Văn học thiếu nhi Đà Nẵng - 5 năm nhìn lại - Trần Trung Sáng

05.08.2019

Văn học thiếu nhi Đà Nẵng - 5 năm nhìn lại - Trần Trung Sáng

Tính đến mùa hè năm nay, Trại sáng tác văn học thiếu nhi do Liên hiệp các Hội

Văn học - Nghệ thuật phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng tổ chức đã  ngoài

tuổi 20. Trong suốt thời gian qua, đặc biệt  5 năm gần đây, hoạt động này là một sân chơi vui tươi, bổ ích, thú vị ngày càng thu hút đông đảo các em có năng khiếu văn học tham gia. Bởi vào các dịp này, ngoài những buổi tham dự học tập, giao lưu với các

nhà văn,  nhà thơ...  các em còn được tham quan thực tế, tiếp cận các di sản văn hóa, lịch sử, du lịch tại địa phương, trước khi gởi những suy nghĩ của mình trên trang giấy.

 

Trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng diễn ra vào mỗi mùa hè hằng năm, với những trại viên hầu hết đều là những gương mặt nổi bật, có năng khiếu hoặc có những thành tích sáng tác văn học được nhà trường tuyển chọn, đề cử. Do vậy, số lượng các em tham gia Trại, thường không đông quá (khoảng trên dưới 20 em/ mỗi năm). Tuy nhiên, những thành tựu đạt được từ những Trại viết của các em tham gia trong suốt thời gian qua đã lưu lại nhiều dấu ấn thật đặc biệt và đáng khích lệ.

Nếu đánh giá một cách khách quan, chúng tôi cho rằng, trong 5 năm gần đây (2014 - 2019), Ban tổ chức Trại văn học thiếu nhi Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực, đổi mới trong công tác tổ chức, tạo điều kiện để các em phát huy sở trường văn học trong thời gian tham gia Trại. Trong đó, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc hướng dẫn, gợi mở xây dựng từng tác phẩm, theo hướng nâng cao mà vẫn tôn trọng được ý tưởng, tinh thần sáng tạo của các em. Sau mỗi một đợt tổng kết Trại sáng tác, những tác phẩm xuất sắc của các em luôn được Ban tổ chức tuyển chọn, in thành kỷ yếu hoặc giới thiệu trên các số báo đặc biệt của Đà Nẵng cuối tuần hoặc Tạp chí Non Nước. Nhiều em sau một kỳ dự Trại sáng tác đã tiếp tục tham gia cộng tác gởi bài vở đến các chuyên mục thơ văn học trò tại địa phường và Trung ương.

Còn nhớ, ở Trại sáng tác văn học thiếu nhi hè 2014, trên 20 em tham gia, đã có khá nhiều bài viết chú ý thể hiện tình yêu biển đảo quê hương như: Biển gọi (Nguyễn Hồng Sơn, lớp 11A1 trường chuyên Lê Quý Đôn), Ba con là bộ đội hải quân (Trần Thị Huyền, lớp 8/2 trường chuyên Lê Quý Đôn), Bản tình ca của biển (Đặng Thị Ngọc Huyền, lớp 11A4, trường chuyên Lê Quý Đôn)... Ở trại lần này, hai em Đinh Quỳnh Như (lớp 12A) và Đinh Anh Thư (lớp 12C1 trường chuyên Lê Quý Đôn) là hai gương mặt khá nổi bật, ngoài những sáng tác riêng, hai em còn có những sáng tác viết chung đầu tư rất công phu. Đó là chùm truyện Lập phương lục sắc, cách diễn đạt trau chuốt, tạo nên một câu chuyện liên kết, với không gian thơ mộng. Riêng em Đinh Quỳnh Như, với truyện ngắn Khung cửa gỗ, đã thể hiện cách diễn đạt một câu chuyện đơn giản, đem đến xúc cảm khá bất ngờ. Truyện viết về hai nhân vật Phong và Linh quanh quẩn bên một khung cửa gỗ, nhưng chất chứa biết bao buồn vui, và đầy kịch tính của cuộc sống bao la, rộng lớn. Truyện có nhiều lời văn đẹp, giàu hình tượng. Cấu trúc truyện  chia thành những xen đoạn gần giống một kịch bản phim.

Ở Trại sáng tác văn học thiếu nhi hè 2015, số lượng các em tham gia không nhiều (có 13 em tham gia), phần đông lại ở khối lớp 8. Hầu hết các em đều là những gương mặt hoàn toàn mới lần đầu đến với Trại sáng tác, tuy nhiên sự ham học hỏi, tình yêu văn học của các em là rất đáng khích lệ. Có không ít sáng tác các em  hướng đến những suy tư, trăn trở của tuổi trẻ trước ngưỡng cửa tương lai, về sự sống cái chết, về thân phận làm người, về đức tính hy sinh... Điển hình như truyện Cánh chim phương Nam ở trời Tây (Nguyễn Lê Thùy An, lớp 11C1, Trường chuyên Lê Quý Đôn), Phép màu (Lê Đức Anh, lớp 7/3, Trường THCS Nguyễn Huệ), Đức hy sinh (Nguyễn Thị Thanh Hiền, lớp 8/1, Trường THCS Nguyễn Văn Linh), Hoài ức (Lê Thị Thu Phương, lớp 8/2 Trường THCS Nguyễn Phú Hường)... Có truyện lại hồn nhiên, vui tươi, nhí nhảnh như những đoạn phim hoạt hình như: Ngôi sao lạ (Đinh Hoàng Lan Anh, lớp 8/1, Trường THCS Kim Đồng) hoặc Báo Tisu và cậu bé không bình thường (Trần Thu Hà, lớp 8/4, Trường THCS Nguyễn Công Trứ)... Và có những tản văn trong trẻo, nhẹ nhàng, đẹp như những bài thơ văn xuôi diễn đạt về những cảm xúc ở cuộc sống chung quanh như: Tiếng chim (Phan Quỳnh Hương, lớp 8/1, Trường THCS Nguyễn Văn Linh), Mưa đầu mùa (Nguyễn Minh Nguyên, lớp 8/1, Trường THCS Nguyễn Văn Linh), Chíp Chíp về quê (Nguyễn Thị Hoàng My, lớp 8/2, Trường THCS Nguyễn Phú Hương).

Trại sáng tác văn học thiếu nhi hè 2016, có 23 em tham dự.  Năm nay, ngoài thời gian được các nhà văn, nhà thơ uy tín chuyên về thiếu nhi truyền đạt kiến thức, bồi dưỡng khả năng sáng tác thơ văn, các em còn đi tham quan, sáng tác thực tế tại hai làng nghề nổi tiếng là làng dệt chiếu Cẩm Nê và làng gốm Thanh Hà. Bên cạnh những gương mặt mới, Trại sáng tác hè năm nay cũng gặp lại nhiều gương mặt cũ đã gắn bó với Trại từ nhiều năm qua như: Trần Thị Huyền, Huỳnh Phạm Nguyệt Dương, Sử Hạnh Hà Nhi, Lê Ngọc Duy... Điều đó, có thể khẳng định hoạt động của Trại sáng tác có một sự hấp dẫn, thu hút, khêu gợi nhất định các em trong tình yêu văn học. So với các năm trước, số lượng tác giả, tác phẩm ở Trại năm nay đều tăng rõ rệt. Trong đó, có những tác giả tham gia từ 4 đến 7 tác phẩm như các em: Nguyễn Lê Huyền (7 bài thơ, 1 bài văn), Nguyễn Thị Như Thắm (6 bài văn, 3 bài thơ), Bùi Phan Như Uyên (5 bài thơ), Trần Thảo My (4 bài văn, 2 bài thơ), Trần Mỹ Ý (4 bài văn)...

Trại sáng tác văn học thiếu nhi hè năm 2017,  có 19 em dự, với 30 tác phẩm. Trong đó, có 9 bài thơ, 21 tản văn và truyện ngắn. Theo Ban tổ chức, ở mảng thơ năm nay các em chưa được đánh giá cao, mặc dù về số lượng có nhiều hơn các năm trước, thậm chí trong đó, có em tham gia đến 5 tác phẩm. Nhiều truyện ngắn có đề tài phong phú và cốt chuyện hồn nhiên và sinh động, cho thấy có những dấu hiệu các em muốn bứt phá vươn đến sự sáng tạo mạnh mẽ, đối mặt với những nghĩ suy, xao động về nỗi buồn, cô đơn và sự mất mát... như một cách chuẩn bị cho tuổi vào đời. Đặc biệt, đáng chú ý hơn cả, ở truyện ngắn Bạn tôi của em Thái Nguyễn Khánh Uyên (trường THCS Nguyễn Đình Chiểu) được hư cấu từ một chủ đề không dễ dàng với lứa tuổi của tác giả (lớp 7). Truyện viết về cuộc chia ly vĩnh viễn giữa hai người bạn nhỏ. Đó là một truyện đẹp và buồn. Đôi khi có một chút ngộ nghĩnh không thể che giấu của tuổi thơ, như là một cái nhìn lạc quan của tác giả khi quay về thực tại... Và càng bất ngờ thêm nữa, Võ Thanh Nhật Anh (trường THPT Phan Châu Trinh) qua truyện ngắn Đông cũng mang một chủ đề tương tự. Cũng là nỗi buồn. Cũng là chuyện về một người bạn “sang bên kia bầu trời”. Nhưng cách diễn đạt của Nhật Anh mang tâm trạng giày xé, gặm nhấm trong những ngày Đông trôi qua. Cũng là nỗi đau sâu đậm hơn sự tưởng tượng. Vậy mà, cuối cùng, điều quan trọng nhất từ cú sốc tinh thần ấy, tác giả đã tìm mọi cách để đứng dậy, để mạnh mẽ, chín chắn hơn. Có thể nói hai truyện ngắn của Khánh Uyên và Nhật Anh là hai tác phẩm được bàn luận khá nhiều trong Trại sáng tác năm 2017, do chủ đề mang màu sắc ưu tư so với một Trại sáng tác thiếu nhi. Tuy nhiên, đó cũng là hai truyện ngắn được đánh giá cao nhất, bởi tinh thần sáng tạo, lối hành văn, cấu trúc mang phong cách mới mẻ của thế hệ trẻ.

Trại sáng tác thiếu nhi năm 2018, có 16 trại viên (từ lớp 8 đến lớp 11, đến từ các trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Lê Lợi, Nguyễn Văn Linh, Lý Tự Trọng, THPT Nguyễn Hiền, Hermann Gmeiner, Phan Châu Trinh, chuyên Lê Quý Đôn), với 33 tác phẩm thơ văn. Phần lớn tác phẩm của các em năm nay tham gia tập trung ở thể loại tản văn, ghi chép ngắn... Do đó, đối với một số em có sự nỗ lực đầu tư xây dựng bản thảo thành những tác phẩm truyện ngắn với những tình tiết và cách diễn đạt xúc cảm công phu đều đem đến kết quả khích lệ. Điển hình như em Võ Thanh Nhật Anh với truyện ngắn Bay đã thể hiện sự tưởng tượng khá sáng tạo. Mẹ ạ! Con muốn ước mơ là truyện ngắn của Trần Lê Huy viết về chủ đề gia đình - học đường quen thuộc. Đó là chuyện không ít phụ huynh thích áp đặt việc học hành lên đời sống, sinh hoạt của đứa con đang tuổi mới lớn, khao khát được sống vui đùa, hồn nhiên như bao bạn bè cùng lứa... cho đến khi nhận ra sai lầm thì sự việc đã muộn màng. Những tình tiết giản đơn, gần gũi, nhưng đầy xúc động, một lần nữa tác phẩm của Trần Lê Huy gióng lên tiếng chuông cảnh báo nhiều phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe hơn những bước chuyển động tâm lý của con cái đang bước đến tuổi trưởng thành. Cuộc phiêu lưu của mặt trời của Nguyễn Hà Anh Thư diễn tả sự chuyển động kỳ diệu của thiên nhiên. Nhân vật chính nơi đây là Mặt trời, bên cạnh là những bạn bè như: Lão Tím, Sao Văn Thủy, Sao Nguyễn Kim... Thế nhưng, Mặt trời luôn thấy mình cô đơn, nhàm chán, với công việc lặp đi lặp lại khi xung quanh mình “chỉ là một khoảng trống vũ trụ”... Cho đến một ngày kia, qua những cuộc hàn huyên, gặp gỡ bạn bè, Mặt trời chợt hiểu ra, mình có một trái tim, có đôi bàn tay vẽ nên những sắc màu cầu vồng lung linh, kỳ ảo..., gã thấy cuộc sống trở nên thật ý nghĩa và không còn cô đơn. Sự xinh đẹp và niềm kiêu hãnh của Hoàng Thảo Nhi, là  một truyện ngắn nhân cách hóa thú vị về một quyển sách truyện dành cho tuổi thơ. Bên cạnh những điển hình nêu trên, các tác giả khác như: Nguyễn Phạm Oanh Oanh, Nguyễn Thị Như Thắm, Trần Thị Tuyết, Hồ Tịnh Nghi, Lê Ngô Tường Vy, Nguyễn Thùy Yên Thảo... cũng được đánh giá đã có nhiều nỗ lực trong thời gian tham gia Trại viết.

  Tại Trại sáng tác văn học thiếu nhi 2019 vừa qua, có 14 em tham gia với 25 tác phẩm phong phú đa dạng về đề tài. Một số tác phẩm đáng chú ý như: Gã điên đi chu du của Hoàng Vương Tường Vy;  Trở lại của Thái Nguyễn Khánh Uyên; Bù nhìn của Nguyễn Phạm Oanh Oanh đã có những thể hiện khá mới lạ trong việc xây dựng hình tượng nhân vật và cách diễn đạt ngôn từ... Riêng chùm 5 truyện ngắn Bạn tôi, Hiếu của mẹ, Búp bê không gia đình, Chuyện yêu, Yêu của Nguyễn Hoàng Yên Thảo (lớp 11/1 THPT Nguyễn Hiền) được ban tổ chức Trại đánh giá là một điểm nhấn bất ngờ của kết quả trại sáng tác.

Nhìn lại một chặng đường đã qua, có thể nói ở những Trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng, mỗi một mùa hè đều có những đặc điểm riêng biệt nhất định. Tuy nhiên, có một điểm chung thường gặp, đó là: Về mặt ưu điểm, hầu như mỗi em tham gia Trại đều luôn cố gắng tìm đến một nội dung mới lạ, độc đáo ít trùng lặp. Về mặt khuyết điểm, rải rác ở một số sáng tác của các em vẫn còn dễ dãi. Có những tình tiết quá cường điệu, xa rời thực tế, nên khó thuyết phục. Nhiều em bị ảnh hưởng nặng nề lời văn của truyện dịch, có nhiều đoạn dùng nguyên cả cụm từ đã được phổ biến quen thuộc trên các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày. Một lỗi chung, các em cũng thường vấp phải, đó là chưa lưu ý bản sắc phương ngữ vùng miền, mà cụ thể nơi đây là cách sử dụng ngôn ngữ xưng hô rất đặc trưng của người Quảng Nam - Đà Nẵng, tuy chân chất, nhưng gần gũi và đáng yêu.

Những ngày hè rộn rã rồi sẽ trôi qua. Mai đây, hẳn rằng trong các em, sẽ có nhiều  em vẫn còn trước mắt những trang giấy mới bao la, đợi chờ những dòng chữ  trăn trở, diệu kỳ. Hoặc cũng có những em rẽ lối, bước sang một con đường mới. Nhưng chắc hẳn rằng, dù đi đâu, dù làm gì..., những ngày tháng ở Trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng đã để lại cho các em những kỷ niệm đáng nhớ, góp phần ý nghĩa hình thành nhân cách, hứa hẹn mở ra cho các em những xúc cảm mới về tình yêu văn học, để từ đó, các em biết yêu thương nhiều hơn cái chân thiện mỹ và có những hoài bão cao quý hướng đến tương lai.

T.T.S