Một chuyến thăm - Nguyễn Quỳnh Anh Thư

05.08.2019

Một chuyến thăm - Nguyễn Quỳnh Anh Thư

 

Chiều. U buồn và tịch mịch. Tứ bề nhuộm màu hiu hắt. Hoàng hôn lê từng bước ảo não qua khoảnh trời ảm đạm trước hiên nhà. Lơ thơ vài sợi nắng mong manh rơi vương vãi lên vuông sân, ngói đỏ. Ngước mắt qua khung cửa sổ ọp ẹp, Hoan lặng lẽ thả hồn mình rong ruổi về cõi mộng xa xăm. Anh nghe lòng tan ra cùng sắc tím rưng rưng, như thực như mơ trải dịu dàng lên những chiều tà buông lả. Anh lắng nhịp xôn xao khi tưởng đến đôi khúc tình si gió thì thầm tình tự với gương nga. Hoan say, say mê mải những cảnh trời ngút ngàn, chốn huyền ảo cao xa mà anh phải hằng tìm trong trí tưởng. Chỉ những cõi ấy, tình ấy mới đủ mênh mang để chất chứa, ấp ôm giấc mộng ngàn Hoan nung nấu nơi lòng. Rồi đây, anh sẽ chính tay mình viết nên một bản nhạc bất hủ, sánh ngang các nhạc sĩ lỗi lạc khắp năm châu. Bản nhạc anh sáng tác sẽ là điệu đồng cảm, giao thoa giữa muôn triệu tâm hồn; là chiếc cầu nối những tấm lòng với những tấm lòng; khơi dậy lớp lớp mạch nguồn kín đáo trong trái tim người thưởng thức. Rồi đây, người ta sẽ yêu và ôm ấp vẻ đẹp gởi gắm qua lời hát, sẽ nồng nhiệt và tha thiết theo từng nhịp xúc cảm, hay âm thầm rỏ giấu giọt lệ xót thương cho kiếp đời tan tác trong câu ca. Rồi đây, người ta sẽ nghĩ về anh, nhắc đến anh như Mozart hay Beethoven của thế kỷ hai mốt. Anh sẽ sống, trọn vẹn và mê say bên cung đàn hòa điệu nhạc, bên những lời tán dương ca ngợi tưởng không bao giờ dứt. Ôi! Những tháng ngày rực rỡ! Nó sẽ đến, phải, hẳn thế! Đời anh, cái đời người nghệ sỹ đa truân, anh sẽ không để nó trôi đi hoang phí...

Bỗng đâu, gió thổi từng cơn rào rạt, xáo tung xấp giấy soạn nhạc chi chít những dòng tẩy xóa lem nhem đặt gọn trên bàn. Hoan sực tỉnh. Anh quay về với hiện thực ngổn ngang của đời mình. Thì đây, một gian phòng tối im, âm thầm gieo rắc nỗi vắng lặng, u uẩn vào lòng Hoan. Muỗi bắt đầu vo ve, gió rì rầm than vãn trong cái cô tịch, nhoài mệt của ngày tàn. Nắng úa vàng đọng thành vũng trên chiếc bàn cũ kỹ kề sát song cửa sổ, chảy lai láng trên mớ tóc xanh rối bù, xoắn tít. Hoan ngồi đấy, trong góc phòng lặng thinh. Mặt đăm đăm nghĩ ngợi, chân nhịp nhịp khe khẽ. Nhưng càng cố gắng giậm đều, anh càng phá nát điệu nhạc. Chán nản, anh nhọc mệt so vai, châm điếu thuốc rồi chầm chậm nhả khói. Buông cây bút lên trang giấy ố màu, Hoan khẽ đánh vài tiếng thở dài thườn thượt, lòng rầu rầu khắc khoải... Mười năm, tròn mười năm anh làm người xa xứ, lên phố thị đeo đuổi giấc mơ nhạc sĩ; mười năm chẵn để dưỡng nuôi, gắn bó và tin tưởng. Anh đã đi qua quãng đời hăng hái, bồng bột của tuổi trẻ với tất cả buồn vui lẫn hờn giận. Dẫu thương yêu hay ghét bỏ, anh đều nồng nàn, tha thiết thế. Ấy nhưng, tuổi ba lăm sực đến, anh vội vàng ngoái đầu nhìn quãng thời gian đằng đẵng. Nhạc anh viết, người ta dửng dưng. Tình anh trao, người ta không đếm xỉa. Giấc mộng hóa ra dang dở, mà tuổi đời cứ trôi đi vun vút. Anh đã phải vùi đầu trăn trở cho tương lai, đắn đo tìm ngã rẽ mới trong cuộc đời. Chân bước lầm lũi hơn, mắt dần thôi náo nức. Lòng anh cũng bộn bề những nỗi miên man. Anh cơ hồ hoài nghi tiếng bước chân mình, và liệu rằng con đường anh đang đi là đúng đắn? Thoáng chốc, bao mê say, rạo rực của những ngày tươi trẻ lại ùa về, rồi xót tiếc, rồi thở than sầu muộn. Chao ôi! Giấc mộng thuở thiếu thời! Giấc mộng chỉ chạm vào sự thực sẽ vỡ tan, giấc mộng chỉ sống trong hư ảo! Nghĩ đến đây, Hoan nghẹn ngào chua xót: đã tan rồi một thời sôi nổi...

Chẳng còn nắng réo rắt nơi đỉnh đầu, mây cũng thôi lãng đãng cùng trời đất mênh mông, Hoan thấy mình não nùng, chán ngán lạ. Con nắng mai vàng mọi ngày anh vẫn yêu và âm thầm đùa nghịch giờ sao rũ màu héo úa. Làn gió dịu dàng mọi ngày anh vẫn thường mơn man giờ sao vô tình, lạnh nhạt lướt qua mau. Là vì nắng, vì gió, vì trời hay do chính lòng anh đương đổi thay, khô cằn? Tuổi ba lăm, khi bạn bè lần lượt thành công, yên ổn; anh còn mãi loay hoay với những dự định chưa thành. Tuổi ba lăm, khi bạn bè hối hả dựng xây một mái ấm, anh vẫn còn bấp bênh tìm chỗ trọ trong hẻm vắng thưa người. Để rồi một sớm tinh mơ, nhìn vào gương, anh thấy một bản thân vội vã lo toan giữa bộn bề gấp ruổi. Hoan thầm nghĩ, hay là dẹp đi cái mộng viển vông, tìm kiếm một công việc ổn định? Nhưng anh hiểu, nói đó rồi để đó, có bao giờ anh bắt tay vào thực hiện. Bởi lẽ, vứt cây đàn, vứt làm nhạc, đời anh còn lại gì?

Tích tắc... Tích tắc... Đồng hồ điểm sáu giờ tối. Phố lên đèn, Hoan mặc vội chiếc áo khoác sờn màu, một tay cầm bó hoa mới mua, tay kia nhanh nhẹn khóa cửa phòng. Anh lên phố. Đèn giăng cao, những đoàn người tấp nập. Xa xa, trăng đêm tròn vành vạnh, hắt những tia sáng long lanh lên mặt đường, khẽ khàng rót vào lòng Hoan suối kí ức trong veo. Một bóng lưng mờ ảo, như thực như mơ thấp thoáng hiện ra trước mắt anh. Phải rồi, tấm lưng còng lam lũ như gánh nỗi nhọc nhằn trên vai, tấm lưng còm ôm ấp Hoan từ những mùa thơ ấu... Là bà... Anh thấy đôi chân mình bé lại, tập tễnh chạy đến bên bà cũng vào một đêm trăng thanh mát. Đôi tay chai sần của bà nhẹ ôm anh vào lòng, chăm anh từng miếng ăn, giấc ngủ. Còn nhớ dưới ánh trăng mờ tỏa, bà hiền từ ru anh bằng đôi hò Ví Dặm, Hoan nằm yên nhắm mắt, nghe phảng phất trong nhịp thở vị mưa nắng đầm đìa nơi đôi tay dãi dầu gió sương. Anh nghe sống mũi mình nhẹ cay: đời bà đã khổ vì nhiều nỗi miên man. Vì lũ giặc ngày đêm gieo rắc bao niềm đau vô đáy. Vì lo lắng, mong ngóng những đứa con xa nhà. Vì nỗi nhớ thương cứ xâm chiếm hồn bà trong những ngày tu hú vang xa. Và cũng vì thương xót cho đứa cháu thơ ngây sớm vắng bóng cha mẹ trong quãng trời tuổi nhỏ. Để rồi, mỗi sớm mỗi chiều, khi lặng ngắm đôi tay bà tảo tần nhóm bếp, Hoan nghe lòng dậy niềm thổn thức ban sơ. Anh mơ được lớn lên để đỡ đần, săn sóc bà vào độ xế chiều, ở bên bà cho bà vơi cô đơn. Anh sẽ đi, gầy dựng một sự nghiệp vẻ vang để khiến bà tự hào. Vậy mà, bà qua đời trước khi anh kịp quay về. Con đường anh đang đi bỗng chốc tối sầm. Chật vật, lay lắt, Hoan đã sống những ngày cô đơn và thiếu vắng. Tiếp tục theo đuổi giấc mơ hay tìm kiếm một cơ hội mới? Anh đã đau khổ biết bao khi tưởng đến một cuộc sống tù túng, phải gò ép bản thân theo những điều tẻ nhạt, vô vị. Nhưng nếu vẫn kiên trì dấn bước, ai chắc mai sau sẽ ra sao? Sẽ bước lên bục vinh quang hay chết già ở vệ đường? Mầm lo sợ bắt đầu bén rễ. Anh không dám can đảm để vin vào giấc mơ ấy mà mạnh mẽ bước tiếp. Hoan rũ rượi. Hoan mệt nhoài. Than ôi, đời!

Mải nghĩ, anh đã đến bệnh viện từ lúc nào. Anh vội vã dặn lòng gạt đi những ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu. Hôm nay, anh đến thăm một người bạn thân thiết. Rảo nhanh qua các dãy lầu đông đúc, anh rẽ vào căn phòng được bài trí tươm tất, thoang thoảng hương hoa.

 - Đến rồi đấy à! - một giọng nói đột ngột vang lên, phá tan bầu tĩnh mịch.

Trên chiếc giường bệnh màu trắng ngà, một người thanh niên trạc tuổi Hoan đương nửa nằm nửa ngồi, tay kê xấp giấy vẽ, đầu tựa nhẹ vào gối. Khuôn mặt anh sáng bừng, lấp lánh đôi mắt trong veo. Đấy là Nguyên - người bạn chí cốt chín năm ròng của Hoan. Hai người tình cờ gặp nhau qua một người bạn, kể từ đấy họ như hình với bóng. Nguyên cũng như Hoan, vốn một họa sĩ trẻ ăm ắp bầu khát vọng trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Anh miệt mài lao động, dốc mình cống hiến nhưng mãi vẫn chẳng vẽ nên một tác phẩm lớn đủ tiếng vang. Chắc có lẽ Nguyên vẫn sẽ gắng sức không ngừng nghỉ nếu độ vài tháng trước, anh không hay tin mình mắc bệnh ung thư. Mầm chết ấy đã cướp đi tất cả mọi ước vọng, đóng sầm mọi cánh cửa trước mắt anh. Đã bao lần anh rưng rức, xa xót giãi bày với người bạn chí cốt: “Này, cái đời tôi sao chua chát, thảm não. Cả cuộc đời cắm đầu chạy theo ước mơ, sống tạm bợ lay lắt, rày đây mai đó, song lẽ tôi vẫn cố bám víu chút ảo vọng rằng mình sẽ làm được. Để rồi bây giờ cậu xem, giấc mơ đành phải vứt lại một xó, mà thân thể thì mặc cái giống bệnh ác nghiệt ấy hành hoành.” Nói đến đây, Nguyên đầm đìa nước mắt, anh cố dằn lại từng tiếng nấc nghẹn: “Tại sao con người ta lại dễ dàng tự tử chỉ vì người tình phụ bạc? Tại sao con người ta lại vứt bỏ bản thân, bàng quan tất cả chỉ vì sơ ý thất bại trong đôi lần thi cử? Tại sao họ nỡ vô tâm coi thường nhân mạng, khinh rẻ sự sống khi ngoài kia, những đứa trẻ dại khờ vẫn kiên cường chiến đấu với tật nguyền, những người mẹ gánh đầy khổ đau vẫn liều chết bảo vệ con, và tự trong những ngóc nghách tối tăm nhất, bao nhiêu người ham muốn được một lần sống cho thỏa đáng? Sống! Chao ôi! Tôi cần sự sống! Nhưng sự sống đã là một cái gì cao xa quá! Nó khước từ mọi mong ước bỏng rát trong tôi!”. Nguyên nói với chất giọng rầu rầu của một người suốt đời lênh đênh với những mộng ước không thành. Một chất giọng thành thực, ảo não lạ... Hoan những tưởng tối nay, anh sẽ phải nhói lòng khi thấy người bạn thân nhất nằm rũ rượi trên giường bệnh, đầu cạo nhẵn, nhìn anh bằng đôi mắt rưng rưng. Ấy nhưng điều gì lại khiến Nguyên tươi tỉnh, vui vẻ đến vậy? Hoan không giấu nổi tò mò. Anh thân mật mở lời:

 - Anh muốn làm một ít trà không? Gớm! Ráo cổ quá!

 - Cái đấy thì đã hẳn. Nào, nhanh ngồi lại đây, tôi sẽ giới thiệu với anh một người rất đặc biệt, đảm bảo anh sẽ thích trò chuyện cùng cho xem.

Hoan mỉm cười, đặt bó hoa xuống chiếc bàn nhỏ rồi lặng lẽ châm trà. Hương trà tỏa lan nhè nhẹ trong không khí, anh thấy mình thư thả lạ. Chợt, tiếng kéo cửa vang lên, dường như có ai đó vừa bước vào, anh vẫn không để tâm lắm mà thong thả tận hưởng tách trà dìu dịu thơm.

 - Nào vào đây cháu! Đừng sợ!

- Nguyên vồn vã mời.

Hoan giật mình quay ra sau. Một cô bé trạc mười lăm, mười sáu bẽn lẽn nép bên khung cửa. Đôi mắt trong veo, lanh lẹ dò xét Hoan. Cũng như Nguyên, cô bé là một bệnh nhân ung thư. Nhưng trái hẳn với những gương mặt rầu rĩ, mệt mỏi mà Hoan đã vô số lần bắt gặp ở những người bệnh nặng, đôi mắt cô bé ánh lên một cái nhìn lém lỉnh, tinh khôn; khuôn miệng cười mỉm trông rất duyên. Cô bé thận trọng đi đến bên cạnh chiếc giường, mặt không giấu nổi vẻ trông đợi, háo hức.

- Đây là người cháu năn nỉ chú tìm đấy. Cậu ấy là Hoan, một nhạc sĩ trẻ và cũng là người bạn thân nhất của chú. Cô bé này là Thanh, người bạn nhỏ tôi mới làm quen khoảng độ một tháng nay thôi...

Anh đang nói dở, chợt một cô y tá bước vào và thông báo đến giờ truyền thuốc. Anh đành quay sang Hoan, giọng đầy tiếc rẻ:

- Tôi đi đây một lát, cậu giúp tôi tiếp chuyện với bé nhé! Nó mong cậu mãi đấy!

Vậy là một lát sau, chỉ còn hai người ở lại trong căn phòng tĩnh mịch. Hoan rót một tách trà khẽ mời cô bé. Mắt cô reo vui.

- Nào uống đi, đừng ngại gì nhé! 

- Cháu cảm ơn chú ạ! Cháu xin tự giới thiệu trước, cháu tên là Thanh, hiện mười lăm tuổi. Như chú thấy đấy, cháu đang tiếp nhận điều trị tại bệnh viện, trong một lần tình cờ cháu được quen với chú Nguyên và hay chú là bạn thân của chú ấy, tuyệt hơn, chú còn là một nhạc sĩ nữa chứ! Cháu thấy ngưỡng mộ những con người dám ước mơ, dám phấn đấu vì một điều gì đấy có ý nghĩa trong cuộc đời. Chú biết không, ngày trước khi được hay tin cháu mắc bệnh ung thư, cháu đã khóc suốt mấy đêm liền. Cháu luôn tự hỏi bản thân: Tại sao lại là mình? Giữa bao nhiêu con người trên thế giới, tại sao cháu lại phải cam chịu căn bệnh nghiệt ngã ấy? Vết nứt trong lòng mỗi ngày một thêm sâu... Một hôm kia, khi cháu đi xe buýt lên thư viện thành phố, có vài người quen biết tinh ý nhận ra cháu và tự động nhường chỗ cho cháu ngồi. Cháu nói với họ rằng cháu không sao cả nhưng ánh mắt họ nhìn cháu đầy ái ngại, họ nằng nặc tỏ ý muốn tốt cho cháu. Cháu đành nghe theo. Lát sau, những lời thì thầm nhỏ to đều đều vang lên sau lưng cháu. “Nghe nói con bé ấy bị bệnh ung thư, nặng lắm rồi”, “Khiếp, nó trạc tuổi đứa cháu bé nhà tôi cơ ấy”, “Chắc không được bao lâu nữa đâu, tội nghiệp đã mất cha giờ lại...”. Nghe xong, cháu rưng rưng toan khóc. Hóa ra, người ta nhìn cháu bằng cặp mắt thương hại... Cháu nghĩ đến mẹ cháu ngày ngày phải nghe đồng nghiệp rủ rỉ sau lưng, cháu thấy thương đứa em ngày ngày bị chọc ghẹo chỉ vì có người chị bệnh tật. Giây phút ấy, cháu giận bản thân chỉ biết đổ lỗi, than vãn, trách móc, giận cái tôi chỉ biết đến cái đau của mình mà lờ đi nỗi đau của những người chung quanh. Cháu thấy mình ích kỷ, vụn vặt quá! Thế là từ độ ấy, cháu mở lòng ra với mọi người nhiều hơn, lời thương yêu dài thêm, cháu thấy mình sống tốt hơn so với trước khi mắc bệnh.

- Có điều gì đặc biệt giúp cháu cảm thấy mình có ích không? Chú rất bằng lòng muốn nghe những điều ấy.

- Hát ạ! Cháu thích hát lắm! Khi mẹ cháu rơi nước mắt, cháu hát để mẹ thôi buồn. Khi em cháu phụng phịu khó ngủ, cháu vỗ về bằng những lời ru ngọng nghịu. Năm ngoái, vào dịp lễ Giáng Sinh, có cô y tá buồn não vì không thể về bên gia đình. Từ khung cửa kính mờ mờ trong bệnh viện, cô đưa mắt ngắm nhìn những khung cảnh đoàn tụ trong tiết trời lạnh lẽo. Mắt cô ầng ậng nước. Thế là cháu khẽ ngâm nga vài giai điệu giúp cô đỡ buồn. Quả nhiên khi cháu hát vừa hết câu cuối, mặt cô ấy sáng bừng, mắt hấp háy những niềm vui riêng kín. Giây phút ấy, cháu thấy mình thật hạnh phúc.

Hoan lặng lẽ trôi miên man trong những dòng nghĩ suy rối bời. Cô bé khiến anh nhọc quá! Anh cảm thấy mình đã đợi một người như cô xuất hiện từ rất lâu, có lẽ từ lúc anh mới bắt đầu viết nhạc... Anh mải mê trốn lên trăng, vượt ngàn biển mà chẳng hay biết rằng, cái đẹp vốn gần anh lắm! Cái đẹp dung dị, giản đơn nhưng đủ sức khiến ta phải xôn xao, suy ngẫm. Nét đẹp tỏa ra từ tâm hồn cô gái dường như soi rọi những bước đường Hoan đi.  Một khát khao được cống hiến bỗng rạo rực trong con tim cằn cỗi. Chưa bao giờ như giây phút đó, Hoan cảm nhận rõ rệt sự gian nan, vất vả trong cuộc hành trình sáng tạo mênh mông. Bắt gặp một đốm sáng giữa vô số phồn tạp, bề bộn của đời sống chung quanh đã là một thách thức không nhỏ, nhưng lột tả cho kỳ hết mọi khía cạnh của cái đẹp và lan tỏa chúng đến với cuộc đời vẫn còn là một chặng đường dài đa truân. Tuy vậy, Hoan lựa chọn tin vào chính mình.

Tạm biệt cô bé và người bạn, anh rảo bộ về nhà. Trăng treo cao tít đỉnh đầu, chảy thành dòng trên gương mặt ngời sáng. Anh khe khẽ ngâm nga một khúc nhạc vu vơ, mắt tràn tin yêu. Rồi đây, anh sẽ viết một bài hát dành tặng cô bé ấy...

N.Q.A.T

(Lớp 10/21 Trường THPT Phan Châu Trinh, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng)