Nhạc trẻ Đà Nẵng hướng đến cái mới, lạ... - T.T.S

23.12.2016

Nhạc trẻ Đà Nẵng hướng đến cái mới, lạ... - T.T.S

Trong những năm qua, cùng với cả nước, trào lưu sáng tác và biểu diễn nhạc trẻ tại thành phố bên sông Hàn có những bước phát triển đột phá, thu hút sự theo dõi của công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, so với các địa phương khác, hoạt động này vẫn còn nghèo nàn, thậm chí vẫn còn thiếu sân chơi đúng nghĩa cho những người sáng tác trẻ do nhiều mặt khách quan. Dịp này, nhạc sĩ Lê Nam An sáng lập viên của CLB Sáng tác trẻ âm nhạc (trực thuộc Hội liên hiệp Thanh niên thành phố Đà Nẵng) hiện phụ trách công tác văn phòng Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi dưới đây:

 

+ So với nhiều Hội chuyên ngành khác, hiện nay, Hội Âm nhạc Đà Nẵng dường như đang hình thành một đội ngũ sáng tác trẻ có những hoạt động khá ấn tượng. Với tư cách là một trong những nhạc sĩ trẻ đang công tác tại Văn phòng Hội, anh có thể thông tin với bạn đọc rõ hơn về vấn đề này?

- Trong thời gian 03 năm trở lại đây, từ 2014 đến 2016, có một thực tế đáng mừng và đáng khích lệ là Đà Nẵng dần hình thành một đội ngũ sáng tác âm nhạc trẻ, hoạt động khá tích cực và có nhiều hoạt động ấn tượng.

Được phát hiện từ nhiều nguồn khác nhau, từ những nhân tố được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản đến những hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng, môi trường hoạt động Đoàn hội, phong trào học sinh - sinh viên, phong trào âm nhạc bán chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố... Nhưng tựu chung, những gương mặt trẻ của Hội Âm nhạc Đà Nẵng đang thể hiện sự sung sức trong sáng tạo, tính nhiệt tình của tuổi trẻ trong công tác Hội, trong việc tham gia các trại sáng tác, các hoạt động chuyên môn. Mỗi người trong số họ, bước đầu cũng đã có một số tác phẩm âm nhạc có cá tính riêng, gây được ấn tượng với giới chuyên môn và đông đảo người nghe nói chung. Bên cạnh đó, một số cá nhân còn xuất sắc có giải thưởng cho tác phẩm âm nhạc cấp thành phố, có tác phẩm được lựa chọn giới thiệu giải Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam, hay có ca khúc được các quận huyện, hoặc thành phố chọn lựa đưa vào ấn phẩm audio chào mừng các dịp kỷ niệm lớn.

Để có được những bước đầu phát triển thuận lợi đó, lực lượng sáng tác trẻ của Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng phải nhận thức rõ rằng ngoài khả năng sẵn có của mình, họ còn may mắn có được sự nhìn nhận, hỗ trợ và khuyến khích từ nhiều phía, trong đó đáng kể nhất là từ Hội Âm nhạc thành phố, Liên hiệp các Hội VHNT thành phố, Thành đoàn, Hội liên hiệp thanh niên, các đài truyền hình và cơ quan báo chí trên địa bàn đã luôn đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất cho sự thăng hoa các tác phẩm mới của những nhạc sĩ trẻ. Đồng thời, lực lượng trẻ cần nhận thức rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết lắng nghe, học hỏi, kế thừa từ những người đi trước, những nhạc sĩ lão thành, đặc biệt là về kho tàng kiến thức văn hóa bản địa. Chỉ có không ngừng khiêm tốn, chân thành học hỏi, tích lũy sâu, dày hơn kiến thức sống và kiến thức âm nhạc, mới là nền tảng vững chắc để lực lượng trẻ có thể đi sâu, đi xa hơn trên con đường âm nhạc.

+ Theo nhận định của anh, những gương mặt nào có nhiều triển vọng trọng đội ngũ sáng tác trẻ thành phố hiện nay? Cụ thể họ có những tác phẩm nào, những hoạt động nào góp phần đem lại niềm tự hào cho thành phố? Đặc biệt là những ca khúc nào thành công viết về Đà Nẵng?

- Không khó để nhận ra những gương mặt nhiều triển vọng trong đội ngũ sáng tác trẻ Đà Nẵng, qua các hoạt động âm nhạc của họ được báo chí và truyền hình địa phương đưa tin, bài trong thời gian qua.

Ưu điểm dễ dàng nhận thấy ở đội ngũ này là sự nhiệt tình, nỗ lực (Ns Trần Lành); được đào tạo bài bản, chính quy (Ts-Ns Trương Quang Đức); am hiểu về hòa âm phối khí (Ns Cao Tâm) và có chuyên môn về tổ chức, quy tụ, phát triển lực lượng (Ns Nam An).

Quy tụ dưới mái nhà chung Hội Âm Nhạc Đà Nẵng, nhưng mỗi nhạc sĩ trẻ đều là “thủ lĩnh” ở môi trường sinh hoạt, làm việc của mình. Nếu như Trần Lành là gương mặt sáng tác, dàn dựng có kinh nghiệm cho các tổ chức, cơ quan trên địa bàn thành phố, thì Quang Đức cũng là hạt nhân của trường Đại học Sư Phạm, nơi anh đang công tác và nâng cao trình độ lý luận phê bình. Cao Tâm từ lâu đã tạo dựng được “thương hiệu” trong giới văn nghệ Đà Nẵng với hệ thống phòng thu và công ty phát triển âm nhạc Cao Tâm Reason... Trong lúc đó, Nam An là sáng lập viên của CLB Sáng tác trẻ (âm nhạc) thành phố Đà Nẵng - trực thuộc Hội liên hiệp thanh niên thành phố Đà Nẵng, thành lập năm 2014. Hiện nay anh phụ trách công tác văn phòng Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng.

Là hội viên chuyên ngành lý luận phê bình của Hội Âm nhạc, nhưng Trương Quang Đức vẫn thể hiện sức sáng tạo dồi dào qua các tác phẩm âm nhạc dự trại sáng tác do Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng tổ chức tháng 4/2016 tại Đà Lạt, với tác phẩm “Đà Lạt đêm nay”. Trong đợt vận động sáng tác mừng 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997-2017), Quang Đức cũng có tác phẩm ấn tượng “Đà Nẵng những mùa yêu”.

Nhạc sĩ Trần Lành bắt đầu sự nghiệp sáng tác ca khúc vào năm 2006 với ca khúc “VINAFPA - Những lời ca” được chọn làm bài hát truyền thống của Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam, từ đó tiếp tục con đường sáng tác của mình... Các bài hát tiêu biểu nhất của Trần Lành trong những năm gần đây như: Tự hào Đà Nẵng; Hát về Sơn Trà; Hào khí Ninh Bình; Nhạc đồng... Trần Lành được tặng nhiều giải thưởng giọng hát hay thành phố 1999, 2000, 2001; Giải Khuyến khích Tiếng hát Truyền hình tỉnh Quảng Nam 2006 và nhiều huy chương khác cấp thành phố... Giải Nhì của Hội Âm Nhạc Đà Nẵng năm 2015 cho ca khúc  “Nhạc đồng”.

Nhạc sĩ Cao Tâm đã sáng tác hơn 100 ca khúc đa dạng ở nhiều thể loại, đề tài. Nhiều tác phẩm của Cao Tâm đạt giải như tác phẩm “Hơi Thở Biển Xanh” được lựa chọn trong gần 300 ca khúc dự thi viết về thành phố Đà Nẵng và được trao giải khuyến khích; ca khúc “Xuân Về Trên Phố” là 1 trong 19 ca khúc nhận giải Mai Vàng thành phố Hồ Chí Minh; Ca khúc “Lặng nghe câu hát ru xưa” nằm trong Top 9 tác phẩm xuất sắc trong cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam. Đặc biệt, trong những ngày biển Đông dậy sóng, bài hát Hướng ra biển Đông của Cao Tâm đã gây được sự chú ý của đông đảo công chúng.

Tham gia phong trào văn nghệ quần chúng từ thời học sinh cấp II, III; là hạt nhân văn nghệ của trường PTTH Phan Châu Trinh và đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, nhạc sĩ Nam An đã có những sáng tác đầu tiên như ca khúc “Câu chuyện của vầng trăng”, “Trở về”... Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Nam An luôn tích cực tham gia các phong trào và hoạt động của Hội Âm nhạc Đà Nẵng như Trại Sáng tác Đà Lạt, Lâm Đồng - 2016 và hiện là thành viên sáng lập, là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác Trẻ thành phố Đà Nẵng – trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Đà Nẵng. Một số tác phẩm của Nam An đã được giới thiệu trên kênh Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng như  “Ước mơ Việt Nam”; “Sống mãi với quê hương”; “Tuyệt vời Đà Nẵng”; “Tiếng biển quê hương”; “Cẩm Lệ quê hương tôi”... Tác phẩm “Mộng mơ cùng Đà Lạt” đã được giới thiệu trên báo Lâm Đồng và tạp chí Lang Biang của Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng; “Man mác thu” - đã được giới thiệu trên tạp chí Non Nước của Liên hiệp các Hội VH-NT thành phố Đà Nẵng...

Có được những quả ngọt ban đầu là điều đáng quý và đáng ghi nhận ở lực lượng nhạc sĩ trẻ Đà Nẵng, nhưng để bình xét tác phẩm là dấu ấn, là niềm tự hào của thành phố... thì nói một cách thẳng thắn, các nhạc sĩ trẻ chưa đạt đến. Vì vậy, việc làm cần thiết của Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng là tập hợp lực lượng, định hướng và trau dồi kiến thức cho những cây bút trẻ, không phải chỉ những gương mặt trên mà tìm kiếm phát triển rộng hơn, sâu hơn nữa trong các phong trào, trường lớp... để Đà Nẵng nhanh chóng tạo được một thế hệ kế thừa vững chắc, có nhiều tác phẩm không chỉ ở tầm thành phố, mà có ảnh hưởng trên cả nước.

+ Đến hiện nay, trên mặt bằng chung cả nước, nhiều người vẫn cho rằng nhạc trẻ chưa có những tác phẩm đi vào lòng người, khó nghe, chưa vươn được ngang tầm những bóng dáng đi trước. Anh nghĩ sao về điều này? Và nhạc trẻ Đà Nẵng đang đi theo hướng nào (về hình thức lẫn nội dung)?

Hiện nay, với thời đại thông tin số, thế giới phẳng, tốc độ lan tỏa thông tin là rất nhanh, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ số, các bạn trẻ có thể dễ dàng hòa âm, phối khí và thu âm ca khúc. Sự tăng trưởng đột biến về lượng dẫn đến sự không đồng nhất về chất là điều tất yếu. Việc dễ dàng tiếp cận kho tàng kiến thức và thông tin qua Internet mở ra cơ hội tiếp cận nhanh chóng với các dòng nhạc thịnh hành trên thế giới, là cơ hội hiếm có để gia tăng kiến thức âm nhạc. Tuy nhiên, một số ca khúc được viết mang tính thời sự, với ca từ dễ dãi, hoặc sử dụng ngôn từ không chắt lọc, dễ dẫn đến ý kiến cho rằng nhạc trẻ “khó nghe, không có những tác phẩm đi vào lòng người”.

Điểm chung của âm nhạc là tìm kiếm sự đồng điệu của tâm hồn. Khi tác phẩm cởi bỏ được nút thắt này thì dù sử dụng ngôn ngữ âm nhạc, thể loại âm nhạc nào cũng đều đáng quý. Vì vậy, điều các nhạc sĩ trẻ cần lưu ý là ứng dụng tri thức mới như thế nào, kết hợp với ngôn ngữ ra sao để người nghe cảm nhận và đồng cảm. Khi đó tác phẩm được xem là thành công. Bất cứ một giai đoạn nào, âm nhạc đều có trào lưu, việc chấp nhận dòng chảy là điều tất yếu, tuy nhiên, việc của các nhạc sĩ trẻ cần lưu ý là biết gạn đục, khơi trong, viết nhạc một cách văn minh, nhưng phải để lại dấu ấn văn hóa riêng của mình. Việc tác phẩm sống lâu hay chết mau phụ thuộc rất lớn vào điều đó. Lực lượng nhạc sĩ trẻ Đà Nẵng hiện nay không ngừng thể nghiệm tác phẩm trên các chất liệu tiết tấu và giai điệu mới, như Rock Symphony, Funk Jazz, Dance… Tuy nhiên, mục đích mà các nhạc sĩ hướng đến vẫn là tiếp cận cái mới lạ nhưng bảo đảm yếu tố văn hóa trong ngôn ngữ âm nhạc của mình.

+ Xin cảm ơn anh cuộc trao đổi vừa qua. Chúc cá nhân anh và các nhạc sĩ trẻ thành phố Đà Nẵng có nhiều tác phẩm mới, hay đến với công chúng.

T.T.S 

Bài viết khác cùng số

Nước mắt khô - Quế HươngNgười yêu cũ - Thanh QuếCâu chuyện Đà Nẵng - Thái Bá LợiBí mật Sơn Trà - Nguyễn Nhã TiênĐà Nẵng trong trái tim tôi - Phạm Thị Hải DươngĐà Nẵng, những ký ức đan xen... - Trương Điện ThắngĐÀ NẴNG - Điểm sáng trên bản đồ du lịch Đông Nam Á - Trần Trung SángLiên hiệp Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng: Nhớ lại những ngày đầu năm 1997 - Thanh QuếVăn học nghệ thuật Đà Nẵng -Hai mươi năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngKhúc hát tình người - Hoàng Hương ViệtThương nhớ anh Trương Quang Được - Người Bí thư Thành ủy đầu tiên của Đà Nẵng trực thuộc Trung ương - Bùi Văn TiếngTheo cách Đà Nẵng - Bùi Công MinhĐà Nẵng - Thành phố của những danh hiệu - Dân HùngCởi phăng cúc áo cỏ mật - Nguyễn Thị NhiênChiều nay sông khóc - Nguyễn Thị Anh ĐàoLau một tiếng nói - Trần TuấnÁm ảnh - Ngô Liên HươngDưới bóng quê nhà - Nguyễn Hoàng ThọGió ở Nại Hiên Đông - Nguyễn Đông NhậtVới Bà Nà - Vô BiênNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcSao không nhìn bình minh - Thái Bảo - Dương ĐỳnhCùng em thăm lại sông Hàn - Lê Đình HùngĐà Nẵng thu - Nguyễn Hải LýThức nhớ làng quê - Trường KhánhLên Yên Tử - Nguyễn Xuân TưTrường cũ yêu thương - Nguyễn KiênThơ Vạn LộcGiữa trơ trụi - Bùi Công MinhVăn học Đà Nẵng khát khao vươn đến cái mới - Linh Thy (lược ghi)Nghệ sĩ múa Đà Nẵng hòa cùng nhịp điệu phát triển của thành phố - Lê HuânYêu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của nhân dân ngày càng cao - Nguyễn Trường HoàngHội Điện ảnh Đà Nẵng Dấu ấn phim tài liệu - Huỳnh HùngPhim tài liệu và lựa chọn mới của những người làm phim trẻ - Trương Vũ QuỳnhMỹ thuật Đà Nẵng: Mong muốn đưa tác phẩm đến công chúng ngày một gần hơn - Đình HiệpNhiếp ảnh Đà Nẵng: Những nỗ lực không mệt mỏi - Đình Hiệp Kiến trúc Đà Nẵng: Hướng đến một nền kiến trúc xanh - Linh ThyHội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng: Chú trọng những chuyến đi thực tế - Phương MaiNhạc trẻ Đà Nẵng hướng đến cái mới, lạ... - T.T.SHội Văn nghệ Dân gian thành phố Đà Nẵng: Những bước đầu hình thành và phát triển - Phương MaiVăn hóa dân gian Đà Nẵng - 20 năm một chặng đường - Huỳnh Thạch Hà