng bốc hơi thành mây khói, anh không khỏi ái ngại cho bạn. Nhưng, biết làm sao được! Anh em thì thiếu thuốc, thèm thuốc đã lâu rồi. Còn ông bạn quý thì tính nết vốn vậy. Làm sao lo cho ông ta có đủ thuốc mà hút đây? Lỡ mai mốt không có thuốc lá thì liệu ông ta còn đánh giặc can trường, tài giỏi như từ trước đến giờ?...

Không dừng được, đã mấy lần Trung góp ý với Thành:

- Này, tôi thấy anh quá hào phóng đấy. Phải biết lo xa: tới hồi hết thuốc, mua không kịp, anh biết xin ở đâu?

Thành mỉm cười, nhấp nháy đôi mắt theo thói quen đã thành cá tật của anh: "Anh khỏi lo. Biết đâu khi gặp cái rủi hết thuốc, tìm không ra một điếu, lại chính là cái dịp may bỏ hút thuốc?...”

Trung mừng quá, ủng hộ luôn:

- Đúng, anh nói đúng! Tại sao ta không bỏ thuốc lá nhỉ? Dứt bỏ được cái món nợ trần ai này thật khỏe biết bao nhiêu!...

Thành lặng im không nói gì. Trong bụng anh chợt nảy ra một cái gì đó như là một sự ân hận: "Mình làm sao bỏ hút được? Lỡ nói bốc rồi, từ giờ ông này mà cứ trói chặt mình vô câu nói bốc phét là gay đấy!” - Thành nghĩ thầm.

Thành dự đoán và lo xa như thế quả thật không sai.

Tối hôm đó, khi hai người đã nằm trên võng, Trung mới nói với Thành, giọng chắc nịch (Trung vốn nổi tiếng là một chính ủy có giọng nói rắn rỏi, vang xa, đầy sức thuyết phục, y như là một thứ tài hùng biện bẩm sinh):

- Tôi nghĩ kỹ rồi, ta nên bỏ thuốc lá đi, anh Thành à. Vứt bỏ cái tật nhỏ ấy đi, ta có nhiều cái lợi lớn. Anh nghĩ sao?

Thành im lặng hồi lâu, có vẻ lúng túng không biết trả lời ra sao. (Ở con người anh, đây là một thái độ thật hiếm có). Chờ một lát, Trung mới nói tiếp:

- Nói vậy chớ việc đó tuy nhỏ mà đâu có dễ. Riêng phần tôi, tôi nhất quyết bỏ thuốc từ bữa nay. Phần anh thì tùy anh thôi. Vì anh ghiền nặng hơn tôi...

Lời nói đó, tuy chân tình, và mang sắc thái nhẹ nhàng, an ủi, nhưng Thành vẫn cảm thấy có ẩn chứa một sự thách thức rất trang nghiêm. Anh biết rõ tính tình người đồng đội gần gũi nhất của anh: rất quả quyết, rất tôn trọng lời hứa, đã nói là làm. Câu nói ví von "nói như đinh đóng cột” quả thật chưa hoàn toàn chính xác. Vì thực ra, người ta có thể nhổ một chiếc đinh ra khỏi cột. Chứ lời hứa của Trung thì tuyệt đối không thể rơi rụng, không thể chuyển dời. Thành nghĩ vậy. Và anh tự an ủi mình: "Cũng may là mình chưa hứa hẹn gì…”

Quả nhiên, từ bữa đó, câu nói "Điếu thuốc cuối cùng” của chính ủy Trung đã thành sự thật. Trước hết là ở sư đoàn bộ, tiếp sau đó chẳng bao lâu, ở khắp sư đoàn, cán bộ và chiến sĩ thường kháo chuyện: điếu thuốc cuối cùng đã chết hẳn, và không bao giờ còn có thể tái sinh như trước đây nó đã nhiều lần tái sinh. Anh em cán bộ và chiến sĩ còn truyền tụng câu chuyện rất đẹp giữa hai người bạn: Sau khi bỏ hút thuốc, chính ủy càng dồn sức "viện trợ không hoàn lại” tất cả các nguồn thu thuốc lá cho sư trưởng. Nhờ vậy, nếu cần, sư trưởng có thể tiêu thụ một khối lượng thuốc lá lớn hơn nhiều so với khối lượng thuốc lá mà anh đã thiêu đốt trước đây. Nhưng, sự đời thật oái oăm...

Sau khi Trung cai thuốc lá, cái vị nồng, cái mùi thơm, cái chất đậm hưng phấn của thuốc lá đối với Thành không còn giống như trước nữa. Có thể nói là cái chứng bệnh ghiền thuốc lá nơi Thành không hề suy giảm, trái lại, càng tăng lên, dữ dội hơn, gấp gáp hơn. Hình như do một sự linh cảm, một sự tiên đoán nào đó: sự xa lìa vĩnh viễn đối với thuốc lá là không tránh khỏi. Có thể thấy Thành hút thuốc lá nhiều không kém trước đây, hoặc có thể hút nhiều hơn trước phần nào, nhưng đồng đội đâu có biết cái khoái cảm do thuốc lá đem lại cho Thành đã giảm sút, từng ngày. Trước đây, khói thuốc lá làm cho anh thêm hào hứng, thanh thản. Bây giờ, khói thuốc lá đem lại một cái gì đó nặng nề, khó chịu. Khi hút thuốc trước mặt Trung, Thành cảm thấy không được thoải mái. Mà hút thuốc khi vắng mặt Trung thì anh lại cảm thấy không còn gì thích thú, thậm chí anh không yên lòng, cảm thấy một chừng nào đó sự xấu hổ của một kẻ ăn vụng…

Cho đến một hôm, vào thời điểm này, Trung đã bỏ thuốc lá được gần 3 tháng, giữa lúc hai người bạn đang ngồi bên nhau, trao đổi ý kiến để Trung viết bản báo cáo tổng kết chiến dịch của sư đoàn gửi lên Bộ Tư lệnh Quân khu, một chiến dịch thắng lớn chưa từng có của toàn Quân khu, bỗng có chuông điện thoại reo.

Chính ủy Trung cầm máy nghe. Nhìn vẻ mặt và nghe lời nói của Trung, cùng với những tiếng loáng thoáng nghe được từ đầu dây bên kia, Thành hiểu được phần lớn nội dung của cuộc điện đàm. Và Thành đã giật mình đứng dậy khi nghe đến đoạn dưới đây trong câu chuyện giữa Trung với người bên kia đầu dây (mà anh nhận biết là đồng chí Tư lệnh Quân khu):

- Báo cáo anh - giọng nói của Trung ngập ngừng, e ngại khác hẳn lúc thường - tổng số tiền thu được cùng với chiến lợi phẩm ở khu căn cứ của địch là 12.800.000 đồng tiền ngụy. Ngay hôm đó, sư đoàn đã báo cáo đủ con số ấy và nộp lên Quân khu tròn 12 triệu. Còn số tiền 800.000 đồng mà sư đoàn xin giữ lại đó, tôi xin phép chi vào hai khoản: khoản thứ nhất là 500.000 đồng, mua một con bò để tổ chức khao quân và liên hoan quân dân sau nhiều ngày kham khổ, thiếu thốn, khoản chi thứ hai, 300.000 đồng, dùng để.. để .. trả nợ tiền mua chịu thuốc lá của Bộ Tư lệnh sư đoàn trong mấy tháng qua...

Tiếng nói bên kia đầu dây:

- Đồng chí nói lại cho rõ: số tiền 300.000 đồng này dùng để làm gì?

- Dạ... để trả tiền mua chịu thuốc lá, cấp cho Bộ Tư lệnh sư đoàn trong mấy tháng qua.

- Sao? Hút gì mà hút nhiều dữ vậy? 300.000 đồng tiền thuốc lá! Các đồng chí ở sư đoàn có biết hiện giờ trong ngân quỹ toàn Liên khu không còn một đồng nào? Các đồng chí có biết số tiền chiến lợi phẩm vừa thu được, đối với toàn Liên khu trong những ngày này, quý biết chừng nào không?... Còn chiến lợi phẩm, dù là súng, gạo hay tiền... thực chất là gì? Là mồ hôi, nước mắt, là xương máu của bộ đội, của nhân dân. Đâu có phải của trời cho. Lại càng không phải là của kẻ thù cho không chúng ta..

Khuôn mặt Trung tái hẳn đi. Còn khuôn mặt Thành thì đỏ bừng lên như đang lên cơn sốt. Giây phút im lặng nặng nề tưởng như kéo dài rất lâu. Một lát sau, ở đầu dây bên kia, tiếng nói của Tư lệnh Quân khu mới cất lên, chậm rãi hơn và có giọng điệu buồn, khác hẳn thời khắc trước đó:

- Thôi, được. Bộ Tư lệnh Quân khu chấp thuận cả hai khoản chi đó của sư đoàn. Dù sao, sư đoàn vẫn phải ghi rõ ràng trong bản báo cáo tổng kết chiến dịch, phân tích ưu, khuyết điểm một cách đúng mức…

- Báo cáo: Rõ!

Trung đặt máy điện thoại, quay lại. Khi nhìn thấy rõ khuôn mặt người đồng đội, xuýt nữa thì Trung kêu lên thành tiếng vì thương bạn, lo cho sức khỏe của bạn: Trung thấy Thành đứng im như trời trồng, hai bàn tay tì vào mặt bàn đang nắm chặt, những đường gân xanh nổi rõ trên làn da xanh xạm vì sốt rét, trên trán, trên tay đều lấm tấm mồ hôi, mặc dù đang giữa những ngày mùa đông lạnh buốt.

Trung nhìn bạn, lo lắng. Thành ngoảnh nhìn đi nơi khác, lấy khăn lau mồ hôi trán. Họ đứng im như thế một hồi lâu. Mãi về sau, Thành mới ngoảnh lại nói với Trung, giọng buồn buồn:

- Lẽ ra anh phải báo cáo với Tư lệnh Quân khu rằng số tiền 300.000 đồng ấy là để trả nợ thuốc lá cho cá nhân tôi. Anh đã bỏ thuốc từ lâu rồi, sao anh lại báo cáo là trả nợ thuốc lá cho bộ Tư lệnh sư đoàn?

- Thực ra, anh có hút một mình đâu! Nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng hút thuốc với anh. Tôi nói đó là số tiền nợ của Bộ Tư lệnh sư đoàn không phải là không có lý. Với lại, cũng có mấy lần tôi mua chịu thuốc lá để biếu anh.

- Không đúng. Anh mua thuốc lá cho tôi bằng tiền của anh, chứ không phải bằng tiền của quỹ chung, cũng không phải bằng tiền trong kinh phí của sư đoàn. Chẳng qua anh muốn giảm nhẹ khuyết điểm của tôi. Nói thẳng ra là anh muốn bao che nâng đỡ cho tôi, bằng cách gánh chịu một phần trách nhiệm. Anh thương tôi, nhưng lại làm cho tôi thêm nặng tội: cái tội buộc anh phải nói dối.

Trung đâm ra lúng túng: - Anh Thành anh thông cảm cho tôi. Thôi, ta cho qua chuyện đó.

Đột nhiên, Thành nắm chặt lấy tay Trung:

- Không cho qua được đâu, anh Trung ạ. Nhưng, tôi muốn nói với anh điều này: Dù sao, anh hãy yên tâm, từ giờ phút này tôi bỏ hút thuốc lá. Tôi thật không ngờ một cái tật mình cho là nhỏ thôi lại có thể khiến cho mình phạm một cái lỗi không thể coi là nhỏ. Và cái lỗi ấy đã gây ra cho tôi một nỗi khổ tâm, ân hận sâu sắc biết chừng nào!...Từ giờ phút này tôi bỏ thuốc. Anh có tin rằng tôi cũng làm được như anh không ?

- Tin chứ ! Tin chứ ! Tôi tin anh còn hơn là tin ở bản thân tôi nữa kia ! - mừng quá, Trung reo lên... nét mặt rạng rỡ như trẻ lại tuổi đôi mươi.

Sau chừng một tháng bỏ thuốc lá, Thành khoe với Trung:

- Tôi lên cân trông thấy. Có lẽ lên cân nhanh hơn anh. Mới đây mà đã lên gần 2 cân.

- Ăn thua gì! Sau khi bỏ thuốc, mỗi tháng tôi lên tới 3 cân! Trung đùa vui với bạn.

- Có thật không nào? Đưa đây, đưa đây tôi bồng anh lên cân thử xem nào! Vừa nói Thành vừa xốc tới, ôm ngang lưng bạn nhấc bổng lên...

Thấy sư trưởng và chính ủy đang đùa vui, bồng bế nhau lên, một chiến sĩ đứng gần đấy ùa tới, hò reo:

- Hoan hô ! Hoan hô sư trưởng! Hoan hô chính ủy!...

Cán bộ và chiến sĩ, tất cả cùng cười to, sảng khoái...

 

L.T.D

(Tuyển truyện ngắn hay Non Nước)