Dòng sông không có tuổi - Văn Thành Lê

05.05.2016

Dòng sông không có tuổi - Văn Thành Lê

10 năm, 20 năm... rồi nhiều chục năm nữa sẽ đi qua, quận Cẩm Lệ rồi sẽ “trưởng thành” hơn, sẽ “già” hơn. Phố phường nơi đây rồi sẽ đổi thay, nhiều thứ rồi sẽ trở  thành đồ cổ. Nhưng tôi tin chắc một điều rằng, dòng sông Cẩm Lệ sẽ mãi không hề có tuổi, bởi lớp lớp phù sa tươi mới qua những mùa nước lớn nước ròng sẽ bồi đắp cho người dân nơi này trọn vẹn một tình yêu mãi không già...

1. Hơn nửa thế kỷ qua, tôi rời quê nhà làm kẻ ngụ cư trên đất Cẩm Lệ, thỉnh thoảng vẫn chạy xe về cái xứ mà một thời người ta nói đùa là “gà mang sa-bô đi ăn” bởi cát nắng nóng cháy bỏng chân. Vừa rồi nghe anh em đồng hương bảo Điện Dương quê tôi giờ đã “lên” phường, cùng lúc với huyện Điện Bàn trở thành thị xã. Nghe mà sướng cái bụng.

Ngày đó ở quê, ba tôi mở một tiệm thuốc bắc ở chợ Cầu, bên cây cầu Chợ bắc qua con sông Hà Sấu - một đoạn của sông Cổ Cò nối từ sông Hàn thẳng ra biển Cửa Đại. Chiến tranh nổ ra, tiệm thuốc bị cháy, ba tôi thu vén chút ít vốn liếng “đi tiền trạm” ra Cẩm Lệ mở một xưởng đúc ngói xi-măng nho nhỏ rồi sau đó đưa cả nhà ra. Gọi là “xưởng” cho oai, chứ thực tế chỉ vẻn vẹn hai gian nhà nhỏ với dăm ba thành viên, trong đó ba tôi vừa là “chủ xưởng” vừa là thợ đúc chính.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt, người ta nghĩ, liệu mạng sống mình có giữ được không mà đòi làm nhà cao cửa rộng, tường xây gạch, mái lợp ngói? Thế là ai cũng “nhác” làm nhà, ngói ế ẩm, ba tôi đóng cửa xưởng, xoay qua tráng mì, tráng bánh tráng và bán mì Quảng. Quán mì chỉ đông khách được có ngày Rằm và mùng Một, phục vụ ăn chay cho những người đi lễ ở chùa Hòa Cường (nay là chùa Phổ Hiền) gần đó.

Về sau có một ông thầy giáo làng từ Duy Xuyên ra xin mở lớp học tư thục ở xưởng ngói, tôi được thầy xếp vào lớp Tư. Năm sau, ba xin thẳng tôi vào lớp Nhì trường công lập, bỏ băng lớp Ba. Tôi hãnh diện được làm học trò Trường Tiểu học Bình Khuê Cẩm, còn cái quán mì phải đóng cửa vì thua lỗ. Ba tôi tận dụng cây ván đóng các loại tủ cho mẹ tôi mở một tiệm tạp hóa nhỏ. Cả xóm chỉ có độc một “cửa hàng” này nên việc buôn bán cũng khá thuận lợi. Nhờ vậy mà chuyện ăn học của anh em tôi một thời gian cũng không đến nỗi cơ cực.

2. Hồi đó chưa có sân bay Đà Nẵng, quốc lộ 1A còn chạy thẳng một mạch từ con đường ngày nay có tên là Huỳnh Ngọc Huệ, quận Thanh Khê, tới đường Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ. Tất nhiên lúc đó con đường “quốc lộ xuyên huyện” này còn chật hẹp như một số kiệt hẻm ở phố thị ngày nay và thỉnh thoảng lồi lõm ổ gà. Từ nhà tôi tới trường chỉ non cây số, trong đó hơn một nửa là quốc lộ, sớm chiều có những chiếc xe đò nhiều sắc màu chạy qua. Chúng tôi dần dà phân biệt được các hãng xe từ xa nhờ vào màu sơn trên thân xe. Hãng Phi Long sơn xe trên đỏ dưới vàng; hãng Tiến Lực sơn trên dưới tuyền một màu vàng tươi. Ngoài hai hãng xe khét tiếng chạy suốt miền Nam thời đó, còn có một số xe chạy tuyến gần như Đà Nẵng - Quảng Ngãi sơn  màu vàng sẫm, Đà Nẵng - Tam Kỳ - Quảng Ngãi sơn trên đỏ nhạt dưới trắng... Lũ trẻ chúng tôi chưa một lần đặt chân lên những “căn nhà di động” đó, mỗi khi có xe chạy qua phả vào không khí một làn khói thơm lựng, cái mùi rất chi là hiện đại mà cậu bé nhà quê là tôi lúc đó đã vô cùng ngưỡng mộ.

Chả là, khi còn ở quê, hàng xóm nhà tôi có một ông qua Tây đi lính cho Pháp. Ông này gửi về cho người thân một chiếc Vélo Solex có hình dáng như con bọ ngựa màu đen, mỗi khi chạy qua đường làng là cái đầu máy đặt ở phía trước phun ra làn hơi bồng bềnh như khói thuốc. Đám trẻ con nhà quê chúng tôi mỗi lần nghe tiếng “xạch xạch” là túa ra xem “con bọ ngựa” nhảy điệu cà tưng trên đường làng lồi lõm, huơ tay vào không khí để bắt lấy cái mùi xăng đưa lên mũi hít lấy hít để.

Đến khi ra đất Cẩm Lệ, nơi có những chiếc xe đò sớm chiều chạy ngang qua quốc lộ rất chi là hiện đại, tôi cảm thấy mình như rũ bỏ dần cái chất quê rặt để trở thành người của phố thị. Tuy nhiên, đó chỉ là cách tôi tự túm tóc nhấc mình lên cho cao hơn thôi, chứ thật ra, vẫn còn nhiều cái ngu ngơ, khờ khạo mà mỗi khi nhớ lại, sao thấy ngày đó mình “quê mùa” quá đỗi.

Bên đường tới trường tôi để ý thấy có một ngôi nhà luôn vẳng ra những bài tân nhạc, nhiều lúc là những bài cải lương ướt át. Đó là nhà ông T.L., một trong những người có “máu mặt” đất Cẩm Lệ bấy giờ. Ở quê tôi ngày đó làm gì biết đến tân nhạc, họa hoằn lắm mới có gánh hát bội về biểu diễn ngoài sân đình. Thành thử, những giọng ca tân nhạc phát ra từ ngôi-nhà-có-tiếng-hát ấy luôn mê hoặc tôi, mỗi lần ngang qua là tôi cố đi thật chậm đến mức có thể để “nhâm nhi” những giai điệu êm đềm, sâu lắng. Từ đó, tôi biết đến Lòng mẹ của Y Vân, Thương hoài ngàn năm của Phạm Mạnh Cương... những bài nhạc Việt xuất hiện khoảng đầu thập niên 60 thế kỷ trước.

Nhiều lần tan học cứ nấn ná chưa chịu về nhà bởi bài này nối tiếp bài kia mà bài nào cũng nghe hoài không chán, tôi đứng phía bên kia đường nhìn qua, cố ý tìm xem ai hát và người đó đứng ở đâu. Nhà ông T.L. mở quán bán giải khát, trưa vắng chỉ lèo tèo mấy người khách cùng bà chủ nhà loay hoay làm nước. Tịnh không một ai khác. Một cái thùng hình khối chữ nhật màu vàng có hoa văn sặc sỡ đặt nằm ngang trên bệ gỗ, ở đó tiếng hát đều đặn vang lên giữa cái nắng cháy cổ. Bụng đói, tôi tha thẩn ra về, lòng phân vân sao cái người nằm trong cái thùng gỗ đẹp đẽ ấy không nghỉ đi ăn trưa mà cứ

hát mãi!...

Hơn nửa thế kỷ đi qua, quốc lộ ốm nhom ngày ấy giờ đã thành đường phố khang trang, rộng rãi. Mỗi lần đi qua chốn cũ, nhớ đến người-ca-sĩ-nằm-trong-thùng-gỗ lại buồn cười cho cái khờ khạo chân quê một thuở của mình.

3. Nếu Trường tiểu học Bình Khuê Cẩm không to lớn là mấy so với trường làng quê tôi thì cái nhà máy “nuốt chửng” hàng trăm công nhân ngay trước tiếng còi hú vang vọng mỗi sáng khiến tôi phải “tâm phục khẩu phục”. Đó là Nhà máy Dệt Hòa Thọ trực thuộc Tổng Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam, viết tắt là SICOVINA (mãi về sau này khi lên trung học, được một ông thầy dạy cours Pháp văn ở gần ngã ba Huế giảng giải, tôi mới biết rằng đó là viết tắt của cụm từ tiếng Pháp Société d'Industrie Cotonnière du Vietnam).

 

Nhà máy quét vôi trắng, nhô những vòm cong lên bầu trời trong xanh như những dợn sóng. Trên diềm chạy ngang phía trước nhà xưởng có gắn mấy chữ cỡ bự (có khi bằng chiều cao những đứa bé như tôi) KNBVVN. Đây là viết tắt tên công ty, nhưng người dân lúc đó cứ “phiên dịch” thành “Không Nên Bỏ Việc Về Nhà”, hoặc “Không Nên Bỏ Vợ Vì Nàng”. Tôi có hai ông dượng, một là chồng người cô, một là chồng người dì, cùng làm trong cái xưởng dệt lớn nhất miền Trung lúc bấy giờ, mỗi lần nhắc đến cái câu “phiên dịch” đó là cả hai cười khì mà rằng: Người ta nói rứa cho dzui, chứ làm răng mà tụi tau bỏ việc hay bỏ vợ cho được.

Đối diện Nhà máy Dệt Hòa Thọ qua quốc lộ là Trường Trung học Hòa Vang, thành lập năm 1961, trước nhà máy một năm. Ngày còn tập tễnh tới trường tiểu học, tôi đã ngưỡng mộ biết bao những anh chị bậc trung học chững chạc, tự tin bước vào ngôi trường có nhiều cây phượng vĩ rực đỏ sân mỗi khi hè đến. Hai cơ sở, một cho ra những sản phẩm góp phần làm giàu hiện tại, một đào tạo con người cho thế hệ tương lai. Các loại vải sợi của Dệt Hòa Thọ lúc bấy giờ “chu du” khắp miền Nam còn học sinh Hòa Vang thì sau năm 1975 không ít người bằng tài năng và nhân cách của mình đã đóng góp vào sự thăng tiến chung của quê hương, đất nước.

4. Có lần, một anh cựu học sinh Hòa Vang ở Sài Gòn về chơi, chạy xe trên đường Lê Đại Hành, nói chừ sao đường sá lạ hoắc lạ đế. Thời còn đi học trên Chi nhánh Trường Trung học Hòa Vang ở Nghi An gần chợ Bồn Quân (học sinh quen gọi là Trường Chi nhánh), anh thường cùng tụi bạn đi tắt đường ruộng phía sau Nhà máy Dệt Hòa Thọ, tuy gần hơn rất nhiều nhưng nhiều lúc phải lội nước lõm bõm. Thế mà vui, xắn quần, xách dép, ôm cặp, thỉnh thoảng té nước trêu nhau... Giờ đi trên khu dân cư mới nối liền từ phía sau Dệt Hòa Thọ lên tới Trường Chi nhánh ngày nào, không sao hình dung ra cảnh cũ người xưa. Những con đường ngang dọc như đường kẻ ô bàn cờ, nhà cửa khang trang, đẹp đẽ. Thay đổi quá!

Học trò ngày đó, ở xa đến trường bằng xe đạp, gần thì đi bằng ô-tô... bước. Ban ngày không nói gì, chứ chạng vạng tối thì tụm năm tụm ba rủ nhau đi về cho đỡ sợ. Một chiếc xe đạp nhiều khi chở tới 3-4 cậu con trai, loạng choạng trên đường làng. Ngày nghỉ, kéo nhau đi chơi tới những nơi mà địa danh đã trở thành thường trực trong nếp nghĩ học trò ngày đó: Chùa Bà Quảng, Đồi Thông, Đồi Ông Ích Khiêm... Những con đường hun hút cây xanh, quanh co ngõ trúc bỗng trở nên rất đỗi thân quen, bởi ở đó có nhà đứa bạn cùng lớp, có hàng vú sữa thơm lừng hay chùm ổi nếp ngọt lịm...

Những cư dân Đà Nẵng nói chung, Cẩm Lệ nói riêng tha hương nhiều chục năm, quay về thăm chốn xưa không khỏi ngỡ ngàng, cứ như lạc vào một nơi nào đó chứ không phải là nơi mình từng ở. Thành phố Đà Nẵng giờ như cô gái tuổi 18, còn quận Cẩm Lệ là cậu bé lên mười, là đơn vị hành chính cấp quận “trẻ” nhất thành phố.

Cẩm Lệ còn “nắm trong tay” nhiều cái nhất nữa. Ví như quận có nhiều cầu nhất Đà Nẵng, ngoài 3 chiếc cầu nằm lọt trong lòng quận là cầu Cẩm Lệ, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Hòa Xuân (tính từ thượng nguồn xuống), quận còn sở hữu một nửa cầu Đỏ (phía Nam cầu thuộc huyện Hòa Vang). Đó là chưa kể cầu vượt Hòa Cầm, cũng được gọi là cầu, nằm trên địa bàn quận và cầu vượt Ngã Ba Huế, Cẩm Lệ sở hữu một phần ba cùng với hai quận Thanh Khê và Liên Chiểu.

5. Một thời, Điện Dương quê tôi từng lam lũ, cơ cực; Cẩm Lệ cũng chỉ nhỉnh hơn ít nhiều. Thế nhưng người dân quê tôi ngày đó mỗi lần ra Cẩm Lệ chơi lại nói nửa đùa nửa thật là “đi cung trăng”. Điện Dương vừa mới “lên” phường, dáng dấp phố thị ẩn hiện đâu đó, dù chưa rõ nét như cung-trăng-Cẩm-Lệ nơi tôi đang sống và chọn làm quê hương thứ hai.

Cẩm Lệ, tên làng giờ đã thành tên quận, hai bên bờ sông cùng tên giờ đã phố xá nghênh ngang như câu ca xưa nói về bên tê Hà Thân của sông Hàn. Thế nhưng, trong tôi vẫn còn vẹn nguyên những kỷ niệm một thời thơ dại của làng quê xưa. Cho đến khi tôi biết rằng một phần nước sông Cẩm Lệ đã hòa dòng với nước sông Cổ Cò và đổ về sông Hà Sấu quê tôi, tình yêu trong tôi dành cho nơi sinh ra và nơi trưởng thành càng thêm bền chặt và không đo đếm được.

Chiếc Vélo Solex của ông Việt kiều quê tôi ngày nào giờ không biết lưu lạc nơi đâu, nếu may mắn sẽ được một người mê đồ cổ nào đó sưu tầm làm của quý hiếm. Với tôi, sau hơn nửa thế kỷ, hình ảnh chiếc thùng gỗ đẹp đẽ đủ rộng cho những ca sĩ nằm vào đó ca hát suốt ngày cũng đã thành đồ cổ trong tâm tưởng.

Đồng nghiệp tôi, nhà báo Lê Văn Thơm, khi nghĩ về miền đất Cẩm Lệ đã có câu đối: Quê hương muôn vạn yêu thương, bền ý chí tiến công xây sự nghiệp/ Cẩm Lệ mười năm thành lập, sáng niềm tin thắng lợi dựng tương lai. 10 năm, 20 năm... rồi nhiều chục năm nữa sẽ đi qua, quận Cẩm Lệ rồi sẽ “trưởng thành” hơn, sẽ “già” hơn. Phố phường nơi đây rồi sẽ đổi thay, nhiều thứ rồi sẽ trở  thành đồ cổ. Nhưng tôi tin chắc một điều rằng, dòng sông Cẩm Lệ sẽ mãi không hề có tuổi, bởi lớp lớp phù sa tươi mới qua những mùa nước lớn nước ròng sẽ bồi đắp cho người dân nơi này trọn vẹn một tình yêu mãi không già...

 

V.T.L