Một thoáng Di Linh - Nguyễn Dị Cổ

05.05.2016

Một thoáng Di Linh - Nguyễn Dị Cổ

Di Linh, cái tên chỉ mới được biết đến qua những câu thơ của Nguyễn Thông (1827 - 1894): “Cây mọc dày che mặt trời/ Ban ngày thường âm u lạnh lẽo/ Hổ đói đi sát cạnh đường/ Khỉ kêu vang đầu góc rừng/ Nếu không có sự cần thiết/ Ai chịu vào nơi gian hiểm này?”. Di Linh, cái tên cũng còn được biết đến qua địa chỉ di dân của những người con đất Quảng ngót nghét từ 100 năm trước và lập làng Quảng đã 25 năm. Thế nhưng, đôi lần đến Đà Lạt tôi vẫn chưa có dịp đặt chân tới nơi ấy. May thay, lần thứ ba này, Đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng thực tế vùng đất cao nguyên Di Linh - Bảo Lộc, tôi mới có dịp in dấu chân của mình và cảm nhận một thoáng văn hóa nơi đây.

Người hướng dẫn đoàn đi tham quan các điểm trên địa bàn là chị Lâm Thị Phước Linh, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch phụ trách văn xã huyện Di Linh. Chị là người dân tộc Mạ, dáng người cân đối, hơi to ngang, da ngăm đen, mặt tương đối rộng, gò má hơi cao, mắt đen, tóc cứng và thẳng, đeo vòng đồng ở cổ tay. Tuy một người duy nhất, nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận thực tế phần nào về tộc người Mạ nơi đây, khi mà không có nhiều thời gian và điều kiện để xuống trực tiếp nhà dân.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là Hồ chứa nước Ka La. Tại đây, chị Linh đã giới thiệu tổng quát về huyện. Di Linh có tên gọi xưa là Djiring, vốn tên của một vị già làng đã có công thành lập ra buôn Thượng. Huyện gồm thị trấn Di Linh và 18 xã: Bảo Thuận, Đinh Lạc, Đinh Trang Hòa, Đinh Trang Thượng, Gia Bắc, Gia Hiệp, Gung Ré, Hòa Bắc, Hòa Nam, Hòa Ninh, Hòa Trung, Liên Đầm, Sơn Điền, Tam Bố, Tân Châu, Tân Lâm, Tân Nghĩa, Tân Thượng. Toàn huyện có 28 tộc người anh em, trong đó chủ yếu là người bản địa như Cơ Ho, Mạ, M'nông... và những tộc người di cư từ vùng núi phía bắc như Tày, Nùng, Thái... Chị Linh giới thiệu về đỉnh Brah Yang, nóc nhà Di Linh, với câu chuyện tình lãng mạn của chàng trai Cơ Ho là K'Brah cùng người con gái thần núi tên Ka Yai xinh đẹp, cũng là nguồn gốc tên gọi của ngọn núi này (Brah Yang tức núi thần của chàng K'Brah). Và chị nói thêm, vào tháng giêng âm lịch, trước khi chọn rừng làm rẫy, người Mạ làm lễ cúng thần rừng, đó là nghi lễ nông nghiệp quan trọng đầu tiên trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp hằng năm theo chu kỳ canh tác nương rẫy. Trên đỉnh núi ấy còn lưu giữ những cây chè cổ thụ đến nay cũng đã trăm năm, nhưng vẫn chưa rõ gốc tích như thế nào, hiện có nhiều giả thuyết về việc “khai sinh” những cây chè ấy. Hằng năm, mọi người thường tổ chức leo núi ở Brah Yang để vừa phục vụ du lịch, thể thao vừa như tìm lại những huyền thoại của núi rừng.

Trên tuyến đường từ trụ sở cơ quan huyện vào xã Bảo Thuận để đến hồ chứa nước Ka La - nguồn nước tưới cho 5 xã trên địa bàn huyện, tôi nhìn thấy những ngôi nhà của người bản địa liền nhau tạo thành bon. Và những ngôi nhà ấy có nét hao hao kiến trúc của người Việt, không như những mô tả của người Pháp trước đây. Xung quanh nhà chỉ rào đơn sơ, trong vườn trồng vài loại cây chuối, mít, mía, đu đủ... Mặc dù xe chạy nhanh, nhưng tôi vẫn nhận ra hình như nơi này, đồng bào không phát triển nhiều về chăn nuôi, chắc do thổ nhưỡng khí hậu không thuận lợi hay do tập quán bản địa. Phụ nữ ở đây mặc váy quấn và áo chui đầu - một loại trang phục cổ sơ thường gặp ở vùng Tây Nguyên. Vài người đàn ông cởi trần đứng trước hiên nhà. Đặc biệt, tôi nhìn thấy những cây nêu thấp thấp vừa giống sừng trâu vừa giống những bông lúa đang dựng ở một bên của ngôi nhà, mà chưa hiểu rõ nó mang ý nghĩa gì. Cũng may, chị Linh, người tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý văn hóa của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, giải thích: “Đó là tục dựng cây nêu (yu) trên rẫy, tượng trưng cho nhà ở của hồn lúa. Khi công việc thu hoạch đã hoàn tất, cây nêu được đem về cắm cạnh kho lúa gia đình”. Đồng chí còn giới thiệu rõ hơn trình tự của nghi lễ: “Trước khi đốt rẫy có cúng thần lửa (Lơ yang Us). Sau lễ lơ yang tuyt koi mới tra hạt. Khi lúa trên rẫy đến thì con gái và sắp trổ đòng thì làm lễ ăn mừng và tạ ơn thần lúa. Lễ này gọi là lễ Yu tam nơm. Lúc lúa trổ bông thì làm lễ Yu rmul hay Yu đụng với vật hiến sinh là lợn hoặc dê và phải kiêng cữ trong bảy ngày liền. Đó là lễ lớn thứ hai trong chu kỳ một năm sản xuất”.

Sau khi tham quan trạm thủy điện Đồng Nai 2, đi theo quốc lộ 28 ra lại huyện lỵ Di Linh, tôi nhìn thấy những dãy nhà toát lên màu đỏ trang trí đặc trưng trước hiên nhà và cổng ngõ giữa cái trưa đầy nắng vàng trên cao nguyên bạt ngàn cà phê. Hình ảnh những ngôi nhà này rất quen thuộc khi đi trên các cung đường Việt Bắc. Chị Linh cho biết đó là bản của người Nùng. Họ chủ yếu di cư vào Lâm Đồng cũng như Di Linh từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 rồi sau 1975 và có xu hướng tụ cư thành bản. Trước cổng và cửa ngôi nhà, họ dán lên đó những mảnh giấy màu đỏ mà trên đó viết vẽ những ký tự chữ Hán hay chữ Nôm Nùng. Rất tiếc lúc ấy đang là xế trưa nên không thấy được người Nùng đi lại trên đường hay ở trước sân nhà để nhìn những trang phục màu chàm đặc trưng như thơ Tố Hữu đã viết: “Áo chàm đưa buổi phân ly”. Thỉnh thoảng trên cung đường ấy cũng nhìn thấy những bảng hiệu bằng chữ Hán và trên đó hiển hiện nhiều nhất, rõ nhất chữ “ký” vốn hay dùng của người Hoa. Theo lời chị Linh, họ phần lớn là người Hoa ở Quảng Ninh di cư vào từ năm 1955 đến năm 1975, chủ yếu sinh sống bằng nghề buôn bán ở Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc, Di Linh, Đơn Dương... Ngoài ra, một chi tiết cũng làm cho tôi suy nghĩ nhiều về văn hóa dân tộc, về sự biến đổi văn hóa, là cảnh vài thanh niên đang hát và nhảy nhạc sàn trong tiệc tàn của một đám cưới trên cung đường đi ngang qua. Dù hình ảnh này tôi đã quen mắt với vài lần chứng kiến đội biểu diễn văn nghệ dân tộc truyền thống ở nhà văn hóa Sa Pa, khi có khách thì biểu diễn văn nghệ dân tộc, khi khách đi rồi thì tổ chức nhảy nhạc hiphop, nhưng vẫn thấy tiếc - lo cho bản sắc văn hóa văn nghệ của cao nguyên Di Linh.

Điểm đến cuối cùng của đoàn ở huyện Di Linh là Trạm dừng chân Đại Nam Việt, đóng trên địa bàn xã Đinh Trang Hòa, do người gốc Thanh Hóa cư trú ở thành phố Bảo Lộc sang đầu tư kinh doanh. Đây không chỉ là trạm dừng chân thuần túy của khách bộ hành khi đi trên quốc lộ 20 (Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt) mà còn là không gian văn hóa cực nam Tây Nguyên đậm nét bản địa. Mặc dù với các vật liệu xây dựng hiện đại, nhưng du khách vẫn có thể nhận ra hình ảnh ngôi nhà rông hay chóe rượu cần một cách tự nhiên và hài hòa với quang cảnh núi rừng xung quanh, lồng lộng gió cao nguyên. Nơi đây trưng bày và bán những sản phẩm địa phương: Tiêu hạt, cà phê, rượu cần Tây Nguyên, trà B'Lao, đặc sản mứt Đà Lạt... Nếu khi đang bữa, du khách còn có thể thưởng thức hương vị núi rừng Tây Nguyên qua những món ăn đặc sản mà có thể chỉ riêng nơi đây mới có.

Dẫu Đoàn đi thực tế ở đó chưa trọn ngày, nhưng tôi cũng đã cảm nhận được phần nào bản sắc văn hóa của Di Linh, nhất là sắc thái văn hóa dân tộc người vốn có nhiều điều kỳ bí trên cao nguyên vùng Thượng này, để thấy được sự phong phú và đa dạng của văn hóa Việt Nam.

 

Trại Sáng tác Đà Lạt, 4/2016

N.D.C