70 năm ca khúc Vì nhân dân quên mình

01.12.2021
Trịnh Tuấn Khanh

70 năm ca khúc Vì nhân dân quên mình

Mỗi lần nghe, xem các chương trình “Quân đội nhân dân” trên Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Truyền hình Việt Nam (VTV), nhạc mở đầu của xưởng phim quân đội, ấn tượng đầu tiên đọng lại cho người thưởng thúc là giai điệu nhạc hiệu trầm bổng, trong sáng, khí thế hào hùng... “Ca khúc: Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải, học viên khóa 6 Trường Lục quân Việt Nam, sáng tác tháng 5-1951, nói lên nguồn gốc “từ nhân dân mà ra”, mục đích “vì nhân dân mà chiến đấu” của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam”(1). Năm 2021, ca khúc vừa tròn 70 năm, nhưng hình như không có tuổi, bởi đã là người lính cụ Hồ, người lính quân đội nhân dân Việt Nam trước giờ đọc báo, trước giờ sinh hoạt hoặc dưới quân kỳ, không ai không cất tiếng hòa giọng với tập thể ca khúc này.

Doãn Quang Khải sinh năm 1925 tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), mất năm 2007. Ông tham gia nhập quân đội sau ngày toàn quốc kháng chiến. Ông đã từng là chiến sĩ trên chiến trường Lào, Liên khu 3, Việt Bắc. Còn trong kháng chiến chống Mỹ ông tham gia chiến trường Tây Nguyên và Bình Trị Thiên. Vào năm 1951, khi đã là tiểu đội trưởng, học viên Trường sĩ quan Lục quân Việt Nam (lúc ấy học ở Trung Quốc).

Nhạc sĩ Doãn Quang Khải kể về cuộc đời binh nghiệp của ông và đồng đội thì nhiều, nhưng kể về chuyện sáng tác thì ít. Ông kể: “Năm 1950, tôi được cử đi học lớp bổ túc đại đội (sau trường này được mang tên Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn). Một hôm, đọc báo QĐND, tôi nảy ra một ý tưởng và thấy rất thú vị. Trên tờ báo, nơi góc bên phải măng-sét có khẩu hiệu “Vì nhân dân phục vụ”! Tôi thấy khẩu hiệu thật ấn tượng, thật hay, thử đọc lên đã như câu hát... Tôi cứ nhẩm, thử thay đổi vài chữ theo giai điệu. Và rồi hai chữ “quên mình” được nảy ra. Hay quá, đúng quá: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”… Lúc đầu tôi định thử sáng tác bài thơ theo cái tứ này, nhưng tôi lại nghĩ chuyển sang bài hát có lẽ hợp hơn. Làm chuẩn cho bài hát bằng chiếc harmonica mà tôi mang theo. Đêm hôm đó, chờ đồng đội lên giường đi ngủ, tôi ra ngoài chân cột đèn ở vườn hoa của trường. Tập trung vào viết và sửa một mạch trong khoảng ba tiếng đồng hồ thì tạm hoàn chỉnh. Mọi người rất vui vì lần đầu tiên được hát một bài về chủ đề quân đội, lại do chính học viên cùng lớp sáng tác mà nghe cũng rất “vào”... Và bài hát xuất hiện trên tờ báo tường. Thật may mắn, sau đó không lâu, trong số khách mời của nhà trường có nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đến thăm. Đọc báo tường của nhà trường, ông thích bài hát và gặp tôi tỏ ý muốn chép lại cho một bản. Sau nhạc sĩ đàn anh đã sửa vài chỗ và dàn dựng cho đội văn nghệ của nhà trường hát diễn. Ngày 1-5-1951, trong phần nghi lễ bế mạc khóa học, lần đầu tiên bài Vì nhân dân quên mình được vang lên theo bước đi của những cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị ra các chiến trường(2).

Hai lời của ca khúc dễ hát, dễ nhớ vì ngắn gọn. Nhìn như một khẩu hiệu khô khan, nhưng khi hát lên nó tự thấm vào lòng người chiến sĩ một cách rất tự nhiên. Bởi Vì nhân dân quên mình đi liền với hình ảnh lá cờ quyết chiến, quyết thắng, đi liền với ngôi sao, bông lúa, khẩu súng - biểu trưng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đó là lời ca, giai điệu tha thiết và trầm hùng, giản dị và trong sáng, gần gũi và thiêng liêng, sâu lắng mà lan tỏa. Đó là bài ca của lòng tự hào, tin tưởng và đầy sức vẫy gọi. Lời hát ấy, giai điệu ấy đã đi vào lịch sử trưởng thành, chiến đấu của các lực lượng vũ trang, đi vào lịch sử cuộc chiến tranh cách mạng gian khổ, dài lâu và rất đỗi hào hùng của dân tộc ta.

“Vì nhân dân quên mình. Vì nhân dân hy sinh. Anh em ơi, vì nhân dân quên mình. Đoàn Vệ quốc chúng ta, ở nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần. Thề vì dân suốt đời, thề tranh đấu không ngừng, vì đất nước thân yêu mà hy sinh. Thề diệt hết đế quốc kia, giành tự do hòa bình. Đoàn Vệ quốc quên mình vì nhân dân.

Thề noi gương Bác Hồ. Vì nhân dân gian lao. Trong bao năm, Người tranh đấu không ngừng. Người chỉ biết có dân, ngày ngày lo sao cho toàn dân ấm, toàn dân no, được học hành. Người chỉ vui khi nào toàn dân hết đau thương. Người tranh đấu đem tương lai về cho dân. Đoàn Vệ quốc chúng ta là con yêu của Người. Thề noi gương suốt đời, vì nhân dân.”(3)

Ca khúc được viết ở giọng đô trưởng, hoá biểu không có dấu hóa, thể hai đoạn đơn, ngắn gọn, cân phương, vuông vắn, với 2 lời ca, nhịp 2/4. Toàn bài gồm 4 câu nhạc, mỗi câu có 4 tiết nhạc. Câu đầu là âm hình chủ đạo để tác giả phát triển mô típ.

Tác giả sử dụng các nốt ở quãng 3 trưởng, 2 trưởng, thứ. Các bậc 1-3-5 (đồ, mi, son) là những bậc âm ổn định nên dễ hát. Các chùm nốt ở (1), (2), (3), (4), (5) có chấm dôi, dấu luyến tạo tiết điệu hành khúc, nhấn nhá nhịp đi nhưng rất trữ tình.

Đoạn một của bài hát chỉ gồm hai câu nhạc 16 ô nhịp phát triển, mỗi câu có 4 tiết nhạc ngắn.

Ngay từ hai nốt ở ô nhịp lấy đà (1) đã có chấm dôi (hát giật) để nhấn vào trọng âm phách mạnh ô nhịp 2. Câu 2 của đoạn một (2) là âm hình nhắc lại của câu 1 nhưng các nốt đã được phát triển khu âm cao (là mí - quãng 5 đúng) tạo khí thể để chuẩn bị chuyển tiếp sang đoạn 2 bằng những dấu hóa bất thường (son#) (3), (4). Đây là sự sáng tạo, là “mãnh lới” dùng la thứ hòa thanh của giọng la thứ (giọng song song của đô trưởng) khi muốn chuyển điệu hoặc chuyển đoạn(4). Hai dấu hóa bất thường này tạo âm hưởng mênh mang, sắc thái hùng tráng nhưng rất lãng mạn.

Vào đoạn hai, tác giả đã sử dụng nguyên típ nhạc của câu đầu đoạn một để phát triển (thề vì dân suốt đời, thề tranh đấu không nguôi, vì đất nước thân yêu mà hy sinh...) bằng cách tăng cao độ (sòn la mí - vì đất nước) gây được cảm giác mới mẻ cho đoạn hai. Nhưng thực tế, các típ nhạc ở đoạn hai không thay đổi cấu hình là mấy so với đoạn một của bài hát. Đây là kỹ thuật mô phỏng các típ nhạc của đoạn một để mô tiến một quãng thích hợp với việc phát triển sang đoạn hai, trong nghệ thuật sáng tác ca khúc. Về phần ca từ ở đoạn hai vẫn là các cụm 5 từ một, hoặc có đôi chỗ tăng thành 6 từ thì tác giả đã dùng dấu luyến chấm rời cho cặp nốt móc đơn có chấm dôi đi với móc kép.

Bài hát được sáng tác năm 1951, năm 1952 được đưa về Cục Quân huấn, rồi được gửi tham dự Cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật toàn quốc. Ở cuộc thi này, anh bộ đội cụ Hồ Doãn Quang Khải với bài Vì nhân dân quên mình vinh dự nhận giải Nhì (không có giải Nhất). Đã 70 năm trôi qua nhưng ca khúc

Vì nhân dân quên mình vẫn vang lên, vang lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong lòng các chiến sĩ lưc lượng vũ trang và trong lòng dân. 25 năm nhạc sĩ Doãn Quang Khải đã ra đi, xin cảm ơn ông, người nhạc sĩ của quân đội, của nhân dân đã để lại cho đời một ca khúc hay nối dài theo năm tháng...

 

(1)  Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND) xuất bản năm 1996, tr.913)

(2) Theo tài liệu của Ngô Vĩnh Bình

(3) Lời bài hát

(4) Âm bậc VII của điệu thức thứ được nâng lên ½ cung so với điệu thức thứ tự nhiên, trường hợp này gọi là điệu thức thứ hòa thanh

T.T.K