Tấm gương người xưa
Tiên phong, gương mẫu luôn là những phẩm chất đòi hỏi phải có ở người lãnh đạo. Thời xưa làm tướng ra trận với tinh thần dũng cảm mới dẫn đầu được binh sĩ tiến lên. Làm quan phải liêm chính, công minh mới được nể trọng, để lại tiếng tốt cho đời sau. Mọi người luôn nhắc nhớ những tấm gương tài giỏi cứu nước - an dân. Những anh hùng, những vị vua, quan tốt, những việc tốt được đời sau truyền tụng trước hết ở những hành động ích dân, giúp nước.
Thời Trần có danh tướng Trần Nhật Duật, văn võ song toàn. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Năm 1280, “Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang làm phản. Vua sai Chiêu Văn vương Nhật Duật đi dụ hàng”. Trần Nhật Duật ung dung thân chinh đi vào trại của Mật, cùng ăn cơm bằng tay, uống rượu bằng mũi làm cho mọi người thích thú và nể phục. Sau đó, “Mật đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng. Mọi người đều vui lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang”. Trần Nhật Duật “là người hòa nhã, độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt, trong nhà không bao giờ chứa roi vọt để đánh nô lệ. Nếu có đánh thì cũng kể tội lỗi sau rồi mới đánh”. Ông còn am hiểu nhiều phong tục, giỏi nhiều thứ tiếng, giao lưu với người nhiều nước. Ông cũng giỏi cả âm nhạc, “những tiết tấu âm nhạc, khúc điệu múa hát cũng do Nhật Duật sáng tác” (“Đại Việt sử ký toàn thư” - Bản kỷ - Quyển V và Quyển VII). Khi đất nước lâm nguy, Trần Nhật Duật là võ tướng nổi danh, đánh thắng Nguyên soái Toa Đô của giặc ở trận Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên), góp nhiều công lớn trong hai lần chống Nguyên. Những tài năng đặc biệt đó và cách ứng xử nhân ái cuả ông đã thu phục được nhân tâm.
Danh tướng Trần Nhật Duật đã nêu những gương tốt và phẩm chất dẫn đầu của người lãnh đạo. Còn nhiều những tấm gương sáng vẫn lưu truyền về những việc xuất sắc trong thực thi công vụ và cả ứng xử ngoài đời của những vị quan giỏi và thanh liêm mà khó có thể kể đầy đủ…
Rèn luyện phương pháp, tác phong, kinh nghiệm trong giai đoạn mới
Trong bối cảnh mới, xã hội đã phát triển, trình độ dân trí được nâng cao, tinh thần dân chủ được đẩy mạnh, người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo càng cần/phải chủ động điều chỉnh, đổi mới phong cách, tác phong của mình.
Phong cách chứa đựng những đặc điểm mang đậm tính cá nhân. Phong cách công tác được quy định bởi chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức nhưng cũng phản ánh rõ phẩm chất, tri thức, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động và cả cá tính, những sở trường, sở đoản, “mức” văn hóa của mỗi cán bộ. Điều đó làm nên sự đa dạng trong phong cách công tác trong các lĩnh vực công việc khác nhau. Điều đó yêu cầu cần/phải đi sâu xây dựng những tiêu chí (đòi hỏi) về phong cách công tác riêng cho từng loại cán bộ, từng cấp - từ cơ sở, địa phương, các ngành, cho đến cấp Trung ương. Người cán bộ lãnh đạo còn phải biết cách động viên, lôi cuốn quần chúng cùng thực hiện, khuyến khích để “cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến” và còn“phải đi tận nơi, xem tận chỗ” (Hồ Chí Minh). “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (Hồ Chí Minh). Điều cốt yếu là mỗi cán bộ phải gương mẫu thực hiện những gì mình đã nói với nhân dân, “đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Khi viết, khi nói cũng phải theo cách giản dị, cụ thể, thiết thực, làm cho những nhiệm vụ lớn cũng trở nên gần gũi, dễ hiểu, như cách cảm, cách nghĩ của nhân dân... Kinh nghiệm chỉ có được qua hoạt động thực tiễn. Trong hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm có vai trò quan trọng và rất cần thiết. Nhưng chúng ta cần tích lũy rồi phát huy kinh nghiệm trong biện chứng của sự phát triển.
Tất cả những điều đó, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong phong cách Hồ Chí Minh những chỉ dẫn thiết thực, giản dị, dễ nhớ và cũng không khó thực hiện mà chúng ta đang tích cực học tập và làm theo. Chúng ta học và làm theo Người phong cách làm việc tự chủ và sáng tạo, khoa học và nghiêm túc. Chúng ta học ở Người tác phong sâu sát và cụ thể, chan hòa và chắc chắn, nói giản dị và nói đi đôi với làm...
Tất cả những điều đó cũng đã được Đảng đưa vào các chủ trương, chỉ thị, quy định và yêu cầu từng chi bộ, mỗi đảng viên thực hiện nghiêm túc. Gần đây nhất là Quy định 144-QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, trong đó có những điều: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân”, “Chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác”. Đây cũng là một trong những yêu cầu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rất rõ trong nhiều bài phát biểu chỉ đạo công tác cán bộ, đặc biệt là ở lời phát biểu chỉ đạo tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, với chủ đề: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng” - đó là các cán bộ “có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có “sản phẩm” cụ thể, rõ rệt; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ…”. Đó là định hướng để mỗi người tự rèn luyện phương pháp, tác phong, tích lũy và nâng cao kinh nghiệm của mình để hoàn thành nhiệm vụ có hiệu quả nhất.