Dưới trời sao vang một giọng thầm - Huỳnh Văn Hoa

05.05.2016

Dưới trời sao vang một giọng thầm - Huỳnh Văn Hoa

Tôi đọc thơ Nguyễn Đông Nhật vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Đó là những bài thơ của những ngày xuống đường, đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, bày tỏ khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Số bài thơ này, sau đó, có mặt trong những tuyển tập thơ văn của phong trào đô thị trước 1975. Chỉ sau 1975, thơ, với Nguyễn Đông Nhật, mới là những giãi bày sâu thẳm của một trái tim nhạy cảm, đau đáu trước những vấn đề của cuộc sống, của kiếp người nhỏ bé ở cõi nhân sinh “vinh-dự-tang-thương” này.

Đến nay, Nguyễn Đông Nhật đã in các tập: Trong hoàng hôn gió (Nxb Trẻ, 1995), Trăng của ngày (Nxb Thanh Niên, 1999), Thơ bốn câu (Nxb Trẻ, 2001), Bài ca của gió (Nxb Hội Nhà văn, 2002), Phía sau tôi (Nxb Đà Nẵng, 2003), Một trăm bài thơ (Hội Nhà văn TPHCM, 2004), Thơ tuyển (Nxb Hội Nhà văn, 2012) và có thơ trong nhiều tuyển tập. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ngoài sáng tác thơ, Nguyễn Đông Nhật còn viết văn xuôi, cộng tác với nhiều báo, tạp chí... 

Thơ Nguyễn Đông Nhật không dễ đọc. Đó là loại thơ kén chọn độc giả. Đó là loại thơ yêu cầu huy động trường liên tưởng, hệ thống thông tin thẩm mỹ, nhất là chất thơ, một phương diện mà tác giả gửi gắm có chủ đích. Cái nhìn nghệ thuật xuyên suốt các tác phẩm, chính là Nguyễn Đông Nhật đã nội tâm hóa thế giới được chiếm lĩnh bằng một cách diễn đạt riêng, khác với những sáng tác đồng thời với tác giả. Đây chính là con đường nghệ thuật mà Nguyễn Đông Nhật đã vẽ nên qua mấy thập niên làm thơ. Trên hành trình đó, cái được cũng nhiều, cái chưa được cũng có. Âu, đó là lẽ thường của sáng tạo nghệ thuật!

1. Thơ, một giãi bày

Nguyễn Đông Nhật có những câu thơ, bài thơ đầy tâm trạng. Nỗi cô đơn như một sợi chỉ xuyên qua nhiều ý thơ. Trong trang đầu của tập Trăng của ngày, nhà thơ viết: "Đời thừa mứa thơ ư ? Câu chuyện thật buồn/ Trong chật hẹp ánh ngày đâu tiếng hát".

Đi tìm chân lý nghệ thuật, trả lời cho câu hỏi về nỗi buồn, "những nhà thơ buồn chết đi/ nhưng có phải nỗi buồn đã chết/ và bài ca trong những bóng đời riêng/ai sẽ hát ?" (Cảnh 1, Trăng của ngày, trang 71) hay "không ai hát lên nỗi buồn riêng/ nhưng bài ca vẫn còn nguyên vẹn đó... (Lại cảnh 1, Trăng của ngày, trang 72). Nỗi buồn và niềm cô đơn như trải dài trên nhiều trang viết của Nguyễn Đông Nhật. Như tác giả nói, "nỗi buồn loang chậm" và "nỗi cô đơn trong trắng". Văn Cao từng viết: "Chúng ta đọc một nhà thơ như đi theo một dòng sông lớn". Dõi theo Bài ca của gió, một bài thơ dài đến 162 câu, cũng là đề tựa cho một tập thơ, ta bắt gặp bao nỗi niềm của thi sĩ.

Bắt đầu từ "những trận gió khác nhau đã thổi ngang đời chúng ta", "nhưng cơn gió tháng năm trẻ tuổi/ bên con phố đìu hiu ven biển ngày nào", "thổi suốt bên lòng", thổi qua "dãy phố hàng trăm năm cúi đầu/ soi xuống dòng sông yên tĩnh", thổi lại "bao nhiêu buổi chiều thấm xuống ven đường/ mơ hồ lá rụng", thổi đến "dòng sông xưa chảy giữa đời tuổi trẻ/ dưới trời sao vang một giọng thầm"... Bài ca của gió là chuỗi hồi ức về:

Những ảnh đời ngỡ quên đi bỗng trùng lớp hiện về

Bên nhịp cánh vô hình của gió

... Tôi đã trở về đây

Con phố cũ. Trời cuối năm. Tiếng nói cười quen mà lạ

Đời khác xưa hay tôi khác xưa?

Trong ngôi nhà xưa và quen thuộc đó, rộng hơn là quê nhà, "bóng phố trăm năm/ Những con đường một đời đi không hết" (Quê nhà), qua năm tháng, nói như Marguerite Duras khi mở đầu tác phẩm Ecrire (Viết): "Chính là khi ở trong ngôi nhà mà ta cô đơn". Từ ngôi nhà thời niên thiếu, mở ra "cái thành phố tôi" với "con đường cong mái phố rêu", với "mềm dịu một đời sông", tất cả, không gian "hiển bày niềm đau thánh hóa" ấy đã là những giãi bày nỗi cô đơn của người viết về "giấc mơ hạnh phúc", về "nhận ra sự bẽ bàng của cát bụi", "của lo âu và hy vọng" đan chùng nhau, khiến cho thơ Nguyễn Đông Nhật có một không gian hoài niệm giăng mắc bởi những sợi tơ của thời gian quá khứ - hiện tại xen nhau, dệt nên:

Thời gian. Ôi sợi dây diều bứt

Bay tuốt ra ngoài cõi gió điên

Đời rách toe, giận ai không biết

Nhốt sầu không cạn mấy ly nghiêng...

(Chân dung)

Trong thơ Nguyễn Đông Nhật, sự trôi chảy chóng vánh của thời gian, sự ngắn ngủi, ngậm ngùi của kiếp phù sinh đã làm nên nỗi ám ảnh trong cảm thức nhân sinh, bàng hoàng và thảng thốt: "Hỡi ơi sinh - diệt điềm nhiên chảy/ Không bến chờ trong cuộc viễn trình/ Thời gian. Ai đếm đời như gió/ Trái đất quay đều nhịp biến thiên" (Còn nửa màu trăng). Trước điểm dừng cuối cùng của một đời người, tác giả đã nghĩ:

Dường như với ý nghĩ cuối cùng

Tất cả trở thành quá trễ

 

 Thời gian đang giãn nở.

(Trước điểm dừng cuối cùng)

Tác giả suy ngẫm về việc làm thơ, chức năng xã hội của thơ, chỗ đứng của người nghệ sĩ, đổi mới ngôn ngữ, làm "chiếc bóng ngồi lặng một mình đêm", "soi mặt hư vô", suy ngẫm:

Làm thơ như đi trong đêm tối

Chỉ biết tin vào đốm sáng trái tim mình

(Tản mạn về thơ)

Tìm kiếm ảnh hình khác

Trong những sự vật quen đến mỏi mòn

(Số phận của nhà thơ)

Thơ là thơ, dẫu nghiệp hay nghề

Đều khó như giản đơn mọi việc

(Thơ dặn riêng)

Nhặt ánh sáng từ đêm tối

Anh trả cho trời xanh niềm vui

biếc gió

(Nhà thơ)                                 

2. Như hơi thở nhẹ

 Người sao, văn chương hao hao như vậy. Câu nói ấy của Nguyễn Khải đúng với nhà thơ Nguyễn Đông Nhật, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có một chút gì nhẹ như gió, vu vơ từng sợi bay lên trời. Có chút gì sót lại trong bảng lảng của hoàng hôn cuối ngày, lặng lẽ. 

Nguyễn Đông Nhật có bài thơ Không khí, rất ngắn, 12 từ, như sau:

Dường như có thể thấy

Dường như chạm vào

Dường như ngân.

Bài thơ có cấu trúc lạ. Câu 1, có 5 từ. Câu 2, có 4 từ. Câu 5 chỉ còn  3 từ. Lạ nữa, bắt đầu mỗi dòng thơ, mở đầu bằng "dường như". Không khí là sự sống. Con người tồn tại được là nhờ không khí. Bản thân không khí, chỉ có trọng lượng, không có sắc màu, không có âm thanh. Vậy mà, ở bài thơ này, tác giả đã lấy cái vô sắc, vô thanh để nói cái "thấy" của thị giác, cái "chạm vào" của xúc giác, cái "ngân" vang của thính giác sánh cùng cái không vô tận của không gian. Lấy "vô" để nói "hữu", lấy "không" để nói "có", lấy cái có thể nắm bắt để nói cái không thể nắm bắt, lấy cái vô hình để nói cái hữu hình là truyền thống thơ phương Đông, vô thanh thắng hữu thanh. Đầu mỗi câu thơ lại đặt chữ: "dường như", nghĩa là vẫn hoài nghi. Chất thiền như bàng bạc trong từng câu chữ, từng hình ảnh.

“Thơ là lửa và lửa thì rất khó giải thích" (Garcia Lorca). Đúng vậy, Không khí là một bài thơ rất khó giải thích, dù chữ nghĩa đã bày ra đấy!

Lại một bài thơ khác, bài Nhẩm đếm (viết năm 2003) phương thức lặp cú pháp được sử dụng để nhấn mạnh điều muốn nói, muốn gửi trao của nhà thơ:

Đôi khi mơ giấc mơ của đá

Giữa không tên lặng suối ngàn

                       

Đôi khi hát bài ca buồn

Lời nôn nao bỗng nghẹn

 

Đôi khi quên ngày vui

Tình em đã tắt.

Bài thơ này, xét về mặt ngôn ngữ, có cấu trúc gần giống với bài Không khí. Chữ ít dần trong mỗi khổ thơ. Mỗi khổ thơ đều bắt đầu bằng: "đôi khi". Đôi khi nghĩa là không thường xuyên, thỉnh thoảng mới diễn ra. Bất chợt đến, bất chợt đi. Có khi có, có khi không. Có đấy, mất đấy.

"Đôi khi" là ta mà lại không phải là ta. "Đôi khi" vừa là trạng thái tâm lý, vừa là nỗi niềm triết học chất ngất.

Nguyễn Đông Nhật lại "mơ giấc mơ của đá", đưa cái nhìn về một vật thể im lặng, câm nín. Đá là vật vô tri, song, con người lại tìm về với đá để tỏ bày những nghĩ suy về cuộc sống, về ước mơ. Giống như ngày trước, Nguyễn Trãi, bỏ chốn phồn hoa, bụi lầm, lui về Côn Sơn, gối đầu lên hòn đá thay vì danh vọng. Nguyễn Đông Nhật có lúc cũng muốn "mơ giấc mơ của đá/ giữa không tên lặng suối ngàn".

Một bài ca buồn, không biết của thuở nào, ngân lên, "nôn nao bỗng nghẹn". Khúc hát xưa nào mà không buồn, không ám ảnh, không nghẹn ngào về giai điệu nhớ thương, về một hay những con người nào đó. Lời hát xưa nào mà không nôn nao nỗi nhớ! Chú ý từ "nghẹn". Nghẹn hay nghẹn ngào là cảm động quá không nói được lên lời, không bày tỏ được với một ai. Câu thơ như muốn ngân lên nhưng bỗng dưng dừng lại ở nửa chừng, đứt gãy, thảng thốt, đầy nỗi niềm. Hóa ra rằng, mọi cái "đôi khi" ấy được lý giải bằng: Tình em đã tắt.

Nguyễn Đông Nhật dần về sau có thiên hướng "như nói cho mình nghe", "thật rõ và mơ hồ" (Thơ). Sông tĩnh chẳng hạn:  

Mây ở đầu sông không nhớ gió

Ai thuyền lạc xứ lạnh chèo bơi

Cuối dòng reo khắp chiều lau bạc

Một chấm bên đồi lửa ấm soi.

Lưu ý về tính chất của thơ tứ tuyệt, nhất là câu 4. Câu 4 của bài thơ này như làm ấm lại một buổi chiều với con thuyền lạc xứ, với mây đầu sông, ngưng lại, chờ gió. Đốm lửa nhỏ ven đồi đã làm ấm lên buổi chiều bên một bến sông tĩnh. Cảnh rất lặng. Mơ hồ như không có bóng người. Phảng phất chất Đường thi của một bến sông nào đó trong thơ cổ.

Một mình trăng là kiểu Lý Bạch trong Nguyệt hạ độc chước. Năm khổ thơ, khổ nào cũng "một mình", đối diện với chính mình, đối diện với vầng trăng. Ngoài kia, trăng sáng quá, “sáng như chưa bao giờ sáng thế”. Đêm trăng của tâm trạng, của nhân thế. "Độc chước vô tương thân". Chỉ nghe nửa lòng riêng vọng tiếng thầm. Tiếng thầm đó là "những thế hệ đi qua im lặng", là "trang sách mờ rung đẫm ướt trăng":

Ôi nửa đời vầng trăng còn tỏ

Hỏi ai từng soi mặt hư vô.

3. Hội An sương khói và người con gái của thuở nào

Hội An mấy mươi năm trước, yên ả và thanh bình. Người con gái nào của những buổi sớm buổi chiều, một thuở tay ôm cặp, áo trắng, thả mái tóc dài, đi qua những con phố còn đẫm sương đêm, còn vương nắng chiều, như Hoàng Lộc trong Ngày trở lại Hội An:

Phố thì nhỏ anh còn qua chưa hết

Lại hoài công đi bắt mộng bên trời...

Ai từng qua, từng ở Hội An vào thập niên 70, 80 hẳn yêu thành phố nhỏ bé, phố và chợ, thị xã và nông thôn, hiện đại và quê mùa, biển và trời, mây và sông... đan xen nhau. Hội An, những con phố nhỏ và ngắn, đẫm hơi sương khi mùa thu về, đi một đời không hết những hoài niệm về các mái ngói rêu phong, về những người con gái thả tóc dài đi trong chiều trở gió tháng ba. Hội An của ngày trở về, xao xuyến nhớ “dừng chân trước ngôi nhà em cửa đóng/ nhân danh tro bụi, tôi cúi xuống/ nhặt chiếc lá đêm vô tình rơi” (Hội An).

Em như là đám mây bay đi, của những ngày đã mất. “Ngày ấy em áo trắng, nụ cười không buồn/ thả tóc bên vườn hương bưởi xanh". Đã mất, nhưng vẫn còn ẩn hiện bên một dòng sông, con phố gầy/ giữa những mười năm cứ trôi đi/ trôi đi trong những đêm không phải quê nhà/ bàn tay nhỏ dưới hàng hiên mưa lạnh/ trôi đi trôi dạt phía đìu hiu bãi gió hồn tôi" (Mây bay đi).

Những câu thơ viết từ em, vẫn đọng lại “những bậc thềm ra đi”, vẫn nhớ "Trời xanh xưa. Con đường cong mái phố" và "Mùa nắng êm như chất ngọc không mờ":

Bàn tay nhỏ nơi trời xa có lạnh

Gửi mây về cho ấm chút tình nhau

(Thầm trách tháng năm)

Hội An là một cõi đi về trong thơ Nguyễn Đông Nhật, ở đó, quê hương ôi quê hương nơi lòng tôi không muốn dừng chân/ nơi đôi mắt ai còn sáng lên hai chấm nhỏ/ dịu hiền trong cuộc sống bao la... (Đôi mắt quê hương).

Trong bài thơ Chiều cuối ở Hội An,

7 khổ, 28 dòng, viết khi xa Hội An, lòng tác giả ngổn ngang, vừa thấy đôi mắt ấm trong chiều, nghe ra tiếng động thầm quen mỗi cuối ngày, vừa nhận được mùi hương nhẹ/ chết sững trên môi nét gợn cười và ngậm ngùi với câu hát cũ:

Quê hương không lẽ căn nhà hẹp

Phiến đá nâu mòn chân dửng dưng

Rời bỏ một nơi gắn bó cả thời niên thiếu, tuổi học trò hoa mộng, bạn bè một thuở, nơi đầu sông cuối phố đều có những kỷ niệm, sao "không với ai không cả với lòng". Nhưng rồi, cuối cùng cũng xa Hội An, lòng tê tái, như thua một canh bạc, quay quắt:

Bước ra, bóng xế ngày thương hải

Dòng đục xin chừa ngọn nước trong

           

Người hỡi, riêng lòng thôi gửi lại

Chút nắng mờ phố mái phong rêu

Ngờ ngợ mười năm sau mộng thấy

Chiều nay rơi xuống dáng trăng xưa.

(Chiều cuối ở Hội An)

Dáng trăng xưa của ngày nào đã rơi xuống chiều nay, một buổi chiều cuối, trước khi chia xa Hội An. Tác giả tự nhận mình là “bóng mây lạc loài trong đôi mắt phai màu của mẹ”. Nơi những bậc thềm nhớ quên, nơi cánh cửa khép hờ, rứt khỏi ngôi nhà thân yêu:

Giữa cuồng điên ký ức

sao vẫn còn nghe hơi sóng biển rì rào, luồn theo tiếng lá khua sâu hút mặt đường

bên dưới ánh đèn vàng những con mắt lệ.

(Bài ca của gió)

Hội An là ký ức, là một vùng kỷ niệm, là nơi neo đậu cuối cùng những bình yên của tâm hồn, dẫu có lúc ký ức ấy bị đánh chìm trong nỗi cô đơn, "trong trận cờ ma loạn dấu giày".

4. Chút mong manh thiền tịnh

Thơ Nguyễn Đông Nhật gần đây có xu hướng nghiêng về cõi thiền. Vào tuổi tri thiên mệnh, sau bao biến thiên của cuộc đời, sau bao chứng kiến những sự thế vui buồn, những "bẽ bàng của cát bụi", ước vọng một thời tan vào ảo ảnh:    

Ra đi. Mơ dựng lời vui mới

Cho ngát mùa lên xanh sắc cây

Cho bếp nhân quần reo lửa ấm

Hát cùng giấc mộng khúc ca say

Đâu hay máu chảy ra ngoài máu

Dìm nát tim yêu cuộc thế bày

Ước nguyện phai màu tan ảo ảnh

Trách lòng chưa tỏ cuộc cờ ngây

Nghìn xưa rồi những nghìn sau nữa

Danh lợi cuồng tâm trái đất quay

Gió hú đêm trường trăng lạnh khóc

Ai đem xương trắng dựng lầu mây?

Ai cười xé lụa hờn sông núi?

Ai hỡi? Lầm chôn kiếp đọa đày!

(Quy khứ -Về đây)

Nguyễn Đông Nhật có những bài thơ ngắn, lời ít, thậm chí chỉ 8 chữ (Những điều kiện, và...), 10 chữ (IV. Phía sau tôi), 11 chữ (Một chân lý), 12 chữ (Không khí), 14 chữ (Tâm hồn, Bạn đường xa), 15 chữ (Đôi mắt), 16 chữ (Nhớ một câu kinh), 18 chữ (Một thực tại), 19 chữ (Nhớ thi sĩ Văn Cao), 24 chữ (Sự rơi xuống bình an)... Chất thiền ấy mang màu sắc Thiền tông phương Đông. Tác giả không dùng các thuật ngữ của Phật học như Pháp, Niết Bàn, chân như, thân, tâm, sinh, lão, bệnh, tử, nghiệp, hữu, vô, không, sắc,... Ẩn sau các lời thơ, câu thơ là những cảm xúc của tác giả về cõi đời, về quy luật nhân sinh. Tác giả nhận ra, đằng sau nỗi đau đớn xé lòng của Văn Cao là “ánh sáng những câu thơ”, là nét vẽ biếc xanh của màu lá. Hai chữ "mãi mãi" kết thúc bài thơ chỉ 19 từ đã gợi nên bao nhiêu trầm tư về cuộc đời và sáng tạo của nghệ sĩ thiên tài Văn Cao, người làm ra một thác lũ nghệ thuật về âm nhạc, hội họa và thơ ca. 

Dự buổi giảng pháp tại Dharamsala (Bài giảng sáng, 4-10-2010) những gì nhận được từ lời giảng của Đức Đa-lai La-ma thứ 14 là “linh hồn của núi”, là “nét dịu dàng của tuyết”, là những “vực-thẳm-vượt-qua những đỉnh-sáng-không-lời”. Mâu thuẫn chăng, khi vừa nhận ra lời vừa thấy không lời ? Thật ra, từ bậc đạo sư, cảm nhận đó là sự thống nhất của hữu và vô, không và sắc. Người thầy ghi lại cảm giác từ bàn tay ấm của đạo sư làm nên "Cõi sống bình an", gần gũi, dịu êm.

Những bài thơ Nhớ một câu kinh, Đi dạo sớm, Khoảnh khắc ấy, Sự rơi xuống bình an, Bỗng nhiên chiều, Đôi mắt, Ngộ tĩnh... cho ta nhận ra rằng, bên cầu tịch nhiên, con người có những phút giây tĩnh mặc. Đó là, nhìn thấy mùa xuân, mùa hạ về trên chiếc lá và thi nhân "sờ lên khoảng thời gian ấy", "nhớ màu tươi lá góp cho đời" (Xanh). Hay, một buổi chiều, nhìn đàn cò trắng qua sông, chao nghiêng nửa chiều vàng thắm và phía xa kia trăng đã lên, đổ bóng xuống vùng trời cổ tích (Tĩnh mặc). Các màu trắng, vàng, xanh hòa điệu cho bức tranh tĩnh vật, chấm phá vài nét, giống Vương Duy, thi Phật nổi tiếng đời Đường, chuyển triết lý Thiền vào thơ, nói cái quy luật luân hồi của Phật giáo.

Một bài thơ khác, bài Ngày thường, khi đứng trước một dòng sông, nhìn dòng nước cứ tiếp tục trôi, tác giả nghĩ về đời mình và tự hỏi: 

Tôi không biết

Nước sẽ trôi về đâu

Tôi không biết vì sao    

Tôi có mặt

Hai hữu thể "nước" và "tôi" trong dòng chảy của con sông-thời-gian, vì sao có mặt và sẽ trôi về đâu trong vô hạn của đất trời, đó là câu hỏi không phải một lần vang lên trong thơ Nguyễn Đông Nhật. Hình tượng "dòng sông" vốn là hình ảnh quen thuộc trong tư duy thiền tông, chỉ về những suy nghiệm trong cuộc đời.

Gần 50 năm làm thơ, Nguyễn Đông Nhật trải lòng với thơ và đời, như một bài thơ, khắc rõ bản ngã:

Đến một lúc nào, có lẽ

những dòng thơ muốn viết

chỉ còn im lặng.

 

Mong sao chỉ còn

cái bóng mờ cuộc đời

quên lãng lướt qua hơi gió.

(Dự cảm)

H.V.H