Tầng năm - Năm tầng - Trần Thu Hà

02.08.2017

Tầng năm - Năm tầng - Trần Thu Hà

Đầu năm học, chúng tôi học ở tầng năm. Dù biết trước điều đó từ các anh chị khóa trước nhưng đứa nào cũng la om sòm và than thở mỗi sáng đến lớp, từ việc sao trường xây nhiều tầng, không cho học sinh đi thang máy, giờ vào lớp sớm rồi lỡ đi trễ thì bị giám thị bắt luôn,... biết bao câu chào nhau buổi sáng, cuộc trò chuyện lúc mới gặp nhau đều xoay quanh tầng năm này.

Lúc đầu, tôi cũng cảm thấy nản, chân mỏi nhừ khi về nhà và chẳng muốn đi học chút nào mặc dù tôi rất thích lên trường!? Phan Châu Trinh trong tôi là ngôi trường với khoảng trời rộng rực nắng điểm thêm những hàng phượng đua nhau nở; nơi bầu trời xanh một màu rất xanh và yên bình đến nỗi tôi ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ muốn chụp vài tấm hình, nằm dài trên bàn, thả mình theo bầu trời và đánh một giấc ngon lành khi tiết học chán ngắt; và cả bầu trời tháng mười hai xám xịt, pha chút u buồn, lạnh ngắt. Tôi thích đi quanh trường lúc ra về, chụp hình học sinh, bác bảo vệ, cô lao công, ngôi trường sặc sỡ ngày mưa bởi những chiếc áo mưa đủ màu học sinh bỏ lên lan can, hành lang, sân bóng và cả những thứ nhỏ nhặt, tầm thường.

- Hình nào cũng như nhau, mi chụp miết mà không chán hả?

Ừm chán, nhiều lúc cũng chán thật nhưng bạn tôi không học trường này thì làm sao hiểu được cảm giác thú vị đó chứ! Và ngay cả tầng năm, con bạn thấy cũng như tầng khác nhưng tôi lại chụp nó nhiều nhất.

Lần đầu đi học trễ, bọn tôi cuống quít chạy trên hàng lang bên những ánh mắt ngạc nhiên của lớp khác, phía sau là tiếng hét của thầy giám thị: “Ê, mấy đứa kia, đứng lại coi” rồi đến lúc thầy bắt được, cô giáo bộ môn “giải cứu” trước sự ngạc nhiên của cả đám.

Dãy phòng học lớp tôi chỉ có hai lớp học lại ở tầng cao nhất, các thầy cô hay gọi chỗ này là vùng sâu, vùng xa nên hai lớp khá thân. Bọn tôi bày đủ trò, đem dây su lên nhảy, nhảy cừu,... thầy giám thị chỉ biết lắc đầu khi thấy tụi con gái mặc áo dài  nhảy còn hơn con trai.

Rồi trường xếp lại phòng học, lớp tôi chuyển xuống tầng bốn, đứa nào cũng mừng vì đỡ phải leo một tầng, tôi lại buồn. Tầng bốn nhộn nhịp không yên tĩnh như tầng năm, khoảng không gian nhìn ra thành phố gần hơn, không xa xăm, vô hồn nhưng ở tầng bốn, người ta có thể chiêm ngưỡng hết sân bóng rộng gió, cánh phượng phủ một khoảng sân đỏ rực - nơi những bộ ảnh kỷ yếu, ảnh trên trang blog của trường được chụp rất nhiều.

Có những ngày thật tệ, tôi lên tầng năm, tìm chỗ nhiều gió, cắm tai nghe bài “Spring Day”, cảm giác như cả thế giới dừng lại và mình có thể khóc mà không ai biết. Tôi từng kể tầng năm, ngôi trường năm tầng của mình cho thằng bạn thân, nó ước một lần được đến đây, dừng chân cho chuyến lang thang quanh trường ở tầng năm và chiêm ngưỡng màu nắng vẫn bừng sáng trên hành lang dù ở tầng khác, nắng đã tắt hẳn.

Tối đó, lượn lờ trên trang confession của trường, có một bài viết đã hỏi rằng: “Khi ra trường rồi điều tuyệt vời nhất ở Phan trong bạn là gì?”. Là gì nhỉ?. Với tôi, có lẽ là tầng năm của ngôi trường có năm tầng...

T.T.H

Bài viết khác cùng số

Vàng ở Tourane - Đào Trọng KhánhChú chim non - Nguyễn Nho Minh UyênBetta tìm chủ - Lê Ngô Tường VyTầng năm - Năm tầng - Trần Thu HàCái giếng - Nguyễn Khánh ĐăngBạn tôi - Thái Nguyễn Khánh UyênĐông - Võ Thanh Nhật AnhTrại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi 2017Hứa hẹn nhiều trang văn mới mẻ - Trần Trung SángTình văn nghệ sĩ khu Năm - Quế HàCòn đó một Đà Nẵng xưa - Trần Trung Sáng“Hội chứng” ngầm Xò Lò - Cao Duy ThảoKhông chỉ mình tôi như thế - Đinh Thị Như ThúyNgọn đèn mẹ - Lê Anh DũngVượt sóng - Lê Thành MinhỪ thì em cứ xa - Ngân VịnhKhế nợ - Trương Đình ĐăngGọi mây về cho mưa - Nguyễn Thị Phương ThúyNgõ vắng - Phạm Thị Mỹ LiênNgày về P’rao - A Lăng Văn GiáoTa về ngày xa - Nguyễn Quỳnh AnhViết cho ngày sinh con - Sông HươngChiếc bóng lưu lạc - Lê Văn HiếuThơ Phan Duy NhânKhông gian văn hóa Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Thanh Tuấn…Đậm đà phong vị văn hóa miền Nam Trung bộ và các dân tộc Tây Nguyên - Đỗ Hồng QuânVài ý kiến về âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangÂm nhạc cho thiếu nhi cần được đầu tư sáng tác và cẩn trọng trong dàn dựng - Văn Thu BíchĐọc lại “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư - Mai Văn HoanĐọc “Người của một thời”: Nhớ một thời Hoa lửa và Sống đẹp - Trần NgọcBài thơ hay: Đà Nẵng gọi ta - Lưu Phương Định