Hứa hẹn nhiều trang văn mới mẻ - Trần Trung Sáng

02.08.2017

Hứa hẹn nhiều trang văn mới mẻ - Trần Trung Sáng

Tham dự Trại sáng tác Văn học, Mỹ thuật thiếu nhi 2017, có 46 em đăng ký bao gồm 2 bộ môn văn học và mỹ thuật. Hầu hết các em là các nhân tố xuất sắc được tuyển chọn từ các trường học trên địa bàn thành phố. Trong thời gian diễn ra Trại hè, các em đã được đi tham quan thực tế tại các danh lam thắng cảnh Đà Nẵng, đồng thời được sự hướng dẫn sáng tác của các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ chuyên về thiếu nhi.

  Ở bộ môn văn học, có 19 em nộp bài, với 30 tác phẩm. Trong đó, có 9 bài thơ, 21 tản văn và truyện ngắn. Về độ tuổi: nhỏ nhất ở lớp 7 và lớn nhất ở lớp 10, đến từ các trường: THPT Phan Châu Trinh, THPT chuyên Lê Quý Đôn, THCS Nguyễn Đình Chiểu, THCS Lê Lợi, THCS Nguyễn Thị Định, THCS Nguyễn Văn Linh, THCS Huỳnh Thúc Kháng, THCS Tây Sơn...

Cũng như phần lớn các Trại sáng tác hằng năm, hầu hết tác phẩm các em tham gia Trại đều xoay quanh các đề tài gần gũi, quen thuộc với lứa tuổi học trò như: gia đình, bạn bè, trường học, thiên nhiên, thành phố quê hương...

Theo Hội đồng giám khảo, ở mảng Thơ năm nay các em chưa được đánh giá cao, mặc dù về số lượng có nhiều hơn các năm trước, thậm chí trong đó, có em tham gia từ 2 đến 5 tác phẩm. Bởi, thơ tuy dễ làm, nhưng khó hay. Nếu càng quá chú trọng vần điệu và ý tưởng câu chữ, thì càng mất đi chất hồn nhiên, trong sáng của thơ (nhất là thơ dành cho tuổi thơ). Dù vậy, nơi đây trong bài thơ “Lời của đông” (Võ Thị Ngọc Linh) cũng có một số câu đáng khích lệ như: “Lời Đông là những ngày không nắng/ Không ấm áp, không mạnh mẽ, thảnh thơi/ Tựa bài ca trong tim dần sâu lắng/ Một chút ưu phiền, một chút chơi vơi/ Lời của Đông lạnh lùng, cơn lạnh thấu/ Ngắm nụ cười héo úa lại ngẩn ngơ/ Đông ơi, còn điều gì phải giấu?/Tự hỏi Đông sang đến bao giờ”.

Phần Văn xuôi, mặc dù rải rác vẫn còn một số bài viết diễn đạt dông dài, cách dựng truyện đơn giản hoặc tối nghĩa thì  đáng vui mừng, phần lớn tác phẩm dự Trại của các em đều được đầu tư khá công phu. Một số bài viết ngắn, gần gũi với tản văn súc tích và giàu chất thơ như : Cái giếng (Nguyễn Khánh Đăng), Chú chim non (Nguyễn Nho Minh Uyên), Tầng năm - năm tầng (Trần Thu Hà)...

Nhiều truyện ngắn có đề tài phong phú và cốt chuyện hồn nhiên, sinh động. Điển hình như truyện “Betta tìm chủ” của em Lê Ngô Tường Vy (Trường THCS Nguyễn văn Linh) kể về một chú chó ham ăn lạc chủ suốt mấy ngày liền. Ngày lại đêm, chú lang thang trên khắp mọi ngả phố, đánh hơi... tìm đường về nhưng càng lúc càng vô vọng. Thế là chú buộc phải thăm hỏi những chú chó khác gặp trên đường, để rồi theo lời chỉ dẫn chú tiếp tục chạy băng về phía trước, ngang qua những ngôi nhà cũ lụp xụp. Thế nhưng, Betta lại vô tình rơi vào vòng vây của một đám trẻ con nhếch nhác, nghịch ngợm. Bọn trẻ giữ chú lại bắt giao đấu với một con chó hung dữ đến thương tích, tưởng không còn hy vọng gặp lại chủ. May thay Betta được một cô gái tốt bụng cứu chữa... trả lại đường phố. Chú lại tiếp tục dùng sức lực còn lại tìm đường về nhà. Sự cố gắng của Betta cuối cùng đã được đền đáp. Ngay khi vừa gặp lại, cậu chủ đã vui mừng ôm chầm lấy Betta khiến chú quên những ngày lạc lõng gian khổ, nhọc nhằn vừa qua. Bên cạnh truyện “Betta tìm chủ”, Lê Ngô Tường Vy còn có truyện “Chú bé khốn khổ”, thể hiện tác giả có sở trường diễn đạt, xây dựng nội dung truyện một cách tự nhiên, giàu hình ảnh, và chứa đựng lòng nhân ái.

Nguyễn Võ Minh Hằng (Trường THPT Phan Châu Trinh), với hai truyện ngắn “Mối tình đầu” và “Tình bạn” đã cho thấy tác giả đang hướng đến những cảm xúc trăn trở của tuổi mới lớn. Nơi đây, đôi khi “là bản tình ca đẫm màu sắc u buồn về tình yêu đơn phương”, đôi khi “tình bạn là thứ tình cảm, có khi còn lãng mạn hơn cả tình yêu” và cuối cùng tác giả “cũng đã hiểu ra ranh giới khác biệt to lớn giữa cái gọi là tình bạn với cái tên tình yêu”...

Nguyễn Thái Bình An (Trường THPT Phan Châu Trinh) với “Khúc hát mặt trời” và “Cây dương cầm”; Nguyễn Anh Thư (Trường THCS Nguyễn Thị Định) với “Giấc mơ”... qua tác phẩm của mình cũng đã góp phần đem đến Trại viết những giọng điệu mới lạ.

Từ những sáng tác như vậy, ở Trại sáng tác hè năm nay, cho thấy có những dấu hiệu các em muốn bứt phá vươn đến sự sáng tạo mạnh mẽ, đối mặt với những nghĩ suy, xao động về nỗi buồn, cô đơn và sự mất mát... như một cách chuẩn bị cho tuổi vào đời.

Đặc biệt, đáng chú ý hơn cả, ở truyện ngắn “Bạn tôi” của em Thái Nguyễn Khánh Uyên (Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu) được hư cấu từ một chủ đề không dễ dàng với lứa tuổi của tác giả (tức lớp 7). Truyện viết về cảm xúc từ cuộc chia ly vĩnh viễn giữa hai người bạn nhỏ. Đó là một truyện đẹp và buồn. Đôi khi có một chút ngộ nghĩnh không thể che giấu của tuổi thơ, như là một cái nhìn lạc quan của tác giả khi quay về thực tại...

Và càng bất ngờ thêm nữa, Võ Thanh Nhật Anh (Trường THPT Phan Châu Trinh) qua truyện ngắn “Đông” cũng mang một chủ đề tương tự. Cũng là nỗi buồn. Cũng là chuyện về một người bạn “sang bên kia bầu trời”. Cũng là nỗi đau sâu đậm hơn sự tưởng tượng. Nhưng cách diễn đạt của Nhật Anh mang tâm trạng giày xé, gặm nhấm trong những ngày Đông trôi qua. Vậy mà, cuối cùng, điều quan trọng nhất từ cú sốc tinh thần ấy, tác giả đã tìm mọi cách để đứng dậy, để mạnh mẽ, chín chắn hơn: “Tôi không nhớ cách mà những ngày Đông dần trôi qua trong trái tim tôi, cách tôi vực dậy sau cú sốc tinh thần ấy, hay cách mà tôi dằn vặt Cáo vào một góc khuất trái tim mình. Tôi chỉ nhớ đã mất rất lâu để làm được điều ấy, và quá trình đứng lên sau vấp ngã kia không hề dễ dàng. Ngày Đông tan biến cùng nỗi buồn tưởng chừng ngàn thu ấy, để nói với tôi rằng mọi thứ chưa kết thúc, rằng thời gian sẽ là liều thuốc hữu hiệu nhất để chữa lành cho trái tim một ai đó. Vượt qua những ngày Đông không đồng nghĩa với việc để Cáo chìm vào quên lãng, mà đúng hơn là chấp nhận học cách sống thiếu một người vô cùng quan trọng, học cách tồn tại song song với những nỗi đau”.

Có thể nói hai truyện ngắn của Khánh Uyên và Nhật Anh là hai tác phẩm được bàn luận khá nhiều trong Ban Giám khảo, do chủ đề mang màu sắc ưu tư so với một Trại sáng tác thiếu nhi. Tuy nhiên, đó cũng là hai trong số những truyện ngắn được đánh giá cao nhất, bởi tinh thần sáng tạo, lối hành văn, cấu trúc mang phong cách mới mẻ, hứa hẹn nhiều hy vọng của thế hệ trẻ cầm bút trong tương lai.

T.T.S

Bài viết khác cùng số

Vàng ở Tourane - Đào Trọng KhánhChú chim non - Nguyễn Nho Minh UyênBetta tìm chủ - Lê Ngô Tường VyTầng năm - Năm tầng - Trần Thu HàCái giếng - Nguyễn Khánh ĐăngBạn tôi - Thái Nguyễn Khánh UyênĐông - Võ Thanh Nhật AnhTrại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi 2017Hứa hẹn nhiều trang văn mới mẻ - Trần Trung SángTình văn nghệ sĩ khu Năm - Quế HàCòn đó một Đà Nẵng xưa - Trần Trung Sáng“Hội chứng” ngầm Xò Lò - Cao Duy ThảoKhông chỉ mình tôi như thế - Đinh Thị Như ThúyNgọn đèn mẹ - Lê Anh DũngVượt sóng - Lê Thành MinhỪ thì em cứ xa - Ngân VịnhKhế nợ - Trương Đình ĐăngGọi mây về cho mưa - Nguyễn Thị Phương ThúyNgõ vắng - Phạm Thị Mỹ LiênNgày về P’rao - A Lăng Văn GiáoTa về ngày xa - Nguyễn Quỳnh AnhViết cho ngày sinh con - Sông HươngChiếc bóng lưu lạc - Lê Văn HiếuThơ Phan Duy NhânKhông gian văn hóa Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Thanh Tuấn…Đậm đà phong vị văn hóa miền Nam Trung bộ và các dân tộc Tây Nguyên - Đỗ Hồng QuânVài ý kiến về âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangÂm nhạc cho thiếu nhi cần được đầu tư sáng tác và cẩn trọng trong dàn dựng - Văn Thu BíchĐọc lại “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư - Mai Văn HoanĐọc “Người của một thời”: Nhớ một thời Hoa lửa và Sống đẹp - Trần NgọcBài thơ hay: Đà Nẵng gọi ta - Lưu Phương Định