Không gian văn hóa Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Thanh Tuấn

02.08.2017

Không gian văn hóa Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Thanh Tuấn

1. Giới thiệu

Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể kiến trúc với khoảng 70 đền tháp được xây dựng trong thời gian khoảng 7 thế kỷ liên tục (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII). Toàn bộ hệ thống kiến trúc của Thánh địa Mỹ Sơn nằm gọn trong một thung lũng có đường kính khoảng 2 km, thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Khu thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa xưa bao gồm nhiều cụm tháp được xây dựng theo cùng một nguyên tắc nhưng có tuổi thọ khác nhau. Ngay sau khi lên ngôi, các vị vua đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy và dâng cúng lễ vật. Để thể hiện lòng thành kính của mình với các vị thần, họ cho xây dựng thêm các đền thờ mới. 20 thế kỷ đã trôi qua dưới sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, hiện nay Mỹ Sơn vẫn còn giữ được gần 20 ngọn tháp, trong đó có một số tháp như: B5, C1, D1... còn gần như nguyên vẹn. Dưới sự trợ giúp của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trên khắp thế giới; sự nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam mà công tác tôn tạo và phục dựng cả phần vật thể lẫn phi vật thể vẫn không ngừng được duy trì và đẩy mạnh. Điều này tạo ra một không gian văn hóa Chămpa đặc biệt, vừa cổ kính, độc đáo nhưng cũng rất gần gũi, lãng mạn.

2. Không gian tình yêu và ân ái

Văn hóa lúa nước nói chung, văn hóa Chămpa nói riêng có đặc trưng là luôn gắn liền với tín ngưỡng phồn thực. Dưới sự tác động sâu sắc của tín ngưỡng phồn thực đã tạo ra cho Thánh địa Mỹ Sơn không gian tình yêu và ân ái độc đáo. “Tín ngưỡng phồn thực - tín ngưỡng cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người”1. Đây là niềm tin, là sự tôn sùng vào quá trình sinh sôi nảy nở ngày càng sung túc của cả con người và thiên nhiên. Nó còn là một biểu hiện sinh động của triết lý truyền sinh, nằm trong quỹ đạo tư duy lưỡng hợp. Trên cơ sở đó, phồn thực không chỉ là giao hòa giữa đực và cái, sự sinh sôi nảy nở giống nòi, sự giao hòa nam - nữ mà còn thể hiện khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, đông đúc, cộng đồng hùng cường, mùa màng tươi tốt.

Trong không gian trù phú của thiên nhiên quanh năm xanh tươi, tràn ngập hương sắc của muôn loài hoa lá, chim chóc và muôn thú, người Chăm xưa đã tạo ra một địa giới đặc biệt cho các biểu tượng: linga, yoni và vũ nữ apsara. Linga là một biểu tượng, tượng trưng cho bộ phận sinh thực khí của nam giới, yoni tượng trưng cho bộ phận sinh thực khí của nữ giới hiện hữu khắp mọi nơi trong toàn bộ không gian Thánh địa Mỹ Sơn. Các ngôi tháp có hình trụ thẳng đứng cường tráng được xây dựng trên nền móng chắc chắn có hình khối vuông như một biểu hiện của sự kết hợp, sự giao hòa giữa nam và nữ, giữa âm và dương, giữa trời và đất.

Trong lòng tất cả các ngôi đền, tháp đều có bệ thờ linga và yoni. Cả hai bộ phận này đều được chế tác bằng đá. Linga đặt thẳng đứng ngay chính giữa yoni. Tượng vũ nữ apsara đang mê say múa vũ điệu ngàn năm với bầu vú căng tròn, nõn nà, tuyệt diệu, cặp đùi săn chắc, đôi tay huyền diệu... xuất hiện khắp nơi như: mặt chính diện của tháp, hai bên cửa, quan tháp, các chi tiết trang trí... Cơ thể vũ nữ apsara là sự tổng hòa của hàng triệu đường cong tuyệt mỹ và quyến rũ. Đây là hiện thân của tình yêu mê đắm, của khát vọng yêu đương mãnh liệt. Vũ nữ apsara có khả năng làm bật dậy khí chất đàn ông trong mỗi con người bằng sức mạnh của nền văn hóa phồn thực hồn nhiên và bất diệt.

Tổng hòa các yếu tố: vị trí địa lý, thổ nhưỡng, kiến trúc đã tạo ra không gian văn hóa tràn ngập tình yêu và sự ân ái bằng không gian dịu mát, trong lành, yên tĩnh, cỏ cây xanh tươi đua nhau đâm chồi, nảy lộc, biểu tượng linga, yoni, vũ nữ apsara, những ngọn tháp được xây bằng gạch nung thủ công với kỹ thuật lắp ghép tỉ mỉ và tinh xảo bằng một chất kết dính kỳ diệu mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải mã một cách chính xác nó là chất gì. Cả quần thể tháp trầm mặc, uy nghi, kiêu hãnh trường tồn với thời gian là niềm tự hào của người Chămpa nói riêng và người Việt nói chung. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo thể hiện sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Chămpa tại QuảngNam.

3. Không gian tôn tạo

Dưới sự tàn phá của chiến tranh và sự tác động của thời gian, quần thể kiến trúc Mỹ Sơn đã bị tàn phá nặng nề. “Trong số gần 20 kiến trúc còn lại ở Mỹ Sơn, chỉ một số ngôi tháp là ít bị hư hại, còn phần lớn chỉ lưu lại cho chúng ta hôm nay hoặc một mảng tường, hoặc phần thân, hoặc dấu tích của phần nền móng”2. Nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội, kinh tế... quá trình tôn tạo, phục dựng Thánh địa Mỹ Sơn đã được tiến hành từ cuối thế kỷ XIX. Bằng các tài liệu và kết quả khảo cổ học của kiến trúc sư H. Parmenter, nhà khảo cổ học Olrpeaus mà việc trùng tu khu di tích này được thực hiện vào cuối những năm 1900. Tuy vậy, không bao lâu sau đó việc trùng tu bị dừng lại do tình hình chiến tranh giữa ViệtNamvà thực dân Pháp có nhiều diễn biến phức tạp và không có kinh phí. Năm 1938, các nhà khoa học Pháp quay trở lại cùng với công nhân người Việt tiếp tục trùng tu khu di tích với quy mô lớn hơn. Công việc chủ yếu của họ là sửa chữa những lớp gạch bị hư hại do tác động của thiên nhiên. Tuy vậy, những nỗ lực đó đã bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng.

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, đặc biệt là từ ngày 04 tháng 12 năm 1999, sau khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization - viết tắt là Unesco) công nhận là di sản văn hóa thế giới thì việc trùng tu khu di tích Mỹ Sơn mới được thực hiện một cách bài bản, quy mô và khoa học. Năm 2003, dưới sự điều phối của Unesco dự án “Bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn” được thực hiện trong vòng 10 năm (từ năm 2003 đến năm 2013) chia làm 3 giai đoạn với tổng kinh phí 1.633.993USD từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Italia.

Bên cạnh không gian tình yêu và ân ái, du khách đến Mỹ Sơn còn được đắm mình trong không gian tôn tạo với những nhà khoa học, kỹ sư, công nhân cần mẫn gọt, mài và lắp ghép từng viên gạch, từng chi tiết của mỗi ngọn tháp. Trải qua 10 năm thực hiện, Dự án “Bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn” đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế với nhiều kết quả đáng mừng. Dự án đã khai quật được diện tích 2.500m2 và tìm kiếm được hơn 5.000 mảnh vỡ rồi phân loại thành hơn 1.500 hiện vật. Những hiện vật quan trọng đã được phục chế, trưng bày tại các bảo tàng. Quan trọng hơn cả là dự án đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công chất kết dính tự nhiên từ nhựa cây dầu rái và tái tạo thành công mẫu gạch Chăm cổ dùng để xây tháp.

Trong không gian tôn tạo Thánh địa Mỹ Sơn, chúng ta không thể không nhắc tới vị kiến trúc sư huyền thoại đã dành mọi tâm sức, trí tuệ và tình yêu để tôn tạo, phục dựng quần thể tháp Chăm - Mỹ Sơn ở QuảngNam. Ông tên là Kazimiers Kwiatkowski người Ba Lan sinh năm 1944 mất năm 1997 đã gắn bó suốt 17 năm cuối đời tại nơi đây. Mọi viên gạch, đường nét và cây cỏ nơi đây đã trở thành một phần cuộc sống của ông. Điều kỳ diệu nhất mà chúng tôi được nghe những công nhân đang làm việc kể về ông là: trong suốt thời gian làm việc ở đây, ông đặc biệt gắn bó với một cô gái câm người Chăm. Hằng ngày, cả hai cùng không nói nhưng rất hiểu và thân thiết với nhau. Sau này khi lớn lên cô cùng học tiếng Kinh với Kazimiers và hai người bắt đầu trao đổi được với nhau theo cách riêng của họ... Cùng thời gian đó, cô tích cực giúp đỡ đoàn khảo sát gánh nước sinh hoạt và nhiều công việc khác. Không ai biết cô sinh ra ở đâu, lúc nào, muốn gì, cha mẹ là ai, cô buồn hay vui, cô mong muốn điều gì. Tất cả những điều họ biết chỉ là một cô gái câm, đen đúa, sống trong nghèo đói nhưng vô cùng đam mê và ngày đêm hồn nhiên múa điệu Apsara với đôi bầu vú trần như truyền thuyết về nàng Apsara được ngọc hoàng cử xuống trần gian dạy mọi người múa điệu apsara quyến rũ.

Thời gian dần trôi, cô bé câm ngày nào đã thành thiếu nữ say mê múa dưới ánh nắng mặt trời bên những đền tháp cổ kính. Đó là những giây phút diệu kỳ nhất mà Kazimiers có được ở đây. Vì muốn lưu giữ lại giây phút quý giá ấy, Kazic đã âm thầm vẽ bức tranh thiếu nữ múa điệu Apsara... Tuổi trăng tròn đến như một phép màu, cô gái hồn nhiên ngày nào giờ trở nên e thẹn và hay làm duyên. Một lần vô tình nhìn thấy chính mình trong bức tranh của Kazic cất giấu trong lòng tháp cổ với hình hài đen đúa, bộ áo quần tả tơi, ngực trần nhu nhú, nàng đã âm thầm bỏ đi... Từ đó Kazimiers không có đêm nào yên giấc, cứ nhắm mắt lại là ông lại nhìn thấy những vũ nữ Apsara ngọc ngà bước ra từ đá, ngực nhú cao, đôi mắt mơ màng, khuôn mặt và ánh mắt hoang dại, lặng lẽ múa. Khi Kazimiers chuẩn bị thức giấc, nàng lại từ từ biến thành đá bất động.

Kazimiers đến khảo sát và làm việc tại Thánh địa Mỹ Sơn từ năm 1980 nhưng thật không may, vào một lần đi công tác ở Huế, ông đột ngột qua đời do bệnh tim, bỏ dở khát khao phục chế quần thể tháp trở lại hiện trạng ban đầu. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Kazimiers còn cố dặn đi dặn lại các cộng sự của mình rằng: Tôi không thể nào rời xa Mỹ Sơn được. Dẫu là cái chết cũng không thể mang tôi đi khỏi nơi ấy. Hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn! Tôi muốn nhìn thấy cô gái của tôi quay trở về và nhìn thấy mọi người tiếp tục tôn tạo Mỹ Sơn.

4. Không gian hòa quyện giữa con người với thiên nhiên

Đêm Mỹ Sơn dần buông, cả thung lũng như lung linh huyền ảo trong tiếng hát bồng bềnh của ca sĩ người Chăm - Đàng Năng Đức: “Ngủ quên trong kiếp đá Apsara, bàn tay người nghệ sĩ hóa thân ngà. Trăm năm làm một thuở nỗi mơ nung nấu ngàn đời, nung nấu ngàn đời mãi không nguôi. Ngàn năm trong kiếp đá Apsara, bàn tay người vũ nữ nét thiên thần, trên môi cười điệu nghệ, hồn mở ra vóc dáng hình hài, phiêu lãng đường trần mãi trông chờ. Apsara, Apsara, Apsara, Apsara, sát na... Mai trở về cõi đá đường cong, xiêm áo vơi khơi khơi. Apsara, Apsara, Apsara, Apsara, sát na... cho nhân gian, đất trời nhớ thương. Apsara, Apsara, Apsara, sát na”... Giữa lúc mọi người bắt đầu nôn nóng vì sự chờ đợi thì những nàng Apsara bằng xương, bằng thịt xuất hiện ngay trước mắt, trên sân khấu nằm gọn trong quần thể tháp Chăm. Vũ điệu “Linh hồn của đá” khiến cho khán giả như ngây như dại… Tất cả tan biến, hòa quyện vào nhau, đắm say, ngây ngất theo từng ánh mắt, từng bước chân uyển chuyển trong nhịp trống Paranung của nàng Apsara. Tất cả như bị thôi miên vào một thế giới diệu huyền của nền văn hóa Chăm thời hưng thịnh chỉ còn lại tiếng kèn Saranai vang vọng khắp các sườn đồi...

Không gian văn hóa Chămpa được mở rộng về mọi phía khi tấm khăn màu cỏ úa che kín toàn bộ cơ thể của vũ nữ Apsara vừa được trút bỏ để lộ khuôn mặt kiều diễm, thân hình tuyệt mỹ, quyến rũ lạ thường của những vũ nữ dân tộc Chăm trong những điệu múa trên nền nhạc bài hát “Mưa bay tháp cổ” của nhạc sĩ Trần Tiến: “Trăm năm bước phù du. Hoang sơ tháp cổ... Hoang sơ vũ điệu xưa. Cong cong năm ngón ngũ hành. Trăm năm bước mộng du.Nammô nam mô nam mô nam mô Butda. Một vòng thôi miên thôi miên Apsara. Nhật nguyệt trên cao trên cao trên cao sáng tỏ. Em múa nghiêng ngả. Hoang sơ tháp cổ. Hoang sơ vũ điệu xưa. Nhật nguyện trên cao nhân gian dưới thấp cách xa.Nammô nam mô A di đà. Hoang sơ tháp cổ. Cong cong năm ngón ngũ hành. Nhật nguyệt trên cao nhân gian dưới thấp cách xa.Nammô nam mô a di đà.Nammô nam mô nam mô nam mô Butđa. Trăm năm em múa ngả nghiêng, ngả nghiêng, ngả nghiêng”. Trong không gian hòa quyện giữa thiên nhiên và con người ấy, hồn đá apsara trên các đền tháp rêu phong như đang rung chuyển, đang cựa mình sống dậy và lay động lòng người hôm nay...

Vũ điệu Apsara thường do ba hay bốn vũ nữ thể hiện với mục đích làm cho người xem có cảm nhận các nàng apsara được hồi sinh và bước ra từ các bức phù điêu bằng đá. Các động tác múa chậm, nhẹ nhàng, uyển chuyển đầy huyền bí và mê hoặc với các đường cong duyên dáng, ấn tượng được tạo hình từ các ngón tay, bàn tay, bàn chân... Khi điệu múa kết thúc các vũ nữ giữ tư thế bất động như những bức tượng đá được trùm kín bằng tấm khăn màu cỏ úa lúc mới xuất hiện, mang ý nghĩa trở về với đá, thiên nhiên và con người tan biến vào nhau để trở thành vĩnh cửu.

5. Không gian đam mê phát huy truyền thống văn hóa dân tộc

Trên đường vào thánh địa Mỹ Sơn, nếu để ý chúng ta dễ dàng nhìn thấy một vài lán nhỏ đơn sơ làm bằng cây lá tạm bợ với một người thợ mải mê tạo hình vũ nữ Apsara bằng đá núi Mỹ Sơn. Đặc biệt nhất trong số đó là anh Phạm Ngọc Xuân, người được sinh ra và lớn lên ở thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên. Anh cũng có một tuổi thơ hồn nhiên trong bạt ngàn đồi núi, đền tháp và nắng gió hoang sơ. Điều khác biệt duy nhất giữa anh và những đứa trẻ khác là anh không thể diễn tả được bằng lời tình yêu và những cảm xúc của mình với đền tháp cổ và nhất là nét duyên dáng ngọc ngà của những vũ nữ apsara và điệu múa huyền diệu này.

Tình yêu dành cho Mỹ Sơn và vũ nữ apsara ngày càng cháy bỏng khiến cho tuổi thơ anh phải gánh chịu nhiều trận đòn roi nặng nề từ người cha nghiêm khắc và nóng tính của mình. Vì mải mê trong lòng tháp với các phù điêu vũ nữ apsara để lạc mất bò, rồi sợ hãi không dám trở về nhà mà ngủ luôn trong lòng tháp... Những trận đòn đau đớn cứ diễn ra trong thinh lặng, không một tiếng khóc. Những trận đòn ấy không những không làm vơi bớt tình yêu anh dành cho Mỹ Sơn, cho Apsara mà ngược lại còn thổi bùng ngọn lửa đam mê trong lòng Xuân.

Mẹ của Xuân là một người phụ nữ chất phác nhưng ở bà là sự kết tinh những tinh túy của truyền thống dân tộc và nền văn hóa Chăm. Bà đã tâm sự thật lâu, kể cho con mình nghe về truyền thống, phong tục và lịch sử của vương quốc Chăm bằng thứ ngôn ngữ riêng của hai mẹ con bà. Như được tiếp thêm sức mạnh, từ đó Xuân càng đắm đuối hơn với những ngọn tháp, với các nàng vũ nữ đá trong tháp bằng thứ ngôn ngữ lặng câm của cô bé chăn bò xưa. Dần hiểu được tình yêu của con trai mình dành cho truyền thống dân tộc - dòng máu đã chảy từ ngàn xưa, qua biết bao đời ông cha, đến ông và bây giờ là đứa con trai câm lặng của ông. Đồng thời, ông cũng vô cùng hối hận vì những trận đòn đã vô tình làm tổn thương Xuân rất nhiều, ông quyết định gánh đất, chặt cây dựng một lán nhỏ nằm nép mình phía bên phải đường vào Mỹ Sơn cho con mình say mê khắc tạc dáng hình vũ nữ apsara.

Từ đó, trong Xuân như bừng dậy một sức sống và nghị lực mới. Tuy vẫn sống trong câm lặng nhưng tâm hồn anh trở nên thanh thản, nhẹ nhõm và cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống, yêu mọi người, yêu tất cả mà nhất là yêu Mỹ Sơn và những vũ nữ apsara rất nhiều. Anh làm việc trong say mê bằng tất cả tâm lực và tình yêu của mình. Mỗi khi có khách tham quan, Xuân chỉ ngước nhìn và nở một nụ cười thật hiền, thân thiện như một lời chào thân ái rồi lại đắm mình trong công việc... Những sản phẩm mà anh tạo ra bằng đôi tay khéo léo của mình được đặt ngay trên kệ gỗ trước mặt để tiện cho anh nhìn ngắm nó một cách thỏa thích.

Khách đến đây có thể tự chọn cho mình một sản phẩm làm quà lưu niệm. Điều đặc biệt là chẳng ai phải hỏi giá cả của sản phẩm vì người tạo ra sản phẩm này hoàn toàn bằng tình yêu và khát khao bảo tồn, quảng bá văn hóa dân tộc. Mỗi khi một sản phẩm được theo những đoàn lữ khách đi xa là anh cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì hình ảnh, văn hóa của quê hương được nhiều người biết đến. Du khách muốn để lại bao nhiêu tiền tùy khả năng đánh giá giá trị sản phẩm... Xuân vẫn chỉ nụ cười ấy cùng cái cúi đầu cám ơn. Anh không quan tâm tất cả, chỉ đắm đuối nhìn sản phẩm của mình thật lâu, thật đằm thắm thay cho lời từ biệt.

6. Kết luận

“Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” 3 luôn tồn tại trên một phạm vi địa lý và trong một không gian xác định. Sự tương tác phức hợp giữa tất cả các yếu tố trên tạo ra không gian văn hóa cụ thể. Với sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị vật thể, phi vật thể, các yếu tố tự nhiên, xã hội và con người đã tạo ra một không gian văn hóa Mỹ Sơn vừa mang đặc điểm chung của nền Văn hóa Chămpa vừa tạo ra được những giá trị riêng biệt, độc đáo chỉ có ở Mỹ Sơn - Quảng Nam. Không gian văn hóa Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam là sự hòa quyện tinh tế giữa nhiều lớp không gian khác nhau, trong đó quan trọng và nổi bật nhất là: không gian tình yêu và ân ái, không gian tôn tạo, không gian hòa quyện giữa con người với thiên nhiên và không gian đam mê phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

N.T.T

Bài viết khác cùng số

Vàng ở Tourane - Đào Trọng KhánhChú chim non - Nguyễn Nho Minh UyênBetta tìm chủ - Lê Ngô Tường VyTầng năm - Năm tầng - Trần Thu HàCái giếng - Nguyễn Khánh ĐăngBạn tôi - Thái Nguyễn Khánh UyênĐông - Võ Thanh Nhật AnhTrại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi 2017Hứa hẹn nhiều trang văn mới mẻ - Trần Trung SángTình văn nghệ sĩ khu Năm - Quế HàCòn đó một Đà Nẵng xưa - Trần Trung Sáng“Hội chứng” ngầm Xò Lò - Cao Duy ThảoKhông chỉ mình tôi như thế - Đinh Thị Như ThúyNgọn đèn mẹ - Lê Anh DũngVượt sóng - Lê Thành MinhỪ thì em cứ xa - Ngân VịnhKhế nợ - Trương Đình ĐăngGọi mây về cho mưa - Nguyễn Thị Phương ThúyNgõ vắng - Phạm Thị Mỹ LiênNgày về P’rao - A Lăng Văn GiáoTa về ngày xa - Nguyễn Quỳnh AnhViết cho ngày sinh con - Sông HươngChiếc bóng lưu lạc - Lê Văn HiếuThơ Phan Duy NhânKhông gian văn hóa Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Thanh Tuấn…Đậm đà phong vị văn hóa miền Nam Trung bộ và các dân tộc Tây Nguyên - Đỗ Hồng QuânVài ý kiến về âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangÂm nhạc cho thiếu nhi cần được đầu tư sáng tác và cẩn trọng trong dàn dựng - Văn Thu BíchĐọc lại “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư - Mai Văn HoanĐọc “Người của một thời”: Nhớ một thời Hoa lửa và Sống đẹp - Trần NgọcBài thơ hay: Đà Nẵng gọi ta - Lưu Phương Định