Còn đó một Đà Nẵng xưa - Trần Trung Sáng

02.08.2017

Còn đó một Đà Nẵng xưa - Trần Trung Sáng

Theo thống kê của các nhà chuyên môn, tính đến hiện nay, Đà Nẵng còn lại 16 công trình công cộng và khoảng 64 công trình nhà ở tiêu biểu được xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu, cổ truyền và Đông Dương (thời điểm từ năm 1900 đến năm 1954) đang có giá trị sử dụng và để lại dấu ấn nhất định trong đời sống văn hóa của người dân thành phố. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng: “Thật khó để hình dung đường Bạch Đằng - Liệu có còn là con đường đẹp nhất Đà Nẵng nếu không có sự hiện diện của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Tòa Thị chính, những ngôi nhà cổ...? Dù Đà Nẵng có tổ chức bao nhiêu cuộc thi thiết kế cảnh quan dọc sông Hàn, có bao nhiêu tòa nhà hiện đại, rực rỡ sẽ mọc lên đi nữa thì tất cả cũng không thể thay thế những vẻ đẹp kiến trúc thuộc vào hàng mẫu mực, cổ điển, tiêu biểu cách đây hàng trăm năm. Xưa nhưng không bao giờ cũ!”.

 

Trong một lần nào đó hối hả, ngược xuôi giữa những lòng phố mới nhộn nhịp, đông đúc, nếu tình cờ lạc vào một lối nhỏ khuất sau đường Phan Thanh, bạn sẽ thật bất ngờ, tưởng nhịp đời chừng đang chùng lại, khi đứng trước một ngôi nhà cổ kính rêu phong, như dấu lặng trong dòng nhạc tươi vui.

Cũng tựa các ngôi nhà cổ Hội An, ngôi nhà của ông Nguyễn Duy Khương (tổ 34, phường Thạc Gián, Đà Nẵng) có phần cấu trúc cơ bản tương đối còn nguyên vẹn. Nhà xây theo lối 3 gian, hai chái, với 20 cột, vĩ kèo chạm trổ tinh vi. Hai cột chính vẫn còn treo hai bức liễn chữ Hán chạm trên gỗ mừng tân gia ngày xưa. Nối liền ngôi nhà còn một bộ phận được cấu trúc bằng gạch vôi khá đồ sộ và đẹp mắt. Thời điểm ấy, ông Khương còn có một người chị cả (ngoài 90 tuổi) cùng sống với gia đình. Họ cho biết, từ nhỏ sinh ra ngôi nhà đã có từ lâu, nên dù chưa xác định rõ thời gian, vẫn có thể khẳng định được nó ra đời từ trên 100 năm. Thuở ấy Đà Nẵng còn hoang sơ lắm, nhiều người qua lại thường nhắc đến tên gọi “kiệt ông Hương” (tên của thân sinh ông Khương - người lập ra ngôi nhà) để làm mốc ám chỉ con đường ngang qua khu vực Bàu Thạc Gián đầy lau cỏ.

Cũng nằm trong khu vực Thạc Gián, còn có hai ngôi nhà cổ xây dựng cùng thời với nhà ông Khương (thuộc kiệt đường Đặng Thai Mai). Một ngôi nhà của chủ nhân tên Hối, và một nhà của ông Thủ Sắt (gần đây do ảnh hưởng việc sửa chữa quy hoạch, nên nhà ông Thủ Sắt đã tháo dỡ).

Ngôi nhà 84 Hoàng Diệu do ông Lê Ban làm chủ, lại thiết kế khá đặc biệt: phần tiền sảnh và các bờ tường xây ảnh hưởng nét kiến trúc Pháp, bên trong và các cửa ngõ lại cấu trúc bằng gỗ. Nhà này được xây dựng vào khoảng năm 1911. Có lẽ, đây là một trong những ngôi nhà tiêu biểu thiết kế đan xen giữa môtíp kiến trúc thời Đông Dương. Đặc biệt, ngôi nhà số 56 Trần Quốc Toản ở ngay trung tâm thành phố, đến nay vẫn giữ nguyên vẹn dáng dấp của một biệt thự thời xưa.

 Nhìn chung, phần lớn diện mạo kiến trúc làm nên một “Đà Nẵng xưa” thường mang dấu ấn sự hòa trộn hiện đại Pháp và truyền thống Việt được mang tên: Kiến trúc Đông Dương. Theo kiến trúc sư Ngô Huy Giao, từ khoảng năm 1888, khi người Pháp đã “vững chân” trên đất Đông Dương, họ thực hiện kế hoạch khai phá. Một bộ phận của kế hoạch này là xây dựng các công  trình kiến trúc ở các khu trung tâm tỉnh lỵ (tập trung nhiều nhất là Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế...). Charles Mayer viết trong Người Pháp ở Đông Dương 1860-1910 (Nxb Hachette, 1985 ): “Trên khuôn mẫu của một kiến trúc chính thức biểu hiện “sức mạnh và trí tuệ Pháp”, công việc xây dựng phát triển đều đều. Không quan tâm đến phong thủy, đến sự hài hòa với phong cảnh truyền thống, thậm chí đến cả việc thích nghi với điều kiện khí hậu. Họ cho xây cất những cái gì chắc chắn, to lớn, lâu bền: Sở Cảnh sát, Tòa Thị chính, Nhà Bưu điện, Kho bạc, Tòa án... và những thành lũy khác của một chính quyền nghiêm chỉnh”.

Hàng loạt Kiến trúc lớn được xây dựng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 theo phong cách cổ điển (châu Âu), khối hình nặng nề, bố cục đối xứng, trang trí phong phú, bề thế hoành tráng. Ở Hà Nội, tiêu biểu là Phủ Toàn quyền nay là văn phòng Chính phủ xây dựng từ năm 1900 đến 1905, dinh và Phủ Thống sứ Bắc kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng năm 1917), Tòa án, Bưu điện, nhà Đấu xảo (tức nhà Hội chợ bị phá hủy trong chiến tranh thế giới thứ hai, nay thay thế bằng Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô). Trụ sở Công ty Hỏa xa Vân Nam (nay là trụ sở Bộ Giao thông - Vận tải và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), Nhà hát lớn thành phố (1901-1911), các bệnh viện Bạch Mai, bệnh viên K, Đồn Thủy... Tại Đà Nẵng có thể dẫn chứng  nhiều kiến trúc theo phong cách này còn  tồn tại đến ngày  nay như: Bảo tàng Điêu khắc Chămpa, các trụ sở công quyền rải rác đường Bạch Đằng như UBND Thành  phố, UBMTTQVN, Tòa án Nhân dân...

Các công trình trên thường tuân thủ một quy luật nghiêm ngặt từ mặt bằng, mặt chính, hình khối, các thành phần cấu tạo, các họa tiết trang trí, các gờ chỉ... thường có tầng đế vững chắc (tầng hầm) làm nền cho các tầng trên. Rất phổ biến hệ thống cột to, mập tròn hoặc vuông cạnh với đủ các thành phần: chân cột, thân cột, đỉnh cột...Tất cả được nghiên cứu tỉ mỉ, công phu, tuân theo "thức" (odre), theo tỷ lệ kiến trúc cổ điển. Phong cách Đông Dương là sự hòa trộn yếu tố hiện đại và yếu tố truyền thống phù hợp khí hậu, tập quán thẩm mỹ người ViệtNam. Những năm gần đây các nhà văn hóa, kiến trúc từ nhiều trường phái khác nhau đánh giá rất cao phong cách này, được coi là thành công mà nói theo thuật ngữ ngày nay là: "Hòa nhập mà không hòa tan". Gần đây, tại một cuộc Hội thảo, PGS. TS.KTS. Trần Văn Khải đã có buổi trình bày về chủ đề "Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị", ông cho biết : “Có 2 phương pháp bảo tồn di sản kiến trúc - đô thị là: bảo tồn như một công trình kiến trúc thuần túy, áp dụng cho những công trình chỉ mang tính trưng bày hoặc bảo tồn như một vật thể sống, bao gồm bảo tồn công trình cùng với các yếu tố con người, môi trường vật chất xã hội, xét đến các cơ chế và yếu tố tạo ra sức sống của công trình. Dự án bảo tồn di sản chỉ bền vững khi có thể tự tạo ra nguồn thu để duy trì sự tồn tại của mình bằng việc tạo cho các công trình di sản một công năng hợp lý, phù hợp với nhu cầu bảo tồn và hình thức kiến trúc. Không nhất thiết phải khôi phục y nguyên công năng cũ nếu không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội mới”.

Cảm  ơn “Đà  Nẵng  xưa” đã  cho ta tìm  lại  những  ký  ức  rung động  của  một  thời  quá  khứ. Tuy nhiên, Kiến trúc, nghệ thuật tổng hòa, không chỉ thể hiện ở tâm hồn, tư duy khát vọng con người mà còn phản ánh phương thức sản xuất, trình độ khoa học kỹ thuật. Hy vọng các nhà  kiến trúc sẽ đem đến cho Đà Nẵng những không gian mới với những công trình tương lai phù hợp thẩm mỹ của một  thành  phố  hiện đại.

T.T.S

Bài viết khác cùng số

Vàng ở Tourane - Đào Trọng KhánhChú chim non - Nguyễn Nho Minh UyênBetta tìm chủ - Lê Ngô Tường VyTầng năm - Năm tầng - Trần Thu HàCái giếng - Nguyễn Khánh ĐăngBạn tôi - Thái Nguyễn Khánh UyênĐông - Võ Thanh Nhật AnhTrại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi 2017Hứa hẹn nhiều trang văn mới mẻ - Trần Trung SángTình văn nghệ sĩ khu Năm - Quế HàCòn đó một Đà Nẵng xưa - Trần Trung Sáng“Hội chứng” ngầm Xò Lò - Cao Duy ThảoKhông chỉ mình tôi như thế - Đinh Thị Như ThúyNgọn đèn mẹ - Lê Anh DũngVượt sóng - Lê Thành MinhỪ thì em cứ xa - Ngân VịnhKhế nợ - Trương Đình ĐăngGọi mây về cho mưa - Nguyễn Thị Phương ThúyNgõ vắng - Phạm Thị Mỹ LiênNgày về P’rao - A Lăng Văn GiáoTa về ngày xa - Nguyễn Quỳnh AnhViết cho ngày sinh con - Sông HươngChiếc bóng lưu lạc - Lê Văn HiếuThơ Phan Duy NhânKhông gian văn hóa Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Thanh Tuấn…Đậm đà phong vị văn hóa miền Nam Trung bộ và các dân tộc Tây Nguyên - Đỗ Hồng QuânVài ý kiến về âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangÂm nhạc cho thiếu nhi cần được đầu tư sáng tác và cẩn trọng trong dàn dựng - Văn Thu BíchĐọc lại “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư - Mai Văn HoanĐọc “Người của một thời”: Nhớ một thời Hoa lửa và Sống đẹp - Trần NgọcBài thơ hay: Đà Nẵng gọi ta - Lưu Phương Định