Phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh

11.06.2019

Phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh

Phản ánh nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, đạo đức trong sáng của Người, nét chung tạo nên tính nhất quán trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là sự chân thành, bình dị, tự nhiên.

Đó không phải là một “nghệ thuật xã giao”, mà là sự phản ánh trung thực tâm hồn, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh.

Ứng xử là cách quan hệ giao tiếp, đối xử giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng, ứng xử không chỉ được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, nét mặt bề ngoài mà chủ yếu là ở sự chân thành của tình cảm và của mối quan hệ giữa chủ thể với đối tượng. Vì vậy, ứng xử được coi là biểu hiện tổng hợp của văn hóa - đạo đức, qua cách ứng xử có thể thẩm định được nhân cách của một con người.

Phản ánh nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, đạo đức trong sáng của Người, nét chung tạo nên tính nhất quán trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là sự chân thành, bình dị, tự nhiên. Đó không phải là một “nghệ thuật xã giao”, mà là sự phản ánh trung thực tâm hồn, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh.

Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh có các đặc trưng cơ bản sau đây:

Khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp: Trong các cuộc tiếp xúc, Người thường khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, mà trái lại, luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người chung quanh.

 

Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu nhi

Đến thăm một lớp học hay dự một buổi nói chuyện, bao giờ Người cũng chú ý hỏi thăm các vị nhân sĩ, trí thức có danh vọng, các bậc cao tuổi, các đại biểu phụ nữ, rồi trân trọng mời ngồi lên trên, thể hiện phong cách tao nhã, rất mực Á Đông. Tiếp khách tại một khách sạn ở Paris năm 1946, Hồ Chí Minh bắt tay mọi người, nói chuyện thân mật, rất tự nhiên, kèm theo những lời khen, những câu ca tụng nước Pháp... Người Pháp rất có cảm tình với Bác.

Chân tình, nồng hậu, tự nhiên: Khi gặp gỡ mọi người, với những cử chỉ thân mật, lời hỏi thăm chân tình, hay một câu nói đùa, Người đã tạo ngay ra một bầu không khí thân mật, thoải mái, thân thiết như trong một gia đình.

Hồ Chí Minh luôn xuất hiện với thái độ tươi cười, tươi cười một cách tự nhiên trong ánh mắt hoặc trên đôi môi. Sự vui vẻ cùng với năng khiếu hài hước được thể hiện đa dạng, phong phú đã xóa đi cái cách bức, những nghi thức trịnh trọng không cần thiết, tạo ra không khí chan hòa, gần gũi giữa lãnh tụ với quần chúng, giữa những người bạn... Điều đó lý giải vì sao mỗi khi Bác Hồ xuất hiện ở đâu là ở đó rộn lên niềm vui và tiếng cười hồ hởi không dứt.

Không chỉ đùa vui người khác, đôi lúc Người cũng nói đùa về bản thân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi đến thăm lớp chỉnh huấn giữa lúc mưa to, cả hội trường vang lên tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, Người ra hiệu im lặng, rồi nói: Muôn năm làm cái gì? Trăm năm đã là quá. Còn bây giờ, Bác chỉ “muốn nằm” một tí thôi!

Một nét nhân cách nổi bật trong giao tiếp, ứng xử của Hồ Chí Minh là sự khiêm tốn chân thành, sự thân thiện thực lòng với mọi người, không một chút gợn nào cho sự sùng bái cá nhân.

Sự ân cần, nồng hậu, xóa bỏ mọi nghi thức, đi thẳng đến trái tim con người bằng tình cảm chân thực, tự nhiên, đó chính là nét nổi bật trong phong cách ứng xử của những nhà văn hóa lớn của mọi thời đại.

Linh hoạt, chủ động, biến hóa: Ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý trí sáng suốt, nên linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm chước cái nhỏ.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minhsang thăm chính thức nước Pháp. Khi tới thành phố Biarít, ra sân bay đón Người chỉ có một mình ông Tỉnh trưởng, sau đó họ đưa Người về nghỉ tại một khách sạn khá sang, nhưng bên ngoài vẫn còn sơn phết dang dở. Chị Phương Tiếp, một trí thức Việt kiều, được cử làm phiên dịch cho Người, tỏ ý thắc mắc về sự đón tiếp không được trịnh trọng: “Tại sao họ chưa có chính phủ mà Cụ đã sang?”. Người trả lời hóm hỉnh: “Thế nếu có chính phủ rồi, họ đổi ý không mời mình sang nữa thì sao?”. Với tầm suy nghĩ vừa xa rộng, vừa uyển chuyển, Người đã tranh thủ được một cơ hội đưa lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc ta tới Paris, vào lúc nước ta chưa được một quốc gia nào công nhận.

Phương Nam
(http://congly.vn)