Vài ý kiến về âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình Quang

02.08.2017

Vài ý kiến về âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình Quang

Ở nước ta, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, âm nhạc cho trẻ em không được chú ý với ý thức tự giác đầy đủ. Bên cạnh một số bài hát ở tổ chức sói con (thuộc hướng đạo sinh) và của một số nhạc sĩ: Hoàng Quí, Lê Thương, Lê Yên, Lưu Hữu Phước, Hùng Lân... vốn liếng âm nhạc của trẻ em chỉ bao gồm những bài đồng dao được lưu truyền từ nghìn xưa. Vì thế, chúng có một đời sống vững bền, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám, xã hội ta đã có nhiều thay đổi về mọi mặt. Cái biến đổi lớn nhất là về nội dung hiện thực được phản ánh và yêu cầu tư tưởng trong việc giáo dục trẻ em. Nội dung mới, mang tính chất thể hiện trong hệ thống đề tài như về Đảng, về Bác Hồ, về lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, về ý thức tập thể. Những nội dung này được nhấn mạnh với ý thức tự giác cao, khiến cho nó trở thành ý thức chi phối các nhạc sĩ sáng tác, những người điều hành quản lý việc giáo dục trẻ em. Song, cũng do yêu cầu cấp thiết của việc đào tạo, giáo dục thế hệ cách mạng, do ý thức tự giác cao, nên nhiều lúc, nhiều nơi, nội dung này trở nên duy nhất, dẫn đến cảm giác rằng âm nhạc cho trẻ em được “cách mạng hóa” một cách khá thô thiển. Trong lúc đó, các nội dung đề tài khác, cũng không kém cần thiết cho việc giáo dục và đào tạo trẻ em thành con người toàn diện, như lòng yêu quý cha mẹ, thương yêu bạn bè, anh em, yêu quý làng quê, yêu thế giới huyền thoại của các con vật nhỏ bé... lại bị coi nhẹ, có lúc bị lãng quên. Thiếu sót đó dẫn đến sự mất cân bằng giữa các thông số nói trên, gây cảm giác rằng trẻ em thời nay “già trước tuổi”!

Về thể tài, thể loại, chúng ta nghiêng về những bài đồng ca tập thể được tổ chức và điều khiển theo phương pháp trình diễn “sân khấu hóa”, hoặc theo lối chuyên nghiệp, chúng ta đã phần nào tước mất tính chất hát - múa - học - chơi vốn rất phù hợp với tâm lý trẻ em.

Cũng đã vắng bóng những nhân vật thuộc thế giới loài vật như chuồn chuồn, bươm bướm, niềng niễng, cào cào, bông hoa... trong các bài hát cho trẻ em. Nội dung giáo dục mới đòi hỏi phương pháp tư duy lôgic diễn đạt chân thật, rõ ràng, rạch ròi. Chúng ta chưa tìm được cách diễn tả thích hợp với tư duy tưởng tượng mang màu sắc huyền thoại của trẻ em, thích ứng với cái lôgic nhảy cóc của chúng như trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có duyên, đồng tiền có lỗ...

Chúng ta đã quên mất rằng, trong ca hát cho trẻ em, cha ông ta đã dành một khoảng lớn cho sự tự sáng tạo của trẻ em. Ta sẽ thấy trẻ em thích thú những bài, câu, đoạn, mà theo lôgic của chúng ta là linh tinh hay, chí ít, cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng, chính những bài như vậy lại đáp ứng yêu cầu tập cho dẻo miệng như kiểu tròng trà tròng trành trâu trèo trâu trợt thậm thà thậm thụt trò trụt trò trìa, đáp ứng yêu cầu đặt vè bẻ vần, bẻ làn nắn điệu của các em.

Đồng dao cổ truyền bao giờ cũng mang tải một cơ chế đậm đà màu sắc và tính chất dân tộc. Trẻ em tiếp nhận và hát - múa - chơi - học đồng dao như một bộ mã di truyền của dân tộc.

Cơ chế âm nhạc này lại được đưa vào một kết cấu phức hợp với các yếu tố cũng mang bản sắc dân tộc, như trò chơi, điệu nhảy, trò vui, đố học, khiến cho trẻ em rất thích thú, và lại còn dành cơ hội cho trẻ em, kích thích chúng sáng tạo thêm. Trong xã hội xưa, đồng dao là bài học vỡ lòng về âm nhạc, vỡ lòng với ý nghĩa là những bài học đầu tiên trong cuộc đời, nhưng cũng là những bài tập sáng tạo âm nhạc đầu tiên. Từ buổi sơ sinh tới lúc lên 3, lên 5, trẻ em chỉ được tiếp thụ âm nhạc dân tộc một cách thụ động qua hát ru của người lớn. Chỉ với đồng dao, trẻ em mới bắt đầu tự mình ca hát, múa nhảy, chơi, học và sáng tạo. Nên hiểu rằng, khái niệm “âm nhạc cho thiếu nhi” bao gồm cả 2 thể loại bài hát là hát ru và hát trẻ em.

Ở góc nhìn xã hội học, còn có thể phát hiện thêm nhiều vấn đề đáng quan tâm trong lĩnh vực âm nhạc cho trẻ em.

Trong bài này, chúng tôi thử đưa ra những ý kiến về một phương pháp tiếp cận - phương pháp xã hội học - để góp phần nhìn nhận tình hình sáng tác ca khúc cho trẻ em được toàn diện và có cơ sở hơn.

T.Đ.Q

Bài viết khác cùng số

Vàng ở Tourane - Đào Trọng KhánhChú chim non - Nguyễn Nho Minh UyênBetta tìm chủ - Lê Ngô Tường VyTầng năm - Năm tầng - Trần Thu HàCái giếng - Nguyễn Khánh ĐăngBạn tôi - Thái Nguyễn Khánh UyênĐông - Võ Thanh Nhật AnhTrại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi 2017Hứa hẹn nhiều trang văn mới mẻ - Trần Trung SángTình văn nghệ sĩ khu Năm - Quế HàCòn đó một Đà Nẵng xưa - Trần Trung Sáng“Hội chứng” ngầm Xò Lò - Cao Duy ThảoKhông chỉ mình tôi như thế - Đinh Thị Như ThúyNgọn đèn mẹ - Lê Anh DũngVượt sóng - Lê Thành MinhỪ thì em cứ xa - Ngân VịnhKhế nợ - Trương Đình ĐăngGọi mây về cho mưa - Nguyễn Thị Phương ThúyNgõ vắng - Phạm Thị Mỹ LiênNgày về P’rao - A Lăng Văn GiáoTa về ngày xa - Nguyễn Quỳnh AnhViết cho ngày sinh con - Sông HươngChiếc bóng lưu lạc - Lê Văn HiếuThơ Phan Duy NhânKhông gian văn hóa Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Thanh Tuấn…Đậm đà phong vị văn hóa miền Nam Trung bộ và các dân tộc Tây Nguyên - Đỗ Hồng QuânVài ý kiến về âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangÂm nhạc cho thiếu nhi cần được đầu tư sáng tác và cẩn trọng trong dàn dựng - Văn Thu BíchĐọc lại “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư - Mai Văn HoanĐọc “Người của một thời”: Nhớ một thời Hoa lửa và Sống đẹp - Trần NgọcBài thơ hay: Đà Nẵng gọi ta - Lưu Phương Định