Đọc “Người của một thời”: Nhớ một thời Hoa lửa và Sống đẹp - Trần Ngọc

02.08.2017

Đọc “Người của một thời”: Nhớ một thời Hoa lửa và Sống đẹp - Trần Ngọc

 

Tác giả tập sách “Người của một thời” (*) là người đã từng đối mặt với mọi thử thách nghiệt ngã của cuộc sống nơi chiến khu, với sự hủy diệt lạnh lùng của đạn bom,... cùng biết bao đau thương không kể hết bằng lời của mất mát, của tang thương khi non sông bị xâm lược, bị chia cắt.

Tập sách đã khẳng định chỗ đứng riêng của mình trong Tủ sách “Đáp lời Sông Núi”. Một tủ sách chính thức ra đời vào dịp kỷ niệm 37 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29 tháng 3 năm 1975 - 29 tháng 3 năm 2012). Đại học Duy Tân là tổ chức khởi xướng, giữ vai trò chủ trì đề tài, chủ biên; phối hợp thực hiện đầu tiên có Nhà Xuất bản Trẻ, về sau có thêm một số Nhà Xuất bản khác.

“Người của một thời” được ra đời theo “mong ước của những người đã đi qua những biến cố dữ dội của đất nước”, nay “ghi lại đôi nét về chân dung của những người cùng thời, vốn có nhiều gắn bó với nhau, như những kỷ niệm không quên, như lòng tưởng nhớ của người còn sống, đối với người đã khuất và cả mong muốn trả được, trong muôn một món nợ đối với cuộc đời.

Đó là những người đã bao bọc chở che, những người bạn chiến đấu, những nhà giáo, những tu sĩ, những chính khách, những người lao động vất vả gặp tình cờ, trong những năm tháng khốc liệt ấy...

Họ có hoàn cảnh sống, nghề nghiệp tâm tư, suy nghĩ khác nhau. Nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm chung: Lòng Yêu Nước và khát vọng Hòa bình - Thống nhất Tổ quốc - như chia sẻ của hai tác giả Lê Công Cơ và Nguyễn Đông Nhật.

Từ câu chuyện của những ngôi nhà nhỏ ...     

Câu chuyện về những cái nhà hay ngôi nhà được chọn là những trang viết, mở đầu cho tác phẩm có độ dày gần 430 trang này.

Đó là hồi ức về những ngôi nhà mà những tháng năm lưu lạc rồi loạn lạc do chiến tranh dày xéo quê hương, mà các tác giả đã từng ở, từng có cơ duyên cảm nhận được, ...Không chỉ nói về ngôi nhà để ở bình thường, trang sách chuyển dần mạch câu chuyện sang ngôi nhà là “tấm bạt ny-lông cỡ 2,2 x 0,9 mét, 4 góc có dây để khi giăng võng xong thì tấm bạt ấy được căng lên phía trên võng. Trở thành mái nhà giữa rừng cho những chiến sĩ giải phóng quân và những người thoát ly theo kháng chiến”.

Và dù là nhà gì đi chăng nữa, nhà tranh, chòi tranh hay nhà lợp bằng các loại lá khác; nhà vách đất, vách ván, nhà tre, thì “trên những nơi anh từng đi qua, những ngôi nhà hiện ra, như một bằng chứng im lặng về cuộc sống của người dân Việt”.

Có ngôi nhà trú nắng mưa, phòng thú dữ với người ở giữa rừng đã là điều quá hạnh phúc... Nhưng rồi thời tiết  đến lúc chuyển mùa... Để chống lại cái lạnh khắc nghiệt của núi rừng, mọi người đều mắc võng quanh bếp lửa để giấc ngủ được “tiếp giấc” dưới mái nhà. Bếp lửa là ba súc gỗ tươi chụm đầu vào nhau, tương trợ cho nhau để lửa khỏi tắt. Về khuya, gỗ cháy lụi dần, phải trở giấc, đẩy các súc củi luôn chụm đầu vào nhau, nuôi cho ngọn lửa cháy âm thầm đến sáng. Những khúc gỗ sưởi ấm đêm qua, kỳ diệu thay, là thanh gỗ tươi. Dùng gỗ khô, tàn tro sẽ bay đầy nhà. Rừng Trị-Thiên có loại cây gồi rất dễ bắt lửa. Trời đang mưa, chẻ cây gỗ tươi này thành từng lóng nhỏ lẻ, vẫn nhen được lửa.

Một kỷ niệm đi theo người thoát ly nay được kể lại đầy thi vị.

Và các tác giả kết luận: Dù là những căn chòi tạm bợ hoặc chỉ là những hang động... Cho đến khi mà NHÀ trở thành một biểu tượng của ước mơ và hạnh phúc của con người, thì ngôi nhà có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Và vì tất cả những ý nghĩa quan trọng và tốt đẹp ấy, nếu bị bắt buộc phải mất NHÀ thì đó là điều đau khổ lớn nhất. Và dường như đối với nhiều dân tộc, NHÀ không chỉ là nơi trú ngụ, NHÀ còn là quê hương - đất nước.

Không ai thử đếm được, có bao nhiêu ngôi nhà như thế, ở ViệtNam, đã bị bom đạn xóa mất trong cuộc chiến tranh vừa qua...!

“Và khi cái mái lá đơn sơ mà cha anh đã đổ bao mồ hôi mới tạo dựng được; khi người mẹ thân yêu của anh bị những tên lính mắt xanh xả súng bắn chết; khi đất nước - ngôi nhà lớn của biết bao người - bị dày xéo dưới gót giày của quân đội ngoại bang thì việc duy nhất anh phải làm là gì?... Câu trả lời giản dị nhất và hợp lý nhất, có lẽ là: Cầm lên bất cứ thứ gì anh có được để chống lại bạo lực, để bảo vệ những gì thân yêu nhất, gần gũi nhất. Ở đây, không có tác động của bất kỳ lý thuyết hoặc chủ nghĩa nào chi phối mà điều duy nhất có thực, ấy là nỗi đau của trái tim người. Trái tim bé nhỏ đang bị nanh vuốt của chiến tranh

vò xé!”.

Đây cũng chính là chiếc chìa khóa diệu kỳ mở ra những cánh cửa, giải mã cho nhiều câu chuyện được kể tiếp ở các trang sau..., giải mã hành động của những nhân vật, mà lần đầu tiên, tập sách này, giúp người đọc có một cái nhìn đầy đủ hơn về chân dung của một thế hệ.

Khi NHÀ đã mất... và sự lựa chọn của những người trẻ thời ấy 

Câu chuyện được kể tiếp là thời điểm tháng 11/1962, những ngày Thuận An (Huế) biển động triền miên. Còn trên bờ biển này, cũng đang diễn ra một chuyện động trời khác (trong nguyên tác, các tác giả viết là làm chuyện “vá trời”): Con người lại hành động “để chống lại bạo lực, để bảo vệ những gì thân yêu nhất, gần gũi nhất”, với một việc làm kinh động là hội tụ về Thuận An để “thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh - Sinh viên Giải phóng Trung Trung bộ”.

Để rồi, trong số những người có mặt trên bãi biển Thuận An ngày ấy, cùng đồng đội, cùng đồng chí của mình, tiếp tục làm những chuyện động trời như cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trên vọng lâu ở cửa Thượng Tứ (Huế) vào lúc 5 giờ sáng ngày 1/5/1964.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân; Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, cờ giải phóng đã thêm hai lần nữa bay phấp phới trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu. Nếu hai lá cờ này do chính các chiến sĩ quân giải phóng, tiến vào giải phóng Huế, trực tiếp treo, vào Mùa Xuân 1975, có những lá cờ được treo tại Tỉnh đường Thừa Thiên-Huế (nằm trên trục đường chính của tả ngạn dòng Hương Giang, đường Lê Lợi) hay được treo tại Quận đường Phú Vang,... đều do những thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh - Sinh viên Giải phóng Trung Trung bộ, trực tiếp treo.

Trong đó, lá cờ được treo tại Quận đường Phú Vang, có một tình tiết mà sau này nhiều đoàn làm phim, đoàn nhà văn từ miền Bắc (hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ) vào Nam, mở những chuyến thâm nhập thực tế đến chiến trường khốc liệt để sáng tác, đã say sưa tìm hiểu. Đồng thời nhân vật làm nên tình tiết ấy, cũng trở nên gần gũi làm sao với một trong hai tác giả.

Đó là câu chuyện cô sinh viên Nguyễn Thị Lộc trong lực lượng nội thành đã xé mấy chiếc áo dài của mình để kịp may lá cờ Mặt trận Giải phóng treo trong dịp giải phóng Huế (**).

Nhà văn Nguyễn Khải nghe chuyện đã cất công đi tìm hiểu để rồi “khoe” trong Đoàn “Tôi sẽ viết một bài ký, nhan đề là “Bốn phía cờ bay”, phản ảnh cái khí thế tiến công và nổi dậy của  bộ đội và quân dân ta. Nghe vậy, Nhà văn Lê Lựu chỉ biết bày tỏ: Ông nhanh thật, tôi sẽ phải tìm đề tài khác mới được!

Một chân dung tuổi trẻ “thế hệ 9 năm”

Cũng từ đây, “chân dung của một lớp người trẻ tuổi biết sống. Và đã chọn một cách sống đúng với tiếng gọi của dân tộc và thời đại: SỐNG QUÊN MÌNH”, được phác họa đến làm rõ từng đường nét. Các tác giả cũng tặng những chân dung ấy mỹ từ NHỮNG THÁNH GIÓNG CỦA NHÂN DÂN.

Đó là những Thánh Gióng có đôi mắt bao giờ cũng “tươi nét sáng trong và hào hoa”, “cái ánh sáng” của ngững người “giờ đây không còn nữa”, nhưng chính họ “đã từng đốt lên bằng cả cuộc đời mình. Như hy vọng về một ngày mai của dân tộc Việt”.

Trong Người của một thời, bên cạnh những chân dung đã trở thành nhân vật của truyền thông quốc tế và trong nước, như Bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế - người được nhắc đến khá đậm nét trong bộ phim lịch sử chiến tranh nổi tiếng “Việt Nam-Một thiên lịch sử bằng truyền hình/Vietnam A Television History” (nguyên tác là nghiên cứu khảo luận của Nhà Sử học, Nhà báo nổi tiếng Hoa Kỳ, Stanley Karnow, cuốn “Vietnam: A History”),... còn có những người “cũng nổi tiếng” mà lần đầu, qua tập sách này, độc giả mới có dịp tiếp cận.

 “Bức chân dung dở dang” là một đơn cử.

Các tác giả đã “thưa thật về bức chân dung của một con người” được phác họa chỉ “trên những chi tiết rời rạc quá ít ỏi”, cuối cùng, “đành liều lĩnh thử phác họa đôi nét thô-nhạt về chân dung Thầy Trương Văn Thông, qua vài chi tiết trong dăm lá thư còn lại mà Thầy đã viết gửi cho vợ con, trong những ngày tháng bị giam cầm ở các nhà lao Đà Nẵng, rồi bị đày ra Côn Đảo”.

Là Nhà giáo ái quốc, thoát ly tham gia kháng chiến, bị địch bắt, chịu cảnh tù đày, rồi trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Năm 1954, lẽ ra được tập kết ra Bắc, nhưng lại không đi được, Thầy quay về lại Đà Nẵng và phải chịu cảnh “Tố Cộng-Diệt trừ tận gốc mọi mầm mống Cộng sản” vô cùng tàn ác và đẫm máu của anh em nhà họ Ngô đang diễn ra trên một nửa đất nước.

May mắn lắm, “người cán bộ kháng chiến 9 năm” ấy mới không bị phát hiện, để rồi, từ năm 1960, Thầy tiếp tục “nối lại đường dây”, đảm nhận trách nhiệm của Hội Giáo chức Giải phóng Đà Nẵng (một tổ chức mà chỉ cần nghe đến cái tên, cũng đủ để nhà cầm quyền lúc đó đày tất cả hội viên ra Côn Đảo).

Giai đọan 1964-1968, trong ngôi nhà không lấy gì rộng rãi lắm (ở địa chỉ ngày nay là số nhà 66, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đà Nẵng), vợ chồng Thầy đã nuôi giấu nhiều cán bộ. Không thể nào ghi và tả hết được những nguy hiểm mà vợ chồng Thầy cùng gia đình phải chịu đựng trong 4 năm ấy.

Thầy Trương Văn Thông còn nổi tiếng là to gan, lớn mật khi dùng chiếc xe Vespa Italia chở ông Ba Phước (tức đồng chí Hồ Nghinh, lúc đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thuộc Khu ủy V) ra khỏi Đà Nẵng một cách an toàn. Những người chứng kiến nhớ và kể lại câu chuyện này không khỏi rùng mình vì lúc đó, nhà cầm quyền treo thưởng với số tiền rất lớn cho bất kỳ ai “chỉ điểm hay bắt Ba Phước tức Hồ Nghinh giao nộp cho nhà chức trách quốc gia”.  Thầy Thông chở ông Ba Phước ung dung ra khỏi nội thành Đà Nẵng, giữa lúc cả một bộ máy mật vụ, chiêu hồi, cảnh sát, an ninh, tình báo, quân đội ngụy quyền đang giăng lưới truy lùng ráo riết, quyết bắt cho được người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng trong chiến tranh.

Chưa hết, gia đình Thầy còn có nhiều “kỷ niệm” nhắc lại là nổi da gà với nhiều cán bộ lãnh đạo trong kháng chiến như ông Hà Kỳ Ngộ (lúc đó là Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thuộc Khu ủy V, sau đó là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, phụ trách đấu tranh chính trị), ông Phan Duy Nhân (cán bộ cốt cán của phong trào học sinh, sinh viên đô thị miền Nam, hoạt động trực tiếp ở Đà Nẵng và Thành phố Huế. Ông là hình mẫu của nhân vật nhà thơ Phan Trịnh trong tiểu thuyết: ”Học phí trả bằng máu” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Sau ngày giải phóng ông làm Phó Trưởng ban, Ban Dân vận tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), rồi Quyền Trưởng ban, Ban Tôn giáo Trung Ương).

Dường như các tác giả, đã thổn thức rất nhiều, khi hạ bút, viết những dòng cuối cùng để kết thúc Bức chân dung dở dang: Thầy Trương Văn Thông đã yên nghỉ, “không ai tạc tượng để thờ phụng một con người bình thường, nhưng ra đi, để lại tình cảm quý trọng trong lòng người thân quý, có gì tốt đẹp hơn”. Bức chân dung có lẽ... đã bớt đi những dở dang, thô-nhạt, bởi câu chuyện đã kết thúc trọn vẹn, có thủy, có chung và rất có hậu.

Và một chân dung thế hệ “hoa lửa” ...

Mạch chuyện chuyển sang Một tâm hồn mơ mộng thì lại mang màu sắc khác, độc giả được người dẫn chuyện dẫn dắt, từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Tháng 2/1963, Nguyễn Lương Y - nhân vật chính của câu chuyện - theo lệnh động viên của chính quyền Sài Gòn lúc đó, phải đi học sĩ quan tại Thủ Đức. Tổ chức cách mạng thấy rằng đây là dịp tốt cho công tác sau này của anh, nên khuyên anh chấp nhận. Anh tốt nghiệp thủ khoa và được trao kiếm danh dự, được phân về làm việc ở Đà Nẵng tại trụ sở Tư lệnh Quân đoàn I, nhiệm vụ chính danh là Thư ký của Trung tướng Nguyễn Chánh Thi. Một chức danh mà thời ấy, nếu muốn phải chạy tiền và phải có một nhân thân đủ để tin cậy.

Lúc này, ý thức trách nhiệm của một công dân khi đất nước bị xâm lược, bị chia cắt, đồng bào mình bị tàn sát hết đợt càn này đến đợt càn khác trỗi dậy trong lòng Nguyễn Lương Y mãnh liệt. Sao không trỗi dậy được, khi “đau xót thay kẻ giết dân mình cũng là dân mình - nhưng dân mình cầm súng cho ngoại bang và bắn lại đồng bào mình”.

Cùng lúc này, người anh ruột là Nguyễn Lương Ý đã móc nối thành công để anh nhận nhiệm vụ từ ông Hồng Quang (lúc đó là người trực tiếp lãnh đạo mảng đô thị Đà Nẵng của Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà). Nguyễn Lương Y đã bằng “thân thế” của mình lúc đó vẽ cụ thể bản đồ sân bay Đà Nẵng và sân bay Nước Mặn; thu thập, cung cấp thông tin tình báo rất quý về các mặt hoạt động của Quân đoàn I,... Anh đã đóng góp rất lớn cho trận đánh của quân Giải phóng vào 2 vị trí quân sự quan trọng này. Và Nguyễn Lương Y còn táo bạo khi dùng xe Jeep nhà binh của mình, chở ông Hà Kỳ Ngộ (lúc đó là Phó Bí thư Thường trực thành ủy Đà Nẵng thuộc Khu ủy V, Bí thư là ông Hồ Nghinh) đi quan sát các sân bay trước khi đánh...

Một trong hai tác giả của tập sách (Nhà giáo Lê Công Cơ, lúc đó hoạt động trong nội thành với bí danh là Ngọc), thông qua mạng lưới của mình, đã nhờ các anh chị học sinh, sinh viên trong phong trào đến báo tin “ Y phải đi trốn gấp, địch có thể ập đến, bắt Y bất cứ lúc nào...”. Song, mọi ứng phó đã không còn kịp nữa.

Sau một thời gian giam cầm, áp dụng đủ mọi biện pháp tra tấn và đạt đến mức cực đỉnh của nhục hình, địch đã đem 2 anh em Nguyễn Lương Ý - Nguyễn Lương Y ra bãi biển Xuân Thiều thủ tiêu. Nhiều năm sau chiến tranh, qua nhiều manh mối, chỉ dẫn, cuối cùng như một cơ duyên, gia đình mới gặp được cụ bà đã chứng kiến cuộc thủ tiêu chiến sĩ cộng sản man rợ của kẻ thù.

“Chập chạng hôm đó (30/3/1966), khi trời còn lờ mờ, con chó nhà sủa dữ. Tui hé cửa ra dòm, thấy họ lôi 2 người đàn ông xuống khỏi xe... Sáng ra, thấy bãi cát chỗ nớ như mới bị đào lên rồi chôn lấp vội... Biết những người bị chết như rứa linh lắm, tui cố nhớ chỗ họ nằm. Tối tối, tôi thắp nhang, cầu vái cho họ siêu thoát...” - Bà cụ kể lại.

Khi khai quật để di dời đưa thi thể hai người thân về nghĩa trang quê nhà, dù đã xác định đúng đó là người thân của mình, trong niềm vui vô bờ, gia đình hai ông Nguyễn Lương Ý - Nguyễn Lương Y không khỏi xót xa khi 2 bộ xương (còn lại) đã bị trói bằng dây diện. Và cũng xin nói thêm một điều đau lòng khác: ông Nguyễn Lương Ái (em của 2 ông Ý và Y) cũng bị giết hại, dù ông Ái không tham gia hoạt động cách mạng. Địch đã điên cuồng trả thù 2 trận đánh của quân Giải phóng vào 2 cứ điểm quân sự, mà người đã chỉ dẫn cho thắng lợi đó của “đối phương” lại là Thư ký riêng của Tướng tư lệnh Quân đoàn.

Câu chuyện đến đây, tưởng chừng như, 2 tác giả đã hoàn thành công việc của nghề viết (hỏi, nghe, ghi chép và viết). Nếu chỉ vậy thì Người của một thời cũng chỉ là một tập sách, mà trong đó là tập hợp các ký sự chân dung, bút ký, hồi tưởng, hoài niệm... Đọc lại và đọc chậm một chút mới cảm nhận điều sâu xa, thầm kín: Một tâm hồn mơ mộng là một trong những nén tâm nhang mà khi thắp lên, 1 trong 2 tác giả đã không khỏi “rưng rưng” trong lòng. Nguyễn Lương Y là người đã được tác giả (Lê Công Cơ) giác ngộ trong cuộc gặp gỡ ở bến Chương Dương - Sài Gòn, 1960.

Và Nguyễn Lương Y đã làm đúng điều anh đã hứa: Mình sẽ đi với cách mạng đến phút cuối...

Sống đẹp và những trăn trở cuối dòng

Đọc Người của một thời, chân dung đậm - nhạt của một thế hệ “dám chấp nhận gian khổ, tù đày, bị tra tấn và bị thủ tiêu lúc nào không hay, để đi với cách mạng đến phút cuối” hiện lên lần lượt. Không ít người chưa hề được sử sách, báo chí nhắc đến (dù mỗi tấm gương hy sinh lẫm liệt ấy, xứng đáng được như thế); và do vậy, cũng chỉ có người trong cuộc, người đã từng “nằm gai, nếm mật, cùng hoạt động ở nội thành, hay sống ở bưng biền, vui đời chiến khu” mới biết, nay kể lại.

Tập sách góp phần làm phong phú thêm cho chứng tích của cuộc chiến tranh mới “im tiếng súng” cách đây 42 năm. Nhưng dư âm và hậu quả của nó thì vẫn còn vang vọng.

Người của một thời có những trang viết rất dữ dội và đầy nghiệt ngã về chiến tranh.

Đọc đoạn dạo đầu đã thấy đau quặn cả ruột, nhưng các tác giả của tập sách vẫn đẩy câu chữ lên cao trào ở phần sau: Ở đâu trên mảnh đất đau thương này mà không có những nấm mồ của những liệt sĩ vô danh ? Đấy là những người có được một nấm mồ. Còn biết bao nhiêu người đã chết mà không tìm được hài cốt (?). Một thống kê vào tháng 7/2014 (nghĩa là sau hàng chục năm tìm kiếm, quy tập), cả nước vẫn còn 214.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.

Những nấm mồ vô danh hay cả những thi thể không còm tìm thấy, giờ đây đã rã tan trong đất, giờ đây vẫn còn lại ký ức. Ký ức là lịch sử. Và lịch sử đôi khi được viết bởi những người dân thôn chài (Đọc “Sợ, mà thương lắm” - Người của một thời, trang 289-308).

Người của một thời còn đáng được trân quý khi công bố những tư liệu quý, những câu chuyện giờ mới biết. Đó là câu chuyện nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn ở Huế. Những cứ liệu và lời kể của chính người trong cuộc rằng, Huế được giải phóng ngày 25/3/1975 (chứ không phải 26 tháng 3 như xưa nay công bố). 

Tư liệu đáng quý khác là lịch sử ra đời của Quốc kỳ Việt Nam ngày nay và những điều vô cùng thú vị: Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi viết “Sao vàng 5 cánh mộng hồn quanh” một bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” của Bác), Nhạc sĩ Văn Cao (khi viết Tiến quân ca “Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phất phới”) lại...”đều chưa tận mắt thấy” (hoặc thấy qua hình ảnh, tranh vẽ) “lá cờ đỏ Sao Vàng lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11/1940 (trích tài liệu của Tỉnh ủy Mỹ Tho - Đảng Cộng sản Việt Nam)”, Nhà văn Sơn Tùng bảo: Các vị đều có sự gặp gỡ tâm linh không ai giải thích được.

Nhìn lại thế hệ mình, các tác giả đầy tự hào (và có quyền tự hào) về “Chân dung của một lớp người trẻ tuổi biết sống. Và đã chọn một cách sống đúng với tiếng gọi của dân tộc và thời đại: SỐNG QUÊN MÌNH”.

Sống quên mình trong hoàn cảnh “Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam Việt Nam và dội bom ác liệt lên miền Bắc đã dẫn đến những phong trào chống Mỹ, đòi hòa bình, tố cáo tội ác chiến tranh ... vô cùng mạnh mẽ tại khắp các đô thị miền Nam”, có lẽ và có thể là - hai tác giả Lê Công Cơ-Nguyễn Đông Nhật nhấn mạnh: Hiện tượng duy nhất trong lịch sử loài người!

“Một cuộc chiến kéo dài 20 năm giữa những người không một tấc sắt trong tay với một đối phương được trang bị đầy đủ các phương tiện đàn áp, giết chóc. Đến nay, dường như vẫn chưa có những tác phẩm phản ảnh được nhiều khía cạnh của cuộc đấu tranh này.

Từ lâu, nhiều người đã hỏi và chờ đợi.

Một câu hỏi bật ra, liệu thế hệ ngày ấy, không dám xuống đường, không dám đấu tranh chống lại ngoại xâm và cường quyền, không dám từ bỏ cuộc sống đang ấm êm bình yên; không biết chấp nhận cái khắc nghiệt, thậm chí là khắc nghiệt đến mức tước đoạt cả quyền được sống, để đi theo tiếng gọi của khát vọng dân tộc,... thì “đất nước đã đi xuống cái hố sâu nào?”, và rằng “tại sao cứ chạy theo kinh tế đơn thuần, không tập trung cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục về đạo làm người, giải quyết những nguy cơ mà Đảng, Nhà nước đã trông thấy từ lâu? Tại sao không xem sự tồn vong của đất nước là vấn đề sinh tử? Tại sao những cái xấu cứ tiếp tục xảy ra và phát triển đến mức báo, đài phải lên tiếng báo động liên tục? Tâm trạng ấy nào phải của riêng ai. Nghĩ suy này phải đâu là sự riêng lẻ. Nhiều đêm, nước mắt cứ ứa ra giữa bao trăn trở (Tôi sinh ra ở Cẩm La - Người của một thời)”.

Người của một thời, cuốn sách đầy ắp những tưởng nhớ và trăn trở.

T.N

Bài viết khác cùng số

Vàng ở Tourane - Đào Trọng KhánhChú chim non - Nguyễn Nho Minh UyênBetta tìm chủ - Lê Ngô Tường VyTầng năm - Năm tầng - Trần Thu HàCái giếng - Nguyễn Khánh ĐăngBạn tôi - Thái Nguyễn Khánh UyênĐông - Võ Thanh Nhật AnhTrại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi 2017Hứa hẹn nhiều trang văn mới mẻ - Trần Trung SángTình văn nghệ sĩ khu Năm - Quế HàCòn đó một Đà Nẵng xưa - Trần Trung Sáng“Hội chứng” ngầm Xò Lò - Cao Duy ThảoKhông chỉ mình tôi như thế - Đinh Thị Như ThúyNgọn đèn mẹ - Lê Anh DũngVượt sóng - Lê Thành MinhỪ thì em cứ xa - Ngân VịnhKhế nợ - Trương Đình ĐăngGọi mây về cho mưa - Nguyễn Thị Phương ThúyNgõ vắng - Phạm Thị Mỹ LiênNgày về P’rao - A Lăng Văn GiáoTa về ngày xa - Nguyễn Quỳnh AnhViết cho ngày sinh con - Sông HươngChiếc bóng lưu lạc - Lê Văn HiếuThơ Phan Duy NhânKhông gian văn hóa Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Thanh Tuấn…Đậm đà phong vị văn hóa miền Nam Trung bộ và các dân tộc Tây Nguyên - Đỗ Hồng QuânVài ý kiến về âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangÂm nhạc cho thiếu nhi cần được đầu tư sáng tác và cẩn trọng trong dàn dựng - Văn Thu BíchĐọc lại “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư - Mai Văn HoanĐọc “Người của một thời”: Nhớ một thời Hoa lửa và Sống đẹp - Trần NgọcBài thơ hay: Đà Nẵng gọi ta - Lưu Phương Định