Về với núi rừng - Trần Nguyên Hạnh

05.05.2016

Về với núi rừng - Trần Nguyên Hạnh

Có những cuộc dời đi mà tuổi trẻ định nghĩa là khát vọng, là lý tưởng... nghe rất lớn. Nhưng khác với những lần ra đi để học cách trưởng thành như thế, có những cuộc trở về, nhẹ nhàng và thanh thản lắm. Nó được định nghĩa bằng hai chữ yêu thương.

 

Cũng như bao người trẻ khác mơ đến chốn thị thành phồn hoa, tôi rời quê ra đi thi thoảng mới về quê một lần. Những lần về quê lúc nào cũng vì lý do đã cảm thấy mệt mỏi với guồng quay tất bật nơi thị thành. Mỗi lần như vậy chỉ cần về đứng giữa ngọn đồi sau nhà nghe miên man gió thổi, nghe thanh âm của quê nhà vọng về trong làn hơi nước mát rượi đã thấy mình như được sống lại những nồng nhiệt thuở nào. Vươn vai hít hà mùi đất đai quen thuộc chợt nghe đâu đó ngày xưa trỗi dậy reo ca. Liệu có hạnh phúc nào bình dị hơn những ngày trở về giữa ngát xanh đồi núi?

Quê tôi miền đồi núi với những hàng cây trải dài xa tít tắp ngút ngàn một màu xanh thăm thẳm. Nơi đấy cuộc sống yên bình diễn ra với những ngày nắng ấm xiên qua từng hàng cây kẻ lá soi chiếu mọi cảnh vật trong làng. Ngày ngày từng đàn chim thong dong bay lượn về làm tổ, ca hát líu lo dưới bầu trời trong xanh cao rộng. Nơi ấy tôi sinh ra và lớn lên, sống những tháng ngày ấu thơ hồn nhiên được tắm mát trên dòng suối trong ngần, được vui đùa hớn hở bên chúng bạn, được leo rừng lội suối, bắt ốc mò cua sau những buổi tìm hái hoa rừng, hái sim ngọt đầu mùa. Rừng xanh theo một cách nào đó đã làm nên tâm hồn phóng khoáng, thuần khiết, yêu tự do của những đứa trẻ sinh ra từ đây. Để rồi dù có đi xa, những âm thanh của núi rừng vẫn vang vọng đâu đây, trong tâm hồn mỗi người như nhắc nhở mỗi người con của làng hãy luôn giữ trong lòng một tình yêu tha thiết với rừng già, cây cỏ.

Với tôi, núi rừng xanh thẳm ấy là nơi đã cất giữ dùm tôi những tháng ngày ấu thơ êm đềm, để mỗi lần trở về trong tôi yêu thương vẫn dào dạt cuộn chảy như chưa bao giờ có những ngày rời đi. Tôi thường nhớ về rừng trong những điều rất thẳm sâu mà mỗi lần nhắm mắt lại đều nghe thấy âm thanh của núi rừng vang vọng bên tai. Đó tiếng nước chảy róc rách bên khe suối, tiếng lá rừng rơi xào xạc, tiếng đàn chim vỗ cánh bay tung trời. Tôi thường miên man theo những âm thanh ấy và để ký ức mình trôi chảy. Tôi thấy mình lạc giữa núi rừng thẳm xanh, thấy nắng vàng xiên qua từng hàng cây kẽ lá quấn quýt bên tôi vui cười, tôi thấy ngọn gió về hoang hoải vút ve từng lọn tóc. Tôi nghe thấy giọng tôi cười nói lảnh lót, nghe tiếng bè bạn í ới gọi tên nhau.

Mang trong mình tâm hồn của rừng, những người sinh ra từ rừng luôn hiểu núi rừng là một đặc ân mà thiên nhiên đã trân quý ban tặng cho con người. Từ những sản vật của rừng như mây tre, nứa lá những người dân nơi đây đã làm nên biết bao món hàng mà người người ưa thích như giỏ xách, thúng mủng, nia, sàn,... Không chỉ phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày mà ngày nay, những sản vật làm từ mây tre dưới sự sáng tạo của các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm mây tre độc đáo được cả thế giới ưa chuộng bởi sự tinh xảo mà mộc mạc. Bên cạnh đó, những sản vật như rau rừng, mật ong, nấm rừng, măng tre, hoa củ quả... là những sản vật phục vụ cho chính nhu cầu sống hằng ngày, có khi chữa bệnh giúp người. Vậy nên liệu có ai sinh ra từ rừng mà không dành trọn tình yêu cho nơi đây khi chính núi rừng đã ban phát cho con người những đặc ân mà không bất cứ nơi nào có được.

Núi rừng còn như một bà mẹ thiên nhiên che chở bảo bọc cho những người sinh ra từ rừng từ khi mới lọt lòng. Từ những hạt lúa nảy mầm trên đất rừng cho đến dòng nước tươi mát ven sông suối, từ con đường đi mỗi ngày đến từng hạt khí trời tinh khiết... bao người con của rừng đã lớn lên. Rừng chở che họ bằng ánh mặt trời ấm áp, bằng ngọn gió rừng hoang hoải, bằng những món quà nho nhỏ tuổi thơ như hạt dẻ, mâm xôi, quả sim quả ổi, quả chuối... cho đến việc mang lại cho nơi đây cuộc sống bình yên trước thiên tai, lũ lụt. Những đứa trẻ sinh ra từ rừng, được rừng chở che cứ thế an nhiên và tự tại sống giữa núi thẳm rừng thiêng như một phần không thể thiếu của núi rừng.

Sống giữa miền núi rừng thơ mộng ấy, như bao đứa trẻ tôi lớn lên mơ đến những chân trời mới, ước muốn chinh phục những vùng đất mới. Nhưng đi rồi mới biết chẳng nơi đâu thân thiết bằng quê nhà. Nơi đây có rừng già chở che, có xóm làng bao bọc, có gia đình yêu thương. Như những thân cây khẳng khiu ôm ấp bám giữ lấy nhau mà cộng sinh và chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Những đứa trẻ mang dòng máu của núi rừng cũng muốn được cộng sinh và gắn bó cùng nhau giữa không gian sinh tồn của núi rừng thân thuộc để trở thành những bông hoa mộc mạc của núi rừng.

Ngày nay, trước guồng quay hối hả của cuộc sống và sự đổi mới về cơ chế thị trường. Thi thoảng đâu đó tôi đọc được thông tin nơi này có người chặt phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm rừng làm nương rẫy, khiến rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Những giá trị của rừng bị khai thác để đem lại lợi ích cá nhân cho một hoặc một số người nào đó mà không khỏi chạnh lòng. Nhưng rồi tôi lại nghe thấy ở nơi nào đó, hằng năm vẫn có những lễ hội được tổ chức như một cách tri ân, tạ ơn núi rừng đã cưu mang con người, ở nơi nào đó rừng được trông coi bảo tồn, ở nơi nào đó người ta bắt đầu trồng rừng ngăn lũ lụt... mà thấy lòng khấp khởi vui.

Bao nhiêu năm, rừng vẫn thủy chung che chở và mang đến biết bao ân huệ cho con người mà không đòi hỏi, so đo hay tính toán. Rừng đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự sống của những người sinh ra từ đây. Lớn lên từ ân huệ của rừng, mỗi người đều mang trong mình một niềm tự hào, một tình yêu tha thiết với rừng. Với tôi, núi rừng chính là nơi lưu dấu ký ức tuổi thơ, là nơi chở che, bao bọc.Về với núi rừng chính là về với quê hương thân thuộc, về với đất mẹ bao la, với nguồn cội chân tình, với yêu thương ấm áp. Về để thấy tâm hồn mình được nương tựa trong không gian của rừng và để thấy mình vẫn bé nhỏ như một bông hoa, ngọn cỏ nằm giữa lòng núi rừng ôm ấp chở che.

T.N.H