Áo lụa

01.12.2021
Trần Thiên Hương

Áo lụa

- Phiền cậu cho tôi dừng lại nơi đây chút có được không?

- Dạ, nhưng sao vậy ạ, cô thấy mệt à?

- Ồ không, tôi muốn ngắm hoàng hôn trên sông...

Anh tài xế trố mắt nhìn người đàn bà trong giây lát rồi cũng từ từ đưa xe tấp vào lề đường dừng lại. Trời ạ! Không thể tưởng tượng được rằng thời buổi này mà vẫn còn có người rảnh rỗi và lãng mạn đến thế! Người phụ nữ đã luống tuổi, ăn mặc giản dị nhưng vẫn toát lên vẻ quý phái kiêu sa, nhẹ nhàng xuống xe rồi thong thả rảo bước trên con đường mới mở men theo bờ sông. Đang là mùa thu, khí trời ôn hòa dịu mát, gió từ mặt sông lùa trong làn tóc khiến chị cảm thấy lòng nhẹ nhõm.

Lòng sông lấp lánh ráng chiều, trông đẹp tựa bức tranh. Những tia nắng yếu ớt còn sót lại ửng hồng trên khuôn mặt đã in dấu chân chim. Hơn nửa đời người rong ruổi nơi đất khách, chị chỉ thực sự xúc động mỗi khi trở lại nơi này - cố hương! Thu Bồn ơi, sông vẫn luôn mở lòng hiền hòa mát rượi chào đón những người con xa quê mỗi lúc trở về!

Người phụ nữ ấy chính là Liên, mấy mươi năm trước đã phải bỏ làng ra đi tìm kế mưu sinh...

Làng bên sông Thu, từ bao đời gắn bó với nghề ươm tơ dệt lụa - Mã Châu.

Từ lúc chào đời cho đến khi khôn lớn, tiếng thoi đưa lách cách là âm thanh quen thuộc và thân thương. Tiếng thoi thay tiếng mẹ ru đưa chị em Liên vào giấc say nồng. Tiếng thoi đánh thức những miền cảm xúc mỗi khi cô đi đâu đó trở về nhà. Và cũng như bao cô gái làng lụa, khi đứng chưa đủ cao, ngước lên chưa thấy được con thoi trên khung cửi thì đã biết dệt lụa rồi.

Năm Liên lên mười, cha đi trốn lính, chỉ còn có mẹ và ba chị em ở nhà. Căn nhà mái rạ đã sờn... Mỗi sớm mai khi sương còn ướt đẫm lá cây, cô đã mang thúng ra bãi hái dâu về cho tằm ăn rồi mới đến trường. Chiều thì đi hái lá và thu lượm vỏ dừa để nấu phẩm màu nhuộm sợi. Sự cần mẫn chăm chỉ cũng được báo đền bằng những tấm lụa mềm khi trao cho khách, cuộc sống cũng tạm đủ qua ngày.

Rồi cha bị bắt lính.

Liên nghỉ học, cùng mẹ chăm chỉ miệt mài bên khung cửi để chăm lo cho gia đình.

Những nong tằm vẫn đầy ắp trắng phau. Những nong kén vàng ươm vẫn cho ra những cuộn tơ óng ả. Những thước lụa màu vẫn đều đặn xếp ngay ngắn chờ mối hàng đến  mang đi. Cuộc sống vất vả cứ chậm chạp trôi qua như thế...

Liên đã trở thành thiếu nữ, khéo léo và nết na. Cô đã dệt được những tấm lụa có hoa văn nổi đẹp mắt, đều màu và sắc lụa tươi giòn. Hằng ngày có khách đến lấy hàng mặc những bộ đồ lụa óng từ chính bàn tay cô dệt nên, Liên cảm thấy vui. Nhưng trong sâu thẳm vẫn tủi thân và thương mẹ quá đỗi: chưa bao giờ  mẹ con cô có được một tấm áo lụa màu! Hết lần này đến lần khác cô tự nhủ sẽ cất lại mấy thước lụa để may áo cho mẹ và mấy chị em trong dịp Tết, nhưng khi Tết cận kề, bao nhiêu thứ phải mua sắm, lại phải bán đi...

- Mặc áo vải thao vừa mát mùa hè vừa ấm mùa đông con ạ!

Mẹ nói với cô như thế.

Liên cũng chỉ biết ngậm ngùi. Vải thao là thứ rẻ tiền, dệt nên từ những sợi tơ lỗi, nhiều chắp nối, không cần phải kỳ công nhuộm màu. Chỉ những người nghèo và thợ dệt tiếc của tiếc công nên mới mặc...

Rồi một ngày, cha bỗng trở thành thương phế binh, hằng ngày cũng ở nhà xe sợi...

 

- Ông chủ nhà chúng tôi biết cô Liên giỏi giang xinh xắn nên có lòng muốn cưới cô ấy cho cậu Hai, không biết ý ông bà thế nào?

- Cảm ơn bà đã cất công đến đây nói chuyện, nhưng con chúng tôi vẫn còn dại lắm, chưa biết gì đến việc cưới xin đâu. Vả lại nhà chúng tôi nghèo, cũng khó lòng mà làm sui với nhà bên ấy được.

- Nghe nói cô Liên cũng mười tám rồi đấy chứ?

- Dạ, thì mười tám, nhưng nó vẫn còn khờ lắm bà ơi!

Liên nấp phía sau nhà nghe được câu chuyện của bà mối nói với cha mẹ như thế thì rất ngạc nhiên. Họ còn nói những gì nữa nhưng Liên nghe không rõ lắm. Không biết “ông chủ” ấy là ai, sao lại biết mình mà cho người đến dạm hỏi?

Liên bắt đầu biết ngắm nghía soi gương, nhưng chuyện chồng con thì đúng là cô chưa nghĩ đến.

Chiến tranh đã lan rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Người làng phải tản cư đến những nơi yên ắng. Người ở lại cũng khó lòng duy trì nghề dệt, bởi bãi dâu chết héo, con tằm cũng chẳng thể nhả tơ...

Nhiều người đã bỏ quê vô Sài Gòn kiếm sống, may ra còn được tiếp tục làm nghề.

Liên thuyết phục được cha mẹ cho đi. Ngày lên xe khách vào Sài Gòn, hành trang chỉ là vài bộ áo quần đựng trong chiếc túi vải  mà mẹ mới may cho. Liên quệt nước mắt, lấy một nhúm kén tằm vàng gói lại trong tờ giấy nhật trình rồi xếp cẩn thận trong túi để mang đi. Kỷ niệm. Quê hương của cô ở đó!

Xe đã chạy một đoạn xa rồi vẫn thấy bóng mẹ  nhìn theo, thấp thoáng chiếc áo vải thao màu vàng đất đang vẫy vẫy...

 

- Lên xe đi tiếp được chưa cô?

- Ừ, được rồi đó cậu. Từ đây về đến làng còn chưa tới cây số chứ nhiêu.

- Dạ, mời cô lên xe ạ.

Liên thấy buồn tênh. Quê hương đấy, nhưng song thân đâu còn nữa. Những hồi ức lại ùa về...

Sau bao năm xa quê, ngày đất  nước yên bình chị trở về cũng vào một chiều thu...

Làng xóm tiêu điều xơ xác bởi chiến tranh, những người tản cư đã lần lượt trở về làng, dựng nhà, kéo sợi khôi phục lại nghề. Từ xa đã nghe tiếng khung cửi rập ràng. Lòng chị nôn nao.

Vẫn ngôi nhà trên cái nền cũ với hàng dừa ở gần bãi bồi ven sông, nhưng không có tiếng gõ nhịp thoi đưa...

- Mẹ ơi!

Liên cất tiếng gọi. Người mẹ từ trong bếp vội chạy ra.

- Liên! Con đã về đó hả?

- Dạ, mẹ!

Liên nắm chặt bàn tay gầy guộc của mẹ, nước mắt rưng rưng.

Cha đã mất cách mấy năm, lúc ấy chiến sự còn bỏng rát chị không thể về để tang cha, nên ân hận mãi đến giờ.

- Mẹ có khỏe không ạ?

- Mẹ vẫn khỏe. Con về có mình thôi à?

- Dạ chồng con với sắp nhỏ đợi ra giêng mới về được ạ.

Mẹ nhìn chị gật đầu.

- Vợ chồng thằng Lợi có ở với mẹ không ạ?

- Vợ chồng nó buôn sợi, làm nhà ở đối diện kia kìa!

Theo tay mẹ chỉ, Liên thấy ngôi nhà rộng rãi lợp lá dừa mới toanh, có hai đứa trẻ đang chơi ngoài sân.

- Con nó đấy.

- Dạ, chút nữa con qua thăm.

Bao nhiêu cảm xúc dồn nén bấy lâu, nay bỗng tuôn trào. Không thể tả hết được niềm thương nỗi nhớ và cả hạnh phúc khi được trở về bên mẹ, nhìn lại mảnh vườn từng in dấu tuổi thơ. Những năm xa quê, trong giấc mơ chị vẫn luôn thấy mình ngồi bên khung dệt lụa, giật mình tỉnh giấc nước mắt lại nhạt nhòa. Và đứa em bé bỏng ngày ấy vẫn không nguôi ám ảnh...

Ngày trở về, nhìn cảnh người mẹ lưng còng khoác tấm áo đã sờn vai chị thấy xót lòng ghê gớm...

 

- Làng mình đẹp quá cô há!

Cậu lái xe bắt chuyện, kéo Liên trở về thực tại.

- Ừ.

Chị chỉ hờ hững gật đầu, mắt vẫn đăm đắm nhìn bãi phù sa ven sông... Ngày xưa nơi đây là triền dâu xanh tốt, nay đã thay bằng những bãi bắp, mùa này đang trổ cờ, hoa bắp lay nghiêng nghiêng theo chiều gió.

Đã nghe âm thanh rộn ràng của tiếng thoi...

- Ở đây làm nghề dệt hả cô?

- Ừ, ngày xưa đây là xứ lụa, ươm tơ dệt lụa, nay thì người ta đã chuyển sang dệt vải rồi.

- Vậy sao, tiếc quá cô nhỉ? Mà sao không giữ nghề truyền thống vậy cô?

- Muốn giữ cũng không được, thời thế mà!

Cậu lái xe thấy Liên có vẻ không mặn mà câu chuyện nên thôi không hỏi thêm gì nữa.

Chị vẫn không quên những ngày buồn thảm ấy, tai ương nối tiếp đau thương...

 

Tháng giêng.

Sài Gòn vẫn còn không khí Tết, những gia đình người Quảng xa quê gặp gỡ nhau, ôn kỷ niệm và bàn chuyện làm ăn. Chiến tranh kết thúc rồi, về quê hay ở lại? Về quê thì phải gầy dựng từ đầu, còn ở lại thì mọi thứ đã sẵn sàng, công việc chắc chắn thuận lợi hơn. Nhưng con người có tổ có tông, đi tha phương cầu thực rồi cũng đến lúc phải quay về. Chị thương mẹ già bao năm trông ngóng, chỉ mới về thăm mẹ được mấy ngày lại khăn gói ra đi. Xưởng dệt ở Ngã Tư Bảy Hiền của chị có hơn mười máy dệt, nhưng tận đáy lòng chị vẫn nhớ khung cửi dệt lụa của mẹ năm xưa. Giống như là duyên nợ, cứ mỗi lần nghĩ đến chị lại chạnh lòng.

Liên bàn với chồng và quyết định về quê...

Anh cũng người Quảng Nam nên chiều lòng chị, để lại cơ ngơi cho một người bà con, thu dọn vốn liếng rồi hồi hương.

Mấy năm đầu tiên thật vất vả, nhưng không làm chị nản lòng. Còn gì vui hơn  khi thấy bãi dâu ngày một lên xanh, những nong tằm đầy ắp và những nong kén vàng ươm cứ ngày một nhân lên. Chị mua mười khung dệt và kêu người làm, nhiều gia đình có điều kiện cũng bắt chước chị lên khung.

Công đoạn nhuộm đã cải tiến đơn giản, có thể dùng phẩm màu pha sẵn nên màu sắc bền và đẹp hơn. Mẫu mã đa dạng, những kiểu hoa văn mới lạ được những đôi tay khéo léo chăm chút đã làm đẹp lòng vừa ý khách.

Làng lụa đã hồi sinh! Câu ca dao của tổ tiên truyền lại, nay càng thấm:

Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều

Sớm mai mắc cửi, buổi chiều tơ giăng

Tiếng lành đồn xa, rồi đài báo cũng đưa tin, lụa Mã Châu nổi tiếng từ mấy trăm năm thì nay càng được nhiều người biết đến. Khách buôn từ các nơi đến đặt hàng thêm tấp nập. Công việc suôn sẻ khiến chị mải mê cuốn theo ngày tháng. Người làng đã có cuộc sống đầy đủ khấm khá hơn.

Một ngày đẹp trời, chị đang hong tơ thì có mối đến lấy hàng:

- Nè chị, tôi thấy giá lụa của mình cao quá, chị có cách chi bớt xuống cho dễ mua bán được không?

Anh ta đặt vấn đề. Chị nói:

- Dạ, lụa dệt thủ công và hoàn toàn từ tơ tằm thì không thể rẻ được đâu anh, chi phí nhân công cao lắm.

- Tôi thấy ở các nơi khác có giá rẻ hơn, nếu chị vẫn giữ giá như này tụi tôi khó buôn bán lắm.

- Anh thông cảm, tôi cũng muốn giá mềm cho dễ bán chứ, nhưng như vậy chúng tôi bị thiệt quá, không lấy lại được vốn bỏ ra.

- Tôi bày chị nha, cái này là tôi thấy ở các nơi họ làm nè, chị muốn hạ giá thành thì cũng dễ thôi, mười phần thì chị chỉ cần dùng  năm  hay sáu phần tơ tằm, còn lại là tơ tổng hợp thì giá sẽ hạ xuống mà mặt vải lại láng mịn hơn...

Liên tròn mắt nhìn vị khách:

- Anh nói sao? Chỉ dùng có năm, sáu phần tơ tằm, tôi không nghe nhầm đó chớ?

- Thiệt đó chị. Chỗ bạn hàng quen biết tôi mới bày cho chị làm ăn, chớ không tôi đi kiếm chỗ khác khỏe re rồi!

- Trời đất ơi! Làm ăn như vậy khác gì đi lừa người ta!

Liên cảm thấy mặt nóng bừng như vừa bị ai xúc phạm. Chị ngồi trầm ngâm nhìn ra ngoài trời, những thước lụa màu, những cuộn tơ mới nhuộm đem phơi dưới nắng hanh vàng đang run rẩy trước  gió.

- Cảm ơn anh có nhã ý giúp đỡ, nhưng chúng tôi không thể làm theo yêu cầu này được đâu.

- Tùy chị, chị cứ suy nghĩ kỹ, làm ăn là việc cả đời người, thay đổi ngay cũng đâu có dễ.

Người khách ra về, Liên thấy trong lòng hụt hẫng, buồn khó tả. Chị đem câu chuyện kể lại với người trong nhà. Chồng chị nói:

 - Người ta làm được mình làm được chớ có chi mà khó khăn. Giá thành hạ thì đôi bên cùng có lợi chớ sao!

Vợ chồng em trai chị cũng đồng ý với anh rể. Mấy người trong nhà xúm vô bàn bạc, nào là mua sợi ở đâu cho rẻ, rồi dệt kiểu nào cho có lợi. Sợi dọc là tơ tổng hợp, còn tơ tằm là sợi ngang, người tiêu dùng cũng khó mà biết, lại dễ dệt vì tơ tổng hợp không có dấu nối...

Chị ngồi buồn xo chẳng nói năng gì. Hôm sau sang kể với mẹ thì mẹ nói:

- Không được! Làm như vậy là đắc tội với tổ tiên, rồi thì không ngóc đầu lên được đâu con! Làm ăn thì phải có đức, đặng lưu phước lại cho con cháu, làm ăn thất đức thì sớm muộn gì cũng rước họa vào thân thôi.

Nghe mẹ nói vậy chị cảm thấy yên lòng. Dẫu gì chị cũng không muốn “làm ăn thất đức” như người ta...

Người làng rỉ tai nhau cách làm ăn mới, vừa nhẹ nhàng đỡ tốn công lại nhanh có hàng. Duy chỉ có chị là  ngoan cố không theo, cũng vì thế mà vợ chồng, chị em bất hòa lục đục.

- Thời nào rồi mà vẫn cứ làm ăn kiểu xưa rích, bao giờ mới khá lên đây trời!

Anh than thở. Chị vẫn cố nín nhịn, duy trì kiểu dệt truyền thống. Nhưng khách đến mua hàng cứ ngày một thưa dần... Nên mười khung cửi thì chỉ còn hai khung hoạt động, không đủ tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày.

Giữa lúc ấy mẹ chị ốm nặng, bệnh của người già. Mẹ nằm trên giường bệnh chừng nửa năm thì ra đi.

Chỗ dựa tinh thần đã mất, Liên suy sụp hoàn toàn.

Người làng thấy dệt sợi tơ tằm pha với sợi tổng hợp lãi lớn quá, thi nhau làm, và từ năm, sáu phần tơ dần dần hạ xuống còn ba, bốn phần. Lợi nhuận cứ thế mà tăng phi mã. Cũng nhờ vậy mà nhiều gia đình trong làng giàu có hẳn lên.

Được chừng vài năm “lên hương” thì đến thời kinh tế mở cửa, hàng hóa các nước tràn ngập thị trường. Lụa Mã Châu làm sao cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, công nghệ dệt tơ tổng hợp, cho ra sản phẩm vừa nhẹ mát vừa  mềm mịn mà giá cả chỉ bằng một phần mười. Sau gần một năm cầm cự, các khung dệt lụa trong làng đều đứng sựng. Người làng đành chuyển sang dệt vải thô rồi đem gửi vô Sài Gòn làm tiếp các công đoạn còn lại để cho ra thành phẩm.

Liên đau đớn nhìn cơ ngơi lụn bại, không thể nào vực dậy được nữa. Bao nhiêu công sức và vốn liếng bỏ ra nay trở về con số không. Ước mơ khôi phục làng nghề dệt lụa đã tan thành mây khói. Liên suy sụp vì tuyệt vọng. Chị cảm thấy mình bất lực trước sự nghiệt ngã của cuộc đời!

Chị ân hận và thương mẹ vô cùng, ngày xưa nghèo khổ không may được cho mẹ tấm áo lụa đã đành, sau này làm ăn khá giả nhưng cứ cuốn theo công việc nên cũng quên luôn.

Nhìn lên di ảnh mẹ, hai hàng lệ đầm đìa...

Ngày hôm sau, Liên thu gom toàn bộ số tơ còn lại, tự tay chị ngồi dệt bên khung cửi. Những giọt nước mắt và mồ hôi rơi lã chã thấm ướt những đường tơ.  Chị không nhuộm màu, tấm lụa vẫn giữ màu vàng nguyên sơ của kén tằm.

Liên đem may thành chiếc áo dài, gấp lại cẩn thận gói trong cái hộp rồi kính cẩn đặt lên bàn thờ mẹ:

- Con gái bất hiếu, con thật có lỗi với tổ tiên và cha mẹ. Con không thể làm gì hơn là giữ lại kỷ vật cuối cùng này của gia đình ta, của làng lụa. Con kính dâng lên mẹ quý yêu, mong mẹ hãy thanh thản nơi chín suối!

Mùi hương trầm quyện trong sương khói ngày tàn khiến lòng chị tái tê.

Sau hôm đó gia đình Liên gói ghém đồ đạc vào lại Sài Gòn...

Người ta hay nói người tính không bằng trời tính, chẳng biết có đúng thế không. Nhưng trong câu chuyện này có lẽ thiên tai cũng chưa bằng nhân họa.  Nghề dệt lụa không chỉ đem lại miếng cơm manh áo mà chính là linh hồn của một xứ sở, là tinh hoa của giống nòi. Mỗi tấm lụa đều thấm vị mặn mồ hôi và  nước mắt từ những nỗi đau, nhưng nó đã không được bảo vệ chở che nên vô cùng yếu đuối trước những cơn bão mang mầm hủy diệt.

Có lần nhà thơ Tường Linh khi tìm lại những kỷ niệm một thời với cố hương - ngọn nguồn của miền cảm xúc trong thơ ông - đã phải thốt lên đau đớn:

Lụa thắm, tình ơi! Đau xác nhộng

Nghĩa dâu tằm trả đến bao giờ?

Con tằm cái kén gắn bó từ lâu đời với làng lụa nay phải chịu thương đau trong cơn hấp hối. Những tấm lụa màu phơ phất trong những khúc ca dao biết bao giờ trở lại để trả nghĩa dâu tằm?

T.T.H