Hành trình đến trang văn; Món đồ chơi bất hạnh - Trần Thị Tuyết

05.08.2019

Hành trình đến trang văn; Món đồ chơi bất hạnh - Trần Thị Tuyết

Hành trình đến trang văn

Nhân ngồi trước ánh đèn bàn mờ ảo. Một tiếng rồi mà trang giấy vẫn trống trơn. Tiếng còi xe ngoài phố inh ỏi quấy nhiễu tâm trí anh. Dòng suy nghĩ vừa lóe ra đã bị cắt đứt. Bực mình, anh quẳng bút đi, ngã người ra ghế. Chau mày. Bất lực.

Từ lúc hiểu chữ nghĩa, Nhân đã thích văn chương. Anh thích đọc những tác phẩm nổi tiếng. Anh hâm mộ những cây bút tài ba. Và anh cũng muốn được tung tẩy ngòi bút trên trang viết, được đăng bài lên báo và in những quyển sách do chính anh sinh thành. Nhưng, sau một thời gian ngắn bắt đầu nghiệp cầm bút, anh nhận ra viết truyện, làm văn sao mà khó khăn đến thế. Anh luôn tự hỏi bản thân nên viết về thứ gì để tác phẩm của mình độc đáo và mang tầm ảnh hưởng lớn, nhưng đều rơi vào bế tắc và chẳng thể hứng thú để viết tiếp một chữ nào. Mỗi ngày, Nhân nhốt mình trong phòng mấy tiếng liền chỉ để tìm ra ý tưởng. Và hôm nay cũng vậy. Một chuỗi những ngày không thể thỏa lấp khát vọng bản thân...

Rồi, chàng trai trẻ nãy ra sáng kiến. Anh quyết định sẽ đi đến một nơi thật xa, một nơi mà ít nhà văn hiện đại nào đặt chân đến. Một chuyến đi dài và chắc chắn, nơi ấy sẽ khơi gợi trong anh nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào và một đề tài văn chương mới mẻ.

Hôn tạm biệt mẹ, ôm chặt lấy em trai và gửi lời chào đến bố, Nhân vác ba lô lên đường. Điểm đến của anh là một làng vô danh nhỏ, tách biệt hoàn toàn với không gian đô thị mà anh hằng sinh sống. Đi dọc con đường làng nhỏ hẹp, Nhân hồ hởi nghĩ về một viễn cảnh huy hoàng sau khi anh hoàn thành tác phẩm tuyệt vời nhất cuộc đời mình.

Bỗng, anh bắt gặp hai đứa trẻ đang dắt trâu từ ngoài đồng về. Một bé gái khoảng mười bốn, mười lăm. Còn bé trai chắc cỡ tuổi em trai anh, chỉ đang học cấp Một. Hai chị em vừa đi vừa tíu tít không ngừng. Chúng nói với nhau những câu chuyện không đầu không đuôi. Nào là hôm nay nó và lũ bạn vừa bắt được nguyên một lũ dế, hay là cô chị vừa phát hiện cách tết một kiểu tóc mới mà xinh xắn vô cùng. Chúng cùng nhau đoán tối nay mẹ nấu món gì. Rồi chẳng hiểu sao kể lại tất thảy những món mẹ nấu vài hôm trước. Nhiệt hứng từ hai đứa trẻ lây sang anh, và bất giác anh đi theo về đến nhà chúng trong vô thức.

- Ủa, anh là ai mà đi theo tụi em nãy giờ? - Chúng nó tình cờ quay đầu, giật mình và thốt lên.

- À, anh...

Nhân vừa định mở lời thì một người phụ nữ từ trong nhà bước ra:

- Chi rứa mấy đứa? Cậu là...

- Dạ chào cô. Cháu là khách du lịch đến đây chơi vài hôm ạ. Vừa rồi tình cờ cháu đi theo các em đến đây. Nếu không có gì thì cháu xin phép! Xin lỗi vì đã làm phiền gia đình ạ!

Người phụ nữ vội đáp lời:

- Ấy ấy, phiền chi đâu cậu. Mà cô nhớ làng này làm chi có dịch vụ du lịch nào? Cậu đến đây rồi ở mô?

- Dạ, cháu đi tự túc, đang tìm chỗ ở đây ạ.

- À... Rứa cậu đi an toàn!

Nhân vừa chào tạm biệt và đi được một đoạn thì nghe tiếng gọi:

-  Anh ơi, đợi em với!

Thằng bé vừa rồi gọi anh có gì ấy nhỉ? Anh dừng bước, đến bên nó.

- Anh ơi, anh khỏi cần tìm nhà nữa, ở nhà của em nè! Mẹ em cho rồi!

Nhân bất ngờ trước lời mời đột ngột đó. Trao đổi với thằng bé thêm một chút nữa, anh liền đồng ý. Thật là một vận may. Trên đường đến đấy, anh biết tên thằng bé là Tâm, còn chị nó tên là Mỹ.

Sau khi làm quen với gia đình, anh được đưa đến một căn phòng nhỏ, trông cũng khá ổn so với tưởng tượng ban đầu của anh. Sắp xếp đồ đạc xong, Nhân liền đi ra ngoài tìm cảm hứng. Thằng Tâm đi chung với anh. Nó đòi làm hướng dẫn viên du lịch cho anh trong những ngày này. “Thật là một đứa trẻ đáng yêu!”

- Anh nghĩ.

Tâm dẫn anh đi qua những cánh đồng, miêu tả cho anh một ngày làm việc của nhà nó, của làng nó. Nó chỉ anh cây đa đầu làng, nơi mấy đứa nhỏ mọi trưa đều ra hóng mát. Nó chỉ anh quầy nhậu của mấy ông lão thích tán ngẫu hơn cả mấy bà hàng xóm ở đây (nó tả vậy). Rồi đến trường học - nơi nó thích nhất, và vô số những điểm đến yêu thích của cu cậu. Mọi thứ đều dân dã và mới lạ đối với anh. Một sự sống anh chỉ từng tưởng tượng qua những trang sách cũ. Anh hỏi Tâm:

- Vậy làng em có cái gì thật đặc

biệt không? Cái nào mà không ở đâu có được ấy?

- Anh hỏi khó rứa răng em trả lời!

- Thế em về suy nghĩ giúp anh thử nhé! Em người ở đây, lại quen thuộc nhiều nơi như vậy, chắc hẳn sẽ biết thôi. Điều gì đối với em là quan trọng nhất khi em sống ở nơi này?

- Rứa anh đợi em vài ngày. Hồi nào em nghĩ ra em nói anh liền!

Nhân xoa đầu thằng nhỏ. Hai anh em đội bóng chiều trở về...

Đến ngày cuối cùng rồi mà anh vẫn chưa tìm thấy gì đặc biệt. Nhân nóng lòng muốn biết câu trả lời, mà thằng nhỏ vẫn chưa thể nghĩ ra. Anh bắt đầu băn khoăn liệu kế hoạch của mình có như ý muốn. Cảm thấy lòng hơi nặng trĩu, anh ra sân nhà dạo chơi.

Bé Mỹ và thằng Tâm đang làm gì thế nhỉ? Vẽ sao? Bữa giờ toàn thấy chúng nó chơi bắn bi, đá gà, hôm nay vẽ vời trông bớt đi độ năng động đang bị dư thừa hẳn. Hai đứa trẻ bằng vẻ mặt say sưa, đôi tay chăm chút từng nét vẽ một, thật nâng niu, thật trìu mến, giống như đó là một tác phẩm để đời. Niềm hạnh phúc sáng soi trong đôi mắt những đứa trẻ tay cầm cọ vẽ. Nhân tiến lại gần, xem chúng nó vẽ gì. Bóng anh đổ dài trên trang giấy làm hai chị em giật mình. Theo phản xạ, chúng giấu vội mảnh giấy đang vẽ đi. Thật tò mò phải biết. Hai chị em cứ giấu giấu diếm diếm đến tận tối hôm đó. Thì ra, hôm nay sinh nhật mẹ chúng. Đó là một bức chân dung. Một bức họa vẽ nên từ những đôi tay non nớt. Một khung cảnh hòa thuận và hạnh phúc đong đầy...

Ăn xong bữa cơm gia đình đầm ấm, Nhân thông báo với mọi người rằng ngày mai anh đi rồi. Bởi anh nhận ra cứ ở mãi nơi đây cũng không phải là cách. Anh cần đi đến một nơi khác, một nơi nào đó đặc biệt và nổi bật hơn chăng?

Ở trong phòng dọn dẹp hành lý, anh nghe ai gõ cửa gọi mình. Thì ra là thằng Tâm. Nó hình như sắp nói cho anh một tin vui nào đó. Bởi đôi mắt nó sáng rỡ, khuôn miệng cong cong mỉm cười.

- Anh ơi, ngày mai anh đi rồi hả?

- Ừ. Tạm biệt Tâm nhé! Được gặp em và gia đình em những ngày nay thật là một kỷ niệm đáng nhớ! Nếu có dịp, anh sẽ lại về thăm mọi người!

- Buồn ghê đó! Nhưng mà anh ơi, em có quà tặng anh nè!

- Cái gì có vẻ bí ẩn vậy cậu Tâm?

- Là cái mà “em thấy quan trọng nhất khi sống ở nơi này” đó, cái mà ngoài nơi đây, không có nơi nào có được đó anh!

Nhân mừng rỡ. Đến giây phút cuối cùng, thì ra anh cũng tìm được một điều đặc biệt cho sáng tác của mình.

- Là gia đình em đó anh! Em thương nhà em nhất! Thương ba mẹ, chị Mỹ nhất! Ở đâu cũng không đặc biệt bằng cái nhà ni hết!

Câu trả lời của em làm anh hơi khựng lại. Đêm đó, anh đã thức cả đêm để suy nghĩ về nhiều điều. Anh dường như hiểu vì sao lúc vẽ tranh tặng mẹ, thằng Tâm vốn “cà lơ phất phơ” lại chú tâm đến thế. Anh hiểu vì sao nhìn vào bức chân dung ấy, anh thấy được niềm vui, sự ấm áp lan tỏa trong tim anh và dãn nở trên nụ cười em nhỏ. Vì, đấy là nghệ thuật - nghệ thuật xuất phát từ chân tâm, lan toả tấm lòng và kết nối tâm hồn người khác. Thì ra bấy lâu nay anh đã quên mất một điều rằng chỉ có tình cảm mãnh liệt mới có thể khiến “máu tràn ra đầu ngòi bút”. Anh đã luôn cố tìm kiếm một thứ gì đó xa xôi, một thứ gì thật vĩ đại mà không nhận ra rằng dẫu có tìm thấy thì liệu anh có viết được không? Anh có đủ yêu để làm nên tác phẩm? Những điều giản dị xung quanh anh, những thứ có thể hóa thành địa chỉ tâm hồn của anh, anh lại bỏ rơi mất. Thì ra, anh đã phạm một sai lầm mà bất cứ nhà văn nào cũng không được mắc phải. Anh đã hiểu rồi. Anh đã tìm thấy con đường đến với trang giấy của riêng anh!

Hôm sau, Nhân rời đi. Nhưng anh không đến một nơi nào khác nữa. Anh trở về với ngôi nhà thân yêu của mình. Anh sẽ góp nhặt những yêu thương vụn vặt trong cuộc sống thường nhật. Anh sẽ ngồi giữa khu vườn xanh tươi, lắng nghe tiếng chim trời, và sáng tác.

Căn phòng luôn khép cửa của anh đã mở ra. Ánh nắng rơi vào trên trang văn đầy ắp những con chữ...

 

Món đồ chơi bất hạnh

 

Tại sao lại làm thế với tôi! Tại sao có thể biến tôi trở thành một thứ khác!

 

Chiếc kệ trưng bày gọn gàng. Những con búp bê ngồi ngay ngắn trên ngăn gỗ. Có kẻ cũ kỹ, lấm lem, với chiếc đầu lệch sang một bên trông thật là ủ rũ. Còn kẻ mới toanh, xinh đẹp thì được đặc cách sống trong lồng kính trang hoàng.

Tôi ở vị trí trung tâm, cùng chỗ với những người chị em xinh xắn ấy. Tôi là ai ư? Một con búp bê có đôi mắt đen yêu kiều, mái tóc dài mềm mượt và mang trên mình chiếc váy tôi cho là lộng lẫy nhất. Người ta mang tôi về sáng nay như một quà tặng cho con gái của họ. Và tôi chắc mẩm rằng cô bé sẽ thích mình ngay lập tức mà thôi!

Trong thời gian chờ đợi cô chủ trở về, tôi đánh mắt quan sát ngôi nhà nơi mình sẽ sống. Vì một lẽ tò mò, tôi hỏi người chị sát vách:

- Chị ơi, tại sao những cậu kia trông nhếch nhác quá vậy? Người ta không chăm sóc họ hay sao?

- Cô cứ lo làm tốt phần mình trước đi. Đừng rảnh hơi đi quan tâm kẻ khác.

Một câu trả lời đầy khoảng cách. Một sự lấp lửng lướt qua. Dường như, tôi nhận ra một điều gì đó khó nói nơi người chị mới quen này...

Quả như tôi nghĩ, cô chủ trông cực kì phấn khích khi nâng niu tôi trên đôi tay bé nhỏ. Những ngày đầu sống tại nơi đây, tôi có khác nào một bà hoàng đâu chứ! Được ở trong phòng đẹp, được chải chuốt mỗi ngày. Tôi vui lắm. Đó không chỉ là niềm vui của một con búp bê được yêu thương, mà còn là niềm vui của một món đồ chơi đem lại hạnh phúc cho người khác.

Nhưng kì lạ, nhiều lúc, tôi thấy cô bé đem những con búp bê cũ đi đâu. Họ buồn bã, than vãn. Họ miễn cưỡng bị mang đi trong bất lực. Và những chị hàng xóm quanh tôi hay dõi theo với đôi mắt ẩn chứa một nỗi niềm tiếc thương... Đôi khi lại vô tình thốt lên: “Đời ta rồi cũng như vậy...”

 

Thời gian trôi đi, những người bạn mới tiến vào ngôi nhà nhỏ. Tôi dường như đang dần mất đi sự chú ý của vị chủ nhân thân yêu. Căn phòng tôi trước kia giờ nhường cho người khác. Mái tóc tôi không còn được chăm sóc gọn gàng. Nó bù xù, thô ráp, rơi vãi khắp mọi ngõ ngách xung quanh như một đống chỉ rối. Chiếc váy tôi hằng tự hào điểm vài vết thủng. Tôi giờ là con búp bê bị hư, lộn xộn và xấu xí!

Một hôm, tiếng lục đục làm tôi tỉnh giấc. Gì thế kia? Cô bé đang đến đây. Cô bé muốn chơi với tôi lại hay sao! Sao mà hồi hộp quá - cái cảm giác như lần đầu gặp gỡ ấy ùa về. Cô mang tôi đi đâu. Phải chăng là tìm cho tôi một bộ quần áo mới?

Nhưng điều gì đang diễn ra thế kia! Cô đang làm gì đấy! Tại sao lại cắt phăng mái tóc yêu quý của tôi? Tại sao lại bôi thứ gì lem luốc lên mặt tôi như vậy? Ôi, đau quá! Tay chân tôi đứt rời. Những hân hoan vỡ vụn, đẩy tôi vào vực sâu sợ hãi. Chắc là cô đang cố giúp tôi trở nên xinh đẹp hơn phải không? Hay đó là một trò chơi mới mà cô muốn thử?

 

Ngày qua ngày, tôi chịu đựng những thay đổi mà tôi không hề mong muốn. Nhìn tôi mà xem, quả đầu chỗ ngắn chỗ dài, gương mặt lấm lem những màu sắc gì không thể nhận dạng. Và chiếc váy... có vẻ gọi là một tấm vải thô thì hợp hơn. Tôi không còn là tôi nữa. Thế mà, lòng vẫn ép mình phải vui, phải thật vâng lời. Nhưng tôi ơi, đây đâu phải là niềm vui? Loài búp bê sinh ra để đem vẻ đẹp vốn có của nó phục vụ con người. Cớ sao lại phải chịu biến đổi mình theo những điều mà người khác muốn. Dẫu rằng nó đem đến cho người ta nụ cười, nhưng liệu có trọn vẹn không khi bản thân mình tự ôm lấy một lòng đau khổ?

Tôi đã hiểu vì sao những người bạn cũ kỹ kia lại buồn đến vậy. Bởi vì họ và tôi đều là những số phận tồn tại theo ý nguyện của người khác. Cũng từng hết mình phô diễn bản thân cho những điều họ muốn. Và cũng từng bị ép buộc phải đổi thay cho những điều họ chẳng mong. Thế nhưng, loài búp bê chúng tôi nào có quyền được chống lại quy luật trớ trêu ấy. Từ lúc con người ban cho chúng tôi sự tồn tại, có lẽ chúng tôi đã phải gánh lấy những sắp đặt ấy rồi!

 

Tôi dần dà cũng trở thành một món đồ hết thời. Niềm vui vơi đi, cô bé thật sự chẳng còn cần tôi nữa. Tôi được chuyển vào nhà kho, trong một thùng giấy lớn vương đầy mùi bụi. Thật tình cờ, tôi nhận ra những người bạn cũ. Họ vất vưởng bên nhau, chờ ngày được mang đi tái chế, với hi vọng về một sự sống mới, một kiếp sống tự do hơn bây giờ, hạnh phúc hơn bây giờ.

Tự do ư, liệu có thể hay không?

T.T.T
(Lớp 11C1 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đà Nẵng)