Chi Anh; Thời gian - Nguyễn Nho Minh Uyên

05.08.2019

Chi Anh; Thời gian - Nguyễn Nho Minh Uyên

Chị Anh

 

Nắng chiều gắt gao trải dài trên thửa ruộng. Hôm nào cũng vậy, màu vàng tưới đẫm lên những nếp nhà đơn sơ bên bờ lúa, lúa cũng vàng ruộm, nhuộm lấy con đường làng óng ánh, trong tiếng gió vi vu và những bờ tre xào xạc. Những âm thanh thầm thì chỉ càng làm mênh mông thêm khoảng không gian yên lặng, đã thấm đẫm màu nắng và giờ thì kéo dài đến vô cùng. Nhiên ngồi vắt vẻo trên một cành bàng, bóng râm mát mẻ làm thư thả tâm hồn. Giờ thì nắng đã nguội tạnh dưới tán lá của cây bàng, chỉ còn những chấm ánh sáng nhạt lách mình qua tán cây rơi rớt xuống nền cỏ mát. Nhiên quệt nước mắt loang trên má, bắt đầu viết:

 

“Ngày 20 tháng 6...

Chị Anh hôm nay về. Chị Anh về bất ngờ không báo trước. Một xách vali nặng trịch, mấy bọc sách vở, tài liệu. Chị bảo chị về ở chơi lâu, 2 tháng hay hơn. Mẹ mừng chảy nước mắt, như mọi khi, mẹ đón chị Anh vào nhà, run run không nói nỗi thành lời, rồi mẹ hỏi han săn sóc, vuốt ve âu yếm chị. Nhìn cảnh ấy chắc ai cũng cảm động và rơm rớm nước mắt. Nhưng chị Anh cứ trơ ra, chị bảo chị mệt quá, vừa đi học vừa đi làm, phải thức trắng đêm. Hình như chị không yêu mẹ. Chị lúc nào cũng lạnh lùng, vẻ mặt sắt đá, chị chỉ cười nhạt với mẹ, sau tất cả những nước mắt, sự quan tâm vồ vập của mẹ, chị vào giường đánh một giấc thật no. Còn mẹ lại tíu tít lao vào bếp làm bữa tối thịnh soạn cho chị: “Ba mày về thấy con Anh chắc lại ngất đi vì hạnh phúc thôi. Chao ôi, Anh của mẹ...” Chị Anh cứ như mọi khi, chỉ lo cho mình, chẳng quan tâm đến ai khác. Thấy mình, chị mở lời: “Nhiên à, lại đi đâu về đấy... Nó học hành sao rồi mẹ?” “Cũng chẳng được như con, con chỉ cho nó, mẹ với ba bận việc đồng áng biết gì, nó thì suốt ngày lêu lổng đi đâu, bài vở lúc được lúc mất”. Sau câu so sánh chua chát của mẹ, chị Anh lại nhìn mình với con mắt lạnh lẽo. Mình như là một sự thất vọng, thật nhục nhã thay cho chị, chứ gì? Chị Anh là niềm tự hào của ba mẹ, 5 năm học bổng cho học ở phố, chị giờ là sinh viên đại học, là người thành phố hẳn hoi. Chị có thiết tha gì với chốn quê mùa này?

Mình ghét chị Anh. Bóng chị Anh mờ nhạt thật rồi, một năm chị về một, hai lần, khi đi nhà mình phải nhịn cơm, ăn khoai mấy bữa. Mình biết hết, chị về để vắt cạn tiền ba mẹ. Chuyện thành phố lắm tiền thế, ba mẹ làm sao chi hết, chị về, để lại ba mẹ trằn trọc với những đêm mất ngủ, những bữa cơm đói, tóc mẹ đã có sợi bạc, chị biết không? Chị thật khác với gia đình mình, chị xa hoa và khó gần, chị ít lời, chị vô tâm đến đáng ghét. Liệu chị Anh có biết, ba mới vừa khỏi bệnh, mẹ và mình đã thức trắng chăm ba, nhưng những cơn sốt giày vò đâu để yên. Chị rút cạn sức lực ba mẹ. Này nhé, ăn cơm xong, chị thong thả ra chõng ngồi, bật cái laptop bóng loáng rất xịn, rồi bấm lách tách, vờ như đang bận bịu lắm, mình nhìn chị, thế là mẹ gọi giật: “Nhiên, vào trong quét nhà, đừng có phiền chị”. “Chị Anh không làm à mẹ?” - mình hỏi lại. “Lại còn so sánh, chị làm việc, yên cho chị làm, mày định để mẹ lau dọn một mình hay sao?” Đó là chuyện của nhiều tháng trước, chẳng khác nay là mấy. Cái laptop ấy cũng là tiền của ba mẹ tích góp mua cho chị, dùng đến con heo tiết kiệm của mình mới đủ. Lần này, chị Anh về nhà từ trưa, chóng yên vị trên giường ngủ. Mình ức lắm, vì chị Anh vẫn mãi đáng ghét như thế, còn mẹ Sương yêu dấu vẫn thường bỏ mặc mình - đứa con kém cỏi của mẹ khi chị về. Mình đã không kiềm được, hét lên rằng mẹ thật không công bằng, chị Anh chẳng khác nào đứa con bất hiếu làm nhọc mẹ, khinh thường mình, và nhiều thứ khác nữa... Mẹ đã tát mình một cái thật đau, mắt mẹ đỏ hằn lên đau đớn. Thật đau đớn, đau đớn. Mình chạy ra giữa ruộng và leo lên cây, ngồi ở đây chẳng ai có thể làm nhọc mình nữa...”

“Nhiên!” - nó giật mình dòm xuống từ trên tán cây cao, có ai gọi, là ba, với vẻ mặt nhem nhuốc nhưng tươi tắn, cái mũ vải trùm trên đầu, quần dài xăn ngang gối, ba mang ủng ướt từ ruộng về.

“Ba...” - Nhiên đóng quyển sổ viết dở, chùi sạch nước mắt rồi trèo xuống. Chị Anh về, phải nói cho ba biết, chắc ba mừng đến phát khóc, rồi cũng lại giống mẹ...

“Làm chi trên đó hả Nhiên, tới lúc té rồi thì mới biết, con gái con lứa mà trèo cây hoài, lạ ghê” - Rồi ba tiếp: “Tầm này chắc 5 giờ rồi, về nhà thôi Nhiên, ba có bắt được mấy con cá sặc. Tối nay một bữa no nê đây!” Ba lấy làm thỏa mãn và thích chí lắm. Người nhà quê đơn giản và chân chất, không như vẻ lạnh lùng của người ở phố. Chị Anh... nói cho ba biết chị Anh về ư, Nhiên thấy lòng mình khó chịu, như ghen với chị, ba có thương chị Anh hơn Nhiên như mẹ không, làm sao biết? Không, đoạn đường làng này Nhiên không muốn ba vướng bận về chị Anh, về nhà ba biết sau cũng được...

Hai cha con bước cạnh nhau, tíu tít trò chuyện, bóng liêu xiêu đổ trên đường làng.

 

“Ngày 21 tháng 6...

Sáng nay chị Anh thức dậy sớm, đi đâu đến tận trưa mới về. Lúc về chúi đầu vào sách vở. Chị không buồn nói với mình nửa câu, hay là do mình tránh mặt? Cảm giác như mình bị hắt hủi vậy. Mọi người đều vui vẻ và hài lòng, duy chỉ mình không. Đó có phải là suy nghĩ rất xấu không? Hai chị em mình xa cách quá, thành phố đã làm chị khác đi nhiều, hồi xưa chị cũng vui tươi và hồn nhiên nhưng quá vãng xa xăm ấy đã mờ nhạt thật rồi, chị Anh ở hiện tại vẫn lạnh lùng và rắn rỏi, mình thấy tê buốt người khi ở cạnh. Mình thấy sờ sợ chị nữa, mình không đạt được kì vọng của chị. Mỗi khi chị nhắc tới chuyện học hay chuyện tương lai, mình không biết nói làm sao hết...”

“Lại viết gì đấy... Nhiên!” - Nhiên ngước mặt lên khỏi bàn gỗ, nó nhận ra giọng chị Anh.

“Em... em viết vài thứ... cũng không quan trọng lắm...” - Nhiên lần quyển sổ nhật kí ra sau lưng, nó không muốn chị Anh nhìn thấy bí mật đồ sộ hằng lâu nó vẫn chất chứa.

“Sao hôm qua em không nói với ba chị về nhà, đến lúc về ba bất ngờ quá” - Giọng chị có phần dịu dàng. Nhiên lặng im không nói gì.

“Nhiên không thích chị phải không?”

“Mà Nhiên viết cái gì đấy, nếu Nhiên yêu ba mẹ thì Nhiên phải lo học hành đi. Đưa chị xem thứ gì.” - Nói xong câu ấy chị Anh chồm tới định giật cuốn sổ. Thật thô bỉ, chị định đọc những suy nghĩ riêng tư của nó. Không đời nào. Nhiên hét toáng lên, vô tình xô ngã chị. Thế là chị Anh gầm lên giận giữ: “Mày cứ bướng bỉnh, mày không yêu ba mẹ ư? Phải thoát khỏi chốn nghèo hèn này, mày phải học, chứ không phải viết những thứ tầm thường đó...” Rồi như hẫng hơi, chị Anh lả người đi, tựa vào thành cửa. Nhiên nép vào cạnh bàn. “Mày” ư? Nước mắt của Nhiên lại trào ra, ấm ức.

 

“Chị mới là người không biết yêu ba mẹ. Chị không biết gì hết, ba mẹ đã cật lực thế nào để có tiền chị dùng trên phố, nhà mình đã phải đói khổ thế nào khi mất mùa, chị đâu quan tâm. Có khi ăn khoai cho qua ngày. Mẹ vất vả vì chị. Chị giỏi giang lắm, thế sao chị không ở mãi trên phố...”

“Nhiên!”

“Chị không biết... không biết gì hết. Em ghét chị!”

Như buổi chiều ngập nắng hôm qua, Nhiên chạy vụt ra đường, nhưng nó không trèo lên cây bàng nữa. Nó lang thang khắp con đường làng, đi bộ sẽ giúp trái tim bình tĩnh lại. Trời hây hây nắng, chắc sắp sửa đổ mưa. Nhiên ngắm nhìn những người làm ruộng thong dong. Họ đang ca chung bài ca với ruộng lúa. Nhiên thấy yêu quê tha thiết, cảnh thanh bình mộng mơ làm Nhiên chỉ muốn đắm mình mãi trong ấy. Nhiên thấy buồn vì tình chị em mà Nhiên hằng mong sẽ có... Bà Liễu đang lùa trâu về, mồ hôi ướt nhẹp hai lưng áo, nhưng bà vẫn tươi cười. “Nhiên đi đâu thế con, trời sắp đổ mưa rồi”. Phía sau bà, chị Yến người thon thả đang gập mình đạp vội trên chiếc xe đạp, từ chợ về.

“Nhiên, chị chở em về nhé”. - Chị nói vọng từ xa. Nhiên lưỡng lự, về với chị Anh sau tất cả những gì xảy ra? Phải nói làm sao cho sự hỗn xược của mình.

“Sắp mưa rồi Nhiên, ở đây là ướt như chuột lột đó”. - Chị Yến dừng lại bên Nhiên, thoáng thấy vẻ mặt rầu và những giọt nước hoen trên má đỏ, chị tiếp lời âu yếm:

“Sao thế, có chuyện gì à? Chị Anh mới về sao không ở nhà chơi với chị? Hay con ấy lại chọc Nhiên chứ gì?” - chị Yến bằng tuổi chị Anh. Chao ôi, chị Yến thì dịu dàng biết bao, trong khi chị Anh chai sần và lạnh lùng. Chao ôi, nghe giọng hỏi han âu yếm của chị, lòng Nhiên như con thác mặn đổ rào. Nhiên trút lòng mình cho chị Yến nghe, trên chiếc xe đạp con của chị. Rằng chị Anh vô tâm, xa cách, lạnh lùng, rằng ba mẹ bất công và vất vả thế nào, rằng Nhiên mặc cảm vô cùng, Nhiên đã cố gắng nhưng chưa bao giờ là đủ để bằng chị Anh...

“Em chưa bao giờ là ngôi sao sáng trên bầu trời đen. Em chưa bao giờ được đóng vai chính, nếu đời là bộ phim trên màn ảnh. Điều đó khiến em thấy thật thấp kém...” Rồi Nhiên kể thật nhiều, nước mắt giàn giụa trôi ra, lòng dần thấy nhẹ bẫng như không. Chị Yến như làn gió mát vờn vào tâm hồn Nhiên, để lại cảm giác bình yên đến lạ. Trời bắt đầu rỉ những giọt nước buồn bã khi Nhiên được chở về đến nhà.

“Người có bàn tay lạnh thật ra đang ủ ấp trái tim nóng - người Nga tin vậy, Nhiên cũng thử tin xem. Chị Anh khó gần và có vẻ hời hợt, nhưng chị tin nó là một đứa bạn tốt, cũng như một người chị tốt. Khoảng cách dễ làm người ta xa nhau vì không thể hiểu nhau, phải không Nhiên? Em nên thấu hiểu trước đã...” - Tiếng chị Yến bị át dần đi bởi những cơn gió lạnh và nước mưa lạnh buốt. Chị Yến vội đạp xe đi sau cái vẫy tay với Nhiên.

Trở vào nhà, Nhiên chờ đợi một tràng mắng mỏ của ba mẹ. Nhưng, như chưa có chuyện gì xảy ra, ba mẹ vẫn trò chuyện với Nhiên bình thường, ba thơm Nhiên một cái rõ to rồi bảo: “Nhiên vào phòng kêu chị ra ăn cơm”. Nhiên ngần ngại vào gọi chị. Trông mặt chị Anh có hơi khang khác, mắt chị cũng hoe đỏ, hay là chị khóc. “Ừ Nhiên”. - chị vội bước sau khi đáp. Còn lại một mình trong phòng, Nhiên thẫn người suy nghĩ. Quyển nhật kí nằm lệch trên bàn, ôi thôi, Nhiên đã quên mất nó. Chị Anh có đọc nó không? Nhiên hoảng hốt. Nhiên lao đến mở quyển nhật kí. Lòng bồn chồn tội lỗi. Có phải vì thế mà chị Anh khóc...? Một tờ giấy rơi ra từ những trang nhật kí - một bức thư. Nhiên thả phịch người xuống giường. Thế là xong, chị Anh đã đọc, thấu hiểu đâu còn nữa khi người ta nhìn thấy những lời xấu xí về mình. Nhiên thất vọng não nề. Bức thư viết, nét mực vài chỗ có hơi nhòe, như có nước rỏ trên giấy...

 

“Gửi Nhiên.

Xin lỗi Nhiên vì đã đọc nhật kí của em, tha thứ cho chị, cũng nhờ thế mà chị hiểu Nhiên nhiều hơn. Xin lỗi vì đã mắng Nhiên nhiều, không hiểu rằng Nhiên đã lớn, đã biết lo và thương ba mẹ. Đáng buồn thay, hai chúng ta vì những chuyện nhỏ nhặt riêng tư mà hiểu lầm nhau.

Ôi Nhiên. Chị lên thành phố được 5 năm, một cô gái nhà quê như chị buộc phải cứng rắn mạnh mẽ, phải trưởng thành nhanh để trụ lại được những nhọc nhằn, bon chen. Chị phải mang một lớp giáp sắt cứng cáp bên ngoài - từ khi nào trở thành tính cách của chị, nó vô tình làm tổn thương tấm lòng trong sáng và hồn hậu của em. Chị chưa bao giờ ruồng rẫy và chối bỏ quê hương mình. Chị chưa bao giờ ghét Nhiên của chị. Trái lại, những ngày cũng như đêm ở thành phố, chị trằn trọc không yên vì biết nỗi khổ cực của gia đình phải gánh chịu vì chị. Chị day dứt và mặc cảm bởi không thể giúp gì được, những áp lực đè nặng lên vai một đứa con cả. Chị lo Nhiên chỉ mãi chơi bời, chưa san sẻ được với khó khăn của ba mẹ, không thể kiếm được học bổng để lên phố học, để rồi một ngày cùng chị đưa ba mẹ lên phụng dưỡng. Nhưng Nhiên chỉ là một đứa trẻ, chị thương Nhiên và chị thấy mệt mỏi vô cùng.

Chị biết chứ, nhà mình mới mất mùa, đất ruộng đang càng ngày thu hẹp lại, nhường chỗ cho công trình công nghiệp. Chị tìm mọi cách, đã làm thêm, dạy kèm những giờ rảnh, kín lịch, còn lại thì lao đầu vào sách vở học. Hè này chị về nhà mong mỏi giúp được Nhiên, hoàn thành những kế hoạch học tập. Chị đã vô tâm không để ý đến cảm xúc của em, em cũng có những nỗi khổ của riêng mình. Giá như chị nhận thấy điều này sớm hơn, thật sự dành thời gian bên em và mọi người...

Nhiên chỉ mới 15 tuổi, chị không muốn em vướng bận những lo toan của chị, nên chị chỉ khư khư giữ riêng chúng cho mình. Tuổi thơ đã xa xăm lắm rồi, chỉ còn bộn bề đến ngộp thở. Có những ngày chị phải thức trắng đêm bởi việc làm thêm và việc học. Nhiên à, chị biết mình đã vắt cạn tiền của ba mẹ, và con heo đất đáng thương của em cho cái laptop bóng bẩy của chị. Chị khổ sở lắm. Rồi lại quá khắt khe với em. Lẽ ra chị nên nhận thấy em tốt bụng và đặc biệt thế nào. Nhiên của chị vẫn rất tỏa sáng, theo cách khác. Em chưa bao giờ là cái bóng của chị cả. Em phải hiểu rằng, em là vai chính trong bộ phim của riêng em.

Chị chắc rằng, chị mãi là người nhà quê chân thật, như ba, mẹ, như Nhiên. Nếu có là người thành phố, thì trong tận gốc rễ chị vẫn là người nhà quê. Chị yêu ba mẹ và Nhiên lắm nhưng chỉ là... không biết cách bộc bạch cảm xúc ấy. Nhiên đáng thương, em đã phải khổ sở lắm vì sự lạnh lùng của chị. Nhưng giờ sẽ không như thế nữa, chị mong em hiểu chị qua bức thư ngắn ngủi viết trong vội vàng này.

Yêu thương em

Chị Anh”

 Nhiên đọc những dòng chữ chị Anh viết một cách ngấu nghiến, vội vàng. Một cảm giác lạ lẫm Nhiên chưa từng gặp phải, chưa từng gọi tên. Nước mắt dịu dàng lăn trên má. Ngoài kia, cơn mưa giông đã khô tạnh. Nắng hửng sáng trên nền trời mát. Nắng đã xua mưa đi rồi, và giờ thì, mưa sẽ không rơi nữa, phải không?

 

Thời gian

 

 

Con bé ngồi một mình trong góc phòng. Nó im lặng nhìn không gian ngập nắng, mờ ảo đi vì bụi: những thùng các-tông lăn lóc trên sàn nhà, mấy chồng sách buộc chặt, những gói giấy báo thơm một mùi rất cũ. Mùi của những kỉ niệm. Nó biết tất cả rồi sẽ hóa thành kỉ niệm, giờ phút nó ngồi đây âu yếm nhìn ngắm căn phòng của mình rồi cũng sẽ vụt theo cỗ máy thời gian mà trôi đi. Sau này khi đi xa rồi, nó sẽ không buồn nhiều nữa, vì nó đã dành thời gian này đây để ngồi phệt xuống sàn gỗ mát, giữa một sáng ngày hạ xinh đẹp, chẳng để làm gì cả, chỉ để ngắm nhìn và ghi nhớ từng góc của căn phòng. Rồi tự nhiên, nó thấy muốn khóc.

Có ai hiểu nó yêu thương căn phòng này biết nhường nào. Nó yêu những kỉ niệm gắn liền với căn phòng. Nó đã ở đây biết bao năm tuổi thơ rồi, 15 năm. Nó đã học ở trên khuôn bàn nhỏ này, rồi cứ hè đến lại lục những chồng sách trên bàn xuống cột thành tập đem cất đi, một năm trôi qua chóng vánh. Nó đã vẽ thật nhiều ở đây, trên tường còn mấy quệt màu cũ mới lẫn lộn, thi thoảng nó vụng về làm đổ khay màu, thế là tường phòng nó lấp lánh một màu mới. Tranh nó treo khắp phòng: cái hình con Ki của nó đang hớn hở chạy trong sân vườn, hình con Ki ngủ, hình cả nhà cười rạng rỡ bên bờ sông Hàn, bức ảnh tự họa của nó còn ngất ngưỡng treo trên sợi dây sát cửa sổ, có mấy bức tranh vẽ trời mây, mấy bức vẽ bạn nó...

Tuổi thơ của nó đọng lại trên những bức tranh rực rỡ màu sắc. Vậy mà bây giờ, phải dỡ chúng xuống khỏi tường hay sao? Nó bật khóc rấm rứt, tại sao, tại sao? Nó ước như nó không phải rời khỏi căn phòng này. Tất cả đang vẹn nguyên và đẹp tuyệt, màu nắng này, không gian này, tủ sách lấm bụi, những bức tranh, vậy thì tại sao? Nước mắt nó ướt đẫm hết hai má, như lạch suối ồ ạt lách mình ra khỏi khe đá nứt, lạch suối cay đắng có vị mặn.

Nó biết tại sao, nhưng vờ như mình không biết, có lẽ không hiểu gì cả sẽ tốt hơn. Nó lại khóc, trái tim thổn thức, dịu dàng, đớn đau. “Mẹ ơi... Mẹ ơi...”. Nó biết quá rõ kia. Mẹ của nó không còn nữa. Ba lại gặp rắc rối trong công việc. Nó phải chuyển nhà, sang nơi mới, bé hơn và tiết kiệm hơn. Mẹ ơi... Đôi mắt ướt nhẹp của nó ngừng lại trên bức ảnh hai mẹ con chụp bên xưởng họa nhỏ trong nhà - bây giờ là phòng nó. Mẹ đang cười. Rạng rỡ xiết bao. Mẹ cũng yêu vẽ, hồi đó mẹ đã dành hai tiếng để dọn cho sạch phòng, lót giấy bảo vệ, mua thang và màu - nhiều ơi là nhiều, rồi hai mẹ con vẽ lên tường phòng trong tiếng nhạc Chopin rạo rực hoàn toàn dễ chịu, quên đi thời gian, hay là bị cuốn vào thời gian. Mẹ nó vẽ đẹp lắm, tay mẹ quệt màu thật uyển chuyển, rắn chắc và mạnh mẽ. Nó yêu mẹ vô cùng, tình yêu nó lớn bằng bầu trời, nhưng nó biết tình yêu mẹ còn lớn hơn, như vũ trụ vàng ôm ấp những dải thiên hà và các hành tinh nhỏ. Nhưng biết làm sao giờ, thời gian như một tên trộm xấu xa, cướp mẹ đi khỏi nó. Biết làm sao giờ, thời gian không hữu hình cho nó mắng, nó kêu gào, nó giằng co lấy mẹ, và đưa mẹ trở về với nó. Biết làm sao bây giờ, phải làm sao bây giờ? Nó lại khóc, nhưng nhỏ nhẹ và thút thít thôi, như đang cần một bàn tay chạm nhẹ an ủi, một cái ôm ngọt ngào thơm mùi của mẹ, một cái hôn thật kêu trên mái tóc, và đôi mắt âu yếm nhìn của mẹ, phải là của mẹ kia, thì nó sẽ nín khóc ngay, nó sẽ không buồn và đau khổ nữa. Có hiểu không hả, thời gian?

Hồi xưa, khi mẹ còn tươi cười rạng rỡ, khi mẹ nó còn ở bên nó, trong những ký ức, nó nhớ, mẹ hay cù vào nách cho nó cười, chọc cho nó vui lên mỗi khi đi ngủ, lúc nó buồn rầu và phiền muộn. “Mi thì chỉ có nghĩ ngợi vô lý thôi Rơm ạ, lo nghĩ mãi thì sẽ chóng già đấy! Có khi nào Rơm của mẹ lại già như một bà già 80 tuổi được?” Rồi mẹ cười khì khì thơm vào mặt nó, khiến vẻ đăm chiêu của nó dãn ra, nó sung sướng trong vòng tay thơm tho của mẹ. Ừ phải, nó hay nghĩ ngợi nhiều lắm. Và hay lo lắng, dễ khóc như một quả bong bóng chạm nhẹ sẽ vỡ ngay lớp vỏ ngoài. Mẹ đến, mỉm cười, và nỗi lo âu sẽ qua đi ngay. Vì nụ cười mẹ rạng rỡ và ngọt ngào giống như một ánh ban mai nằm dịu dàng trên khóm râm bụt thơm thảo.

Bây giờ nó lại nghĩ ngợi nhiều, nhớ đến những chuyện đã xa lắm, nó lại buồn và tự dằn vặt lòng mình. Như thế có tốt hơn đâu. Như thế nó sẽ chóng thành một bà già trước tuổi mất. “Mẹ không thích thế đâu, mẹ không thích mày yếu đuối” - nó nghĩ. Thế là nó chùi nước mắt, phủi quần đứng dậy, thẳng thớm, mạnh mẽ. Nó nghĩ rồi. Nó sẽ cho thời gian thấy, “dù mi có trộm lấy của ta bao nhiêu thứ quý báu, thì ta vẫn mạnh mẽ như thế đấy, mi không làm được gì với kí ức của ta đâu, và vì thế mọi thứ vẫn vẹn nguyên đó thôi” -  nó nghĩ, đắc thắng.

“Rơm ơi” - có tiếng anh nó gọi. Ôi tiếng của anh nó mới ấm và dịu dàng

làm sao.

“Dạ, Rơm đang xuống đây.”

Ông anh vất vả của nó, hôm nay phải nghỉ việc ở xưởng để dọn dẹp đồ nhà. Ở dưới tầng, mọi thứ đã đâu ra đấy, anh và ba nó đang dán mấy hộp các-tông lại, xếp chúng cạnh nhau.

“Đã dọn phòng xong chưa? Hay thút thít mè nheo nãy chừ hử? Có mít ướt không đấy?” -  Anh Ri hỏi, cười hiền.

Nó chối ngay: “Có đâu.” Rồi nó xấu hổ đến đỏ mặt, đưa mắt nhìn quanh phòng khách. “Anh Ri với ba cần Rơm giúp gì hả?”

“Rơm lại đây giữ cái thùng cho ba dán băng keo.” - Ba nó gọi lại.

Ba người gầy, da hơi sạm đi, cháy nắng. Nếu nhìn kĩ gương mặt ba, vào đôi mắt nâu sẫm của ba, sẽ thấy có một nỗi buồn vời vợi, dai dẳng, vĩnh viễn. Nó luôn đọng nơi đáy mắt ba từ khi mẹ mất. Ba cứng rắn và nghiêm khắc. Nhưng có đôi khi ba tỏ ra yếu đuối lạ kì, ấy là lúc ba khóc, mà ba chỉ có khóc vì mẹ. Cũng có nhiều lúc, ba trở nên dịu dàng và ngọt ngào, giống những cái hôn của mẹ, giọng nói của ba chất chứa biết bao cảm xúc. Như câu nói ban nãy, chao ôi, nếu bạn được nghe thấy, thì bạn cũng sẽ như con bé: sẽ vui vẻ chạy lại chỗ ba nó mà giữ thùng các-tông và nghĩ sao mà ba âu yếm thế. Ba cha con bên nhau, nắng ấm len vào những khoảng lặng. Nó thấy dễ chịu và nó tin rằng ba và anh Ri cũng nghĩ thế. Hơi ấm ngày còn mẹ đã len về trong gian nhà nhỏ, thật ấm áp làm sao...

Vậy đấy, bây giờ thì, nó đã lớn lên thật rồi. Niềm vui thì chóng trôi qua, chỉ có nỗi buồn ở lại. Ta phải học cách làm quen với nó, sống cùng với nó, nhưng đừng để nó ăn mòn ta. Đó là cách tốt nhất rồi còn gì? Còn thời gian sẽ vẫn luôn dịch chuyển, ta không thể cản nó được. Mà tưởng tượng nó hữu hình để chửi mắng, giằng co lại những gì đã mất cũng để làm gì cơ chứ? Hãy để nó qua đi, sự việc ấy, vì bởi: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” - đã là quy luật. Con bé Rơm tội nghiệp kia đã nghĩ lại rồi, nó chẳng khiến cho mình trở nên tội nghiệp nữa, nó sẽ bớt hằn học với thời gian và coi thời gian như một người bạn. Vì nó hiểu, thời gian không đánh cắp khỏi nó những thứ tuyệt vời đang có. Thời gian chỉ đang làm đầy đặn lên cho cuộc sống rạng rỡ của nó, theo một cách nào đấy mà nó khó nhận ra, nhưng buộc nó phải nhận thấy để mà sống tốt hơn, không thì nguy thật. Nó thì vẫn yêu mẹ, mãi mãi thế, thời gian cho nó thêm sự trưởng thành, và tình yêu thương vĩnh viễn thiêng liêng, cao thượng dành cho người mẹ kính yêu.

Nó sẽ háo hức đợi xem. Năm sau nó 16 tuổi, thời gian sẽ tiếp cho nó thêm những gì trên bước đường hành trình tìm vào sự sống? Ai nào biết được?

N.N.M.Y

(Lớp 10C1 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng)