Một ngày về Cõi Bác xưa

01.07.2013

Một ngày về Cõi Bác xưa

Hưởng ứng cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong thời gian qua, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho các cá nhân và nhóm tác giả nghiên cứu các tài liệu về Bác Hồ, tổ chức nhiều chuyến đi thực tế về thăm quê Bác tại Nghệ An; thăm lăng Bác tại Thủ đô; thăm di tích lịch sử tại ATK tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn; đi thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Tây - Trung quốc với chủ đề “Hành trình theo chân Bác”…Chúng tôi giới thiệu bài viết dưới đây,  được ghi chép từ một trong những chuyến đi nói trên.

 

Dù đã nhiều lần nhìn thấy qua sách báo và phim ảnh, thế nhưng, ngay khi bước vào con Đường Xoài nối từ nhà sàn sang Phủ Chủ tịch, nghe giọng nói Nghệ An của cô hướng dẫn viên chậm rãi mở đầu câu chuyện bằng những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:“Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đung đưa…”(Bài thơ “Theo chân Bác”), ai nấy cũng không khỏi kìm được xúc động, bồi hồi.   

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy bôn ba, sôi nổi của mình, trải qua biết bao miền đất trên thế giới, và trong đất nước ta, song chính nơi đây - Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch là địa chỉ Bác ở và làm việc lâu nhất, đến tận ngày Bác ra đi. Ngôi nhà sàn Bác Hồ nằm kế bên một ao cá rộng, xung quanh là khu vườn xum xuê cây trái, có lẽ là một là hình ảnh đầy quen thuộc nằm trong tâm thức của hầu hết người ViệtNam. Đó là một ngôi nhà bình dị, lộng gió, rộng mở mỗi ngày vẫn không ngừng đón các đoàn khách tham quan trong và ngoài nước. Đến nay, nhiều người lần đầu ghé đến vẫn không hết trầm trồ: “ Bác sống thật giản dị quá. Nếu ngày nay những người có trọng trách, ai cũng học được cách sống như Bác, thì dân nhờ biết bao!”.  

Trong không gian Khu di tích, hầu như mọi mọi cảnh vật đều hòa điệu nhịp nhàng với thiên nhiên. Chung quanh ao cá Bác nuôi bên cạnh nhà sàn, là khu vườn với hàng trăm loài cây quý, tạo thành một quần thể thực vật phong phú, làm nên bức nền cảnh quan giản dị nhưng đẹp đẽ. Theo số liệu của Ban quản lý Khu di tích, có đến 1.271 cá thể cây của trên 161 loài thuộc 54 họ thực vật, trong đó có 33 loài là cây ăn quả, 59 loài là cây bóng mát, còn lại là các cây cảnh, cây trang trí và hoa... Và điều thú vị nhất, ở mỗi loài cây, chúng ta đều có thể gặp lại những câu chuyện đầy ý nghĩa của Bác để lại. Có thể dẫn chứng, đó là một cây  đa với 3 nhánh rễ buông từ trên cành xuống (trên  đường chính từ Phủ Chủ tịch đến ngôi nhà sàn), tạo thành thế vững chãi cho cây trong những ngày giông bão. Không phải ngẫu nhiên mà cây đa có được những rễ như vậy. Vào năm 1965, anh em làm vườn phát hiện một chùm rễ đa nhỏ từ trên cành rủ xuống lơ lửng, ngại làm vướng đường đi lại, định cắt bỏ. Song biết được ý định đó, Bác không tán thành và đã gợi ý cách kéo rễ đa xuống đất để vừa không vướng lối đi vừa tạo cho cây có một thế vững chắc. Làm theo cách Người hướng dẫn, sau gần 3 năm anh em mới đưa được rễ cây xuống đất. Sau này, anh em đến báo cáo kết quả, Bác nói: Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công. Từ đó anh em đặt tên cho cây đa này là cây đa Kiên Trì.   
    Đặc biệt, chung quanh ao cá có rất nhiều những cây cổ thụ thuộc họ tùng bách, rễ trồi cao khỏi mặt đất, to, nhỏ, cao, thấp khác nhau. Đây là loài cây vốn chỉ sống ở vùng đầm lầy Nam Mỹ, nên để thích nghi với hoàn cảnh quê hương mới những rễ cây phải ngoi lên để lấy không khí. Các rễ cây này, thoáng nhìn có hình dáng tựa như những pho tượng Phật bằng gỗ nên Bác đã đặt tên loài cây này là Cây Bụt Mọc. Trong thời gian đầu, có một cây bụt mọc ở đầu bên kia chiếc cầu từ nhà sàn qua ao bị mối ăn ruỗng hết hai phần ba thân, anh em làm vườn định cắt bỏ, nhưng Bác đã hướng dẫn cho anh em cách cứu cho cây khỏi chết và phát triển bình thường. Qua đó, anh em nhận ra ý nghĩa dặn dò của Bác: cây cối cũng như con người, nếu bị bệnh mà biết cách và có công cứu chữa thì vẫn phát triển tốt.   

     Ngay sau buổi tham quan ấy, chúng tôi may mắn được Ban quản lý Khu di tích mời vào Hội trường xem thêm tư liệu phim ảnh và chuyện trò chung quanh những cảm xúc về cuộc đời Bác. Ông Nguyễn Anh Minh, Phó Giám đốc Khu di tích nói với chúng tôi: “Đã gần nửa thế kỷ, từ ngày Bác ra đi, vườn cây trong Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Từ nơi đây, không chỉ là nơi nhân rộng mô hình xây dựng “vườn quả Bác Hồ” lan tỏa đến nhiều địa phương trên cả nước, mà còn là một địa chỉ tham quan độc đáo, cho ta những bài học sâu sắc, thấm đẩm nhân văn từ trái tim nhân ái mang đậm bản sắc Việt Nam của Bác Hồ kính yêu”.

Anh PhươngNam, đại diện đoàn tham quan của chúng tôi, không giấu được xúc động, bày tỏ: “ Quả thật, việc học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, chúng ta chẳng phải tìm hiểu nghiên cứu chi sâu xa, chỉ đơn giản qua một buổi thăm quan thực tế và nhìn thấy những việc làm cụ thể của Bác để lại, là chúng ta thấm thía bao điều về tình yêu thương của Bác dành cho nhân dân, cho đất nước…Chúng tôi tin rằng, sau chuyến đi này, mỗi người, trong mỗi việc làm, mỗi suy nghĩ đều luôn nhớ đến tấm gương đạo đức của Bác”.

    Linh Thy