Cây chuối non đi giày xanh là ấn phẩm mới nhất của nhà văn được nhiều bạn trẻ yêu mến Nguyễn Nhật Ánh. Cũng giống như một số tác phẩm đã xuất bản trước đó, Cây chuối non đi giày xanh cũng đề cập đến chủ đề tình bạn lớn dần thành tình yêu thời hoa phượng với biết bao cung bậc cảm xúc, hồn nhiên, trong sáng đáng được chúng ta nâng niu và trân trọng.
Cuốn sách có mở đầu thật đặc biệt, xuất phát từ việc nhân vật Đăng nhận được yêu cầu của một người bạn thuở thiếu thời giờ đây đã trở thành chủ tịch thị xã Hà Lam: "Mày viết cho tao một bài về những kỷ niệm lúc mày còn ở đây. Mày viết bất kỳ cái gì cũng được, dài ngắn không thành vấn đề, có bao nhiêu tao in tất. Mày viết thật thơ mộng vào. Như viết tiểu thuyết càng tốt."
Và thế là một mối tình thời tuổi thơ, tình bạn, tình thầy trò, tình làng xóm cùng biết bao khung cảnh đẹp đẽ, trù phú của Hà Lam ngày ấy hiện lên, tạo ra một bức tranh đong đầy cảm xúc, "đốn tim" biết bao người đọc.
"Con suối ở xóm Trong nhỏ xíu, bề ngang chừng mười mét nhưng đó là một con suối vô cùng nên thơ. Dòng nước róc rách kéo dài từ đỉnh đồi xa vắt ngang qua cánh đồng cỏ lấm tấm hoa dại và ở ngay chỗ bọn trẻ con bơi lội, hai bên bờ đột ngột um tùm cây cối. Chen giữa những cây dong riềng nở hoa đỏ ối là những loại cổ thụ cắm hẳn thân xuống lòng suối với những khúc rễ quấn quýt trông như những con trăn lớn."
Các nhân vật cùng những chi tiết xuất hiện trong truyện từ đầu đến cuối đều có liên quan, kết nối logic với nhau tạo ra một tiết tấu nhịp nhàng cho tác phẩm. Nhiều phen người đọc phải ngạc nhiên, tò mò vì những tình tiết dễ gây hiểu lầm như việc chú tiểu Khôi vẽ chân dung nhỏ Thắm hay tờ giấy dán trước cổng nhà ông Ước với nội dung: Phản đối hôn nhân lạc hậu. Con gái lớn lên phải được lấy người mình thương.Cô bạn nhỏ thật ngây thơ khi tưởng rằng cậu bạn thân thích màu xanh lá. Mỗi khi gặp Đăng, Thắm đều diện cho mình một cái áo xanh, một đôi giày xanh và cả một cái nón xanh trông giống hệt một cây chuối non ngộ nghĩnh. Hình ảnh ấy mãi trở thành một biểu tượng đẹp đẽ, an ủi cậu bạn thân sau này mỗi khi nhớ lại.
Khả năng miêu tả tâm lý nhân vật tài tình của Nguyễn Nhật Ánh lại một lần nữa được phô bày trong Cây chuối non đi giày xanh. Ông rất tinh tế trong việc lột tả diễn biến tâm lý của trẻ thơ, đặc biệt của những bạn ở tuổi đang trưởng thành 13 hay 14.
Người bạn thân từ thuở nhỏ đột nhiên biến mất khỏi các cuộc rong chơi vào hè năm lớp 8 khiến cậu con trai bứt rứt khôn nguôi. Đăng chán tiếng ve kêu, chán ngắm hoa phượng nở dù đó là loài hoa cậu yêu thích nhất. Cậu ghét con gái lớn lên vì khi ấy bọn nó biết xấu hổ.
"Khi người ta lớn lên, niềm vui và cả nỗi buồn cũng lớn theo. Trong những mơ tôi, không chỉ có châu chấu chuồn chuồn như những ngày thơ bé. Đã có bão giông theo về trong những đêm gió luồn qua mái lá. Ờ, ngay cả giấc mơ cũng lớn lên đó thôi."
Xuyên suốt tác phẩm là một sự lưu luyến, tiếc nuối tuổi thơ. Khi đôi bạn còn nhỏ, mọi thứ thật đơn giản. Đăng và Thắm có thể cùng nhau đi học, cùng nhau đi bơi, cùng nhau nói cười vui vẻ mà chẳng bận tâm điều gì về "con trai - con gái".
Khi lớn lên, những câu chuyện của người lớn xen vào làm xáo trộn mọi thứ. "Từ nay con đừng ghé rủ bạn Thắm đi học nữa nha con!" Câu nói đó của bà Ước như sát muối vào trái tim non nớt của Đăng. Có cái gì đó như là sự xấu hổ, nỗi tủi thân, niềm tuyệt vọng, tất cả trộn lẫn vào nhau bơm thành một quả bóng căng phồng trong ngực khiến Đăng không thể thở nổi.
Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại Quảng Nam. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết cho tuổi mới lớn như Kính vạn hoa, Bồ câu không đưa thư, Ngồi khóc trên cây...
Nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình như Áo trắng sân trường, Nữ sinh, Kính vạn hoa, Tôi thấy hoa vàng bên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua.
Vũ Hậu
(news.zing.vn)