Tình văn nghệ sĩ khu Năm - Quế Hà

02.08.2017

Tình văn nghệ sĩ khu Năm - Quế Hà

Những người làm văn nghệ Khu V thời chống Mỹ, hiện nay ở Quảng Nam, Đà Nẵng chỉ còn lại vài người, như nhà văn Nguyên Ngọc, Thanh Quế, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, nhà điêu khắc Phạm Hồng ...và ở nơi khác còn có Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Bùi Minh Quốc, Vũ Thị Hồng, Giang Nguyên Thái... Những người còn sống luôn nghĩ đến người đã từng sống, cùng đồng cam cộng khổ. Tình bạn, tình đồng chí vẫn đậm đà và sâu lắng như thời ở chiến trường Khu 5.

“Như chưa hề có cuộc chia ly...”

Lần nào cũng vậy, mỗi lần về thăm chiến trường xưa, các văn nghệ sĩ kháng chiến đều đến những nơi họ đã từng sống, chiến đấu và viếng thăm đồng đội đã hy sinh, nằm lại trên đất Quảng Nam này. Đến Điện Bàn, ở đó có các nhà văn Nguyễn Hồng, nhà thơ - nhà báo Nguyễn Trọng Định, nhà văn Trần Văn (Trần Văn Anh), nhạc sĩ Văn Cận và cán bộ, diễn viên Đoàn Văn công Quảng Đà... Còn “nằm lại đất lành Duy Xuyên” thì hai nhà văn Chu Cẩm Phong và Dương Thị Xuân Quý, nghệ sĩ múa Phương Thảo. Họa sĩ Hà Xuân Phong thì nằm bên dòng sông Trà Nô, Hiệp Đức, còn ở tận nguồn “Cao sơn ngọc quế” thì  nhà thơ Nguyễn Mỹ ở lại bên dòng Đák Ta - đầu nguồn sông Thu Bồn.   

Ngay sau ngày giải phóng, hai nhà văn Nguyễn Bảo và Nguyễn Bá Thâm về Điện Bàn, ven sông Thu Bồn để tìm hài cốt Nguyễn Hồng. Các nhà văn Nguyễn Bảo, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Hồng, Vũ Thị Hồng cùng học lớp Ngữ văn khóa 12, Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi cùng học lớp viết văn khóa 4 - khóa đặc biệt phục vụ chiến trường và cùng vào khu V một lần. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm dân Nghệ An, vào chiến trường năm 1971, giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Đối với Quảng Nam, ông thuộc nhiều tên đất, tên làng, từng con đường, ngọn đồi, từng trận đánh, từng chiến công và cả hy sinh mất mát; Văn nghệ sĩ ai hy sinh thế nào, ở đâu, ngày nào thì ông đều biết cả... Ông bảo ông yêu mảnh đất này như mảnh đất sinh thành, bởi thời kỳ chống Mỹ ông đã từng gắn bó với bà con các dân tộc vùng đông dãy Trường Sơn, với bà con trụ bám ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Tiên Phước, Quế Sơn... Đối với ông và bao người kháng chiến khu V, luôn lấy nghĩa tình làm đầu.

Ông kể, trong một lần hành quân, Nguyễn Hồng thấy lon sữa đã dùng, vứt chỏng chơ bên vệ đường, Nguyễn Hồng liền dùng nước để tráng phần cặn sữa còn sót lại, chia cho 2 bạn Nguyễn Bảo, Nguyễn Bá Thâm, mỗi người nếm một chút, gọi là “bồi dưỡng tí ngọt”. Qua câu chuyện này chúng ta hiểu vì sao, mỗi lần viếng bạn Nguyễn Hồng, nhà văn Nguyễn Bá Thâm luôn đem theo một lon sữa ông Thọ cùng một bó hoa hồng màu vàng. Nguyễn Hồng hy sinh ở Điện Hồng, hài cốt được các anh đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn. Hồi học ở khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Hồng mê tác phẩm “Bông hồng vàng” của Paustovsky.

Chỉ là chút sữa cặn, nhưng cái thời “đói quay, đói quắt”, một chút cặn sữa thôi cũng giúp đồng đội vượt qua suối sâu, núi cao bởi tình bạn cùng chia ngọt sẻ bùi. Và câu nói của Nguyễn Hồng “Ngọt lắm đó, chúng mày uống đi !” cứ ám ảnh ông, nhớ đến từng kỷ niệm với người con trai Đức Thọ - Hà Tĩnh hoạt bát, tài hoa, kiên cường. Không chỉ đối với người bạn thân Nguyễn Hồng, mà đối với người đã khuất, ông bao giờ cũng vậy.

Còn nhà văn Hồ Duy Lệ, viết là để tri ân với lớp lớp những đoàn quân Nam tiến, những con người, trong đó có văn nghệ sĩ và báo chí đã quên mình vì lý tưởng, vì độc lập tự do, thống nhất nước nhà. Ông tìm về từng xóm làng, tìm hiểu từng trận đánh, gặp từng nhân chứng để viết về họ. Ông sợ nhất là sự lãng quên với quá khứ, nhất là ông đã từng chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, của nhân dân và cả gia đình của mình. Ông bảo “Không có gì trôi đi mất” nếu chúng ta chịu khó lần tìm và giữ gìn.

Có lẽ không mấy người biết, tất cả các Bia tưởng niệm của các nhà văn Nguyễn Hồng, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý đều đã được vận động xây dựng và chăm nom, thăm viếng chính bởi những văn nghệ sĩ từng chiến đấu tại chiến trường Khu V. Tình cảm của họ cho nhau lúc sống trọn tình, lúc mất trọn nghĩa. Vì những người còn sống luôn mang trong lòng một ý nghĩ “sống thay cho bạn mình đã ngã xuống”.

Những người văn nghệ sĩ còn sống hôm nay và những người nằm lại chiến trường Khu V luôn nhớ nhau, tìm đến nhau và sống cho nhau. Câu chuyện đi tìm mộ nhà thơ Nguyễn Mỹ khá thú vị. Đồng đội anh đã tìm khắp cả một vùng đồi núi, nhưng không lần ra dấu vết. Nhưng khi tìm được mộ, chỉ còn lại mảnh áo mưa ni lông, chai dầu Vạn Linh... “Xương cốt hình hài của nhà thơ đã lạc vào đất trời sông núi”. Tất cả kỷ vật của tác giả bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” nằm dưới mộ gió ở nghĩa trang liệt sĩ Bắc Trà My vẫn gắn bó với nhà thơ “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Nhà thơ Đinh Mươk đã có những câu thơ nhân ngày giỗ thứ 23 của nhà thơ Nguyễn Mỹ:

“Những ngày giỗ đầu như nhịp bước

Ảnh bạn đã hoen màu, sợi tóc trắng tôi đâu         

Có thể mình vẫn vậy, cứ bên nhau

Đêm mơ ngủ, nghe chăng lời tôi gọi

Có cả thung đồi mùa khô vang dội

Xác xơ, hun hút một tên người”

Ở giới hội họa, những bức ký họa của họa sĩ Hà Xuân Phong vẫn được nhà điêu khắc Phạm Hồng trân trọng gìn giữ và sau này in trong tập “Ký họa Quảng Nam thời kháng chiến” được độc giả đón nhận và coi đây là tư liệu quý hiếm. Phạm Hồng cũng là người tạc tấm bia mộ nhà văn Dương Thị Xuân Quý và đài tưởng niệm văn nghệ sĩ Khu 5 ở Nhà văn hóa Quân khu V tại Đà Nẵng - Được gọi là ngọn lửa đá. Họa sĩ Giang Nguyên Thái, Trưởng ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Khu V tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã từng chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi đã thực sự trưởng thành từ mảnh đất này và luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình. Chúng tôi đã thành lập Ban liên lạc tự nguyện, quy tụ được hơn một trăm anh chị em đã từng tham gia hoạt động ở chiến trường khu 5 hiện sinh sống ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Mỗi năm chúng tôi đều tổ chức gặp mặt vào cuối tháng 4 để kỷ niệm ngày giải phóng Quảng Nam. Đó cũng là cách chúng tôi nhắc nhớ nhau về quê hương thứ hai ân nặng nghĩa tình”.

Vẫn sống giữa lòng dân

Và chính trên mảnh đất “máu và lửa” này, nhiều gia đình đã hương khói, chăm lo mộ phần và coi các văn nghệ sĩ như người ruột thịt của mình. Nơi hy sinh nghệ sĩ múa Phương Thảo, nhà văn - anh hùng LLVTND Chu Cẩm Phong, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhà văn Nguyễn Hồng được dựng những tấm bia tưởng niệm, hay ngôi mộ gió... Người ta nhớ tới “Cuộc chia ly màu đỏ” của nhà thơ Nguyễn Mỹ, “Nước vối quê hương” của nhà thơ Nguyễn Trọng Định, “Hương rừng” của nhà văn Dương Thị Xuân Quý, “Đêm cao điểm” của Nguyễn Hồng, hay những lời ca hùng tráng “xuống đường, xuống đường...” của nhạc sĩ Văn Cận... và không ngừng khắc khoải về hài cốt của các anh, các chị ở nơi đâu vẫn chưa tìm được ?!

Dù thân xác của các anh, các chị ở đâu, vẫn thấy ấm nồng tình đồng chí, tình nhân dân, dù sống hay thác họ luôn được nhân dân che chở, thương yêu và đùm bọc, bởi các anh, các chị đã được sinh ra, trưởng thành và lớn lên từ nhân dân. Ngày ấy, các anh, các chị xung phong vào Nam chiến đấu, những người lính trên mặt trận văn hóa - tư tưởng đã đùm bọc, tương trợ lẫn nhau và được cưu mang, nuôi giấu và mãi sống trong lòng nhân dân.

Bia tưởng niệm nhà văn Dương Thị Xuân Quý, được dựng trong khuôn viên “đất lành Duy Xuyên” trong nhà vợ chồng anh Võ Bắc và chị Hồ Thị Anh. Bên mộ chị, hoa nở sớm chiều, không bao giờ tắt lặng khói hương. Cách bia tưởng niệm nhà văn Chu Cẩm Phong, chừng hơn trăm mét là nhà ông Văn Công Mịch, ông là người đã thờ Chu Cẩm Phong và đồng đội hơn 40 năm qua. Ngày 1/5 hằng năm - ngày nhà văn, chiến sĩ Chu Cẩm Phong hy sinh, ông đều làm mâm cơm để cúng anh theo nghi thức cổ truyền. Không chỉ riêng ông Văn Công Mịch, mà người dân Duy Tân - nơi Chu Cẩm Phong ngã xuống và người dân Hội An - quê hương anh cũng là nơi anh đang yên nghỉ cũng luôn hương khói, thương tiếc một nhà văn tài hoa đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường xưa.

Theo lời kể của những người dân, lúc chị Phương Thảo hy sinh, “Thi thể còn nguyên vẹn, những người chứng kiến ai cũng khóc và nói cô ấy chết đẹp như một thiên thần”. Bà con địa phương tẩm liệm, chôn cất chu đáo trong mảnh vườn của nhà ông Văn Công Ba. Nhân dân La Tháp, Duy Châu luôn hương khói và gìn giữ qua bao lần địch cày đi xới lại. Rồi đến một ngày, gần 30 năm sau chuyện đó đã thành hiện thực, người thân của chị tận Hà Nội vào nhận. Sau đó, gia đình đã đưa chị vào nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn. Thật xúc động khi được biết, trước khi tìm được mộ chị Phương Thảo, bà con nơi chị hy sinh đã thành tâm xây một ngôi mộ gió với tâm nguyện làm nơi trú ngụ cho hương hồn chị... Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Tùng, nhà gần nơi chị mất, từ một cơ duyên anh chị gặp và trở nên thân thiết như người nhà, đã tự nguyện lập bàn thờ và giỗ cúng chị Phương Thảo suốt 20 năm qua. Trong ngôi nhà nhỏ của anh chị Tùng, hình ảnh nghệ sĩ múa xinh đẹp được treo trân trọng.

Một sự sắp đặt có tình cờ chăng mà hầu hết các văn nghệ sĩ hy sinh nằm lại trên đất Quảng Nam lại chọn đôi bờ của con sông Thu Bồn, từ nơi thượng nguồn đến cuối sông đầu cửa biển: Nguyễn Xuân An, Ngọc Anh, Nguyễn Mỹ, Hà Xuân Phong, Chu Cẩm Phong, Võ Thị Phương Thảo, Trần Văn, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Hồng, Văn Cận, Dương Thị Xuân Quý...!

Khi sống, sống vì nhân dân thì dẫu có chết đi thì họ vẫn sống mãi trong lòng dân. Bài học ấy tuy không mới, nhưng không bao giờ cũ. Và cần lắm cho những người đang sống hôm nay...

Q.H

Bài viết khác cùng số

Vàng ở Tourane - Đào Trọng KhánhChú chim non - Nguyễn Nho Minh UyênBetta tìm chủ - Lê Ngô Tường VyTầng năm - Năm tầng - Trần Thu HàCái giếng - Nguyễn Khánh ĐăngBạn tôi - Thái Nguyễn Khánh UyênĐông - Võ Thanh Nhật AnhTrại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi 2017Hứa hẹn nhiều trang văn mới mẻ - Trần Trung SángTình văn nghệ sĩ khu Năm - Quế HàCòn đó một Đà Nẵng xưa - Trần Trung Sáng“Hội chứng” ngầm Xò Lò - Cao Duy ThảoKhông chỉ mình tôi như thế - Đinh Thị Như ThúyNgọn đèn mẹ - Lê Anh DũngVượt sóng - Lê Thành MinhỪ thì em cứ xa - Ngân VịnhKhế nợ - Trương Đình ĐăngGọi mây về cho mưa - Nguyễn Thị Phương ThúyNgõ vắng - Phạm Thị Mỹ LiênNgày về P’rao - A Lăng Văn GiáoTa về ngày xa - Nguyễn Quỳnh AnhViết cho ngày sinh con - Sông HươngChiếc bóng lưu lạc - Lê Văn HiếuThơ Phan Duy NhânKhông gian văn hóa Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Thanh Tuấn…Đậm đà phong vị văn hóa miền Nam Trung bộ và các dân tộc Tây Nguyên - Đỗ Hồng QuânVài ý kiến về âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangÂm nhạc cho thiếu nhi cần được đầu tư sáng tác và cẩn trọng trong dàn dựng - Văn Thu BíchĐọc lại “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư - Mai Văn HoanĐọc “Người của một thời”: Nhớ một thời Hoa lửa và Sống đẹp - Trần NgọcBài thơ hay: Đà Nẵng gọi ta - Lưu Phương Định