Vĩnh biệt Nghệ sĩ Ưu tú, Đạo diễn Nguyễn Vĩnh Huế - Trần Hồng

05.05.2016

Vĩnh biệt Nghệ sĩ Ưu tú, Đạo diễn Nguyễn Vĩnh Huế - Trần Hồng

Ông sinh năm 1930, quê Hương Phú, Hương Trà, Thừa Thiên. Lúc nhỏ được mẹ (NSND Ngô Thị Liễu sau này) đem vào ở Chợ Mới, thành phố Đà Nẵng. Bà là đào chính của Gánh hát ông Chánh Đệ, thường diễn ở Rạp Hòa Bình (nay là Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh) và đi diễn khắp nơi làng, huyện của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ. Lúc 3, 4 tuổi thường ngồi xem tập Tuồng và tối thì ngồi trong cánh gà xem mẹ và các cô, chú biểu diễn, học lỏm được múa tay, chân, hát bập bẹ mấy câu và có năng khiếu. Lên 5 tuổi đã đóng Na Tra, 7 tuổi đóng Hồng Hài Nhi do mẹ chỉ vẽ và bắt chước các cô chú ở gánh hát ông Sáu Lai, bảng hiệu “Tân Thành Ban”, được các thầy Sáu Lai, Nguyễn Nho Túy (Đội Tảo), Phó Phú thường dạy bảo những lúc rảnh rỗi. Năm 1943 trời mưa liên miên, gánh hát không đi diễn thường được, mở lớp dạy các con em trong gánh hát và một số con cháu trong họ hàng các đào, kép, anh em trong thôn, xã gần đó. Vào lớp học có 4 em gái, 10 em trai 14, 15 tuổi, các em được tuyển lựa có năng khiếu, ham mê Hát bội rất có triển vọng. Các thầy dạy múa võ, luyện thân thể, vũ đạo, côn, thương, đao, kiếm, học nói, hường, xướng, ngâm, hát các làn điệu chính của Tuồng nào Nam, Khách, Tẩu mã... rất thành thạo. Học trong 6 tháng mưa liên tục, được dàn dựng các vở Tuồng mẫu mực, học được 30 vở chính tại trường hát Trà Kiệu thành lập gánh “Đồng Ấu” trong “Tân Thành Ban” đó là năm 1944. Gánh Đồng Ấu có Nguyễn Vĩnh Phô, Nguyễn Vĩnh Huế (đều là con bà Ngô Thị Liễu), Hồ Hữu Có, Huỳnh Thủ, anh Em, anh Cấy, anh Trai (anh em chú bác), em Thái, em Bê, em Hảo, các em gái chú, dì), Lê Văn Phát (nhạc) v.v... Do ông Tống Phước Phổ phụ trách dạy bảo, chăm sóc rất chặt chẽ, nghiêm khắc từ việc sinh hoạt hằng ngày, cách ăn nói, đi đứng, giờ giấc có nề nếp, không ăn vặt nơi hàng quán, không nói tục hay cãi cọ, đồ đạc sắp xếp ngăn nắp có kỷ luật, dậy sớm tập thể dục thường xuyên. Do có sự lãnh đạo chặt chẽ, nghiêm khắc của ông Phổ, gánh Đồng Ấu được đi diễn “Tiền trạm” ở các xã, các huyện khắp nơi trong tỉnh được nhân dân khen ngợi, thương yêu. Gánh Đồng Ấu diễn trước 15, 20 đêm đi nơi khác, gánh Tân Thành Ban đến diễn ngay tại địa điểm đó 15, 20 đêm và cứ như thế, diễn theo cách cuốn chiếu gánh Đồng Ấu diễn trước rồi đến Tân Thành Ban đến diễn tiếp.

Hai gánh hát cùng trong 1 nhà, lúc này đã có tiếng vang khắp nơi huyện, thị trong tỉnh về đào, kép, vở diễn hay từ Đồng Ấu cho tới lớp đào kép lớn của Tân Thành Ban.

Họ thường diễn các vở Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Dương Chấn Tử...

Nguyễn Vĩnh Huế thường đóng các vai Đổng Kim Lân, Triệu Tử Cung, Triệu Đình Long, Chu Du, Triệu Tử Long... các vai kép trong các Tuồng lớn, hay các loại vai kép trong các vở Tuồng tiểu thuyết đều rất sắc sảo, tài năng. Gánh Đồng Ấu và Tân Thành Ban đi diễn thắng lợi khắp nơi trong tỉnh cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công.

Một số diễn viên về nhà làm ăn, số còn lại nhập gánh Đồng Ấu vào thành 1 gánh tiếp tục tập luyện vở Tuồng mới do Tống Phước Phổ viết như Tuồng Trần Hưng Đạo, Trưng Vương, anh Lan chị Lan (Tuồng Cách Mạng) tiếp tục đi

biểu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội Cách mạng của tỉnh nhà cho đến cuối

năm 1947.

Năm 1948 thành lập Đoàn Kịch Dân quân Huyện Điện Bàn do ông Võ Bá Huân Trưởng Ty Công an Tỉnh Quảng Nam quyết định. Đoàn đi biểu diễn phục vụ lấy tiền nuôi quân ở các vùng trung du, miền núi các nơi xa quân Pháp chiếm đóng, nhiều lần bị địch vây, đuổi...

Tháng 10-1954 Khu Tuyên truyền Văn nghệ Liên Khu Năm rút Nguyễn Vĩnh Huế lên gia nhập Đội Tuồng trong Đoàn Văn Công Nhân dân Liên Khu Năm phục vụ cho Lễ Hòa Bình và cán bộ, quân dân đi tập kết và người ở lại.

Tháng 10-1954 một số diễn viên Tuồng và Ca múa Tây Nguyên được tuyển chọn đi ra Hà Nội trước dự đại hội Văn Công toàn quốc. Số Đoàn còn lại tiếp tục phục vụ xung quanh Bồng Sơn, Tam Quan, Gò Bồi, Gò Găng, Quy Nhơn... chờ ngày đi tập kết.

Khi tất cả các đơn vị đi trước, ra sau đều nhập về Đoàn Văn Công Nhân dân Liên Khu Năm đóng tại nhà số 9 Ngõ Cấm Chỉ Hà Nội. Đoàn gồm có Đội Tuồng ở tầng trệt, Đội Ca múa nhạc, Dân ca ở tầng 2, Đội Ca múa Tây Nguyên ở tầng 3. Ban lãnh đạo có Hồ Đắc Bích, Nguyễn Lai (Tuồng), Ngô Quang Thắng, Nguyễn Tường Nhẫn, Võ Bài (ca múa, Dân ca) Y Dơn, Nhật Lai (ca múa Tây Nguyên) do Hồ Đắc Bích làm Trưởng Đoàn.

Năm 1955, Nguyễn Vĩnh Huế chuyển về Đội Ca múa, Dân ca Liên Khu Năm nghiên cứu múa Tuồng áp dụng cho kịch Dân ca. Từ 1956 đến 1958, Nguyễn Vĩnh Huế làm Đội trưởng Đội múa Đoàn Ca múa Liên Khu Năm, anh đã sáng tác các điệu Múa cho Đoàn biểu diễn: Múa đèn hoa sen, múa Liễn, múa Tuần đuốc, múa bầy chim non, múa lớn nhất là Kịch múa Kén Rể gồm 3 cảnh, được Vụ Nghệ thuật đánh giá cao.

Năm 1959 anh về Ban giáo vụ lớp Múa đầu tiên (sau này là Trường Múa Việt Nam) của Bộ Văn hóa. Vì sức khỏe yếu nên trở về Đoàn cuối năm 1959.

Năm 1960 - 1963 học 3 năm lớp Đạo diễn đầu tiên của Bộ Văn hóa. Về Đoàn anh dựng các vở: Nguyễn Huệ, Bà đô đốc áo đỏ, Đoàn tụ (đoàn Dân ca kịch Liên Khu Năm) Thái Hậu Dương Vân Nga, Tiếng đàn thuở xa xưa, Ngưu Lang- Chức Nữ (Đoàn Dân ca Kịch Phú Khánh), Lục Vân Tiên (Đoàn Ca kịch Thuận Hải), Tấm Vóc Đại Hồng (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định), anh còn đạo diễn cho các Đoàn Cải lương Tuổi trẻ (TP. Hồ Chí Minh), Đoàn Cải lương Trùng Dương (Vũng Tàu), Đoàn Cải lương Sông Hàn, Đoàn Tuồng Quảng Nam Đà Nẵng, đạo diễn các vở: Tấm Vóc Đại Hồng, Tiếng sấm Tây Nguyên, Rực sáng Sao Khuê, Đôi mắt biên cương, Đô đốc Bùi Thị Xuân (Đoàn Ca kịch Quảng Nam Đà Nẵng).

Anh đạo diễn tâm đắc và thuận tay nhất là các vở Nguyễn Huệ, Bà đô đốc áo đỏ, Tấm vóc Đại Hồng, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng đàn thuở xa xưa, Đôi mắt biên cương, Ngưu Lang Chức Nữ được cán bộ nghệ thuật, khán giả khắp nơi khen ngợi. Chính các vở này, các Đoàn làm tiết mục biểu diễn doanh thu rất cao và còn biểu diễn nhiều năm liền.

Anh được Nhà nước trao thưởng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993.

Là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa II (1983 - 1989).

+ Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.

+ Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

+ Huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam.

+ Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

- Anh đã có công trình nghiên cứu về mặt nạ Tuồng được Nhà xuất bản Sân khấu in lấy tên Mặt Tuồng và đã được Liên Hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng tặng giải.

- Công trình Múa cơ bản được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và Đài Truyền hình Cần Thơ quay thành phim 2 tập, hơn 300 động tác múa.

- Anh sáng tác những vở Tuồng đã được tặng giải Vàng, Bạc trong các Hội diễn sân khấu toàn quốc.

Anh về nghỉ hưu năm 1990 tại Đà Nẵng. Tuy sức khỏe yếu, nhưng anh rất tích cực tham gia giảng dạy đào tạo các lớp diễn viên Tuồng, dựng lại các vở Tuồng, trích đoạn Tuồng mẫu mực cho Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Suốt gần 3 năm ốm bệnh, gia đình tận tình chăm sóc, các bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng hết lòng cứu chữa nhưng vì tuổi cao sức kiệt, anh đã mất lúc 01 giờ ngày 02 tháng Tư năm 2016 tức ngày 25/2 Âm lịch năm Bính Thân, thọ 86 tuổi. Vô cùng thương tiếc. Vĩnh biệt người đạo diễn tài năng của nghệ thuật Hát Bội trong Sân khấu Việt Nam.

T.H