Phim tài liệu và lựa chọn mới của những người làm phim trẻ - Trương Vũ Quỳnh

23.12.2016

Phim tài liệu và lựa chọn mới của những người làm phim trẻ - Trương Vũ Quỳnh

Có thể là khập khiễng, song phim tài liệu có cái gì đó giống với thể ký trong văn học. Ở đấy, đối với người này là bố cục, với người kia là khả năng khái quát, còn với người khác nữa là ngôn ngữ, tư liệu... song điều căn cốt nhất để tạo ra sức mạnh thể loại mà không ai chối cãi được trong mọi tác phẩm, đó là sự thật. Sự thật trần trụi, nghiệt ngã hay thơ mộng, đẹp đẽ... điều ấy chẳng sao, miễn là tất cả những điều anh quan tâm, anh bàn tới, lôi cuốn mọi khả năng tư duy của anh là sự thật. Trong điện ảnh, có nhiều cách để diễn đạt sự thật, phim tài liệu là mảnh đất rộng rãi nhất cho phép người làm phim trình bày những sự thật đời sống diễn ra quanh mình. Có lẽ vì thế, từ lúc được cấp giấy khai sinh, phim tài liệu luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng.

Được xem là thể loại ra đời sớm nhất, góp phần khai sinh ra nền điện ảnh Việt Nam, từ lúc có mặt, phim tài liệu song hành cùng với đời sống, phản ảnh chân thực và tương đối đầy đủ cuộc sống của dân tộc Việt đi qua chiến tranh, xây dựng nền hòa bình, nỗ lực vì sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài... Trên con đường thời gian mà mình đã đi qua, phim tài liệu để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả, đánh dấu những cột mốc quan trọng tiến trình phát triển bằng những giải thưởng trong nước và quốc tế... Một số phim tài liệu nổi bật như Nước về Bắc Hưng Hải, Chuyện tử tế, Chìm nổi sông Hương, Những cô gái Ngư Thủy, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Chị Năm Khùng... đã tạo ra những tên tuổi của những Bùi Đình Hạc, Nguyễn Văn Thủy, Bùi Mạnh Thích, Lại Văn Sinh... trong lòng khán giả yêu mến phim tài liệu trong và ngoài nước...

Đã từ lâu, chúng ta không còn thói quen xem phim tài liệu trước khi xem một phim truyện chính trong một buổi chiếu ở rạp như trước đây. Cũng từ lâu, đã thưa thớt những buổi chiếu riêng hẳn hoi về phim tài liệu. Các thông tin về khoản này cũng không nhiều đối với người dân. Nhiều người đã nghĩ rằng phim tài liệu rồi sẽ bị lãng quên, công chúng sẽ hờ hững hoặc tệ hại hơn sẽ không còn quan tâm đến thể loại này. Thực tế không đến nỗi như vậy, nhưng rõ ràng phim tài liệu đang đứng trước những thử thách khắc nghiệt cho những lựa chọn mới...

Thực tế là trong những năm gần đây, phim tài liệu Việt Nam đang sống một cách thoi thóp. Số lượng phim tài liệu nhựa mỗi năm sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay, phim video nhiều hơn nhưng thường dừng lại ở dạng phóng sự, phóng sự tài liệu, phim tài liệu khoa học thì càng ít. Dĩ nhiên, hành trình từ một ý tưởng đến việc triển khai, sản xuất một bộ phim tài liệu đầy những gian nan; nhưng trước hết phải thấy đội ngũ làm phim truyền hình hiện nay còn quá ít và mỏng so với yêu cầu. Phần lớn phim tài liệu video Việt Nam lâu nay thường chỉ chú trọng lời bình, trong khi đó hình ảnh thì ít, như kiểu sợ người xem không thể hiểu được mình thể hiện điều gì... Đề tài phim thường loanh quanh, cách thể hiện sáo mòn, quan điểm trong phim dựa vào quan điểm số đông. Người làm phim chưa thực sự dũng cảm, quyết liệt với điều mình định làm, quá trình đi thực tế còn hời hợt, đơn giản, phiến diện...

Vì nhiều lý do, nhiều phim tài liệu bị cuốn theo các sự kiện, lẫn trong các sự kiện, chỉ thấy sự kiện mà thiếu một cái nhìn quán xuyến, thiếu một sự bình tĩnh đúc kết. Người làm phim bị lẫn vào giữa sự kiện, không thấy có tiếng nói riêng, gương mặt tác giả thấp thoáng sau các sự kiện, không biết thác ngụ gửi gắm điều gì...

Thực tế hiện nay, trang bị phương tiện làm phim tài liệu tương đối đầy đủ, hiện đại và dễ kiếm tìm. Đấy mới chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ để quyết định chất lượng một bộ phim. Trừ một vài phim nhựa của các hãng lớn, đa số những người làm phim tài liệu truyền hình hiện nay bị câu thúc bởi nhiệm vụ công việc của một nhà báo hơn là một người làm nghệ thuật. Mặt khác, kinh phí rất ít, bị rượt đuổi bởi thời gian phát sóng... nên thật khó cho việc đầu tư một phim tài liệu có chiều sâu...

Gần đây, nhiều bộ phim được đánh giá cao tại các Liên hoan phim trong nước thường có chủ đề truyền thống cách mạng, về vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người... Tất nhiên, mỗi bộ phim đều có giá trị riêng, nhưng nếu nhìn vào một danh sách “na ná” nhau về chủ đề, ta sẽ thấy thiếu đi sự bứt phá mang tính dấu ấn và những vấn đề mà xã hội, thời đại đang cần.

Trong lúc đội ngũ làm phim tài liệu truyền hình đang đứng trước nhiều khó khăn, một số những nhà làm phim độc lập đã trong một chừng mực mang đến những làn gió mới cho thể loại này. Từ các nỗ lực cá nhân, một số những nhà làm phim trẻ đã có những cách tiếp cận mới đối với hiện thực, những hình thức thể hiện mới trong cách kể chuyện. Mạnh dạn trong cách lựa chọn đề tài, dám thể hiện cá tính và vượt qua những phương pháp làm phim cũ, không áp đặt mà để nhân vật tự kể chuyện, cũng tức là mở rộng cơ hội tự khám phá và tự đánh giá bộ phim cho khán giả... Cách làm phim theo hình thức điện ảnh trực tiếp được các nhà làm phim độc lập của Việt Nam sử dụng dường như đang mở ra một hy vọng mới cho điện ảnh tài liệu Việt Nam.

Phim độc lập có thể được hiểu đơn giản là độc lập về ý tưởng và độc lập về tài chính. Những nhà làm phim độc lập sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, từ kinh phí đến đầu ra cho bộ phim của mình, miễn sao thực hiện được ý tưởng và khát vọng làm phim. Tinh thần làm phim độc lập đã bắt đầu trở thành con đường cho nhiều nhà làm phim trẻ Việt Nam lựa chọn.

Làm phim độc lập là một con đường chông gai nhưng cơ hội để được thể nghiệm, chịu trách nhiệm về chính sản phẩm của mình sẽ rộng mở hơn đối với các nhà làm phim trẻ, đam mê sáng tạo. Đó là con đường gian nan nhưng cũng đầy các dấu chân hăm hở của những người làm phim trẻ Việt Nam.

 

MỘT SỐ GIẢI THƯỞNG CỦA HỘI ĐIỆN ẢNH THÀNH PHỐ (1988 - 2016)

 

Phim tài liệu của NSƯT Huỳnh Hùng:

1 - Trang đời huyền thoại: Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc; Giải B Hội Nhà báo Việt Nam; Giải B (không có giải A) Giải thưởng văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng  lần thứ Nhất, giai đoạn 1997- 2005. 2 - Chuyện về một Dũng sĩ Điện Ngọc: Giải Khuyến khích  Báo chí toàn quốc về đề tài LLVTND. 3 - Một tấm gương - một tấm lòng: Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc. 4 - Nhớ Đảo: Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc; Giải Khuyến khích  giải Báo chí quốc gia. 5 - Người giữ lửa: Giải Nhất Báo chí toàn quốc về đề tài LLVTND giai đoạn 2004-2009.  6 - Người giữ thành Hà Nội: Giải nhất Báo chí về 1000 năm Thăng Long- Hà Nội; Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc; Giải Khuyến khích  Giải Cánh Diều Hội Điện ảnh; Giải Nhất Báo chí Giải Huỳnh Thúc Kháng Quảng Nam; Giải A Giải  thưởng văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng  lần thứ Hai (2005-2010).  7 - Từ chuyện ở Cồn Dầu:  Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc; Giải B Giải Báo chí quốc gia.  8 - Người cháu gái cụ Phan: Bằng Khen Giải Cánh Diều Hội Điện ảnh VN; 9 - Con mắt còn có đuôi: Huy Chương Bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc; Bằng khen Giải Cánh Diều Hội Điện ảnh VN; Giải Nhất Giải VHNT Đà Nẵng lần thứ Ba, giai đoạn 2010-2015. 10  - Sông núi khắc tên: Giải B Giải Báo chí quốc gia; Bằng khen Giải Cánh Diều Hội Điện ảnh VN. 11 - Còn nghe vọng tiếng trống chầu: Huy chương Bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc.

 

Phim tài liệu của Trương Vũ Quỳnh:

1 - Làng chồ Giải A báo chí toàn quốc , Hội Nhà báo VN và Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương. 2 -  Chị Sáu - Giải A báo chí toàn quốc, Hội Nhà báo Việt Nam và Ban tổ chức Trung ương; Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Đài Truyền hình Việt Nam. 3 - Kiếm sống - Giải B báo chí toàn quốc, Hội Nhà báo Việt Nam và Ban Thi đua khen thưởng Trung ương; Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Đài Truyền hình Việt Nam. 4 - Huyền thoại lá Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Đài Truyền hình Việt Nam. 5 - Người làng cói Giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc, Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam; Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc. 6 - Ngược rừng Giải Khuyến khích Cánh diều vàng, Hội Điện ảnh Việt Nam; Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc. 7- Chị Sáu Giải C giải thưởng Văn học nghệ thuật Đà Nẵng lần thứ Nhất 1997-2005, Ủy Ban Nhân dân TP Đà Nẵng. 8 - Đà Nẵng tầm cao mới Giải A Báo chí Đà Nẵng. 9 - Mẹ rừng Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc; Giải B Giải thưởng VHNT Đà Nẵng lần thứ Hai. 10 -  Người đưa linh  Đề cử Phim xuất sắc nhất Liên hoan phim Corsica - Pháp. 11 - Không sự thật nào là đơn giản Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc.

 

Phim tài liệu của Đoàn Hồng Lê:

1- Không sự thật nào là đơn giản:  Giải Đạo diễn Xuất sắc nhất Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2011. 2 - Trong quên lãng:  HC Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2012; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPĐN 5 năm . 3 - Bên ni bên nớ: HC Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2013. 4 - Đất đai thuộc về ai:  Giải A Hội Điện ảnh TPĐN (2011); Giải thưởng của Ban Giám khảo Liên hoan phim Camera des Champs (Pháp 2011); Giải thưởng Trái Tim Xanh YxineFF (2011). 5 - Lời cuối của cha: Giải thưởng dành cho Dự án Phim tài liệu dài, Quỹ Điện ảnh DMZ, Hàn Quốc.

T.V.Q

Bài viết khác cùng số

Nước mắt khô - Quế HươngNgười yêu cũ - Thanh QuếCâu chuyện Đà Nẵng - Thái Bá LợiBí mật Sơn Trà - Nguyễn Nhã TiênĐà Nẵng trong trái tim tôi - Phạm Thị Hải DươngĐà Nẵng, những ký ức đan xen... - Trương Điện ThắngĐÀ NẴNG - Điểm sáng trên bản đồ du lịch Đông Nam Á - Trần Trung SángLiên hiệp Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng: Nhớ lại những ngày đầu năm 1997 - Thanh QuếVăn học nghệ thuật Đà Nẵng -Hai mươi năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngKhúc hát tình người - Hoàng Hương ViệtThương nhớ anh Trương Quang Được - Người Bí thư Thành ủy đầu tiên của Đà Nẵng trực thuộc Trung ương - Bùi Văn TiếngTheo cách Đà Nẵng - Bùi Công MinhĐà Nẵng - Thành phố của những danh hiệu - Dân HùngCởi phăng cúc áo cỏ mật - Nguyễn Thị NhiênChiều nay sông khóc - Nguyễn Thị Anh ĐàoLau một tiếng nói - Trần TuấnÁm ảnh - Ngô Liên HươngDưới bóng quê nhà - Nguyễn Hoàng ThọGió ở Nại Hiên Đông - Nguyễn Đông NhậtVới Bà Nà - Vô BiênNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcSao không nhìn bình minh - Thái Bảo - Dương ĐỳnhCùng em thăm lại sông Hàn - Lê Đình HùngĐà Nẵng thu - Nguyễn Hải LýThức nhớ làng quê - Trường KhánhLên Yên Tử - Nguyễn Xuân TưTrường cũ yêu thương - Nguyễn KiênThơ Vạn LộcGiữa trơ trụi - Bùi Công MinhVăn học Đà Nẵng khát khao vươn đến cái mới - Linh Thy (lược ghi)Nghệ sĩ múa Đà Nẵng hòa cùng nhịp điệu phát triển của thành phố - Lê HuânYêu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của nhân dân ngày càng cao - Nguyễn Trường HoàngHội Điện ảnh Đà Nẵng Dấu ấn phim tài liệu - Huỳnh HùngPhim tài liệu và lựa chọn mới của những người làm phim trẻ - Trương Vũ QuỳnhMỹ thuật Đà Nẵng: Mong muốn đưa tác phẩm đến công chúng ngày một gần hơn - Đình HiệpNhiếp ảnh Đà Nẵng: Những nỗ lực không mệt mỏi - Đình Hiệp Kiến trúc Đà Nẵng: Hướng đến một nền kiến trúc xanh - Linh ThyHội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng: Chú trọng những chuyến đi thực tế - Phương MaiNhạc trẻ Đà Nẵng hướng đến cái mới, lạ... - T.T.SHội Văn nghệ Dân gian thành phố Đà Nẵng: Những bước đầu hình thành và phát triển - Phương MaiVăn hóa dân gian Đà Nẵng - 20 năm một chặng đường - Huỳnh Thạch Hà