Đà Nẵng - Mảnh đất nuôi dưỡng tình yêu trong thơ ca

01.12.2021
Tần Hoài Dạ Vũ

Đà Nẵng - Mảnh đất nuôi dưỡng tình yêu trong thơ ca

Đà Nẵng sau 1970

Từ nỗi lòng của người dân mất nước

Ngày 31.8.1858, liên quân Pháp - Y Pha Nho, với 14 tàu chiến, kéo thẳng đến Đà Nẵng, là cửa ngõ phía Nam của kinh thành Huế.  

Sáng ngày 1 tháng 9 năm 1858, quân Pháp nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, bắt đầu cuộc xâm lược của thực dân phương Tây đối với Việt Nam.

“Tai nghe súng nổ cái đùng/ Tàu Tây đã lại Vũng Thùng hôm qua”. Người dân Đà Nẵng đã bày tỏ nỗi lo lắng trước sự xâm lược của giặc Pháp như thế. Không hẳn là nỗi lo sợ, đúng hơn chỉ như một sự báo động, một lời nhắc nhở.

Đến năm 1888, sau các hòa ước đầu hàng của triều đình Huế, Đà Nẵng đã trở thành nhượng địa của Pháp.

Trong văn học dân gian Việt Nam, từ Đà Nẵng, lần đầu tiên xuất hiện một hình tượng nhân vật trữ tình mới, đó là hình ảnh người dân mất nước. Nỗi đau mất nước không ngừng đè nặng lên tâm trí người dân Đà Nẵng, và bài ca chừng như cũng vô cùng uất nghẹn:

Đứng bê ni Hàn,

Ngó qua bên tê Hà Thân

Nước xanh như tàu lá

Đứng bên tê Hà Thân(1)

Ngó về Hàn phố xá nghênh ngang

Kể từ ngày Tây lại đất Hàn

Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu

Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu

Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau(2)

Phải dặn dò như thế, vì làm sao lường hết được lòng người, ở đâu, và thời nào, lại chẳng có kẻ quên hết nợ nước tình nhà, cam tâm theo giặc để mong được hưởng chút bả lợi danh.

Từ tâm sự u uất của người phụ nữ mang niềm đau mất nước phải ra sức dặn dò, ngăn cản chồng sa chân, lỡ bước, tạo nên hình ảnh của nhân vật trữ tình mới trong văn học dân gian Việt Nam. Và đó là dấu ấn của tinh thần yêu nước thể hiện đầu tiên trong tâm thế chống ngoại xâm của người Đà Nẵng.

Trong suốt những giai đoạn kẻ thù xâm lược còn chiếm đóng Tổ quốc ta, các nhà yêu nước, nhà thơ, các nhà hoạt động chính trị cũng đã từng mượn hình thức văn nghệ dân gian, nhất là văn học dân gian với câu thơ lục bát, làm phương tiện truyền bá tư tưởng yêu nước, cách mạng. Đây chính là lúc mà văn nghệ dân gian dội mạnh vào tuồng cổ, vào văn học viết; rồi được nâng lên, được cách tân, để chính những hình thức này lại giúp cho quần chúng nhân dân ngày càng thêm giác ngộ chính trị. Đây cũng là lúc mà tác động của văn nghệ dân gian đã có khả năng trở thành sự thúc đẩy lịch sử. Sản sinh từ quần chúng, những bài ca, bài vè yêu nước đã quay trở lại với hiện thực cuộc sống, góp phần làm cho quần chúng hiểu rõ thân phận của người dân mất nước, và nhân cao gấp bội tinh thần yêu nước, biến tinh thần yêu nước ấy thành hành động cách mạng thực tế. Có thể nói, tư tưởng trong những bài ca dân gian thời kỳ này đã thực sự biến thành lực lượng vật chất. Do đó, những bài ca dân gian đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén của những người chân đất, mà bài ca dao Đứng bên ni Hàn là một tiếng lòng yêu nước của người dân Đà Nẵng, người dân xứ Quảng, nói chung.

Đến “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng”

Từ khi kinh đô Huế thất thủ (1885), đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà Độc lập (1945) là đúng 60 năm. Biết bao đau thương, hy sinh; biết bao máu xương đã đổ, bao nhiêu nhà tan cửa nát trong 60 năm tăm tối ấy.

Nhưng chưa tròn một năm sau ngày Quốc khánh của dân Việt, thì giặc Pháp quay trở lại. Và từ đêm 19 tháng 2 năm 1946, với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ”, nhân dân ta, từ Bắc chí Nam, từ miền Trung nắm ruột cho tới núi rừng, hải đảo xa khơi, đã một lòng tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, giống nòi.

Thành phố Đà Nẵng được đổi tên là thành Thái Phiên, từ tên của một chí sĩ yêu nước người làng Nghi An, ngoại ô Đà Nẵng. “Tiểu đoàn 19 thuộc Trung đoàn 96 chủ lực miền tăng cường cho mặt trận Đà Nẵng (Quảng Đà), sau những trận đánh ác liệt tại ngoại thành Thái Phiên, đã rút về đóng ở khu vực đèo Hải Vân, Nam Ô, Trung Sơn, phía Bắc Hòa Vang”(3).

Nhưng, ở đây, chúng tôi đặc biệt muốn nói đến một bài ca yêu nước nồng nàn, hiện thân của tinh thần yêu nước cao độ và bất khuất của quân dân thành phố Đà Nẵng, được thể hiện qua trường ca Từ đêm mười chín của nhà thơ Khương Hữu Dụng.

Nhà thơ Khương Hữu Dụng (1907 - 2005) sinh ngày 1 tháng 1 năm 1907 tại xã Minh Hương, huyện Điện Bàn (nay thuộc thành phố Hội An, Quảng Nam). Học hết bậc Thành chung (Trung học Đệ nhất cấp), ông đi dạy Tiểu học. Từ năm 1927, lúc bước vào tuổi 20, Khương Hữu Dụng đã có thơ đăng trên các báo Tiếng Dân, Phụ nữ Tân văn, Phụ nữ Thời đàm, Thế giới mới...

Khương Hữu Dụng tham gia Cách mạng Tháng Tám ở Đà Lạt. Rồi trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, ông vào bộ đội, làm công tác thông tin, tuyên truyền ở Liên khu V. Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Khương Hữu Dụng tập kết ra miền Bắc, làm công việc biên tập ở Nhà xuất bản Văn học, cho tới ngày nghỉ hưu.

Khương Hữu Dụng đã xuất bản nhiều tập thơ, như: Kinh nhật tụng của người chiến sĩ (1946); Từ đêm mười chín (1951); Những tiếng thân yêu (1963). Tập thơ này in lại trường ca Từ đêm mười chín và các bài thơ sáng tác sau đó của Khương Hữu Dụng. Theo ghi chú của chính nhà thơ Khương Hữu Dụng, thì trường ca Từ đêm mười chín đã được Chi hội Văn nghệ Liên khu V xuất bản năm 1951 và in lại trong Tuyển tập thơ ca (Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1951-1952), Nxb Văn nghệ Hà Nội, 1955); Quả nhỏ (Nxb Văn học, 1972); Bi bô (Nxb Kim Đồng, 1985). Ông còn là dịch và xuất bản nhiều tập thơ Trung Quốc, như: Thơ Đường (1961, 1963), Thơ Tống (1968) và nhiều bài thơ cổ điển phương Tây... Nhà thơ Khương Hữu Dụng có cách nghĩ “về cuộc đời” rất đúng: “Sống chết từng qua cơn nước lửa, Vui buồn chỉ thoáng bóng mưa mây”. Và ông “nghĩ về thơ”: “Bi bô từ thuở Tiếng Dân, Bạc đầu thơ vẫn tiếng xuân đánh vần”...

Trường ca Từ đêm mười chín của Khương Hữu Dụng thường được trích đăng, chứ ít có cuốn sách nào in lại toàn bài. (Đặc biệt, trong Tuyển tập thơ Quảng Nam, chưa mưa đà thấm, Nxb Hội Nhà văn, 1998, do Nguyễn Đông Nhật, Tường Linh, Tần Hoài Dạ Vũ tuyển chọn, thì trường ca này được in lại nguyên văn).

Vì trường ca quá dài, nên ở đây, trong một bài báo ngắn, chúng tôi chỉ chọn giới thiệu ba đoạn thơ ngắn, mà theo cảm nhận chủ quan của chúng tôi, là có những thi ảnh đẹp nhất.

Hải Vân đèo cao núi hiểm trở

Ngất dựng “hùng quan” từ vạn thuở

...  Xuất phát tự Cô Hôn

Giữa một đêm mưa lớn  

Tiến bước theo mưa dồn

Trong lòng nghe máu rộn...

Đến bìa làng

Bịp trở canh

Khe Ram hơ áo ướt

Mừng sáng rúc rừng xanh

Vòng khe quanh dốc mệt sá kể!

Ven bờ vạch lá bíu cành nghiêng

Rêu chuồi đá chởm đường

chênh vênh

Người dưới ngó chừng người đi trên

Đầu, tha hồ mưa xối

Mình, tha hồ vắt sên!

Nhà thơ là một chiến sĩ, nên đường hành quân được miêu tả chân thật và giàu cảm xúc. Lớp trẻ ngày nay khi đọc những câu thơ trên, hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên về độ gian khổ của những bước chân quân hành thuở ấy.

Trận đánh lớn ấy, được sách Lịch sử thành phố Đà Nẵng ghi ngày 15. 5.1947, với sự kiện chấn động chiến trường lúc ấy là Đại tá Roger của Pháp bỏ mạng ngay tại mặt trận. Trong trường ca Từ đêm mười chín, Khương Hữu Dụng cũng đã nhắc lại: “Chân cầu vất vưởng hồn Rô-giê”, nhưng nhà thơ họ Khương ghi nhận là trận đánh diễn ra ngày 22.5.1947, nghĩa là sau một tuần, so với ghi nhận của sách Lịch sử thành phố Đà Nẵng. Theo chúng tôi, có sự chênh lệch về thời gian này, có lẽ do sách viết về ngày khởi sự cuộc chiến toàn vùng; còn nhà thơ Khương Hữu Dụng chỉ miêu tả trận đánh mà chính nhà thơ tham dự.

Còn dội núi thâm u

Bom mìn bao trận nữa

- Tháng năm, ngày hăm hai

Mây đèo rung ánh lửa

Đoạn thơ trong bản trường ca của nhà thơ Khương Hữu Dụng như là nét son tô điểm thêm cho vẻ đẹp hùng tráng của lịch sử chống ngoại xâm của quân dân thành Đà Nẵng. Bằng tất cả cảm xúc chân thật, sinh động và hào hùng, nhà thơ đã giúp cho người đọc thế hệ đi sau như chúng ta cảm nhận được sự khốc liệt nhưng vinh quang của cuộc chiến tranh giành Độc lập của ông cha ta.

Cuộc hành quân gian khổ của người chiến binh thành Đà Nẵng ngày ấy như còn tạc in dấu ấn trong lòng chúng ta hôm nay:

Có suối chân hùm vừa để dấu

Có rừng cây vút tuyệt đường chim...

Rồi dốc rồi truông leo rồi leo

Rồi khe rồi lạch vòng cong queo

Lên; bám vào mây, xuống: bíu gió

Trượt chân: suối cuốn một làn rêu.

Và qua một đêm lạnh run giữa gió đèo cao hun hút mây mù, sáng hôm sau, đoàn quân chuẩn bị vào trận, thì chợt nghe:

Một tiếng chim kêu sáng cả rừng

Lên đường chân lại nối theo chân

Đêm qua, đầu chụm, run bên đá

Nay lại cùng mây sưởi nắng hùng...

Chúng ta không khỏi bàng hoàng kinh ngạc, vì tiếng chim hót sớm trước buổi bình minh ấy đã làm “sáng cả rừng”. Quả là một thi ảnh lạ. đầy sức sáng tạo, làm nên một câu thơ rất đẹp và rất hào hùng. Một thi ảnh sáng tạo sẽ sống mãi với bầu trời thơ nước Việt và sống mãi qua thời gian trong lòng mọi thế hệ tiếp theo của người Đà Nẵng yêu nước và của dân tộc Việt Nam hào hùng, kiên cường một ý chí bảo vệ giang sơn.

Chiến thắng ở chân đèo Hải Vân của quân dân thành Đà Nẵng tuy chưa phải đã giành lại được độc lập cho nước nhà (con đường còn dài, năm tháng còn bao gian khổ mới có thể tới ngày vinh quang đó!). Nhưng chiến thắng ấy đã làm nức lòng và tạo niềm tin thiết thạch không phai trong lòng người Đà Nẵng và nhân dân cả nước. Và chúng ta không thể không cùng nhà thơ reo vui:

Mây đèo bay hân hoan

Sóng gành khoan khái gợn

Hòn Hành(4) hát gió mai

Làng Xứng(5)ca sương sớm.

“Hòn Hành hát gió mai, Làng Xứng ca sương sớm”, cùng với “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng” là ba thi ảnh tuyệt vời nhất, trong bản trường ca “Từ đêm mười chín” của nhà thơ Khương Hữu Dụng, góp thêm ánh sáng thi ca yêu nước cho văn học Việt Nam, từ tấm lòng luôn hy sinh vì đất nước của người Đà Nẵng. Có thể nói như thế này chăng: Khúc tráng ca về chiến thắng của quân dân thành Đà Nẵng, với trận đánh tại đèo Hải Vân, mà Khương Hữu Dụng với những thi ảnh tài hoa, hào hùng dường như đã xóa được mọi nỗi niềm uất hận mà trước kia Trần Bích San, Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn, Trần Cao Vân, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Nguyễn Trọng Cẩn và cả Bích Khê... khi đi qua Đà Nẵng để lên Hải Vân quan, hay vượt đèo cao Hải Vân để đến thành Đà Nẵng, đã thể hiện nỗi lòng uất nghẹn qua những vần thơ viết về ngọn núi mây biển này!

Và “một tiếng chim kêu sáng cả rừng” ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những tấm lòng yêu nước của người dân Đà Nẵng, để đến thế hệ thanh niên, sinh viên - học sinh 1960-1970 của thế kỷ XX có thêm “Đôi mắt sáng nhìn lên”.

Và “Đôi mắt sáng lên”

Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại. Và hoàn toàn không phải là sự tình cờ của lịch sử, khi ngày 8 tháng 3 năm 1965 các tàu chiến Mỹ đến cửa biển Đà Nẵng và ba Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ vào bãi biển Xuân Thiều, thiết lập ở Đà Nẵng một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Năm 1967, Đà Nẵng được Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ấn định là thành phố trực thuộc Chính phủ Sài Gòn và xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho Vùng I và Vùng II Chiến thuật. Mỹ cho xây dựng ở Đà Nẵng các căn cứ quân sự và kết cấu hạ tầng: sân bay, cảng, kho bãi, đường sá, công trình công cộng, cơ sở thông tin liên lạc, lập tín dụng ngân hàng. Khu kỹ nghệ Hòa Khánh sản xuất oxygen, acetylene, bột giặt, xay xát, dệt... Ở thời kỳ này, công nghiệp được phát triển ở mức độ cao hơn: các khu kỹ nghệ thay thế cho công trường thủ công. Tuy nhiên, chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề, hàng trăm nghìn dân quê phải chạy vào các trại tỵ nạn, các khu ổ chuột đô thị; tệ nạn xã hội tăng nhanh, xã hội ngày càng băng hoại.

Chỉ vài ba năm sau khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, trong dân chúng ở khắp các thành phố trên dải đất miền Trung, bỗng rộ lên phong trào treo cây xương rồng trước cửa nhà, ngay trong lòng thành phố Đà Nẵng cũng vậy. Rồi lại có lời truyền miệng, treo xương rồng là để trừ “ma quỷ”, mà trừ “ma quỷ” là trừ “Mỹ qua”. Lợi dụng mê tín để tuyên truyền chính trị chăng? Không ai biết được!

Nhưng, có một điều mà ai cũng biết, là các phong trào chống Mỹ ngày càng lớn mạnh và ngày càng sâu rộng. Điều ấy được thể hiện trong một “đôi mắt sáng nhìn lên”. Đôi mắt của người Đà Nẵng yêu nước:

 Năm ngoái anh về quê

Trời cuối xuân ngập nắng

Đứng bên ni bờ sông Đà Nẵng

Nhìn bên kia đồn lũy trập trùng

Xe nhà binh cuốn bụi đỏ mênh mông

Vun vút giữa từng không

Từng bầy máy bay phản lực

Quê hương ta khói nồng oi bức

Ngàn ngày đêm hừng hực lửa

giao tranh...

Vào những năm tháng ấy, Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng là một lực lượng đấu tranh sôi nổi, giàu tính sáng tạo và giàu tinh thần trung dũng, kiên cường. Những chiếc áo trắng tràn ra khỏi cổng trường, xuống đường, và thét gào đòi tự do, đòi cơm áo:

Một buổi chiều em đập cửa gọi anh

Đôi mắt sáng nhìn lên long lanh

màu nước biển

Ngày hôm ấy cả quê mình quyết liệt

Dân xuống đường ơi ới gọi nhau đi

Trong khi thế ấy, trong nhiệt huyết của tuổi trẻ yêu nước ấy, những tấm lòng không che giấu tinh thần yêu nước không phải là không có sự ngây thơ. Nhưng dù là ngây thơ thì vẫn là cái đẹp của sự chân thành vì đất nước, vì đồng bào:

Em lớn lên giữa nhân dân như thiên thần tuyệt diệu

Cờ trên tay đôi mắt sáng hòa bình

Đi bên em có ngàn vạn tinh binh

- Chị bán cháo, anh phụ hồ,

bác công nhân hải cảng  

                     

Hôm trước sống bình yên

Chiều nay... làm cách mạng

Em lộng lẫy giữa rừng người đông đảo

...với sắc đẹp kiêu hùng của

quê hương độc đáo

của Đà Nẵng, Thừa Thiên ầm ầm

                                  giông bão...

Nhưng có cuộc đấu tranh nào là không có hy sinh:

Em ngã xuống giữa buổi chiều tháng Sáu

Cờ trên tay lảo đảo

Hàng ngũ thét căm hờn

Lựu đạn cay, lựu đạn lửa

Cháy ngất phố phường, đau quặn cả

giang sơn...

Và sự hy sinh này càng nung lòng chiến đấu, nung dạ căm hờn, tranh đấu cho tới ngày đất nước độc lập, hòa bình:

Anh nắm tay em

như cố tìm “đôi mắt sáng

nhìn lên”...

...Anh nắm chặt tay em...

Thành Đà Nẵng - Trái tim ngời

máu đỏ

Đứng muôn đời giữa núi

Ngũ Hành Sơn

Dù gian nan tủi nhục vẫn không sờn

Cả chín phố phường ngã vào lòng

Tổ quốc...

Bài thơ Đôi mắt sáng nhìn lên của Hoài Hương một thời được chép trong những cuốn sổ tay luôn giữ bên mình của những sinh viên học sinh yêu nước.

Hoài Hương tên thật là Nguyễn Hương, sinh năm 1938, người Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam. Bài thơ Đôi mắt sáng nhìn lên được viết giữa mùa hè năm 1966, tại Đà Nẵng, khi cả thành phố đang sôi sục cuộc đấu tranh chống chế độ Sài Gòn. Bài thơ được đăng trên báo Sinh viên Sài Gòn, số 4; qua năm sau, 1967, được Lê Duy Hạnh dựng thành hoạt cảnh.

Từ tiếng hát “đứng bên ni Hàn” của nhân vật trữ tình mới trong văn học dân gian Việt Nam, nhân vật của tiếng ca mất nước, xuất hiện lần đầu tại thành phố Đà Nẵng, đến 60 năm sau mới có được “một tiếng chim kêu sáng cả rừng”. Và phải mất thêm 19 năm nữa, để có một “đôi mắt sáng nhìn lên”. Trong thời gian gần tròn 80 năm ấy, Đà Nẵng vẫn luôn là mảnh đất nuôi dưỡng tinh thần yêu nước trong thơ ca Việt Nam, luôn thắp lên trái tim hy sinh cho một tương lai tươi sáng.

Và hôm nay, khi đất nước thanh bình, bên bến sông Hàn long lanh nước biếc, những người trẻ có thể thảnh thơi bước vào tương lai của thế giới trí tuệ, khi mà cả nhân loại cùng chung ngôi nhà của kinh tế tri thức.

 

(1) Hà Thân: Địa danh, tương truyền rằng ngày xưa đây là một xã lớn, do một người gốc Chiêm (Chăm pa) quản hạt. Bà là họ, Thân là tên. Về sau, trong việc khai hộ tịch, khi nhắc tới người mở đất lập làng, nhân dân địa phương đổi chữ "Bà" (họ Bà), thành chữ "Hà", nhằm tránh sự lẫn lộn đó là người đàn bà (bà Thân); từ đó, có địa danh Hà Thân, nay thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

(2) Dị bản: Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Trăm năm đi nữa, ngọn cờ điều quyết theo.

(3) Nhiều tác giả, Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, 2001, tr. 142-143.

(4)Hòn Hành tức Thông Sơn, ngọn núi ở phía Nam đèo Hải Vân, vào năm Minh Mạng thứ tư đã ban cho tên núi là Định Hải, có đặt pháo đài tại đó; năm 1858, pháo đài này bị quân Pháp triệt hạ, nhưng không tấn công được vào Đà Nẵng.

(5) Làng Xứng tức là làng Chân Sảng, gần núi Liên (hay núi Sen) và núi Chân Sảng, ở phía Nam Hải Vân. Vùng đất này có câu ca trữ tình: “Bạn phỉnh ta chín đợi mười chờ, Lênh đênh quán Sấn dật dờ quán Sen” (quán Sấn, có lẽ là đọc trại ra từ tên Chân Sảng. Thời triều Nguyễn, ở đây có Trạm hỏa tốc, gọi là trạm Chân (Chơn) Sảng; sau này là làng Hòa Vân, nay có khu du lịch Làng Vân.

T.H.D.V