Người yêu cũ - Thanh Quế

22.12.2016

Người yêu cũ - Thanh Quế

Bây giờ, anh đã có vợ và hai con rồi. Vợ anh là một thiếu phụ xinh đẹp, khoảng trên 40 tuổi, làm cán bộ văn phòng Quận ủy. Con trai và con gái anh là những cháu bé thật khỏe mạnh, ngoan ngoãn và thông minh. Anh thật hạnh phúc. Nhưng đêm đêm, nhất là những đêm trở trời, khi vết thương trong người anh đau nhức, anh lại nhớ tới trận bị địch phục kích hôm ấy, nhớ tới Hằng-người yêu cũ của anh.

Dạo đó, vào mùa hè năm 1972, anh cùng Hằng công tác ở cơ quan Binh vận Khu. Hai người đang yêu nhau, cơ quan và bạn bè đều vun vào. Hôm ấy, anh và Hằng được phân công đi cõng gạo ở Sông Giang. Khi họ quay lên tới dốc Bình Minh thì nghe tin có biệt kích địch đang lội ở vùng này. Anh bàn với Hằng, anh bám đi trước, đi một đoạn, không có tín hiệu gì thì Hằng đi. Anh đi trước một lúc thì nghe phía sau có tiếng súng nổ. Trời ơi, Hằng gặp địch rồi. Anh quay lại, thấy bọn chúng đứng lố nhố như bàn bạc việc gì đấy. Anh nổ súng. Một thằng ngã xuống. Phát hiện ra anh, mấy thằng rượt theo. Anh vùng chạy xuống suối. Một viên đạn cắm vào bả vai anh. Ngay lúc ấy, một đơn vị bộ đội hành quân tới. Bọn biệt kích luồn nhanh vào rừng. Anh em bộ đội băng bó vết thương cho anh. Anh quay lại, thấy Hằng nằm gục chết bên gùi gạo. Anh ôm Hằng khóc nấc rồi giở gùi lấy tấm dù hoa bọc Hằng lại. Sau đó, anh lấy thêm chiếc võng dù bọc lần nữa... Anh chôn Hằng dưới gốc một cây duối sum suê tán lá. Anh bước từ cây duối đến bờ suối thử bao nhiêu bước chân để tính khoảng cách sau này tìm lại...

Năm tháng đi qua, bận bao công việc, anh chưa trở lại vùng này.

Sau chiến tranh, anh cùng một đồng chí cơ quan trở lại nơi dốc nọ để tìm hài cốt Hằng. Nhưng họ không thể nào tìm ra được. Con đường gùi cõng, giao liên bị địch dội bom pháo lở loét, cây cối gãy nát, nay bị bỏ hoang, mưa lụt xoáy lở từng đoạn nên không còn như cảnh cũ nữa...

Hai năm sau, anh gặp Xanh - người vợ anh bây giờ. Cô là một nữ sinh, hoạt động ở nội thành Đà Nẵng. Khi lấy Xanh, anh tâm sự hết với Xanh về chuyện cũ. Xanh rất hiểu anh. Có lần cô nói với anh:

- Anh có biết nhà chị Hằng ở đâu không?

- Biết. Hằng cùng quê với anh. Nhưng nhà không còn ai, ba mẹ anh em mất cả.

- Thế thì anh phải đi tìm hài cốt chị ấy đem về đây chôn cất, thờ cúng chứ không chị ấy buồn. Em có cảm giác chị ấy không có ai cúng giỗ, đêm đêm ngồi khóc ở bên suối...

Anh cười, chòng ghẹo Xanh mê tín nhưng anh cũng công nhận với vợ là anh phải đi tìm hài cốt Hằng. Dù là một đồng đội anh cũng phải đi tìm huống chi đây là người yêu cũ.

Anh lục lại từ trong hộc tủ chiếc võng ni lông, đổ đầy ruột nghé gạo, mang theo hăng gô cũ, một ống lương khô thịt do vợ anh làm, một cái rựa và một cây cuốc chim. Từ Đà Nẵng đến cái dốc đó phải đi mất 2 ngày. Ngày đầu đi xe đến huyện lỵ Sơn Kỳ. Ngày thứ hai anh sẽ đi bộ theo con đường giao liên cũ. Anh có vẻ phấn chấn vì lần này anh đi có sự ủng hộ của vợ. Nhưng giờ đây cũng như lần trước, địa hình mà anh cần tìm lại càng lạ hơn. Cây cối bên đường bị chặt, đường sá được mở to hơn, đỉnh dốc được san hạ bớt độ cao... Con suối xưa rộng thế giờ chỉ còn nhỏ xíu. Anh đi tới, đi lui, định hướng. Và anh bắt đầu đào những chỗ anh tin là có mộ Hằng. Một mình, một rựa, một cuốc, suốt 3 ngày anh loay hoay đi tìm. Trưa và tối anh treo võng toòng teng trên một lùm cây sát đường nằm nghỉ. Thỉnh thoảng anh gặp những người dân tộc đi rẫy ngang qua nghỉ lại bên anh.

- Anh đang làm cái chi? Họ hỏi.

- Mình tìm cái người chôn ở đây.

- Không biết đâu - Hồi xưa mình ở trên cao mới dời xuống gần đây.

Họ mời anh vào nóc(1) gần đấy nghỉ nhưng anh xin ở lại đây để làm việc cho gần.

Ba ngày trôi qua. Anh đành thất vọng ra về.

Bẵng đi một thời gian, một hôm có một người bạn cùng đơn vị cũ giờ đang làm việc ở Tây Nguyên đi ngang qua Đà Nẵng ghé thăm anh. Trong bữa cơm, người bạn ý tứ đợi vợ anh xuống bếp lấy thêm thức ăn, hỏi nhỏ:

- Cậu đã tìm ra được mộ Hằng chưa?

- Chưa.

- Chính cậu chôn cô ấy mà.

- Nhưng địa hình thay đổi quá.

Người bạn đi rồi, quyết tâm tìm cho ra mộ Hằng lại đến với anh. Anh day dứt bần thần mấy hôm rồi nói với vợ:

- Anh cảm thấy không yên tâm khi để Hằng nằm một mình trên núi. Anh lại đi tìm đây.

- Anh đi đi. Vợ anh ủng hộ.

Anh xin phép cơ quan cho nghỉ 7 ngày. Lại võng, rựa, cuốc chim, lương khô, anh đi về nơi cái dốc kỷ niệm xưa. Bao năm qua, bây giờ con đường cũ cũng đổi khác. Nó đã thành con đường nhựa, xe cộ đi lại tấp nập. Xe chở gỗ, xe chở quế, xe chở muối, cá ngược xuôi. Anh chọn một cái nóc gần đường xin nghỉ nhờ để thực hiện ý định của mình. Một tuần lại trôi qua.

Anh cảm thấy buồn quá, thất vọng quá. Nhiều người, ngay cả vợ anh, nghe anh kể lại chuyện anh đi tìm hài cốt Hằng ngỡ anh đã chịu thua rồi. Ấy vậy mà một quyết tâm mới mãnh liệt hơn lại giục anh đi tìm Hằng lần nữa.

Lần này, anh xin cơ quan cho anh nghỉ phép 10 ngày và hạ quyết tâm tìm cho ra hài cốt của Hằng mới yên. Lại võng, cuốc chim, rựa, gạo, lương khô với lòng quyết tâm anh quay lại chốn cũ. Những người dân tộc ở các nóc quanh đó giờ đã có nhà gỗ, mái tôn khang trang, trong nhà có giường, tủ, quần áo, chăn màn... đầy đủ, vẫn còn nhận ra anh, trầm trồ khen anh kiên trì, cho anh ở nhờ và nói với anh họ sẵn sàng tìm kiếm cùng anh. Anh ghi nhận tấm lòng của bà con và xin để tự anh tìm kiếm. Trước hết là phải xác định cho ra vị trí rồi mới đào. Suốt 10 ngày liền, anh xác định không biết bao nhiêu vị trí và đào không biết bao nhiêu chỗ nhưng vô vọng...

Vào buổi chiều cuối cùng, anh vác cuốc thất vọng quay về nóc, vừa đi vừa lẩm nhẩm:

- Hằng ơi, anh xin lỗi em, anh không tìm ra em, mai anh về, em ở lại với rừng với núi nhé.

Anh vừa nói dứt lời, trước mặt anh bỗng hiện ra một con rắn to bằng cổ tay, đen trũi, nó như chặn bước đi của anh. Anh sợ hãi tránh sang một bên, tức thì nó bò nhanh theo anh. Anh lùi lại, nó bò tới. Anh định giơ cuốc đánh nó thì nó vươn cả người lên ngúc ngoắc đầu như nhảy múa. Lạ quá. Anh đứng im thì nó cứ bò xoay người rồi nhỏm đầu lên. Tự nhiên, sống lưng anh ớn lạnh. Anh cảm giác con rắn kia có quan hệ gì đến Hằng. Có thể con vật này như là hiện thân của thiên nhiên, thấu hiểu tấm lòng anh mà ra tay giúp đỡ. Cũng có thể đó chính là linh

hồn của Hằng hiện ra chỉ dẫn anh. Anh thốt lên:

- Em phải không Hằng?

Tức thì con rắn quay đầu chạy, chui vào một bụi cây và biến mất. Trời ơi, trước mắt anh là một lùm duối, nó nằm sát đường quá nên anh không thể nghĩ nó là cây duối cũ. Lúc chôn Hằng, nó nằm cách xa đường quá mà.

Linh cảm con rắn là vật chỉ đường, anh phát những cây nhỏ quanh bụi duối và bắt đầu đào. Một lúc sau, anh mừng rú lên khi nhận ra trước mắt mình là cái võng dù rồi tấm dù hoa mà anh gói Hằng ngày nào...

T.Q

Bài viết khác cùng số

Nước mắt khô - Quế HươngNgười yêu cũ - Thanh QuếCâu chuyện Đà Nẵng - Thái Bá LợiBí mật Sơn Trà - Nguyễn Nhã TiênĐà Nẵng trong trái tim tôi - Phạm Thị Hải DươngĐà Nẵng, những ký ức đan xen... - Trương Điện ThắngĐÀ NẴNG - Điểm sáng trên bản đồ du lịch Đông Nam Á - Trần Trung SángLiên hiệp Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng: Nhớ lại những ngày đầu năm 1997 - Thanh QuếVăn học nghệ thuật Đà Nẵng -Hai mươi năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngKhúc hát tình người - Hoàng Hương ViệtThương nhớ anh Trương Quang Được - Người Bí thư Thành ủy đầu tiên của Đà Nẵng trực thuộc Trung ương - Bùi Văn TiếngTheo cách Đà Nẵng - Bùi Công MinhĐà Nẵng - Thành phố của những danh hiệu - Dân HùngCởi phăng cúc áo cỏ mật - Nguyễn Thị NhiênChiều nay sông khóc - Nguyễn Thị Anh ĐàoLau một tiếng nói - Trần TuấnÁm ảnh - Ngô Liên HươngDưới bóng quê nhà - Nguyễn Hoàng ThọGió ở Nại Hiên Đông - Nguyễn Đông NhậtVới Bà Nà - Vô BiênNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcSao không nhìn bình minh - Thái Bảo - Dương ĐỳnhCùng em thăm lại sông Hàn - Lê Đình HùngĐà Nẵng thu - Nguyễn Hải LýThức nhớ làng quê - Trường KhánhLên Yên Tử - Nguyễn Xuân TưTrường cũ yêu thương - Nguyễn KiênThơ Vạn LộcGiữa trơ trụi - Bùi Công MinhVăn học Đà Nẵng khát khao vươn đến cái mới - Linh Thy (lược ghi)Nghệ sĩ múa Đà Nẵng hòa cùng nhịp điệu phát triển của thành phố - Lê HuânYêu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của nhân dân ngày càng cao - Nguyễn Trường HoàngHội Điện ảnh Đà Nẵng Dấu ấn phim tài liệu - Huỳnh HùngPhim tài liệu và lựa chọn mới của những người làm phim trẻ - Trương Vũ QuỳnhMỹ thuật Đà Nẵng: Mong muốn đưa tác phẩm đến công chúng ngày một gần hơn - Đình HiệpNhiếp ảnh Đà Nẵng: Những nỗ lực không mệt mỏi - Đình Hiệp Kiến trúc Đà Nẵng: Hướng đến một nền kiến trúc xanh - Linh ThyHội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng: Chú trọng những chuyến đi thực tế - Phương MaiNhạc trẻ Đà Nẵng hướng đến cái mới, lạ... - T.T.SHội Văn nghệ Dân gian thành phố Đà Nẵng: Những bước đầu hình thành và phát triển - Phương MaiVăn hóa dân gian Đà Nẵng - 20 năm một chặng đường - Huỳnh Thạch Hà