Cuộc hội ngộ Đà Nẵng - Quảng Nam 400 năm trước

01.12.2021
Võ Văn Thắng

Cuộc hội ngộ Đà Nẵng - Quảng Nam 400 năm trước

Đà Nẵng với Huế vốn chung một nhà

Sử chép: “Năm Đinh Mùi, 1307, Mùa xuân, tháng Giêng, đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó. Trước đấy chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới”(1). Một số bản đồ và sử liệu cho biết Thuận Hóa đời Lê có huyện Điện Bàn, bao gồm thành phố Đà Nẵng ngày nay. Xem chú giải trong Hồng Đức Bản Đồ, lập năm 1490, thấy có ghi huyện Điện Bàn 47 xã(2). Sách Ô Châu Cận Lục (1555), vẫn còn chép huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong của châu Hóa, nhưng số xã (làng) tăng lên 66, trong đó có một số làng thuộc địa phận Đà Nẵng ngày nay như Thạc Giản, Cẩm Lệ, Lỗ Giản, Hóa Khuê, Yến Nê, Thúy Loan(3).

Như vậy, ở giai đoạn nước Đại Việt mới tiếp quản “đất sính lễ” của vua Chiêm, huyện Điện Bàn là phần đất cực nam của Đại Việt và nằm chung trong châu Hóa (Huế). Đến năm 1407, nhà Hồ có thêm đất Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, và đến 1471, vua Lê Thánh Tông đã hoàn toàn yên tâm gộp Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa thành đơn vị hành chính là “Quảng Nam thừa tuyên đạo”, lúc ấy phần đất Đà Nẵng, nằm trong huyện Điện Bàn vẫn là anh em trong gia đình Thuận Hóa, dù cách trở một con đèo.

Nguyễn Hoàng và lời sấm của Trạng Trình.

Sau thành công mở rộng bờ cõi của vua Lê Thánh Tông, nhà Lê giữ ngôi đến năm 1527 thì bị Mạc Đăng Dung tiếm ngôi, vua Lê phải rời kinh đô, lánh về Thanh Hóa. Năm 1533, Nguyễn Kim tôn người cháu của Lê Thánh Tông lên ngôi vua, hiệu là Lê Trang Tông; Nguyễn Kim được phong làm Thượng phụ thái sư Hưng quốc công. Năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng của nhà Mạc đầu độc, chết. Vua phong con trưởng của Nguyễn Kim tước Công (Lãng quận công Nguyễn Uông), con thứ tước Hầu, sau thăng tước Công (Đoan quận công Nguyễn Hoàng). Và phong Trịnh Kiểm là “Đô tướng tiết chế các dinh quân thuỷ bộ các xứ kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Thái sư Lượng quốc công”; “mọi binh quyền ngoài khổn, công việc trong nước, trù tính mưu lược, phong tước bổ quan xa gần đều được tuỳ mình quyết định, rồi sau mới tâu vua”. Từ đó, nảy sinh sự tranh giành quyền lực giữa hai họ Trịnh - Nguyễn. Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm mưu sát, Nguyễn Hoàng tìm cách tránh xa triều đình.

“Chúa [Nguyễn Hoàng] nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm giỏi nghề thuật số, nên ngầm sai người tới hỏi. Bỉnh Khiêm nhìn núi non bộ trước sân ngâm lớn rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” [nghĩa là : Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được]. Sứ giả đem câu ấy về thuật lại. Chúa hiểu ý. Bấy giờ xứ Thuận Hóa mới dẹp yên, tuy nhà Lê đã đặt tam ty và phủ huyện để cai trị, nhưng nhân dân vẫn chưa một lòng. Kiểm đương lấy làm lo. Chúa mới nhờ chị là Ngọc Bảo nói với Kiểm để xin vào trấn đất Thuận Hóa”(4).

Năm 1558, Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm tâu xin vua Lê cho vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, giao nhiệm vụ cùng với trấn thủ xứ Quảng Nam, cứu viện lẫn nhau để chống đỡ với quân nhà Mạc ở vùng đất cực nam của Đại Việt lúc bấy giờ. “Mọi việc của xứ này, không cứ lớn hay nhỏ, và các ngạch thuế đều giao cả cho, hàng năm đến kỳ hạn thì thu nộp”.  Nguyễn Hoàng đem quân thủ hạ của mình vào Thuận Hóa, đóng dinh ở gò Phù Sa, xã Ái Tử, thuộc tỉnh Quảng Trị ngày nay. Đến năm 1570, Tổng binh Quảng Nam là Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh được gọi về triều, Nguyễn Hoàng được giao kiêm quản cả Thuận Hóa và Quảng Nam. Quân nhà Mạc nhiều lần đưa quân đi đường biển tấn công các xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, đều bị Nguyễn Hoàng đánh lui. Sử chép (năm 1572): “Đất Thuận Quảng lại được yên. Hoàng vỗ trị mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thưởng ban ân huệ, dùng phép công bằng, chấn chỉnh, khuyên răn tướng sĩ bản bộ. Cấm chỉ, trừ bỏ bọn hung ác, dân hai trấn đều cảm mến nhân đức, thay đổi phong tục, chợ búa không nói thách, dân chúng không làm giặc, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều tới buôn bán trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, người người gắng sức. Do vậy, họ Mạc không dám dòm ngó, trong cõi được an cư lạc nghiệp”(5).

Tầm nhìn từ đỉnh đèo Hải Vân và vận hội của Đà Nẵng

Sách Đại Nam Thực Lục chép: “Nhâm Dần, [1602],... Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng : “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ”.

Dưới cái nhìn của một người mưu lược và có ý chí xây dựng nơi “dung thân vạn đợi”, Nguyễn Hoàng khi đứng trên đèo Hải Vân, phóng tầm mắt về đất, biển phương nam đã nảy ra một ý tưởng ảnh hưởng đến vận mệnh của cả vùng đất. Ông quyết định đưa con trai là Nguyễn Phúc Nguyên vào trực tiếp cai quản Quảng Nam, và tiếp theo (1604) là cắt huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong của Thuận Hóa, chuyển qua Quảng Nam, nâng Điện Bàn lên thành cấp phủ, quản 5 huyện Tân Phước, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu(6).

Về không gian địa lý, rõ ràng là các cửa biển Câu Đê, cửa Hàn, cửa Đại nối kết với hệ thống sông ngòi lên đến các đầu nguồn giàu tài nguyên phía tây, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của cả vùng. Quả là, sau khi Nguyễn Hoàng cho nhập Điện Bàn vào Quảng Nam, giao con trai trực tiếp điều hành, thì cả xứ Quảng Nam đã nhanh chóng phát triển.

Các thương nhân Nhật Bản đã đến Hội An và tổ chức các chuyến giao thương, trao đổi hàng hóa. Theo nghiên cứu của Li Tana, “sự nhập cuộc của các nhà lãnh đạo họ Nguyễn bắt đầu từ Nguyễn Hoàng quả là quan trọng đối với việc duy trì các mối quan hệ thuận lợi với Nhật Bản...Việc buôn bán với Đàng Trong vào các thập niên 1610 và 1620 trở nên hấp dẫn đến độ một số thương gia người Nhật đã làm giả giấy phép có Châu ấn để tới đây buôn bán”. Cùng với người Nhật còn có thương nhân từ Trung Hoa và các nước Đông Nam Á và cả từ châu Âu. Một tài liệu giải thích về sự thịnh vượng của Quảng Nam, “Lý do khiến có nhiều thương gia như vậy hàng năm từ Trung Hoa đến Quinam [Quảng Nam] là vì có thể tìm thấy ở đây một trung tâm buôn bán với các nước và vùng lân cận”(7).

Việc phát triển giao thương, buôn bán qua các cửa biển Đà Nẵng, Hội An đã đem lại cho các chúa Nguyễn mối lợi lớn. Sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn ghi lại: “...Hễ thấy tàu tới Quảng Nam, vào cửa biển Đại Chiêm, Hội An, cửa biển Đà Nẵng hay Vũng Lấm để buôn bán thì phải nộp các hạng thổ vật và đóng thuế xuất, thuế nhập theo lệ đã định... Thường niên đến tháng Giêng, các viên Cai Bạ, Tri Bạ, Lênh Sử, Kí Lục thuộc Tàu Ti vào phố Hội An, sai thuộc quân thông hiểu tiếng của ngoại quốc, ra giữ Cù Lao Chàm và cửa biển Đà Nẵng, thấy có thuyền buôn nước ngoài đế thì phải xét hỏi từng chiếc một... Các tàu Thượng Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến và Mã Cao đều dâng lễ tiến...”

Với sự sát nhập Điện Bàn vào Quảng Nam, với cửa biển Đà Nẵng và con sông Cổ Cò nối liền vào cửa Đại, toàn bộ xứ Quảng Nam đã trở nên phồn thịnh. Cho đến cuối thế kỷ 18, một thương nhân người Quảng Đông nhận xét, “Từ Quảng Nam về thì mua được trăm loại hàng hóa, thứ gì cũng có. Không một phiên bang nào có thể sánh kịp. Phàm hóa vật được sản xuất từ các phủ như Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Quảng Nghĩa, Bình Khang và dinh sở Nha Trang thì đường thủy hay đường bộ, đi thuyền hay đi ngựa đều đổ dồn về phố Hội An, cho nên thương nhân thường tụ họp ở đây, hàng hóa rất nhiều, dù cả trăm chiếc thuyền lớn cùng đồng thời đến để chuyên chở cũng không thể hết được”(8).

Bài học của lịch sử.

Cái nhìn bao quát về địa thế và có lẽ cũng cần trực giác của một nhà chiến lược đã đưa đến việc nhập Điện Bàn của Thuận Hóa vào Quảng Nam. Quyết định của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng không chỉ chấm dứt một sự cắc cớ về địa giới kéo dài gần 200 năm mà còn mở ra một bước ngoặt lịch sử cho cả vùng Đà Nẵng và Quảng Nam.

Đến cuối thế kỷ 20, Đà Nẵng và Quảng Nam lại tách ra thành hai đơn vị hành chính tương đương. Điều này có một số mặt tích cực trong việc tạo nên sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo mỗi đơn vị; nhưng nếu không quan tâm đến yêu cầu gắn bó giữa các điều kiện địa thế bổ sung cho nhau sẽ dễ dẫn đến những thiệt hại, kiềm chế sự phát triển chung; một vài biểu hiện dễ thấy nhất là việc điều tiết nước giữa đầu nguồn ở Quảng Nam và việc ngập mặn vào mùa nắng, ngập lụt vào mùa mưa ở hạ nguồn Đà Nẵng; gần đây là những bất cập trong việc phong tỏa kiểm soát dịch bệnh theo địa giới hành chính.

Dù trong tương lai có sự điều chỉnh sát nhập địa giới nữa hay không, thì việc liên kết giữa Đà Nẵng và Quảng Nam luôn luôn là một bài học quý báu từ tiền nhân. Thật là tuyệt vời cho cả hai địa phương nếu một ngày nào đó, sản vật, hàng hóa từ Nam Lào, từ rừng núi Quảng Nam nhanh chóng, tấp nập xuất qua cửa khẩu Đà Nẵng; và khách du lịch đến Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, có thể tiếp tục đi thăm di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, rồi qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc (Quảng Nam)(9), để thăm di sản văn hóa thế giới Vat Phu ở Champassak (Lào) chung trong một tour lữ hành.

 

(1) Đại Việt Sử ký Toàn Thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr 219.

(2) Hồng Đức Bản Đồ (bản dịch của Bửu Cầm và đồng nghiệp), Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1962, tr 46-49.

 (3) Dương Văn An, Ô Châu Cận Lục (bản dịch của Nguyễn Khắc Thuần), Nxb Giáo dục, 2009, tr 38-39.

(4) Đại Nam Thực Lục, Tập I, Nxb Giáo dục, 2002, tr 27.

(5) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, tr 601- 617.

(6) Đại Nam Thực Lục, sđd, tr. 36.

(7) Li Tana, Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 (bản dịch của Nguyễn Nghị), Nxb Trẻ, tp HCM, 1999, tr.95-103.

(8) Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục (bản dịch của Nguyễn Khắc Thuần), Nxb Giáo dục, 2007, tr. 52-57.

(9) Cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc nối liền tỉnh Quảng Nam (VN) và tỉnh Sê Kông (Lào) đã khai trương ngày 14/8/2021.

V.V.T