“Nữ hoàng” của các loài linh trưởng - Viên Phúc Quân

05.05.2016

“Nữ hoàng” của các loài linh trưởng - Viên Phúc Quân

Những chuyện kể về đàn linh trưởng quý hiếm ở nơi từng được người Mỹ gọi là Monkey Moutain (Núi Khỉ) khiến chúng tôi háo hức làm một cuộc dạo quanh bán đảo khi chiều xuống với hy vọng được gặp chúng. Thế nhưng, vẻ hoang sơ giữa bạt ngàn xanh núi rừng không còn nữa, xe cộ chạy trên đường cùng với sự ồn ã của những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã khiến cho loài thú quý này không dám bén mảng.

1. Mãi đến nay bán đảo Sơn Trà vẫn tiềm ẩn những điều kỳ thú chưa khám phá hết. Nơi này nguyên là một hòn đảo với ba ngọn núi, dân gian dựa vào hình thể mà đặt tên cho núi: Hòn Nghê phía Đông Nam, Mỏ Diều phía Tây và Cổ Ngựa phía Bắc. Sau hàng trăm triệu năm bãi biển hóa nương dâu, những con nước lớn, nước ròng đã hình thành một bãi cát trắng nối đất liền với đảo và biến đảo thành bán đảo như ngày nay.

Có lẽ do đặc điểm tự nhiên này mà bán đảo Sơn Trà đã trở thành một “tài sản lớn” của Đà Nẵng, nơi lưu giữ một quần thể động - thực vật đặc trưng cho sự giao lưu giữa khí hậu miền Nam và miền Bắc, được bảo tồn khá nguyên vẹn trên diện tích 4.370 héc-ta. Trong danh mục lưu trữ tại Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thấy có 19 loài thực vật

và 29 loài động vật quý hiếm ở rừng

đặc dụng Sơn Trà được xếp vào Sách đỏ

Việt Nam.

Nhiều người ngạc nhiên sao có nhiều loài “nguy cấp” ở Sơn Trà đến vậy. Lan quế và Vàng anh đầu đen được ký hiệu CR (cực kỳ nguy cấp). Cây Đinh hương, Lan Hoàng thảo xương cá, Voọc chà vá chân nâu, Gà tiền mặt đỏ có ký hiệu EN (nguy cấp). Một số loài cây khác như Gụ lau, Côm Hải Nam, Cẩm lai... cùng với một số loài con khác như Cu li nhỏ, Khỉ mặt đỏ, Khỉ đuôi dài, Sóc chân vàng... được ký hiệu VU (sắp nguy cấp)...

2. 10 năm trước, theo điều tra và công bố của Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội thì thời điểm này ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có 12 đàn Voọc chà vá chân nâu với khoảng 171 - 198

cá thể. Đến nay, theo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, số lượng động vật được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng này đã tăng lên khoảng 350 cá thể. Mỗi đàn có một lãnh thổ riêng, đàn khác bất khả xâm phạm. Các con đực trưởng thành tranh giành lãnh thổ, đánh đuổi nhau, tách riêng thành đàn mới.

Dích dắc chạy xe lên độ cao 600m. Rừng xanh loáng nắng trưa nhưng không khí vẫn mát lành như một mảng của Bà Nà ai đem đặt xuống chốn này. Những Lan quế, Đinh hương, Cẩm lai... ẩn giấu sự “nguy cấp” đâu đó trong rừng, nhưng những Sóc chân vàng, Khỉ đuôi dài, Cu li đỏ... báo động sự thiếu vắng “hậu duệ” của mình bằng cách không còn xuất hiện trên đường như trước...

Nghe tôi muốn tiếp cận với đàn Voọc chà vá chân nâu, kiểm lâm viên Nguyễn Hữu Vinh cười thật hiền: “Nắng nóng thế này, voọc nó trốn kỹ lắm, tìm dễ chi ra. Muốn gặp, phải đi lúc 5-6 giờ sáng, lúc đó voọc ra kiếm ăn, tập trung thành bầy đàn, xong phân tán đi các nơi, đến 7-8 giờ tối mới trở về. Tập trung đông nhất là ở miếu Bà Tiên Sa và đỉnh cao 535m  so với mặt nước biển. Đi sâu vào rừng dễ gặp, thỉnh thoảng đi trên đường cũng có”.

3. “Tài sản” lớn nhất của bán đảo Sơn Trà, theo đánh giá của Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, là khu bảo tồn thiên nhiên, với khí hậu trong lành, cảnh quan đa dạng, vừa có rừng, có núi, có suối, có biển rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.

Để góp phần bảo vệ tài sản vô giá này, Ban quản lý đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) triển khai chương trình Vì một Sơn Trà xanh mà “tác phẩm đầu tay”, theo Giám đốc GreenViet Trần Hữu Vỹ, là lần ra quân tổng vệ sinh bán đảo Sơn Trà hồi giữa tháng 3 năm 2014. Gần 200 người gồm sinh viên, cán bộ nhân viên của 2 đơn vị và một số doanh nhân, người dân, du khách tự nguyện tham gia, họ chia làm nhiều nhóm tỏa đi quanh khắp bán đảo thu gom rác.

Trước đó, hai đơn vị cũng đã cho ra đời một “sản phẩm” khác có tên là Tôi yêu Sơn Trà nhằm giới thiệu đa dạng sinh học, vẻ đẹp thiên nhiên của bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là hình ảnh loài Voọc chà vá chân nâu đến với người dân, du khách, đồng thời kêu gọi các thành viên tham gia chương trình thu gom rác dọc các tuyến đường du lịch trên bán đảo.

Theo số liệu theo dõi của Tổ chức Bảo tồn Voọc chà vá quốc tế (DLF), trong khi loại linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, thì tại bán đảo Sơn Trà lại đang phát triển ổn định. Chị Lý Thị Kiêm, phụ trách mảng bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, thành viên tham gia DLF, kể rằng, dân bây giờ cũng đã ý thức được sự giá trị của động vật hoang dã quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà. Có lần bà con bắt được một số khỉ vàng và voọc chà vá chân nâu đi lạc bầy, giao cho kiểm lâm viên thả vào rừng.

4. Những chuyện kể về đàn linh trưởng quý hiếm ở nơi từng được người Mỹ gọi là Monkey Moutain (Núi Khỉ) khiến chúng tôi háo hức làm một cuộc dạo quanh bán đảo khi chiều xuống với hy vọng được gặp chúng. Thế nhưng, vẻ hoang sơ giữa bạt ngàn xanh núi rừng không còn nữa, xe cộ chạy trên đường cùng với sự ồn ã của những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã khiến cho loài thú quý này không dám bén mảng.

Bên đường dốc dẫn lên Trạm Rada 29 trên đỉnh núi Sơn Trà nằm ở độ cao 621m so với mực nước biển, nơi được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương”, có tượng chú khỉ một tay đặt trên đôi bàn chân, một tay chống cằm chừng như tư lự một điều gì đó. Phải chăng chú đang thầm nghĩ, làm sao để phát triển du lịch nhưng không phá vỡ môi trường sinh thái, để cộng đồng động vật quý hiếm trong đó có giống nòi chú không bị tuyệt diệt?

Câu trả lời tùy thuộc vào cách hành xử của loài người.

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng Trần Văn Lương cho biết, độ che phủ rừng hiện nay của Đà Nẵng là 38,8%, cao nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, việc giữ màu xanh núi rừng đã được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. 5 năm trước, để bảo vệ loài Voọc chà vá chân nâu, vẫn theo ông Lương, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố nghiên cứu triển khai làm cầu cây xanh để loài linh trưởng này có thể đi lại trên cao. Theo đó, sẽ trồng các cây cao thành từng cặp đối xứng nhau qua các đường giao thông để chúng khép tán tạo thành cầu.

Thế nhưng, từ tháng 1 đến cuối tháng 2 vừa qua, người dân tự ý phá rừng, đào đường, dựng lán trại ở tiểu khu 62 và 63 ở rừng bán đảo Sơn Trà mà lực lượng kiểm lâm tại đây không hề hay biết. Mãi đến ngày 24-2, khi người dân phát hiện, phản ánh thì các ngành chức năng Đà Nẵng mới vào cuộc xử lý. Vụ việc khiến cho hơn 7 ha rừng bị chặt phá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của hệ động thực vật phong phú tại đây; đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của loài Voọc chà vá chân nâu đang được cả thế giới bảo vệ.

Cho dù Chi cục Kiểm lâm thành phố đã ra quyết định kỷ luật cách chức Hạt trưởng và Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn liên quan đến vụ phá rừng Sơn Trà này nhưng những mất mát nhãn tiền đó đã làm gương mặt chú khỉ bằng đá trên đỉnh Sơn Trà thêm nhiều nếp nhăn.

5. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn ngày 22-5 hằng năm làm Ngày quốc tế Đa dạng sinh học để kỷ niệm ngày Công ước về Đa dạng sinh học (Convention on Biological Diversity). Đây là một hiệp ước đa phương, có ba mục tiêu chính: bảo toàn đa dạng sinh học; sử dụng lâu bền các bộ phận hợp thành của nó; và phân phối công bằng và hợp lý các lợi ích phát sinh từ các nguồn tài nguyên di truyền.

Không nhiều người Việt Nam biết rằng nước ta đã chính thức tham gia Công ước vào ngày 16-11-1994. Điều đó không quan trọng, vấn đề là con người ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ nhận thức và hành xử thế nào trong việc bảo toàn đa dạng sinh học. Nhiều khi ở đời rất là nghịch lý, như việc người dân khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà bắt được một số Khỉ vàng và Voọc chà vá chân nâu đi lạc bầy đem giao cho kiểm lâm viên thả vào rừng; còn kiểm lâm thì dân phá rừng ngay trong khu vực mình quản lý mà chẳng hề hay biết! 

V.P.Q