Văn học nghệ thuật và đội ngũ Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần chống đại dịch Covid-19

01.12.2021
Bùi Văn Tiếng

Văn học nghệ thuật và đội ngũ Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần chống đại dịch Covid-19

Tác phẩm Ảnh nghệ thuật "Nâng niu mầm sống"

Văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng đối diện với đại dịch Covid -19 khá sớm so với nhiều địa phương trong cả nước - ngay từ đầu năm 2020. Đêm thơ Nguyên tiêu 2020 với chủ đề Nhớ Hoàng Sa (tên một bài thơ của Lưu Trùng Dương) dự kiến tổ chức tại Công viên Biển Đông tối ngày mồng 8 tháng 2 năm 2020 dẫu đã được chuẩn bị đâu vào đó nhưng cuối cùng đành phải dừng lại chờ... trăng rằm tháng giêng năm sau. Trong bối cảnh cả thành phố bên sông Hàn gồng mình phòng chống đại dịch Covid-19, văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã tích cực góp phần vào việc đẩy lùi dịch bệnh bằng ngôn ngữ của nhiều loại hình nghệ thuật, trước hết là hội họa và nhiếp ảnh - hai loại hình nghệ thuật của cái khoảnh khắc. Ngay từ cuối tháng 6 năm 2020, nhà thơ Lê Anh Dũng thuộc Hội Nhà văn thành phố đã sáng tác và cho ra mắt bạn đọc trường ca Giữa mùa đại dịch (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) gồm 5 trường đoạn có độ dài hơn 100 trang in - được xem là trường ca đầu tiên của cả nước viết về đề tài phòng chống phòng chống đại dịch Covid-19, tuy nhiên văn nghệ sĩ Đà Nẵng chỉ thực sự tham gia vào một hoạt động nghệ thuật mang tính phong trào quần chúng rộng rãi nhằm tuyên truyền cổ vũ cho cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 khi Đà Nẵng trở thành một tâm dịch đầy nguy hiểm hồi hạ tuần tháng 7 năm 2020. Chính trong bối cảnh ấy, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức từ giữa tháng 8 năm 2020 cuộc thi sáng tác tranh, ảnh thời sự - nghệ thuật theo hình thức trực tuyến, với chủ đề “Đà Nẵng trên tuyến đầu phòng chống đại dịch Covid-19” và đạt được kết quả ngoài mong đợi.

Trước hết là nói về ảnh thời sự-nghệ thuật. Thể lệ cuộc thi quy định tác phẩm ảnh thời sự-nghệ thuật dự thi phải được sáng tác trong khoảng thời gian từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 20 tháng 9 năm 2020, và trong phạm vi thành phố Đà Nẵng. Đây là cuộc thi trực tuyến nhưng chỉ có thể trực tuyến khi gửi tác phẩm dự thi, còn để sáng tác nên một bức ảnh hay một bộ ảnh thì người cầm máy, kể cả người cầm máy là dân ngoại tỉnh, nhất thiết phải trực tiếp “tham chiến” ngay tại hiện trường - những hiện trường tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong một thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, thậm chí có lúc phong tỏa y tế cục bộ. Do vậy điều đầu tiên cần ghi nhận ở các tác giả nhiếp ảnh dự thi - cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp - là tinh thần dấn thân. Điều thứ hai cần ghi nhận là qua góc nhìn đa dạng, cách tiếp cận nhiều chiều của hàng chục tay máy dự thi, trong 84 bộ ảnh và 257 ảnh đơn nóng hổi tính thời sự và đầy hấp dẫn của nghệ thuật nhiếp ảnh, hiện thực phong phú của Đà Nẵng những ngày căng thẳng trên tuyến đầu phòng chống đại dịch Covid-19 đã được tái hiện hết sức sinh động.  

Đương nhiên trong không gian sáng tạo tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như ở Đà Nẵng hồi tháng 8 và tháng 9 năm 2020, người cầm máy - kể cả người cầm máy chuyên nghiệp - hầu như không thể tùy thích lựa chọn những góc máy đắc địa nhất, không thể tự ý điều chỉnh những cự ly tác nghiệp hoàn hảo nhất... Ngay giữa tâm dịch, do điều kiện sáng tác hết sức hạn chế, họ chỉ kịp giương ống kính để ghi lại một số khoảnh khắc đã khiến họ xúc động, và/vì đó là những khoảnh khắc dễ dàng vụt qua/một đi không trở lại, nếu không khẩn trương bấm máy... Nói cách khác, họ chấp nhận không cầu toàn, chấp nhận khả năng khiếm khuyết về nghệ thuật và kỹ thuật nhiếp ảnh, chỉ mong sao có được một bức ảnh nóng hổi tính thời sự. Nhờ vậy mà hôm khai mạc triển lãm và trao giải tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, qua một bộ ảnh được chọn trao giải ba, công chúng có thể tận mục sở thị một điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2020 đặc biệt cổ lai chưa từng có là danh sách thí sinh được sắp xếp theo các ký hiệu F1 hay F2 chứ không phải theo từng trường, hay là cả người đi thi và người coi thi đều phải được xét nghiệm để có thể xác định âm tính với virus corona chủng mới...

Xem nhiều ảnh/ bộ ảnh được chọn triển lãm, công chúng càng thấm thía hơn với ca từ quen thuộc trong bài hát Đà Nẵng tình người: “Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu”. Xem nhiều ảnh/ bộ ảnh được chọn triển lãm, công chúng càng hiểu rõ hơn sức mạnh đồng thuận của người Đà Nẵng, đồng thuận từ việc phối hợp giữa các lực lượng phòng chống dịch thể hiện qua hình ảnh các chốt kiểm soát ở một số cửa ô thành phố, qua hình ảnh những chiếc xe phun khử khuẩn ở một số khu dân cư có người dương tính (như bức ảnh được trao giải khuyến khích), đồng thuận từ việc kẻ mua người bán ở chợ truyền thống đang nỗ lực thích nghi với trạng thái bình thường mới, thậm chí là Cái Khó Ló Cái Khôn (bộ ảnh được trao giải khuyến khích)... Qua một bộ ảnh khác cũng được chọn trao giải ba, công chúng còn có thể cảm nhận niềm vui của những người ngoại tỉnh khi được tạo điều kiện rời tâm dịch Đà Nẵng một cách bình an vô sự để sớm đoàn tụ gia đình - điều kiện ấy có thể là những Chuyến Bay Giữa Mùa Dịch (bộ ảnh được trao giải khuyến khích), cũng có thể là Những Chuyến Xe Tình Nghĩa Giá Không Đồng (bộ ảnh được trao giải khuyến khích). Xin nói thêm hình ảnh những chuyến xe đưa người ngoại tỉnh rời tâm dịch Đà Nẵng về quê có thể được thể hiện ngay tại điểm xuất phát - trên đất Đà Nẵng, cũng có thể được thể hiện ở điểm đến ngoài Đà Nẵng, thậm chí có trường hợp được thể hiện ở Đồn Biên phòng A Xan huyện miền núi Tây Giang, khi xe Đà Nẵng vừa đưa người về quê vừa tranh thủ lên tận biên giới Việt - Lào tặng khẩu trang y tế cho những người đang làm nhiệm vụ ngăn chặn nguồn lây từ việc nhập cảnh trái phép.

Đặc biệt qua 75 ảnh/ bộ ảnh được chọn triển lãm, nhất là qua 11 ảnh/ bộ ảnh được chọn trao giải, đã nổi bật hình ảnh những nhân vật trung tâm trên tuyến đầu phòng chống đại dịch Covid-19 ở tâm dịch Đà Nẵng. Nghệ thuật tạo hình Trung Quốc vẫn luôn nhắc tới thủ pháp họa vân kiến nguyệt/ vẽ mây nẩy trăng thông qua câu chuyện một họa sĩ vẽ cảnh đêm trăng nhưng nhìn mãi trong tranh không thấy trăng đâu, chỉ có đám mây trên nền trời - qua mây thấy trăng bởi đêm tối mà không có trăng sáng sao nhìn thấy được mây; hoặc câu chuyện trong cuộc thi vẽ chủ đề chùa trên núi, họa sĩ đoạt giải cao nhất là người đã vẽ bức tranh không có bóng dáng một ngôi chùa nào cả, chỉ có cảnh một nhà sư đang gánh nước giữa lưng chừng núi. Cũng vậy, để cực tả đội ngũ thầy thuốc đã lao động nhọc nhằn suốt ngày đêm trong bộ quần áo bảo hộ để cứu chữa bệnh nhân Covid-19, một số người cầm máy đã chọn ghi lại hình ảnh các thầy thuốc không phải trong khi họ đang tác nghiệp mà là trong lúc đang... tranh thủ ngủ giữa những Phút Giải lao (bộ ảnh đoạt giải nhì), vào những Phút Nghỉ Ngơi (bức ảnh được trao giải khuyến khích). Xin nói thêm bộ ảnh Phút Giải lao của nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền đoạt giải nhì trong cuộc thi này tiếp tục được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 26 năm 2021 ở Đắk Lắk.

Đương nhiên không ít ảnh/ bộ ảnh vẫn ghi được hình ảnh đầy ấn tượng của các thầy thuốc đang tác nghiệp, chẳng hạn như đang cùng chăm chú theo dõi trên màn hình để tiếp cận với bệnh nhân nặng dương tính với Covid-19 trong phòng ICU/ đơn nguyên điều trị tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng nhằm hội chẩn và thống nhất phác đồ điều trị phù hợp hầu tạo điều kiện cứu sống các trường hợp có nguy cơ tử vong cao (bức ảnh đoạt giải nhì). Đặc biệt Ban Giám khảo cuộc thi đánh giá cao và trao giải nhất cho một bức ảnh có nhan đề rất nhân văn là Nâng Niu Mầm Sống, ghi lại hình ảnh một bác sĩ đang bồng cháu bé vừa được sinh mổ từ thai phụ là bệnh nhân dương tính ngay trong khu cách ly của Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Đặc biệt có một bức ảnh mang tên Trong Vòng Vây Của Truyền Thông được chọn triển lãm chụp cảnh hàng chục phóng viên đang vây quanh hai thầy thuốc để phỏng vấn họ khi Bệnh viện Đà Nẵng vừa được dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Bức ảnh phản ánh rõ hoàn cảnh tác nghiệp bất thường của người làm báo ở ngay một tâm dịch qua hình ảnh người phỏng vấn và người được khẩu vấn đều đeo khẩu trang kín mít, và quan trọng hơn là đã thể hiện thành công niềm vui khi chạm đến giây phút chờ đợi từ lâu - giây phút Bệnh viện Đà Nẵng chính thức được trở lại hoạt động sau nhiều ngày phong tỏa y tế để khử khuẩn tiêu trùng... Tuy nhiên người chụp bức ảnh này dường như còn muốn chuyển đến người xem ảnh một thông điệp khác và không chừng đó mới là thông điệp chính: Hãy cảnh giác! Hãy cảnh giác bởi lẽ chúng ta đang sống trong trạng thái bình thường mới chứ chưa được sống trong trạng thái bình thường! Hãy cảnh giác bởi lẽ nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh vẫn còn và vẫn có thể hoành hành ngay trong lúc chúng ta đang hồ hởi phấn khích vì đã cơ bản kiểm soát được khả năng lây nhiễm mầm bệnh trong cộng đồng! Và có lẽ trực giác của người nghệ sĩ đã đúng!             

 Tiếp theo là nói về tranh tham dự cuộc thi sáng tác Đà Nẵng trên tuyến đầu phòng chống đại dịch Covid-19. Hội họa hay nhiếp ảnh thì cũng đều xuất phát cùng một hiện thực là Đà Nẵng đang trở thành tâm dịch của cả nước. Hội họa hay nhiếp ảnh thì cũng đều là tấm lòng của người sáng tác muốn bộc lộ giãi bày cảm hứng nghệ thuật trước một thực tiễn sinh động của Đà Nẵng trong những ngày giãn cách xã hội và quan trọng hơn là muốn bộc lộ giãi bày sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn đối với những người thầy thuốc đang tác nghiệp trên-tuyến-đầu-của-tuyến-đầu. Có điều cùng là nghệ thuật của cái khoảnh khắc nhưng khác với nhiếp ảnh, trong trường hợp này, hội họa không đòi hỏi người vẽ tranh phải trực tiếp “tham chiến” ngay tại hiện trường tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong một thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội - cho nên không phải ngẫu nhiên mà trong 85 tác phẩm của 53 tác giả trong và ngoài thành phố gửi tranh dự thi, có 28 tác phẩm của 17 tác giả nhỏ tuổi.

Cùng là nghệ thuật của cái khoảnh khắc nhưng hội họa có điều kiện để người họa sĩ thể hiện cá tính sáng tạo nhiều hơn là nhiếp ảnh. Chính vì thế mà xem 45 bức tranh của 27 họa sĩ lớn tuổi được chọn triển lãm cùng với 75 ảnh thời sự - nghệ thuật, cũng như 25 bức tranh của 17 họa sĩ nhỏ tuổi trưng bày ở phòng tranh thiếu nhi của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, người xem càng thấy rõ nhiều sáng tạo hội họa độc đáo. Chẳng hạn những đôi mắt trong ảnh thường mờ đi trên gương mặt có khẩu trang che kín thì những đôi mắt trong tranh lại được các họa sĩ tập trung bút lực để lột tả cảm xúc hoặc lắm lo âu hoặc đầy nghị lực, và nữa và nữa... của nhân vật trong tranh. Tôi - người viết bài này - đã xem đi xem lại một bức tranh thiếu nhi vẽ các nữ bác sĩ phải cắt đi mái tóc dài nữ tính của mình để tiện mặc trang phục bảo hộ khi tác nghiệp. Đây là một thực tế chạm đến trái tim từng được phản ánh trên một bức ảnh đăng báo, nhưng khi đi vào thế giới nghệ thuật của tranh thiếu nhi đã trở thành một hiện thực khác: Không phải bác sĩ nam cắt tóc cho đồng nghiệp nữ như trong ảnh mà là các bác sĩ nữ cắt tóc cho nhau - người đã cắt xong cắt cho người chưa cắt, và ở góc phòng một người đang dọn tóc đã cắt bỏ vào thùng rác - chi tiết này không có trong ảnh... Hay chẳng hạn toàn cảnh Đà Nẵng trên tuyến đầu chống dịch được tác giả bức tranh khắc gỗ đoạt giải nhất có nhan đề Tình Yêu Đà Nẵng dụng công sắp đặt trên một thập tự - biểu trưng của ngành y tế thế giới.

Ngoài hội họa và nhiếp ảnh thì âm nhạc cũng có lợi thế trong việc tuyên truyền cổ vũ cho cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid - 9 tại tâm dịch Đà Nẵng hồi hạ tuần tháng 7 năm 2020. Chẳng hạn không chỉ hòa âm, phối khí và thể hiện hai ca khúc được phát đi từ “tâm dịch”: Đà Nẵng ngày bão giông (nhạc: Nguyễn Minh Châu, thơ: Nguyễn Thị Ngọc Uyển - giáo viên Trường Trung học phổ thông Phan Châu Trinh) và Vững tin Việt Nam (bác sĩ Huỳnh Hữu Năm và bác sĩ Hồ Văn Phước công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng sáng tác), nhạc sĩ Đình Thậm còn cùng với nhạc sĩ Đinh Gia Hòa sáng tác ca khúc Nếu anh không về phổ bài thơ cùng tên của Vũ Tuấn viết về những người ở tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra nhạc sĩ Đình Thậm còn phổ nhạc bài thơ Chiến binh áo trắng của Nguyễn Việt Chiến với nhịp nhanh, giai điệu khí thế nhằm khích lệ và quan trọng hơn là tri ân các thầy thuốc đang ngày đêm chống dịch ở tuyến đầu: Họ thầm lặng ra đi/ Và không cần ngoảnh lại/ Dám chấp nhận hy sinh/ Cho mọi người cuộc sống/ Không cần mọi huân chương/ Không cần bao tán tụng/ Các chiến binh áo trắng/ Xông tới mọi chiến trường... Chính những đóng góp bước đầu ấy của các nhạc sĩ Đà Nẵng trong mùa dịch năm 2020 đã thúc đẩy Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc - bao gồm đặt lời mới cho dân ca, và sáng tác kịch bản sân khấu - bao gồm sân khấu thoại kịch và sân khấu cổ truyền, về phòng chống dịch Covid-19 với chủ đề “Vững niềm tin chiến thắng” ngay trong mùa dịch năm 2021, dự kiến sẽ trao giải và tổ chức trình diễn đối với các tác phẩm được chọn vào cuối tháng 12 năm 2021.

 

Trở lên là phác họa về một số đóng góp bước đầu của văn nghệ sĩ Đà Nẵng trong cuộc chiến thầm lặng phòng chống đại dịch Covid-19 nhằm góp phần vào việc hình dung bức tranh chung về văn học, nghệ thuật với một trong những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay. Vẫn biết rằng chức năng của văn học nghệ thuật không chỉ phản ánh hiện thực mà còn và chủ yếu là nghiền ngẫm về hiện thực, thế nhưng những ghi nhận và phản ánh hiện thực “nhất thời” của văn nghệ sĩ Đà Nẵng trong gần hai năm tham gia phòng chống đại dịch Covid-19 trên lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng rất đáng được trân trọng, nhất là với những tác phẩm nhiếp ảnh - nghệ thuật của cái khoảnh khắc không thể tái hiện thì lại càng đáng quý. Mặt khác, nếu các sân khấu biểu diễn sớm được hồi phục, thu hút được đông đảo khán giả trực tiếp đến xem, thì các ca khúc và kịch bản sân khấu với tư cách là sản phẩm “nhất thời” - được ca sĩ và diễn viên chung sức đồng sáng tạo - mới có điều kiện phát huy tác dụng trong việc tạo nên sự đồng cảm thậm chí chạm đến trái tim của công chúng nghệ thuật.

B.V.T