Văn học nghệ thuật Đà Nẵng -Hai mươi năm nhìn lại - Bùi Văn Tiếng

22.12.2016

Văn học nghệ thuật Đà Nẵng -Hai mươi năm nhìn lại - Bùi Văn Tiếng

1. Tổng quan văn học nghệ thuật Đà Nẵng trong hai mươi năm thành phố trực thuộc Trung ương, có thể thấy lĩnh vực sáng tạo này có nhiều thành tựu nổi trội hơn so với hai mươi năm trước. Trước hết là nói về thành tựu văn chương. Chỉ cần quan sát ba trường hợp sau đây, cũng có thể thấy hai mươi năm qua đúng là “mùa vàng” của tiểu thuyết Đà Nẵng: Nhà văn Nguyễn Văn Xuân - nay đã quá cố - hầu như gác bút suốt một thời gian dài, đến năm 2002 lại tiếp tục tỏa sáng văn tài ở tuổi ngoài tám mươi với cuốn tiểu thuyết lịch sử Kỳ nữ họ Tống. Nhà văn Thái Bá Lợi thành danh từ đầu những năm 1980 với tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai, nhưng rõ ràng đến tiểu thuyết lịch sử Minh sư - chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi ra mắt bạn đọc năm 2012 và được trao Giải thưởng Văn học Đông Nam Á/ S.E.A. Write Award năm 2013, tài năng nghệ thuật của Thái Bá Lợi mới thực sự được khẳng định. Tương tự, Phạm Ngọc Cảnh Nam từng sáng tác nhiều truyện ngắn được độc giả đánh giá cao từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng chỉ với tiểu thuyết lịch sử Thế kỷ bị mất viết về Phong trào duy tân đất Quảng xuất bản năm 2011, nhà văn từng khoác blouse trắng này mới trở thành “một ngòi bút được xem là tiêu biểu cho miền Trung từ sau năm 1975”1. Đó là chưa kể những nỗ lực thử nghiệm cách tân trong sáng tác thơ ca của không ít người làm thơ ở Đà Nẵng, chẳng hạn như Trần Tuấn với Ma thuật ngón ra mắt người đọc năm 2008, hay như Nguyễn Minh Hùng với Thiên di xuất bản năm 2014... - những thử nghiệm chỉ có thể nảy nở trong tinh thần khoan dung văn hóa sẵn sàng chấp nhận cái khác mình của một thành phố đang từng ngày đổi mới.     

2. Thập niên thứ hai của thế kỷ XXI cũng là thời điểm những người làm điện ảnh Đà Nẵng liên tục gặt hái thành tựu trong nghề. Có thể kể đến đạo diễn Huỳnh Hùng với một số bộ phim tài liệu nghệ thuật được nhiều người nghe tên biết tiếng như Người giữ thành Hà Nội hoặc Con mắt còn có đuôi... Nhân vật chính trong hai phim vừa nêu là Hoàng Diệu và Phan Khôi - hai người Quảng với nhân cách ngời sáng trong cùng một không gian nghệ thuật là Hà Nội. Đáng chú ý là phim Chiếc chiếu của bà Bứa/ Mrs Bua's Carpet của đạo diễn Dương Mộng Thu từng đoạt giải Ogawa Shinsuke - giải cao nhất hạng mục phim tài liệu Châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Yamagata 2013. Nhà văn Trần Trung Sáng từng nhận xét: “Giải Ogawa Shinsuke cho bộ phim Mrs Bua's Carpet của đạo diễn Dương Mộng Thu như một cú hích cho điện ảnh Đà Nẵng, vốn được xem là còn non trẻ nhất so với các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác của thành phố”2. Trước đó, tại  Liên hoan phim tài liệu quốc tế Jean Rouch 2012 ở Paris, Chiếc chiếu của bà Bứa đã được một thư viện công của Pháp mua bản quyền. Và mang “chuông” điện ảnh Đà Nẵng đi “đánh xứ người”, ngoài Dương Mộng Thu sang Nhật còn có đạo diễn Đoàn Hồng Lê từng qua Pháp với Đất đai thuộc về ai - phim đoạt giải Ba tại Liên hoan phim Cameras des Champs năm 2011 và sang Hàn Quốc với Lời cuối của cha - phim được trao giải thưởng trong hạng mục “Dự án phim tài liệu dài” tại Liên hoan phim quốc tế DMZ 2015. Cả hai phim tài liệu này đều được làm theo phong cách Varan - phong cách  điện ảnh trực tiếp/cinema direct.

3. Tuy nhiên mang chuông đi đánh xứ người thường xuyên nhất trong hai mươi năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương chính là các nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật. Sự phát triển của công nghệ liên quan đến nhiếp ảnh trong thiên niên kỷ mới đã chắp cánh cho nghệ thuật của những khoảnh khắc, giúp nghệ sĩ nhiếp ảnh thành phố nhanh chóng vươn đến trình độ quốc tế. Tài năng cộng thêm một chút may mắn trong nghề đã đưa Thân Nguyên vào vị trí quán quân trong danh mục các nghệ sĩ nhiếp ảnh nói riêng, văn nghệ sĩ Đà Nẵng nói chung đoạt giải quốc tế. Chỉ tính riêng huy chương vàng, năm 2004, Che chở của Thân Nguyên đoạt Huy chương vàng duy nhất trong Liên hoan ảnh nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Paris; năm 2013, Nương tựa đoạt Huy chương Vàng FIAP tại Canada, rồi đến năm 2014 lại tiếp tục đoạt Huy chương Vàng Salon tại Ấn Độ; cũng trong năm 2014, Làm lốp đoạt Huy chương Vàng Salon tại Serbia; năm 2015, Nương tựa tiếp tục đoạt Huy chương Vàng F2 tại Achentina, Huy chương Vàng PSA tại Serbia và Cá ngừ đoạt Huy chương Vàng Salon tại Mecedonia; mới đây nhất - năm 2016, Che chở số 10 cùng lúc đoạt Huy chương Vàng Salon tại Pháp và Huy chương Vàng PSA tại Ukraina; Bắt tôm đoạt Huy chương Vàng PSA tại Ukraina và Thức ăn cho vịt đoạt Huy chương Vàng IUP tại Ấn Độ. Cũng có thể kể thêm một số nghệ sĩ nhiếp ảnh mang chuông đi đánh xứ người đạt được thành tích cao như Đặng Văn Nở với Em bé Cơtu đoạt Huy chương Vàng FIAP 2013 tại Việt Nam; Nguyễn Văn Thành với Đăng Xiệp đoạt Huy chương Vàng FIAP 2015 tại Tây Ban Nha và Quảng Bá Hải với Mắt Chăm đoạt Huy chương Vàng FIAP 2016 tại Serbia.

4. Kiến trúc gắn liền với không gian đô thị, góp phần tạo nên cái hồn và cái đẹp của không gian đô thị. Chính vì thế kiến trúc Đà Nẵng ở cả hai góc độ kỹ thuật và nghệ thuật đã mang lại cho Đà Nẵng trực thuộc Trung ương một diện mạo đô thị hiện đại và giàu bản sắc, không để Đà Nẵng trở thành một đô thị “nhân bản vô tính” và quan trọng hơn là hạn chế đến mức thấp nhất những công trình xây dựng/kiến trúc “làm xấu thành phố”. Ngược lại chính tầm vóc và vị thế mới của Đà Nẵng hai mươi năm qua đã tạo điều kiện để giới kiến trúc sư thành phố phát huy hết năng lực sáng tạo và đã thu hoạch được nhiều thành tựu “để đời”. Chẳng hạn khi xét trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III, Tiểu ban Kiến trúc đã quyết định lựa chọn trao giải Nhất cho tác phẩm Bệnh viện Ung thư thành phố Đà Nẵng của Phan Đức Hải và Nguyễn Khắc Linh, vì hai kiến trúc sư đã thiết kế bệnh viện này theo hình một vòng tay để thể hiện tính nhân văn của những người sáng lập, và nhờ không gian kiến trúc rộng nên họ được thỏa sức thể hiện toàn bộ ý đồ nghệ thuật của mình, chẳng hạn mô hình bệnh viện - khách sạn... - Phan Đức Hải còn nổi tiếng là người “săn giải thưởng” kiến trúc với các tác phẩm Nhà làm việc Thành ủy Đà Nẵng, Nhà làm việc CIENCO 5, Nhà thờ Tin Lành Đà Nẵng. Tiểu ban Kiến trúc cũng quyết định lựa chọn trao giải Nhì cho tác phẩm Trung tâm Công nghệ phần mềm thành phố Đà Nẵng của Phạm Phú Bình và Bùi Thanh Long, bởi trong thời điểm đầu thập niên 2010, việc thiết kế những công trình cao hơn mười tầng đang còn mới mẻ với Đà Nẵng và nhất là bởi ý tưởng thiết kế hình một khối đĩa CD phù hợp với công nghệ thông tin...

5. Góp phần tạo nên cái hồn và cái đẹp của không gian đô thị Đà Nẵng còn có giới mỹ thuật bao gồm các họa sĩ và điêu khắc gia. Nếu như năm 1984, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng từng đặt dấu vân tay sáng tạo của mình trên Tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê - thường gọi là Tượng đài Mẹ Nhu được chế tác từ 7.000 vỏ đạn bằng đồng, thì gần ba mươi năm sau, anh lại tiếp tục “để đời” hai tác phẩm điêu khắc nằm ở đôi bờ sông Hàn: bờ đông là Đầu con rồng của cầu Rồng và bờ tây là bức tượng Đất lành chim đậu tạo hình từ sáu tảng đá hoa cương màu trắng xám. Bờ tây sông Hàn còn có Tượng đài 2 tháng 9 là tác phẩm chung của Phạm Văn Hạng cùng kiến trúc sư Phạm Sĩ Chức và cố họa sĩ Đỗ Toàn - tác giả của bức tượng cụ Phan Châu Trinh với bộ râu vểnh ngược trong sân ngôi trường mang tên Cụ. Ngoài ra còn có thể kể đến đóng góp vào thành tựu chung của mỹ thuật Đà Nẵng hai mươi năm qua của các nghệ nhân làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước mà tiêu biểu là Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu - người từng đoạt Huy chương Bạc giải điêu khắc sáp quốc tế tại Thái Lan năm 2002. Về hội họa, qua hai mươi năm trực thuộc Trung ương, các họa sĩ Đà Nẵng cũng gặt hái được nhiều thành tựu trong nghề với những tên tuổi như Vũ Dương, Nguyễn Tường Vinh, Nguyễn Trọng Dũng, Hồ Đình Nam Kha, Nguyễn Duy Ninh, Trần Thị Cúc, Nguyễn Thị Dư Dư - người được mời tham dự cuộc triển lãm dành cho các nữ họa sĩ hồi tháng 9 năm 2016 ở Yokohama để giới thiệu thử nghiệm nghệ thuật mới của chị: sáng tác tranh theo thủ pháp trừu tượng hiện đại trên chất liệu giấy dó truyền thống…

6. Không phải ngẫu nhiên mà Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng từng phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức tọa đàm cùng các đồng nghiệp đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thừa Thiên-Huế, Hải Phòng, Bắc Ninh... về chủ đề Kinh nghiệm sáng tác những ca khúc “địa phương”. Có thể nói sau khi trực thuộc Trung ương, thành phố bên sông Hàn sớm trở thành một nguồn cảm hứng sáng tạo của nhạc sĩ Đà Nẵng và giới âm nhạc Đà Nẵng cũng bội thu trên lĩnh vực sáng tác ca khúc về vùng đất năng động và hữu tình này, với những địa phương ca thân quen không chỉ với người nghe hát Đà Nẵng như Đà Nẵng tình người, Chiều Đà Nẵng, Đà Nẵng thành phố tôi yêu, Đà Nẵng thành phố tuổi thơ tôi, Nhịp điệu thành phố, Sông Hàn tình yêu của tôi, Thành phố đầu biển cuối sông... trong đó có một số bài hát thực sự “chạm vào trái tim” của công chúng yêu nhạc. Đó là chưa kể các nhạc sĩ Đà Nẵng từng tham gia xây dựng kịch bản âm nhạc, sáng tác và hòa âm phối khí nhạc giao hưởng làm nền cho các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế với nhiều chủ đề như Huyền thoại sông Hàn năm 2010, Lung linh sông Hàn năm 2011 và Sắc màu Đà Nẵng năm 2012. Đáng chú ý là mấy năm gần đây, Câu lạc bộ Sáng tác âm nhạc trẻ trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố đã quy tụ được một số nhạc sĩ đang rất sung sức trong sáng tạo như Trương Quang Đức, Trần Lành, Cao Tâm, Lê Nam An… Đây cũng là điểm mạnh của Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng nhằm tạo nên một kết nối thế hệ ngoạn mục giữa những nhạc sĩ trẻ với các nhạc sĩ cao tuổi như Phan Ngọc, Thanh Anh, Trần Hồng, Trương Đình Quang - người mười năm liền được trao giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam...   

7. Người ta thường nghĩ múa gắn với âm nhạc - nghệ sĩ múa bao giờ cũng trình diễn theo một nhạc nền. Có điều múa không chỉ để minh họa cho tác phẩm âm nhạc, “ăn theo” âm nhạc, bởi bản thân múa có ngôn ngữ riêng, thậm chí có người còn cho rằng múa là điêu-khắc-động, ý muốn nói múa gần với nghệ thuật tạo hình, đòi hỏi phải đẹp trong từng động tác và quan trọng hơn là đòi hỏi nghệ sĩ múa phải thể hiện được thông điệp riêng trong từng vũ khúc. Tuy nhiên điều không ai phủ nhận được là múa luôn đồng hành với sân khấu, với sàn diễn. Và trên các sân khấu của Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, đội ngũ nghệ sĩ múa đã mang hết tài năng và sự khổ luyện để tạo nên những thành tựu đáng ngưỡng mộ. Nhiều nghệ sĩ múa đã được vinh danh bằng các danh hiệu vinh dự nghề nghiệp như Nghệ sĩ nhân dân Lê Huân, các nghệ sĩ ưu tú Hồng Hà, Thiện Tâm, Đào Thị Minh Vân, Hoàng Ngọc Chiến. Nhiều tác phẩm múa đã được trao giải Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố như Huyền tích Ngũ Hành Sơn - Kịch múa của  Lê Huân, Một thời và mãi mãi - Kịch múa của Lê Huân, Hồng Hà và Bá Thái, Bờ khát - Múa của Hồng Hà, Ký ức Trường Sơn - Múa của Hoàng Ngọc Chiến, Mộ gió - Múa của Minh Tâm, Học trò xứ Quảng - Múa của Lê Huân, Nước thiêng - Múa của Thiện Tâm, Sóng lửa - Múa của Kiều Như và Hoài Nam, Hoa ven sông - Múa của Lê Thị Thu Hoài, Vũ nữ Apsara và người thợ đá - Múa của Lê Thị Hậu...

8. Nghệ thuật sân khấu Đà Nẵng hai mươi năm nay tập trung chủ yếu vào việc bảo tồn di sản nghệ thuật sân khấu truyền thống của đất Quảng và những nỗ lực trong lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ, nhạc công Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã góp phần để Tuồng xứ Quảng tại Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Nhiều nghệ sĩ và nhạc công của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xứng đáng được vinh danh bằng các danh hiệu vinh dự nghề nghiệp như Nghệ sĩ nhân dân Trần Đình Sanh, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Thu Nhân, hay như các Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ninh, Phạm Thành Tỵ, Huỳnh Thị Minh Hải, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hà Hữu Hùng, Cao Đình Liên, Trần Văn Ngộ, Trần Ngọc Tuấn... Nhiều kịch bản tuồng và vai diễn tuồng đã được trao giải Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố như  kịch bản tuồng Tiếng đàn trong phủ chúa của Nguyễn Vĩnh Huế; như các vai diễn Lý Công Uẩn trong vở Dời đô, vai diễn Đào Phi Phụng trong vở Đào Phi Phụng, vai diễn Hoàng Diệu trong vở Hoàng Diệu, vai diễn Hoàng hậu lập giáo trong vở Dời đô, vai diễn Liễu Nguyệt Tiêm trong vở Đào Phi Phụng, vai diễn Cao Quân Bảo trong vở Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, vai diễn Lưu Kim Đính trong vở Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, vai diễn Đào Lệnh Công trong vở Đào Phi Phụng, vai diễn Đông Nhật trong vở Người cáo... Với những thành tựu của sân khấu tuồng trong hai mươi năm qua, các nghệ sĩ sân khấu Đà Nẵng đang tự tin hướng đến Đại hội Sân khấu thế giới năm 2018 có nhiều khả năng sẽ được tổ chức tại thành phố bên sông Hàn.

9. Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian ở Đà Nẵng cũng thu hoạch được nhiều thành quả trong hai mươi năm qua, góp phần khẳng định văn hóa, văn nghệ dân gian hoàn toàn có thể đồng hành cùng đời sống đương đại và hơn thế nữa là cùng đời sống đô thị đương đại. Đóng góp lớn nhất của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng được thành lập từ năm 1998 là đã dày công sưu tầm, biên soạn Tổng tập Văn hóa Văn nghệ dân gian đất Quảng gồm 5 tập đều được in ở Nhà xuất bản Đà Nẵng: Truyện kể dân gian đất Quảng (năm 2004); Ca dao, dân ca đất Quảng (năm 2006); Tập tục và lễ hội dân gian đất Quảng (năm 2008); Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng (năm 2010), Ẩm thực dân gian đất Quảng (năm 2011). Cụm tác phẩm Văn nghệ dân gian Đất Quảng (gồm Tập tục và lễ hội dân gian đất Quảng, Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng, Truyện kể dân gian đất Quảng, Ca dao, dân ca đất Quảng) từng đoạt giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ II; Tập tục và lễ hội dân gian đất Quảng còn được Hội Xuất bản Việt Nam trao Giải Đồng Sách Hay và Sách Đẹp năm 2010. Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng cũng là hội chuyên ngành duy nhất của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố có nhiều hội viên công bố kết quả sưu tầm, nghiên cứu thành sách chuyên khảo, tiêu biểu như Hoàng Hương Việt, Võ Văn Hòe, Đinh Thị Hựu, Trương Đình Quang... và nhất là trên Đặc san Văn nghệ dân gian đất Quảng xuất bản hằng năm nhân dịp tết cổ truyền. Nhờ kết quả sưu tầm, nghiên cứu của họ mà một số lễ hội dân gian một thời vang bóng như Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ đã kịp được phục dựng để bảo tồn...

10. Đương nhiên hoạt động nghiên cứu không phải là đặc quyền của Hội Văn nghệ dân gian. Hầu như các hội chuyên ngành đều có mảng nghiên cứu, lý luận và phê bình bên cạnh mảng sáng tác hay biểu diễn. Về văn chương, có thể kể đến Nguyễn Minh Hùng với sách Cảm nhận văn chương - ngôi thứ tư số ít đoạt giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ II, hoặc Nguyễn Kim Huy với sách Thu Bồn - Nhà thơ trữ tình đất Quảng đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III, hoặc Bùi Công Minh với đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố Văn xuôi kháng chiến Quảng Nam-Đà Nẵng giai đoạn 1945-1954... Đáng chú ý là một số nhạc sĩ đã để công nghiên cứu về giao lưu văn hóa Việt - Chăm trên lĩnh vực âm nhạc, chẳng hạn như nhạc sĩ Văn Thu Bích với Âm nhạc Chăm, như nhạc sĩ Trần Hồng với Âm nhạc dân tộc Chăm - Sự giao thoa giữa nhạc Chăm và nhạc Việt, hoặc trên lĩnh vực văn hóa nói chung như Võ Văn Hòe, Trần Hồng, Hồ Tấn Tuấn với Văn hóa dân gian Việt - Chăm nhìn trong mối quan hệ… Ngoài ra Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật thành lập từ cuối năm 2014 cũng đã tổ chức được một số hoạt động học thuật như Tọa đàm Chắp cánh cho những ca khúc Đà Nẵng đến được với công chúng vào giữa tháng 12 năm 2014; Tọa đàm Thơ Đà Nẵng hôm nay vào đầu tháng 3 năm 2015; Tọa đàm Đưa tuồng xuống phố - giải pháp tình thế hay định hướng phát triển vào giữa tháng 7 năm 2015, năm ngày sau đêm diễn đầu tiên của sân khấu tuồng ngoài trời ở bờ sông Hàn; Tọa đàm Đi tìm ranh giới giữa dân gian và phi dân gian trong văn hóa văn nghệ Việt Nam vào trung tuần tháng 4 năm 2016...

 

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Nước mắt khô - Quế HươngNgười yêu cũ - Thanh QuếCâu chuyện Đà Nẵng - Thái Bá LợiBí mật Sơn Trà - Nguyễn Nhã TiênĐà Nẵng trong trái tim tôi - Phạm Thị Hải DươngĐà Nẵng, những ký ức đan xen... - Trương Điện ThắngĐÀ NẴNG - Điểm sáng trên bản đồ du lịch Đông Nam Á - Trần Trung SángLiên hiệp Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng: Nhớ lại những ngày đầu năm 1997 - Thanh QuếVăn học nghệ thuật Đà Nẵng -Hai mươi năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngKhúc hát tình người - Hoàng Hương ViệtThương nhớ anh Trương Quang Được - Người Bí thư Thành ủy đầu tiên của Đà Nẵng trực thuộc Trung ương - Bùi Văn TiếngTheo cách Đà Nẵng - Bùi Công MinhĐà Nẵng - Thành phố của những danh hiệu - Dân HùngCởi phăng cúc áo cỏ mật - Nguyễn Thị NhiênChiều nay sông khóc - Nguyễn Thị Anh ĐàoLau một tiếng nói - Trần TuấnÁm ảnh - Ngô Liên HươngDưới bóng quê nhà - Nguyễn Hoàng ThọGió ở Nại Hiên Đông - Nguyễn Đông NhậtVới Bà Nà - Vô BiênNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcSao không nhìn bình minh - Thái Bảo - Dương ĐỳnhCùng em thăm lại sông Hàn - Lê Đình HùngĐà Nẵng thu - Nguyễn Hải LýThức nhớ làng quê - Trường KhánhLên Yên Tử - Nguyễn Xuân TưTrường cũ yêu thương - Nguyễn KiênThơ Vạn LộcGiữa trơ trụi - Bùi Công MinhVăn học Đà Nẵng khát khao vươn đến cái mới - Linh Thy (lược ghi)Nghệ sĩ múa Đà Nẵng hòa cùng nhịp điệu phát triển của thành phố - Lê HuânYêu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của nhân dân ngày càng cao - Nguyễn Trường HoàngHội Điện ảnh Đà Nẵng Dấu ấn phim tài liệu - Huỳnh HùngPhim tài liệu và lựa chọn mới của những người làm phim trẻ - Trương Vũ QuỳnhMỹ thuật Đà Nẵng: Mong muốn đưa tác phẩm đến công chúng ngày một gần hơn - Đình HiệpNhiếp ảnh Đà Nẵng: Những nỗ lực không mệt mỏi - Đình Hiệp Kiến trúc Đà Nẵng: Hướng đến một nền kiến trúc xanh - Linh ThyHội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng: Chú trọng những chuyến đi thực tế - Phương MaiNhạc trẻ Đà Nẵng hướng đến cái mới, lạ... - T.T.SHội Văn nghệ Dân gian thành phố Đà Nẵng: Những bước đầu hình thành và phát triển - Phương MaiVăn hóa dân gian Đà Nẵng - 20 năm một chặng đường - Huỳnh Thạch Hà