Đà Nẵng trong trái tim tôi - Phạm Thị Hải Dương

22.12.2016

Đà Nẵng trong trái tim tôi - Phạm Thị Hải Dương

Tôi vẫn giữ thói quen đến sớm hơn giờ hẹn mỗi lần gặp Trình ở Papa Container cà phê. Quán nằm ở góc giao giữa Tân Trào và Thanh Tịnh, cách chỗ tôi trọ học chừng một cây số. Đây là một trong số nhiều không gian cà phê ở Đà Nẵng mà hai đứa tôi thường hay lui tới, từ ngày quen biết nhau. Papa Container quyến rũ các bạn trẻ bởi lối thiết kế không gian mang hơi hướng cổ điển, điểm xuyến hơi thở của Paris hoa lệ.

Ban đầu, tôi không mấy hạp với Papa Container cũng như nhiều thứ khác ở Đà Nẵng. Mang theo gót chân còn đỏ màu đất bazan về phố, tôi như đứa trẻ dùng dằng sau cánh cửa nhà quê, trước vùng trời cao rộng đang hiển hiện trước mắt. Bốn năm trước, tôi gặp Đà Nẵng lần đầu tiên vào tháng Chín. Khi ấy, vài cơn mưa lay phay thảng hoặc ghé ngang thành phố. Nhìn mưa rụng xuống sân ký túc xá, tôi da diết nhớ mùa mưa năm nao. Chị em tôi nép sau lưng ngoại, chực cho được miếng tóp mỡ mằn mặn vị mắm quê, bên ngoài mưa lót ngót trút lên gian bếp nhỏ.

Nửa năm hơn, tôi thở bằng hoài niệm. Nhìn nắng nhớ mùa lên rẫy mót sắn mì, bàn chân dại đi vì đất nóng. Đêm chụp xuống, tôi ngồi ở hồ sen ký túc xá nhìn ra Quốc lộ 1. Đêm vàng lắm, tôi cố xé ánh sáng lạnh căm của hàng cột đèn trơ trọi đứng giữa tim đường, tìm cho được vầng trăng mát ngọt sau vườn nhà ngoại, nhưng tịnh không có. Có ngày thèm cà phê, tôi tấp xe vào quán bên đường. Bàn nhỏ thó, đặt san sát nhau. Phim nước ngoài không lồng tiếng, người nói chuyện bốn phía, dòng xe lớn, nhỏ ngược xuôi trên đường... ly cà phê tự dưng nhạt thếch. Tôi không dỗ được trái tim ngỗ ngược của mình, nó quày quả bỏ ra khỏi quán ồn ào, ngược về vườn cà phê cũ. Nơi giọng Quang Dũng thổn thức trên vòm lá xanh “Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố/Trong lòng bỗng vui như đời rất lạ...”(1).

Tôi tưởng mình như công tử Mộng Long, lỡ “ăn sim rừng, uống suối nguồn” của sơn nữ Phà Ca nên suốt đời nặng nợ núi rừng. Sau bận đêm ngày thương tưởng quê hương, tôi len lén nghĩ, dù sao cũng mang tiếng là công dân của thành phố, nhỡ có ai hỏi gì về Đà Nẵng, mình mà lớ ngớ thì biết rúc vào đâu? Sợ bị... quê độ nên tôi lân la trên mạng internet, nắm vài thông tin cơ bản nhất về thành phố. Mới đầu, tôi không biết gì về Đà Nẵng ngoài những cụm từ khô khan: “...đầu biển cuối sông”, “5 không”, “3 có”, “...đầu tàu kinh tế của miền Trung” hay câu ca “Quê em đất rộng dân nghèo/ Có hòn Non Nước, có đèo Hải Vân” v.v...Tôi thuộc lấy vài tuyến đường quan trọng, một số điểm du lịch cần trải nghiệm, vài món nổi tiếng mà Đà Nẵng có trên bản đồ du lịch. Rất cơ bản và mô phạm.

Nhưng đấy đã là câu chuyện của dĩ vãng, trước khi tôi gặp Trình. Cuộc đời khéo đưa đẩy để chúng tôi cùng hòa mình trong dòng chảy văn - báo ở mảnh đất có dòng “Hàn giang xanh biếc”. Trình chính là người thuần hóa được trái tim chỉ biết đập bằng hoài niệm của tôi. Biết Trình ba năm, tôi chưa từng nghe anh thốt ra những điều, đại loại như anh yêu Đà Nẵng. Song cứ nhìn cách anh áp thân người phía trước vào lan can phía bờ Tây sông Hàn, miệng lẩm nhẩm theo điệu tango “Chiều Đà Nẵng” phát ra từ chiếc loa nhỏ phục vụ du khách về đêm tôi cứ ngỡ anh là con của đất “Mùa hoa lử rụng cũng vừa sang thu”(2).

Hôm trước, lúc bàn xong đề tài mới với tôi, trước khi đứng dậy ra về, Trình đột nhiên cười méo xẹo: “Chỉ có Đà Nẵng mới chiều được em!”. Tiếng động cơ Ducati Monster 796 khuất rồi, tôi vẫn còn nghĩ về lời chủ nó. Tôi nhớ, lần ngồi cạnh nhau ở nhà hát Trưng Vương, trong lúc chờ Khánh Ly hát bài tiếp, Trình chắm chúi vào một điểm nào đó trên sân khấu, anh nói với tôi mà như tự thoại với mình: “Em là thứ hỗn hợp được tạo thành từ hai loại nguyên liệu bất nhất: trẻ nhỏ và đàn bà”. Ba năm, không biết bao lần Trình khốn đốn vì kiểu ba bữa nắng, ba bữa mưa của tôi. Mà hình như Trình nói đúng, chỉ có mỗi Đà Nẵng mới kiên nhẫn đáp ứng hết tất cả yêu cầu đối lập trong tôi mà thôi.

Tôi - trẻ con, thường thèm cùng Trình ngồi im ở những không gian đậm chất “vintage” như Papa Container, Lý Băng Phương, Nia hay Cộng cà phê. Hai đứa chống cằm nhìn ra đường, mỗi người đuổi theo một suy nghĩ riêng. Hôm nào thư thả, chúng tôi hè nhau trèo lên tầng hai Green & Brown trên đường Trần Cao Vân, vừa đọc sách vừa nhâm nhi trà đào. Mưa lất phất, tôi nhắn Trình ghé Pon Pas trên đường Nguyễn Văn Linh, tự gắp hai cái bánh sâu dừa, ngồi vào chiếc bàn nhỏ có bình hoa cúc Pico. Vừa ăn, vừa nhìn mưa qua khung kính lớn như mấy bạn mười hai, mười ba tuổi đang ngồi trong quán.

Vậy mà có khi tôi cũng bất chợt “già”. Trình biết, mỗi lần tôi muốn nghe Trịnh hay bolero. Hai cá tính âm nhạc không có bà con gì với nhau, hệt như tôi mấy năm nay vậy. Trịnh thì đơn giản, tôi không có tiền nghe ở Da Vàng, Tiếng Tơ Đồng hay Cội Đá thì có thể đến quán Hằng. Hằng nằm khiêm tốn ở K61/11A Nguyễn Lương Bằng, hai ba cây guitar acoustic và những người say mê Trịnh, hoặc chưa thể hiểu hết những điều Trịnh kể với đời, như tôi. Còn với bolero, tôi có thể nghe ở Tiếng Dương Cầm hoặc nghe “ca sĩ nghiệp dư” ở các quán nhậu trên đường Nguyễn Tất Thành.

Tôi nhắc nhiều đến cà phê Đà Nẵng bởi một phần cuộc sống của tôi, Trình và cư dân thành phố hầu như gắn với thú vui này. Mà nói cho trúng, cà phê Đà Nẵng không chỉ là thú vui lúc nhàn tản. Nó đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Đà Nẵng. Nhìn vào đây, bạn bè xa gần có thể cảm nhận được một phần sinh hoạt văn hóa của người Đà Nẵng, đặc biệt là giới trẻ. Tự bao giờ, tôi đã thương kiểu ngồi nhâm nhi cà phê mà phải chia nhau từng centimet không gian, hít hà hơi người mỗi lần đến Long, đến Phố... Tôi và Trình, cũng có lúc với đôi người bạn khác, thường ới nhau rất gọn: “Hàn phố lẹ mi ơi!”. Chúng tôi ngồi chen giữa một bác trung niên chắm chúi đọc báo. Một gã vận pull bạc thếch, quần jean sờn, phì phà thuốc lá. Bàn bên cạnh, dăm bảy cậu sinh viên đang tập trung vào tờ giấy A0 nhì nhằng nét vẽ. Đấy là cà phê cóc, nơi những phận đời khác biệt dường quyện vào nhau. Cà phê Đà Nẵng bây giờ đã “chuyên biệt” hơn. Cà phê dành riêng cho các bạn trẻ, cho giới kinh doanh, cho văn nghệ sĩ... Đà Nẵng giờ này như người phục vụ ý nhị khéo chiều lòng từng vị khách với cá tính và sở thích khác nhau.

Từ ngày bị Trình “dụ khị” bới móc hết đường lớn ngõ nhỏ ở Đà Nẵng, tôi không còn phải miễn cưỡng tìm hiểu về thành phố tôi đang sống để đối phó với lương tâm như trước nữa. Tôi thật sự phục tâm sức người Đà Nẵng dành cho “Thành Thái Phiên” kiêu hùng. Trình có tặng tôi vài bức ảnh của Đà Nẵng trước khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Còm cõi, chậm chạp và nhếch nhác là ba tính từ Trình và tôi thống nhất miêu tả Đà Nẵng qua loạt ảnh ấy. Thỉnh thoảng tôi lại giở ra xem, so sánh với Đà Nẵng hiện tại để tin vào sự phát triển thần kỳ của thành phố.

Hai mươi năm qua, Đà Nẵng đã thật sự dọn mình vươn lớn, trở thành một “chàng thanh niên” cứng cáp, thoát khỏi diện mạo ốm yếu, còi cọc buổi đầu. Đà Nẵng thật sự đã đứng vững trong lòng bạn bè trong và ngoài nước. Trăm người dễ cả trăm biết thương hiệu về quy hoạch đô thị bền vững, gắn với sự phát triển tự nhiên của môi trường sinh thái của Đà Nẵng. Người khác nhớ Đà Nẵng vì sự năng động, trẻ trung của thành phố với những trục đường khang trang, những cây cầu độc đáo, các khu đô thị, khu du lịch, nghỉ dưỡng hai bên bờ sông Hàn lộng gió, kéo ra tận ngoại vi thành phố. Và cứ nhắc nhớ đến Đà Nẵng, hẳn nhiên ai nấy đều ấn tượng với những sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn bàn tay và khối óc của con người nơi này. Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC) là một ví dụ.

Năm rồi, tôi được may mắn cùng Trình dự đưa tin từ khi khai mào lễ hội. Đà Nẵng mùa pháo hoa no đầy người xe. Đêm trình diễn, chúng tôi và nhiều anh em báo chí khác được bố trí địa điểm đẹp nhất để phục vụ công tác truyền thông. Trình muốn tôi tập trung thưởng thức pháo hoa mà không phải lăn tăn chuyện hình ảnh. Đêm ấy, dưới vòm trời sáng rực ngày kỷ niệm giải phóng thành phố, dòng Hàn giang đón nhận vũ điệu của ánh sáng và âm nhạc. Hai bên dòng sông Hàn như một bữa tiệc lớn đa sắc, đa thanh. Mỗi đội thi mang về Đà Nẵng một phong cách trình diễn khác nhau. Những gương mặt cười đứng bên nhau. Tiếng của cảm xúc vỡ tràn từ dòng người mỗi lần một đốm pháo bung tóe trên sóng nước. Tất cả như đang thả mình vào đêm lung linh kỳ ảo.

Hội tan, chúng tôi vẫn ngồi yên ở tầng cao nhất của tòa nhà, đợi dòng người dưới chân thưa bớt. Trình không còn giữ kiểu hỏi chuyện như tự thoại với thinh không, anh quay qua tôi, từng lời mồn một: “Mấy tháng nữa tốt nghiệp, Mây tính ở Đà Nẵng hay về quê?”. Câu hỏi của Trình cũng là câu hỏi của tôi. Tôi chưa từng nghiêm túc quyết định sẽ về chốn nào. Nhưng mỗi việc nghĩ đến ba tháng thực tập phải xa Đà Nẵng, tôi nghe lòng cồn cào không dứt. Đà Nẵng có gì để níu chân tôi? Không rõ nữa. Hà cớ gì phải buồn, phải nhớ! Trình nói với kết quả học tập của tôi, ở lại Đà Nẵng theo chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là không vấn đề. Tôi cũng từng tìm hiểu việc Đà Nẵng thu hút nhân tài bằng hàng loạt ưu đãi, kể cả việc đưa đi học tập ở nước ngoài theo Đề án 922. Nhiều người ngoại tỉnh có được việc làm ổn định và trở thành công dân Đà Nẵng nhờ chính sách đãi ngộ của thành phố. Đà Nẵng là thành phố mở, sẵn lòng thay đổi để phù hợp với xu thế vận động và phát triển chung. Đà Nẵng luôn sẵn lòng giữ lại những ai đủ tình yêu với thành phố. Tôi có đủ duyên để lưu lại hay không?

Thời gian xa Đà Nẵng đã cận kề, có thể mùa pháo hoa với Trình là lần cuối tôi được thấy mình thăng hoa theo bản hòa tấu nhạc nước của thành phố. Tháng trước, trước khi đi công tác, Trình có gửi mail cho tôi, vỏn vẹn: “Điều gì khiến em không thế xa Đà Nẵng?”. Sau đó, anh gọi và hẹn tôi trả lời ở Mây cà phê khi anh

trở về.

Điều gì khiến tôi ray rứt nếu một ngày kia rời Đà Nẵng? Cùng thành phố lớn lên từng ngày, tôi đâu quên được những khi để mình tạm xa phố trẻ rộn ràng. Lúc ấy, tôi chạy xe từ Hòa Khánh, qua Điện Biên Phủ, rẽ phải Nguyễn Tri Phương, vòng qua bùng binh gặp Nguyễn Văn Linh, qua cầu Rồng, nhằm hướng Ngũ Hành Sơn. Lần nào đến đây, tôi cũng thích đi bộ để tận hưởng cảm giác cái bí bức, oi nồng của mặt đất tan biến, hơi lành lạnh phả vào da thịt. Trình đùa, chắc tôi sắp lên tiên. Phải rồi, tôi say bầu không khí uyên nguyên thoát tục của Non Nước - Ngũ Hành Sơn. Tôi tưởng mình như nữ sĩ họ Huỳnh(3): “Khách trần mơ cảnh Thiên thai/Qua chơi Non Nước, nhớ hoài nước non”. Tôi làm sao quên được những buổi tối hiếm hoi cùng Trình đi thưởng thức sân khấu nghệ thuật cuối tuần ở phía đông cầu Rồng. Ai đó hát, đến bây giờ còn xói vào lòng tôi mỗi lần nghĩ tới lúc phải xa Đà Nẵng: “Có qua bao lận đận, mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu/ Có hiểu được lòng nhau, mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình...” (4).

Tôi đã suy nghĩ nhiều ngày, lật lại hết kỷ niệm và cuối cùng cũng đã có đáp số cho Trình, và cả bản thân mình. Tôi không thể xa nơi này, tuyệt nhiên không. Vì thành phố giữ tôi bởi những người như Trình - người Đà Nẵng.

Tôi vẫn thầm cảm ơn đời, ít nhất đến bây giờ, đã ưu ái để tôi được sống và đi, được trải nghiệm và thể hiện trên trang viết. Sau nhiều lần gặp gỡ, hỏi chuyện từng nhân vật “khác người”, cả tôi và Trình đều thống nhất kết luận rằng: Người Đà Nẵng rất... đáng yêu. Năm 2014, bắt đầu “thò tay” viết báo, nhân vật đầu tiên tôi gặp là một chú làm nghề sửa xe góc đường Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập. Chuyện thường ngày ở huyện nếu chú không treo bảng bơm vá miễn phí cho học sinh, người khuyết tật, người nghèo, kèm cả số điện thoại di dộng. Chú đã giúp không biết bao nhiêu người trong suốt mười ba năm qua.

Mới hôm qua, tôi đọc được câu chuyện rất nhân văn trên mạng xã hội facebook về người Đà Nẵng. Chị dẫn con đến khu vui chơi của Indochina rồi lơ đễnh thế nào bỏ quên chiếc ví, bên trong gần ba mươi triệu tiền mặt. Anh nhặt được, thông tin lên fanpage “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” và đã tìm lại được khổ chủ. Trang facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” vốn là kênh tiếp nhận phản ánh từ người dân và du khách, do bốn lãnh đạo Sở của Đà Nẵng quản lý, xử lý các vấn đề văn hóa, văn minh đô thị... Đây là một trong hàng loạt những điểm thú vị Đà Nẵng mới có mà thôi.

Kể chuyện dễ thương của người Đà Nẵng thì biết bao giờ cho hết. Riêng chiều nay, tôi đang đợi Trình để bàn cách viết sâu về nhóm bạn trẻ cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật hằng tuần cầm tấm biển “Ask Me Anything" (Hãy hỏi tôi bất cứ điều gì)” đứng ở tuyến Bạch Đằng. Từ tháng 5/2016, nhóm bạn này xuất hiện để giúp khách nước ngoài các thông tin: đường sá, địa điểm ăn uống, văn hóa, lịch sử, đi đâu, làm gì... ở Đà Nẵng, miễn phí hoàn toàn. Rồi chuyện một nhóm sinh viên của một trung tâm ngoại ngữ, hai tuần một lần “tiếp tế” bánh bao, hoa hồng cho cảnh sát giao thông và lao công. Chuyện một cô giáo ngồi xe lăn quanh năm kèm trẻ con học ở vùng biển heo hút Xuân Thiều. Chuyện một ông già cắm chốt phía mạn bắc đèo Hải Vân, chuyên vá sửa xe, cứu nạn người kém may mắn...

Trong nhiều câu chuyện mà tôi may mắn được biết, có một trường hợp tôi mãi không thể quên. Ấy là việc thiện nguyện của các bạn trẻ thuộc dự án “Một bức tranh - Nhiều hy vọng”. Trong suốt một thời gian dài, đều đặn các bạn tổ chức “Hát cho bệnh nhân nghe” ở bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng vào chiều chủ nhật. Các ngày khác, các bạn thay nhau mang sách, báo đến từng phòng bệnh, cho bệnh nhân mượn đọc. Các hành lang bệnh viện, các bạn treo những bức tranh về thiên nhiên và khát vọng sống của con người để kích thích tinh thần cho người bệnh. Sau này, các bạn còn khiến tôi khóc khi gửi tôi đoạn video clip các bạn đội tóc giả cho nữ bệnh nhân. Thì ra, mỗi chủ nhật mời bệnh nhân xuống sảnh bệnh viện xem văn nghệ, thấy các cô tự ti vì không còn tóc do hóa trị, xạ trị, các bạn đã vận động mọi người tặng tóc, làm tóc giả tặng các cô. Trong clip các cô cười sảng khoái, khoe có tóc rồi tha hồ đi... ăn đám cưới.

Nhìn các cô, tôi lại nhớ anh chàng một chân chuyên chơi trống cajon ở cà phê Mercury, 02B Nguyễn Thị Minh Khai. Anh chàng này là điển hình sống động vượt qua căn bệnh ung thư nhờ bài thuốc lạc quan. Và tôi biết, từng ngày, những bạn trẻ Đà Nẵng đang túc trực “điều trị” cho hàng loạt nạn nhân của ung thư, bằng sự lạc quan, yêu đời, yêu người tỏa ra từ các bạn.

Nắng đã ngủ yên, tôi vẫn đang ngồi ở chốn cũ, những giọt nước đọng bên ngoài ly matcha trà xanh đã tan hết. Những lúc đợi Trình thế này, tôi có thời gian ngẫm nghĩ về Đà Nẵng như chiều nay. Đà Nẵng đã cho tôi nhiều trải nghiệm buồn vui, cho tôi một người bạn đáng quý như Trình. Người Đà Nẵng, hằng ngày, giúp tôi tôn tạo niềm tin với cuộc đời. Giờ đây, tôi cất quê hương vào một góc trái tim thì mới có thể đón nhận Đà Nẵng. Cũng như Đà Nẵng rồi sẽ phải cất giữ những thành tựu sau ngày sinh nhật hai mươi tuổi “độc lập”, để sẵn sàng kiến tạo những thành tựu mới mẻ, đáng tự hào hơn.

P.T.H.D

Bài viết khác cùng số

Nước mắt khô - Quế HươngNgười yêu cũ - Thanh QuếCâu chuyện Đà Nẵng - Thái Bá LợiBí mật Sơn Trà - Nguyễn Nhã TiênĐà Nẵng trong trái tim tôi - Phạm Thị Hải DươngĐà Nẵng, những ký ức đan xen... - Trương Điện ThắngĐÀ NẴNG - Điểm sáng trên bản đồ du lịch Đông Nam Á - Trần Trung SángLiên hiệp Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng: Nhớ lại những ngày đầu năm 1997 - Thanh QuếVăn học nghệ thuật Đà Nẵng -Hai mươi năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngKhúc hát tình người - Hoàng Hương ViệtThương nhớ anh Trương Quang Được - Người Bí thư Thành ủy đầu tiên của Đà Nẵng trực thuộc Trung ương - Bùi Văn TiếngTheo cách Đà Nẵng - Bùi Công MinhĐà Nẵng - Thành phố của những danh hiệu - Dân HùngCởi phăng cúc áo cỏ mật - Nguyễn Thị NhiênChiều nay sông khóc - Nguyễn Thị Anh ĐàoLau một tiếng nói - Trần TuấnÁm ảnh - Ngô Liên HươngDưới bóng quê nhà - Nguyễn Hoàng ThọGió ở Nại Hiên Đông - Nguyễn Đông NhậtVới Bà Nà - Vô BiênNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcSao không nhìn bình minh - Thái Bảo - Dương ĐỳnhCùng em thăm lại sông Hàn - Lê Đình HùngĐà Nẵng thu - Nguyễn Hải LýThức nhớ làng quê - Trường KhánhLên Yên Tử - Nguyễn Xuân TưTrường cũ yêu thương - Nguyễn KiênThơ Vạn LộcGiữa trơ trụi - Bùi Công MinhVăn học Đà Nẵng khát khao vươn đến cái mới - Linh Thy (lược ghi)Nghệ sĩ múa Đà Nẵng hòa cùng nhịp điệu phát triển của thành phố - Lê HuânYêu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của nhân dân ngày càng cao - Nguyễn Trường HoàngHội Điện ảnh Đà Nẵng Dấu ấn phim tài liệu - Huỳnh HùngPhim tài liệu và lựa chọn mới của những người làm phim trẻ - Trương Vũ QuỳnhMỹ thuật Đà Nẵng: Mong muốn đưa tác phẩm đến công chúng ngày một gần hơn - Đình HiệpNhiếp ảnh Đà Nẵng: Những nỗ lực không mệt mỏi - Đình Hiệp Kiến trúc Đà Nẵng: Hướng đến một nền kiến trúc xanh - Linh ThyHội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng: Chú trọng những chuyến đi thực tế - Phương MaiNhạc trẻ Đà Nẵng hướng đến cái mới, lạ... - T.T.SHội Văn nghệ Dân gian thành phố Đà Nẵng: Những bước đầu hình thành và phát triển - Phương MaiVăn hóa dân gian Đà Nẵng - 20 năm một chặng đường - Huỳnh Thạch Hà