Chiếc sừng tê giác - Trần Trung Sáng

05.05.2016

Chiếc sừng tê giác - Trần Trung Sáng

 

“Chiếc sừng tê giác” là tên gọi tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Trần Trung Sáng vừa  hoàn thành  ở Trại sáng tác VHNT Đà Nẵng 2016 tại TP. Đà Lạt. Nội dung tác phẩm là câu chuyện kể về món quà “chiếc sừng tê giác” của một gia đình ăn xin tại một làng quê Quảng Nam tặng cho đứa con gái nuôi (sau khi trả đứa con lại cho gia đình cha mẹ ruột vốn giàu có), với mục đích làm kỷ vật gia bảo để cứu những người bệnh tật hiểm nghèo. Thế nhưng, từ đó, vật gia bảo ấy đã tình cờ đẩy đưa người con gái ngây thơ lớn lên cùng với số phận thăng trầm của những diễn biến thời cuộc, bên cạnh biết bao cạm bẫy, lòng tham và tội ác... Truyện cũng là lời cảnh báo trước thảm họa những động vật quý hiếm đang bị đe dọa diệt chủng. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc một trích đoạn từ tác phẩm nói trên.

 

Theo lời kể lại của cha tôi, ngay khi vừa mới chào đời, tôi là một đứa bé khó nuôi. Một lần, vào khoảng tôi chừng 2 tháng tuổi, tình cờ có một gia đình ăn xin (gồm 1 chồng và 2 bà vợ) ghé đến trước hiên nhà. Gia đình tôi dọn một mâm cơm ra mời họ, nhưng một trong hai người vợ chẳng thiết tha cơm nước, mà cứ tập trung chú ý nhìn tôi đang khóc thét liên miên. Thế rồi, bà ấy bước vào xin được bồng cho tôi bú. Cả nhà ai cũng bất ngờ khi tôi bú say sưa, không khóc nữa. Ngay sau đó, cha mẹ tôi bàn bạc với gia đình những người ăn xin, bán hẳn tôi về gia đình họ cho đến khi lớn khôn. Thời ấy, chuyện như vậy, vẫn thường xảy ra với các gia đình khó nuôi con. Do đó, thoắt chốc, tôi trở thành đứa con sinh sống cùng với gia đình người ăn xin...      

 

1. Đến tận năm 12 tuổi, tôi mới thật sự biết được, tôi chính là con ruột của cha mẹ tôi. Lần đầu tiên, trở về ngôi nhà rộng rãi, khang trang, nghe lại sự thật về cuộc đời mình, tôi đã khóc tấm tức với một tâm trạng khó tả. Có thể đầu tiên, là nỗi quyến luyến với gia đình cũ của cha mẹ nuôi không thể nhanh chóng xóa bỏ tức thì. Tôi có cảm giác bàng hoàng như mình bị ném vụt ra khỏi vòng tay của họ. Tôi chạy ra hàng chè tàu ngoài sân muốn gào lên, nhưng cha mẹ nuôi của tôi đã đi xa. Tôi tức giận ném bỏ tất cả những món đồ chơi trẻ con như thứ hành trang quý giá trở về gia đình cũ.  

Liên tiếp nhiều ngày, cha mẹ cùng những người thân trong gia đình chính thức của tôi không ngớt dỗ dành, tôi mới nguôi ngoai. Tôi dần dần lắng nghe, rồi nhận ra câu chuyện đời mình thật lạ lùng như cổ tích. Cái tình cảm thương yêu pha chút oán giận giờ đây lại chuyển sang cha mẹ ruột. Tôi cứ nghĩ, tại sao cha mẹ mình sống cảnh giàu có ấm êm lại nỡ lòng phó thác mình cho một gia đình ăn xin!   

Từ đó, tôi tập làm quen với sinh hoạt mới trong một ngôi nhà, thời ấy người ta thường gọi là địa chủ, hoặc danh gia vọng tộc, với đông đúc người hầu kẻ hạ. Tôi cố quên và cũng không muốn ai nhắc lại, tôi đã từng được nuôi dưỡng lớn lên trong một gia đình ăn xin.

 

 2. Không lâu sau, cha mẹ ruột tôi xin tôi vào học một ngôi trường mới, khang trang, sáng sủa hơn với ngôi trường cũ thời tôi còn sống với cha mẹ nuôi. Còn hơn thế nữa, là mỗi buổi đến trường tôi đều có người đưa đón, cõng trên vai. Dù vậy, những khi rảnh rỗi ở nhà, cha tôi vẫn không cho tôi được phép chơi không, mà bắt tôi phải tập làm quen với những công việc của nghề Đông y. Ông tập tôi từ việc dễ đến việc khó. Thỉnh thoảng ông thường nhắc: “Rồi mai đây con phải cáng đáng công việc này. Cha nhắm trong nhà mình, chỉ con là đáng trông cậy hơn cả. Con phải chú ý những chi mà cha dạy bảo...”.

Nhà tôi suốt ngày người ta vào ra rầm rập, nhưng dần dần tôi nhận ra: không phải đó chỉ là những người khách hàng đến liên hệ mua thuốc đông y, còn những công việc khác, mà trong đó tôi ngạc nhiên hơn cả là cha tôi bảo: “đó là những con chiên của Chúa”. Có đôi lần, cha tôi dẫn tôi đi đến một ngôi nhà thờ, nhưng lần nào tôi cũng tìm cách thoái thác bỏ ra ngoài hoặc chạy về trước. Bởi nhìn thấy cái cảnh ngôi nhà trang nghiêm với chiếc vòm cao rộng lớn, mà ai nấy bước vào cũng phải kính cẩn thầm thì, cầu khấn, tôi thấy mình thật nhỏ nhoi và lo sợ... Những lần như vậy, về nhà cha tôi giảng giải tôi nghe rất nhiều về đức Chúa trời. Ông nói rằng: “Có hàng trăm người lầm lạc, cha đã đưa về với Chúa, còn con là con cha mà con vẫn cứ cứng đầu”. Tôi nói, cha cứ để tự con lựa chọn, bao giờ con cảm thấy tin được thì con sẽ đến với Chúa. Cha tôi lặng lẽ bỏ đi. Nhưng ông vẫn nhẫn nại đợi chờ...

 Vào năm tôi 15 tuổi, bất ngờ cha tôi dẫn về một đôi ngựa. Một con màu nâu vàng, một con màu trắng mà người ta thường gọi là ngựa bạch. Cha tôi nói: “Con đến tuổi lớn khôn rồi, hôm nay cha tặng con con ngựa bạch, con tập cưỡi quen dần, đi lại đó đây cho tiện. Còn phần con ngựa kia là của cha”.  

Việc cưỡi ngựa mới đầu tôi thật ngại ngần. Mỗi lần trèo lên lưng nó có người phụ giúp mà vẫn cứ run. Vậy mà chừng được năm bảy ngày thì tôi thực sự thích thú. Tôi thấy mình gắn bó với chú ngựa bạch như một người bạn. Mỗi ngày tôi cùng chú chạy quanh những con đường gần thôn làng. Rồi dần dần có lúc tôi chạy ngang qua các khu chợ, thậm chí đến cả những con đường nhựa ngoài phố Tam Kỳ... Thấy vậy, cha tôi vui lắm. Ông khen ngợi: “Rứa mới xứng là con gái của cha chớ!”. Thỉnh thoảng ông lại sai tôi chạy vào chợ, khi thì giao thuốc, khi thì thu tiền khách hàng.  

Một lần, từ chợ quay về, ngang qua một con đường mòn, vốn là ngả rẽ dẫn về nhà cha mẹ nuôi tôi, nơi có ngôi nhà đơn sơ tôi đã từng hạnh phúc suốt thời thơ ấu, tự nhiên, lòng tôi bồn chồn lạ lùng. Đã mấy năm nay, tôi luôn ghìm lòng cố quên đi những gương mặt chất phác hiền lành, cùng những kỷ niệm nơi gia đình cũ. Vậy mà giờ đây, đứng trước ngả rẽ này, tôi không thể nào xóa tan nỗi nhớ quay quắt. Chú ngựa bạch chừng như cũng linh cảm được tâm trạng của tôi. Nó dừng chân lẩn quẩn, hí lên những tiếng nhỏ như muốn hỏi tôi vì sao chần chừ? Thế là, tôi thúc vào hông nó, chạy thẳng vào con đường làng năm xưa... 

Khi tôi vừa dừng ngựa trước cổng nhà, chưa bao giờ tôi nhìn thấy cha mẹ nuôi tôi bộc lộ nỗi vui mừng như thế. Cha đang ngồi trên phảng, chạy ra nhảy hẩng lên reo hò như người ta chào đón một  đoàn quân diễu hành. Còn mẹ chừng như xúc động đến lả người, phải níu lấy tay cha, chao đảo bên ông. Tôi lao thẳng vào vòng tay cha mẹ khóc òa nức nở... Tôi thấy thương cha mẹ quá chừng. Tôi muốn xin lỗi cha mẹ ngàn lần là lâu nay đã lảng tránh không về thăm, nhưng không tài nào mở miệng nổi. Cha tôi vuốt mái tóc tôi:

 

- Chi mô mà khóc con. Con về đây cha mẹ mừng hơn được vàng được bạc. Con vui vẻ lên kể chuyện cha mẹ nghe thử nờ...

 

3. Nói vậy, mà cả gia đình chúng tôi cứ quấn quít bên nhau cả buổi lâu, chẳng nói chuyện chi cho ra đầu ra đuôi. Được một hồi lâu, cha bảo tôi: “Con ngồi nghỉ ngơi đi, ở lại ăn một bữa cơm với cha mẹ rồi mới về nghe”. Nói xong, ông ra sân vuốt ve chăm sóc chú ngựa bạch. Mẹ tôi vào bếp lục đục lo chuyện nồi niêu. Tôi đứng dậy, đi quanh lục lọi những xó xỉnh đầy kỷ niệm của mình. Hồi đưa tôi trở lại gia đình cha mẹ ruột, cái thứ mà tôi thích nhất là mớ đồ chơi con nít hầu như đều được đem theo, rồi bị tôi tức giận ném bỏ ở hàng chè tàu, giờ đây nó vẫn bất ngờ còn sót lại vài cái như: bộ quang gánh, con vụ, chiếc tàu bằng thiếc... Tôi nhặt lên từng cái nâng niu, như những ngày còn thơ ấu được thấy nó lần đầu. Nhìn thấy tôi làm vậy, mẹ sung sướng nói: Con biết không, mẹ vẫn giữ lại vài thứ của con... lâu lâu nhìn cho đỡ nhớ!      

Bữa cơm gia đình dọn ra trên phảng như trước kia, nhưng tôi ăn ngon lành hơn bao giờ cả. Còn cha mẹ nuôi tôi thì cứ cười nói huyên thuyên, dành nhau gắp thức ăn bỏ vào chén tôi. Thoắt chốc, trời đã xế chiều. Tôi nói: “Chừ con phải về thôi. Bữa khác con lại ghé”. Nhưng tự nhiên, tôi thấy gương mặt cha có vẻ nghiêm trọng. Ông lắp bắp: “Chờ chút! Chờ chút...”. Ông nói thì thầm điều chi đó với mẹ, rồi cả hai người lục đục quanh nhà một hồi mới quay lại ngồi với tôi. Cha nói:

- Thiệt tình, chừ cha mẹ nói hết ruột gan cho con biết như ri nề...

  Trên tay cha là một bọc vải cũ kỹ. Trên tay mẹ là một mắc tre, vừa được chặt ra từ một cột nhà sau bếp. Chưa bao giờ tôi thấy cả hai người có dáng vẻ xúc động như vậy.

- Cha mẹ lâu nay có một tâm nguyện, là sau khi trả con về với cha mẹ ruột, nếu con còn quay trở lại...

Mẹ khóc thút thít nói chen vào:

- Tự vì cứ lo là con đi luôn không quay trở lại đó con...

- Bà ni thiệt...

Cha quay sang quở mẹ, rồi nói tiếp:

- Cha mẹ có mấy thứ dành dụm để dành cho con. Chừ con về rồi, thì cha mẹ giao luôn cho mãn nguyện.

 Đầu tiên, cha mở bọc  đưa cho tôi chiếc sừng là lạ. Cha nói: “Đây là cái sừng tê giác. Quý lắm! Không dễ chi có đâu. Bởi sau này con làm nghề Đông y, thành thử cha giao cho con cất để dành, chữa bệnh cứu người”. Ngoài chiếc sừng, cha đưa tôi thêm hai vật bằng đá, một cái có hình con cua, một cái có hình dạng chiếc búa, mà theo cha, đó là chiếc búa trời, dùng để yểm tà, sau này có chồng con đem theo, để trong nhà rất yên ổn, may mắn. 

Tiếp đến, mẹ  mở xòa mắc tre ra giữa phảng. Tiền đâu đổ nhiều vô kể. Tiền giấy, tiền xu đủ thứ loại tiền... Mẹ nói: “Của con đó. Lâu nay xin người ta, dư ra đồng mô là cũng để dành cho con”. Tôi hết sức bất ngờ nói:

- Thôi, con không lấy đâu! Cha mẹ giữ lại cần chi mà tiêu chớ!

- Cha mẹ có phần cha mẹ rồi. Đây là phần của con. Lâu nay cha mẹ đã tính

hết rồi!

Cha nói dứt lời, mẹ cũng nói thêm: “Cha mẹ cũng chỉ cho con chừng đó thôi, không có chi nhiều hơn. Con phải cầm về để cha mẹ vui bụng”. 

Tôi ngỡ ngàng để cho cha mẹ nuôi gói ghém các thứ ra ngõ, trèo lên ngựa. Tôi không thể nào hình dung được tình cảm cha mẹ dành cho tôi sâu đậm quá. Tôi nghĩ, giờ đây, mình hạnh phúc hơn ai hết, vì có đến hai gia đình đều hết lòng thương yêu, chăm sóc mình.  

Đêm ấy, trở về nhà cha mẹ ruột, tôi cứ trăn trở hoài không ngủ được. Lần đầu tiên tôi suy nghĩ nhiều về quá khứ ấu thơ, về tương lai phía trước...

T.T.S