Loài Voọc chà vá chân nâu - Bùi Văn Tuấn

05.05.2016

Loài Voọc chà vá chân nâu - Bùi Văn Tuấn

Voọc chà vá chân nâu có tên tiếng Anh: Red-shanked douc langur, tên la tinh (khoa học): Pygathrix nemaeus. Ở các vùng miền khác nhau trong các tỉnh có vùng phân bố của Voọc chà vá chân nâu thì còn có nhiều tên gọi theo vùng miền, như: Khỉ bảy màu, Khỉ chú lính, Giáo hoàng, Con giấu đầu hở đuôi, Con Dọc, hoặc Con Hoa... Mỗi cái tên khác nhau đều có cách lý giải riêng của từng vùng miền và đặc điểm riêng biệt để nhận dạng.

Người dân ở xung quanh bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng thường gọi con Voọc chà vá chân nâu là con Giáo hoàng vì nó mặc bộ áo lông màu sặc sỡ và quyền quý. Hoặc người ta gọi Khỉ bảy màu vì nó khoác tấm áo có đến 7 màu sắc khác nhau. Hoặc ít gọi hơn là cái tên Khỉ chú lính vì trên đầu có đội cái mũ bê rê (dải màu đen trên trán) và Voọc chà vá chân nâu còn có cái tên rất vui là Giấu đầu hở đuôi, vì khi nó đi trốn sẽ lấy các cành lá che mặt nhưng lại để thòng lòng mấy cái đuôi dài trắng muốt đu đưa rất dễ nhận thấy.

 

Loài Voọc chà vá chân nâu thuộc nhóm khỉ cựu lục địa (Old World Monkey), Bộ Linh Trưởng (Primates), Họ Khỉ (Ceropithecidae), và Chi chà vá (Pygathrix).  Trong cùng chi chà vá còn có 2 loài khác gần giống với Voọc chà vá chân nâu là Voọc chà vá chân xám và Voọc chà vá chân đen. Về cơ bản, ngoại hình và tập tính của 3 loài này khá giống nhau, chỉ khác nhau đặc trưng ở màu sắc cẳng chân là nâu, xám và đen.

Các nghiên cứu giải mã Gene gần đây(1) (2) (3) đã xác định được lịch sử hình thành loài Voọc chà vá chân nâu cách đây hơn 1 triệu năm và loài này có mối quan hệ gần với loài Voọc chà vá chân xám hơn là loài Voọc chà vá chân đen. 

Loài Voọc chà vá chân nâu được mô tả và đặt tên lần đầu tiên bởi nhà khoa học Linnaeus năm 1771 với tên gọi là Simia nemaeus.  Khi đó, loài này được ghi nhận ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam và núi Chư Mom Rây của tỉnh Kontum cùng với loài chà vá chân xám. Tuy nhiên, những mô tả và bản vẻ bằng bút chì về loài chà vá chân nâu đã được Mr. Buffont - bảo tàng lịch sử tự nhiên của Pháp phác họa. Đến năm 1812 Estinenne Geoffroy St. Hilarie xếp loài này vào chi chà vá với tên la tinh là Pygathrix nemaeus.

Tại bán đảo Sơn Trà, quần thể Voọc chà vá chân nâu được phát hiện từ những năm 1969 bởi Van Peenen và cộng sự, những phát hiện và ghi nhận bổ sung cũng được thực hiện bởi Van Peenen 1971. 

Phân bố Voọc chà vá chân nâu trên thế giới và Việt Nam

Trên thế giới, các nghiên cứu và khảo sát đã xác định được loài Voọc chà vá chân nâu chỉ phân bố dọc theo dãy Trường Sơn trong các vùng rừng giáp ranh giữa phía Nam của Lào và miền Trung Việt Nam, và một phần nhỏ ở đông bắc Campuchia. Quần thể lớn nhất hiện nay được ghi nhận tại miền trung của Lào. Trong khi đó, các quần thể của loài này bị phân tán và chia cắt khá mạnh bởi việc phá rừng và xâm lấn đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, làm đường giao thông...

Các vùng phân bố của loài Voọc chà vá chân nâu ở Việt Nam từ Nghệ An đến Kon Tum, cụ thể gồm các Vườn quốc gia như Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh); Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Bạch Mã (Huế) và các khu bảo tồn thiên nhiên như Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh); Đăk Krong (Quảng Trị); Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị); Sao La (Quảng Nam); Sông Thanh (Quảng Nam); Ngọc Linh (Kon Tum - Quảng Nam); Chư Mom Rây (Kon Tum); Sơn Trà, Bà Nà - Núi Chúa; Nam Hải Vân (Đà Nẵng); và nhiều khu rừng đặc dụng khác ở Quảng Nam.

Ở Việt Nam, quần thể được ước tính có số lượng lớn nhất tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với số lượng dao động từ 445 - 2137 cá thể (Haus 2008, Haus et al 2009). Tại bán đảo Sơn Trà, trong báo cáo của 2 nhóm khảo sát gồm Lippold và cộng sự (2008); Đinh Thị Phương Anh và cộng sự (2010), đều ghi nhận khoảng 180-200 cá thể Voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại bán đảo Sơn Trà. Trong khi đó, báo cáo mới đây của tổ chức bảo tồn linh trưởng thế giới (DLF, 2013) báo cáo với chi cục kiểm lâm thành phố ghi nhận tại Sơn Trà có khoảng 300 - 350 cá thể Voọc chà vá chân nâu.  Do các khu vực có sự phân bố khác của Voọc chà vá chân nâu sinh sống chưa được khảo sát cụ thể về mức độ phong phú, mật độ quần thể nên Sơn Trà được xem như khu vực có mật độ quần thể Voọc chà vá chân nâu cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, về thực tế, cần có các khảo sát đồng bộ và kéo dài để có thể ước tính chính xác số lượng và mật độ quần thể Voọc tại Sơn Trà trong tình trạng bị tác động mạnh bởi nhiều mối đe dọa như hiện nay.

Hình thái ngoài, các số đo và phân chia độ tuổi

Về hình thái ngoài, cá thể đực trưởng thành có kích thước lớn hơn nhiều so với cá thể cái trưởng thành. Chiều dài từ mông đến đỉnh đầu của 1 con đực trưởng thành khoảng 55 - 63cm, trung bình là 59.6cm, Con cái trưởng thành là 50 - 57cm. Chiều dài đuôi của chúng xấp xỉ bằng chiều dài thân, và đuôi con cái cũng ngắn hơn đuôi con đực. Về cân nặng, con đực trưởng thành cân nặng dao động từ

5.8 - 11kg, trong khi đó con cái chỉ cân nặng khoảng 6.4 - 8kg. Các số liệu về chiều dài, cân nặng đều được đo trên các cá thể trong điều kiện nuôi nhốt tại trung tâm cứu hộ linh trưởng.

Về màu sắc, cả hai con đực và cái trưởng thành đều có màu sắc giống nhau. Voọc chà vá chân nâu thường được mệnh danh là Nữ Hoàng Linh Trưởng với bộ lông nhiều màu sắc sặc sỡ gồm: vàng, nâu hoặc nâu đỏ, cam, xám, đen, và trắng. Đỉnh đầu gần trán có vạt lông màu đen, từ vai đến 2 cánh tay, bàn tay, bàn chân màu đen, mặt có màu vàng sáng, ngực và 2 bên bẹn có viền màu cam, còn lại toàn thân và cánh tay có màu xám, riêng 2 cẳng chân có màu nâu đỏ.  Đặc biệt, ở phía mông có mảng trắng hình tam giác kéo dài đến mút đuôi.  Giữa con đực và con cái có thể phân biệt dựa vào túm lông trắng kéo dài ra ở 2 góc nhọn của tam giác ở con đực trưởng thành, con cái thì không có 2 túm lông dài này. Trên khuôn mặt của con trưởng thành cái và đực đều có bộ râu trắng dài quanh mặt.

Phân biệt về độ tuổi, để thuận tiện cho quá trình nghiên cứu về tập tính xã hội và cấu trúc quần thể, trong các nghiên cứu khoa học thường chia thành 5 nhóm tuổi với các đặc trưng khác nhau của Voọc chà vá chân nâu như sau:

- Con mới sinh: từ 0 - 8 tháng: Con non mới sinh có khuôn mặt đen hoàn toàn và lông trên cơ thể chỉ có 1 màu hạt dẻ, chúng rất ít di chuyển, hoàn toàn bú sữa mẹ, và được mẹ chăm sóc rất cẩn thận. Khi di chuyển, chúng bám vào bụng con mẹ. 

- Con non: từ tháng thứ 8 đến tháng 18 tháng: Bộ lông đã chuyển dần dần sang các màu sắc ở các chi và trên cơ thể gần giống với con trưởng thành. Tuy nhiên, màu sắc trên khuôn mặt vẫn còn đen, đối với con đực thì dương vật bắt đầu chuyển dần sang màu hồng.  Không còn bú sữa mẹ hoàn toàn, chúng có thể ăn thêm một ít lá cây, quả dễ tiêu hóa, dành nhiều thời gian để tự vận động xa con mẹ. Chúng có thể bắt đầu bỏ bú từ tháng 12.

- Con nhỡ: Từ tháng 18 đến hết năm thứ 3: Màu lông trên cơ thể đã phát triển đầy đủ màu sắc giống như con trưởng thành, mặc dù có thể còn màu đen ở má và quanh mắt. Con đực có bộ ria trắng quanh khuôn mặt chưa phát triển.  Con nhỡ đã hoàn toàn bỏ bú, có thể tự tìm kiếm được thức ăn, vẫn còn phụ thuộc con mẹ khi di chuyển, và có thể di chuyển xa con mẹ với khoảng cách lớn. Chúng bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội bầy đàn qua các hành động như chải lông cho cá thể khác, đe dọa để dành vị trí ngồi chơi hoặc ăn uống.

- Con trưởng thành: Trên 2.5 - 3.5 tuổi với con cái, và trên 3 - 4 tuổi với con đực. Khuôn mặt và màu sắc lông đã hoàn toàn giống con trưởng thành, tuy nhiên màu trên khuôn mặt nhạt hơn màu trên khuôn mặt con trưởng thành. Chúng chưa thể tham gia vào các hoạt động sinh sản mặc dù các tập tính xã hội, vận động rất giống với con trưởng thành. Ở độ tuổi này, rất dễ nhầm lẫn giữa một con đực bán trưởng thành và con cái mới trưởng thành khi quan sát từ xa bằng ống nhòm vì không quan sát được bộ phận sinh dục.

- Con trưởng thành: Trên 4 tuổi với con đực, và trên 3.5 tuổi với con cái. Chúng bắt đầu tham gia hoạt động giao phối và duy trì nòi giống.

Về sinh sản và tuổi thọ, các ghi chép trong điều kiện nuôi nhốt ghi nhận những cá thể cái có thể bắt đầu sinh sản ở tuổi thứ 3, trong khi đó cá thể đực thường sinh sản ở tuổi thứ 4 hoặc 5. Vòng đời sinh sản của một cá thể cái khoảng 5 - 8 năm.  Cá thể cái được ghi nhận sống thọ nhất trong điều kiện nuôi nhốt tại vườn thú San Diego Zoo, USA là 26 năm.

Voọc chà vá chân nâu cũng có chu kỳ kinh nguyệt dao động từ 28 - 30 ngày thường đi kèm với dấu hiệu có máu đỏ ở giữa háng. Brockman và Lippold (1975) ước  tính thời gian mang thai của Voọc cái khoảng 180 - 200 ngày. Trong một báo cáo khác của Lippold (1981) báo cáo rằng Voọc cái có thời gian mang thai đến 210 ngày dựa vào phân tích nước tiểu. Khoảng cách giữa 2 lần sinh trung bình là 24 tháng, nhưng cũng

có khi là 16 tháng hoặc 38 tháng. Ruempler (1998) ghi nhận rằng chỉ sau tháng thứ 9 thì đã có những dấu hiệu cho thấy con cái sẵn sàng cho việc giao phối và sinh đứa con tiếp theo.

Các kết quả ghi nhận từ thực tế tại các khu rừng tự nhiên cho đến các khu cứu hộ động vật đều ghi nhận Voọc chà vá chân nâu có thể sinh sản quanh năm.  Tuy nhiên, thời điểm sinh sản cao nhất trong năm thường là mùa khô vì có thể có liên quan đến sự dồi dào của nguồn thức ăn và điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của con non.

Môi trường sống

Voọc chà vá chân nâu thường xuất hiện trong các khu rừng thường xanh mưa mùa nhiệt đới, rừng nửa rụng lá, đôi khi là rừng thứ sinh thường xanh, rừng núi đá vôi, hoặc rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim. Chúng thường chỉ sinh sống, di chuyển trên các tầng tán cây trong rừng nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn đi xuống đất để uống nước hoặc ăn đất để bổ sung thêm chất khoáng. Xét theo đai độ cao phân bố so với mực nước biển, loài này thường được ghi nhận ở độ cao trên 1,300m. Tuy nhiên, tại bán đảo Sơn Trà, có vài gia đình nhà Voọc chà vá chân nâu di chuyển xuống sát những tảng đá ở mép biển để tìm kiếm thức ăn. Điều đó cho thấy, ở mỗi điều kiện sinh sống khác nhau, tuy cùng một loài nhưng chúng sẽ có các cách thích nghi với môi trường sống khác nhau và hình thành những tập tính khác nhau. Sự phân bố và tồn tại của các nhóm linh trưởng nói chung và Voọc chà vá chân nâu nói riêng là những dấu hiệu chỉ thị cho chất lượng rừng tốt và ít bị tác động.

Thức ăn

Voọc chà vá chân nâu thuộc nhóm khỉ ăn lá, nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn ăn thêm quả hoặc hạt tùy theo mùa khác nhau. Các nghiên cứu tại bán đảo Sơn Trà ghi nhận, Voọc ăn hơn 87% là lá, trong đó hơn 66% là lá non. Quả và hạt chiếm 10.2% tổng thành phần thức ăn, còn lại là một ít hoa, vỏ cây hoặc cuống lá. Ở mỗi vùng sống khác nhau, các kiểu rừng, thời tiết khác nhau thì Voọc chà vá chân nâu có thành phần thức ăn và ăn các loài cây khác nhau. Ở Sơn Trà, chúng ăn hơn 150 loài cây khác nhau bao gồm cả cây thân gỗ, cây dây leo, cây thuốc... trong khi cả bán đảo Sơn Trà có gần 1000 loài thực vật khác nhau. Điều đó cho thấy, Voọc lựa chọn rất kỹ các loại cây có thể ăn được.

Các nghiên cứu trong điều kiện nuôi nhốt đã ước tính được 1 cá thể Voọc trưởng thành ăn trung bình 1.79kg lá cây mỗi ngày.

Hoạt động và tổ chức xã hội, cấu trúc bầy đàn

Voọc chà vá chân nâu là nhóm động vật hoạt động ban ngày và sống chủ yếu trên cây. Các gia đình Voọc thường lựa chọn các cây cao, to, tán dày để ngủ và đặc biệt chúng không bao giờ ngủ trong các hang hoặc vách đá.  Các cây thường được chọn làm chỗ ngủ thường ở vị trí khuất gió và chúng sẽ quay trở lại ngủ ở đó nhiều lần. 

Về đời sống xã hội, Voọc chà vá chân nâu sống theo từng gia đình riêng lẻ với duy nhất 1 con đực trưởng thành, 2 - 3 con cái (vợ), và những đứa con. Kiểu cấu trúc gia đình này được gọi là đán đơn đực. Thỉnh thoảng trong ngày, nhiều gia đình có thể tập trung lại với nhau thành một đàn lớn lên đến hơn 50 cá thể. Tỉ lệ giữa con đực và cái trong các quần thể ở các vùng phân bố khác nhau thường là 1:1.5.  Diện tích vùng sống của mỗi gia đình Voọc được nghiên cứu tại bán đảo Sơn Trà khoảng 258 ha (Pham Nhat 2002), trong nghiên cứu của Jonathan và cộng sự (2013) là

28 -30ha.

Hoạt động trong ngày của các gia đình Voọc thường bao gồm  nghỉ ngơi, ăn, di chuyển, và quan hệ xã hội. Trong đó, chúng dành hết 30% thời gian cho việc nghỉ ngơi để tiêu hóa thức ăn và tham gia các hoạt động xã hội trong bầy đàn, 28,6% cho việc di chuyển tìm kiếm các nguồn thức ăn mới, chơi đùa... 21,7% cho các hoạt động xã hội, nhưng chỉ dành 13,7% cho việc ăn uống và 0.7% cho các hoạt động khác.

Tình trạng bảo tồn và các nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của loài Voọc chà vá chân nâu

Danh lục đỏ IUCN năm 2008 xếp hạng loài này ở mức Nguy Cấp (EN), tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới nhất của Ben Rawson, FFI về tình trạng bảo tồn linh trưởng của Việt Nam thì IUCN sẽ đưa loài Chà vá chân nâu lên mức Cực kỳ nguy cấp vì những lo ngại về các mối đe dọa ngày càng lớn đối với sự tồn tại của loài này ngoài tự nhiên. Ở ngoài tự nhiên, loài này được dự đoán là sẽ bị suy giảm quần thể hơn 50% trong vòng 35 năm đến trong vòng 3 vòng đời sinh sản (Mỗi vòng đời sinh sản khoảng 10 -12 năm) bởi sự suy giảm về diện tích vùng sống và nạn săn bắt, buôn bán bất hợp pháp.

Tại Việt Nam, Voọc chà vá chân nâu cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Sách đỏ Việt Nam cũng xếp loài này ở mức Nguy cấp (EN), và nghị định 32NĐCP/2006 của chính phủ xếp loài này vào danh mục IB “nghiêm cấm săn bắt, buôn bán dưới mọi hình thức”.

B.V.T