Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông ở làng Nam Ô - Huỳnh Thạch Hà

05.06.2015

Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (hay cá voi) là một loại hình tín ngưỡng tâm linh khá đặc thù của ngư dân ven biển nước ta kéo dài từ Thanh Hóa vào đến tận Kiên Giang. hầu như các làng chài ven biển đều có các lăng, miếu thờ cúng cá Ông với những nghi thức cúng tế hết sức trang trọng. Ngư dân xem cá Ông là con vật thiêng phù trợ cho họ trong đời sống hàng ngày với niềm tin mạnh mẽ. Niềm tin về vị thần Nam Hải đã dẫn đến hình thành các nghi lễ, phong tục, hội hè mang đậm tính nhân văn và sắc thái của từng địa phương vùng duyên hải. Ở Đà Nẵng, tục thờ cúng cá Ông của ngư dân làng Nam Ô cũng nằm trong dòng chảy chung của tín ngưỡng này nhưng mang những sắc thái riêng.

Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông ở làng Nam Ô - Huỳnh Thạch Hà

Lịch sử hình thành cư dân làng Nam Ô

Nam Ô là một ngôi làng cổ nằm bên vịnh Đà Nẵng (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), có bề dày về lịch sử và văn hóa. Trước đây, làng Nam Ô là vùng đất thuộc vương quốc Champa, khoảng đầu thế kỷ XIV, nhất là sau khi Chế Mân (vua Chăm) dâng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt vào năm 1306 để cưới công chúa Huyền Trân thì những di dân người Việt vào định cư trên vùng đất này.

Gần 150 năm sau, trong cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông (1471), rất nhiều cư dân người Việt ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,... tiếp tục vào vùng đất “ô châu ác địa” này để sinh sống. Đến năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Đàng Trong thì các đợt di dân vào vùng đất mới diễn ra ngày càng nhiều và phát triển hết sức mạnh mẽ.

Nhiều thế kỷ trôi qua, với biết bao biến thiên và thăng trầm của lịch sử, kể từ khi được thành lập đến nay, cho dù diện tích của làng Nam Ô không còn rộng lớn như trước mà chỉ còn là một ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên vịnh Đà Nẵng, nhưng tên làng Nam Ô vẫn được giữ nguyên không hề thay đổi.

Trước đây, Nam Ô là một làng quê nghèo, đời sống kinh tế của người dân hết sức khó khăn. Do không có đất sản xuất nông nghiệp nên người dân Nam Ô chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá ven sông, ven biển và một số nghề như làm nước mắm, làm pháo. Từ khi Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ban hành Chỉ thị số 406-TTg vào ngày 8.8.1994 “về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo” thì người dân Nam Ô tập trung vào việc khai thác thủy hải sản và khôi phục làng nghề làm nước mắm của mình.

Ở Nam Ô, nghề đi biển đã có truyền thống lâu đời, gồm hai hình thức chính là đi khơiđi lộng. Đi lộng là hình thức đánh bắt gần bờ, thời gian thường bắt đầu từ 5, 6 giờ chiều, đến 4, 5 giờ sáng ngày hôm sau thì về, ngư cụ thường dùng là lưới, sản phẩm đánh bắt được chủ yếu là các loài cá, tôm, cua, ốc, mực nhỏ, công việc này diễn ra quanh năm; còn loại hình đi khơi thì thường dành cho các phương tiện đánh bắt lớn, hiện đại. Đi khơi chủ yếu là đi tập thể từ 7 đến 15 người, thời gian mỗi chuyến ra khơi có thể từ 15 đến 20 ngày, có khi cả tháng. Sản phẩm đánh bắt được thường là các loại cá, tôm, mực lớn… Việc đi khơi phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên thời gian thường diễn ra ít hơn. Chính hoạt động đánh bắt và khai thác thủy hải sản của ngư dân làng Nam Ô tự bao đời qua phần nào đã cung cấp một lượng thực phẩm lớn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong vùng và các địa phương lân cận.

Vùng đất Nam Ô đã trải qua nhiều thế kỷ hình thành và biến đổi, do đó đời sống văn hóa tín ngưỡng của cư dân nơi đây luôn gắn liền với quá trình hình thành, phát triển, với lịch sử sinh tồn và cư trú của người dân. Ở Nam Ô, ngư dân trong làng quanh năm bám trụ với sóng gió trên biển, vì vậy ngoài các hình thức thờ cúng gia tiên, các vị tiền hiền, nhân thần, thiên thần… thì một hình thức tín ngưỡng gắn liền với nghề biển, có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tinh thần của họ, được họ lưu giữ bao đời nay là tín ngưỡng thờ cúng cá Ông.

Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông làng Nam Ô

Theo các nhà khoa học thì cá voi/cá Ông là một loài động vật có vú, sinh con và thở bằng phổi. Cá Ông thích nghi với đời sống ở biển ôn đới cũng như hàn đới, là một sinh vật to lớn với thân hình đồ sộ, thể trọng có thể đến 120 - 150 tấn. Vì thở bằng phổi nên từ 3 đến 5 phút, cá Ông phải ngoi lên mặt biển để thở, hấp thụ ôxy, đồng thời cá Ông có tập tính hay bơi theo thuyền đánh cá của ngư dân, nhất là khi có sóng to gió lớn cho đến tận gần bờ mới rời thuyền bơi ngược lại ra biển khơi. Chính điều này có liên quan đến việc cá Ông cứu người hay ghe thuyền bị nạn giữa biển khi có gió to và bão.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: “Cá Ông voi: đức ngư (theo tên đời Tự Đức ban cho), đầu tròn, trên trán có lỗ phun nước sắc đen, nhẵn nhụi không vẩy, đuôi chẻ ra như con tôm, tính hiền lành hay cứu người. Đầu đời Minh Mệnh cho tên là nhân ngư, đầu đời Tự Đức cho đổi tên hiện nay. Con nào ở biển Nam thì có linh tính, ở biển khác thì không. Tục truyền, long diên hương là do nước dãi của cá này kết lại, chưa rõ có đúng thế không. Dị lục chí trong An Nam chí của Cao Hùng Trưng chép rằng: hải thu là thứ cá rất lớn trong loài cá, phun hơi nước lên trên không, gió bay đi như mưa. Cách trí kính nguyên dẫn sách Chính tự thông chép rằng: bạch ngư dài 20 trượng, tính hiền lành, hay cứu người, hoặc thấy người chài bị loài cá dữ làm khốn quẫn, nó cũng giải cứu”.1

Còn trong Thoái thực ký văn, Trương Quốc Dụng cho ta biết rõ hơn về tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của ngư dân ven biển: “Hải Thu tục gọi là cá Ông voi, mình dày không vây, đuôi giống tôm, kỳ nó rất sắc, mũi ở trên trán, tính nó nhân hay cứu người. Người đi thuyền gặp phong ba mà đắm nó thường đội trên lưng đưa vào gần bờ, vẫy đuôi bỏ lên. Người miệt biển rất kính. Có con chết mà tạt vào bờ ruồi lẳng không đậu, họ bèn góp tiền làm ma, ai chủ việc ấy thì đánh cá và buôn bán có lợi”.2

Ngư dân đánh cá biển nhận thấy cá Ông dù có thân hình to lớn, nhưng hiền lành và không bao giờ làm hại người, ngược lại còn cứu mạng họ khi bị tai nạn đắm thuyền trên biển, nên được họ coi như một vị thần của biển cả và gọi theo sắc phong thần của các vua nhà Nguyễn, tôn vinh là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần”. Sách Gia Định thành thông chí chép: “Những khi thuyền bè gặp sóng gió nguy hiểm, thường thấy thần [cá Ông] dìu đỡ mạn thuyền bảo vệ người yên ổn. Hoặc thuyền bị chìm đắm, trong cơn sóng gió thần cũng đưa người vào bờ, sự cứu giúp ấy rất rõ. Chỉ nước Nam ta từ Linh Giang đến Hà Tiên mới có việc ấy và rất linh nghiệm, còn các biển khác thì không có”.3 Khi cá Ông sống, ngư dân gọi là Ông Sanh, khi cá Ông chết thì gọi là Ông Lụy. Khi còn sống, cá Ông là ân nhân cứu sống sinh mạng của họ những khi bão to gió lớn trên biển, khi cá Ông lụy thì họ chịu tang như đối với người thân của mình.

Trong thần thoại của người Chăm cho biết, cá voi vốn là hóa thân của thần Cha-Aih-Va. Vì nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian rèn luyện phép thuật nên Cha-Aih-Va cãi lời thầy tự ý biến thành cá voi mà đi và sau đó bị trừng phạt. Cha-Aih-Va đổi tên và tự xưng là Po Riyah (thần Sóng biển), cũng có lúc hóa thân thành thiên nga, trở thành ân nhân của những người bị đắm thuyền. Và trong dòng chảy của tín ngưỡng này, cùng tồn tại ở vùng Nam Đảo (châu Á), Nhật Bản những huyền thoại về các thần dạt vào từ biển. Đã có một truyền thuyết về con cá voi thần kỳ, chở đến cho người miền núi Nam Việt Nam một hài nhi cứu thế, giải phóng loài người khỏi bị đau khổ. Trong khi đó ở Campuchia lại không tìm thấy dấu vết gì về sự thờ cúng này.4

Tục thờ cúng cá Ông vốn là tín ngưỡng của cư dân Champa mà những lưu dân người Việt trên bước đường Nam tiến đã tiếp thu được trong quá trình giao lưu văn hóa giữa hai tộc người. Dọc theo bờ biển nước ta, kéo dài từ Thanh Hóa vào tận đến Kiên Giang, hầu hết các làng chài đều có các lăng miếu thờ cá Ông với những nghi thức cúng tế hết sức trang trọng. Người dân vẫn xem cá voi/cá Ông là con vật thiêng phù trợ cho họ trong đời sống hàng ngày với niềm xác tín mạnh mẽ. Trong tâm thức của họ, hình ảnh cá Ông độ mạng trở thành chỗ dựa tinh thần quý giá, là nơi gởi gắm niềm tin. Niềm tin này, ban đầu là một nhu cầu giúp người ta chịu đựng gian khổ hiểm nguy trong cuộc mưu sinh, dần dần dấu vết của niềm tin hằn sâu vào tiềm thức, trở thành tín ngưỡng dân gian. Và tín ngưỡng này đã ăn sâu vào ký ức cư dân ven biển thông qua việc tổ chức các lễ hội cúng cá Ông hàng năm diễn ra trên vùng đất mới này.5

Dưới thời nhà Nguyễn, các vua nhà Nguyễn đã phong tặng cá Ông là vị thần biển và cấp độ phong tặng cá Ông như sau: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Minh Mạng); Từ Chế Chương Linh Trợ Tín Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Thiệu Trị); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Tự Đức); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Đồng Khánh); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần (thời Duy Tân). Đồng thời, các vua nhà Nguyễn cũng quy định, làng nào bắt gặp cá Ông chết thì lý trưởng phải báo cáo lên cho phủ, huyện để cử quan đến khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ bảy vòng và tổ chức khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ cúng. Sau khi chôn cất cá Ông khoảng ba năm thì người ta làm lễ cải táng, xương cốt cá Ông được người ta xếp vào các quách đặt trong lăng để thờ. Hằng năm, những nơi có lăng thờ cá Ông, người dân đều tổ chức lễ hội cầu ngư.

Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của ngư dân làng Nam Ô là một nét đẹp của đời sống văn hóa tâm linh sâu sắc. Ở Nam Ô hiện có một lăng thờ cá Ông. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì lăng Ông được xây dựng vào thời nhà Nguyễn và sau này do trải qua thời gian, bị mưa gió, bão lũ cũng như chiến tranh tàn phá nên được tu sửa lại nhiều lần mới có diện mạo như ngày nay. Lăng Ông được xây bằng gạch, có ba gian và một hậu tẩm. Hậu tẩm là nơi lưu giữ hàng chục bình gốm tráng men chứa cốt Ông.

Hằng năm, từ ngày 14.2 đến ngày 16.2 âm lịch, ngư dân làng Nam Ô lại tổ chức lễ hội cầu ngư. Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội.

* Phần lễ bao gồm các lễ nghinh Ông, lễ quàn Ông về lăng, lễ bến cầu ngư và lễ chánh.

Lễ nghinh Ông bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 14.2 âm lịch. Tham gia lễ gồm các cụ già trong ban tế lễ và toàn thể nhân dân của 3 thôn: Nam Ô 1, Nam Ô 2 và Nam Ô 3. Sau khi đoàn thỉnh hương về chỗ quàn Ông rồi làm lễ rước Ông về lăng.

Lễ bến cầu ngư diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 15.2. Tham gia lễ có đại diện của các cấp chính quyền cùng toàn thể nhân dân làng Nam Ô và đội nhạc cổ với trống, chiêng, đàn nhị,... Đầu tiên, ban tổ chức đọc diễn văn khai mạc lễ hội, sau đó các học trò lễ và ban tế lễ tập trung trước hương án để làm lễ. Ông chủ bái mặc áo màu đỏ còn những người khác đều mặc áo màu xanh. Ông tư lễ đọc quy trình bái sau đó ông hội chủ (chủ bái) dâng hương và bái lễ. Lễ vật dâng cúng gồm hương hoa, trái cây và lễ mặn. Sau đó ông tư lễ đọc văn cúng. Trong thời gian cúng thì có hai người đứng hai bên là học trò lễ và dâng hương dâng rượu và trà, trà và rượu được dâng lên 3 lần. Kết thúc lễ, ông chủ bái tung bánh, muối, gạo, học trò lễ thì hóa văn cúng và áo giấy cúng Ông.

Lễ chánh bao gồm lễ tế Âm linh và lễ tế Thần. Lễ tế Âm linh diễn ra ở sân lăng. Lễ vật dâng cúng bao gồm hương hoa, trái cây và lễ mặn. Lễ này không có văn cúng. Còn lễ tế thần cũng tương tự lễ bến nhưng khác là lúc ông chấp sự đọc “vào bái” thì học trò lễ dâng đèn từ ngoài sân vào trong lăng. Lễ tế thể hiện sự biết ơn của nhân dân đối với cá Ông và cầu mong Ông phù trợ để được một mùa biển bình an, tôm cá đầy thuyền.

* Phần hội diễn ra vào chiều và tối ngày 15.2, gồm hai hình thức chủ yếu là đua thuyền và hát bội. Đua thuyền được tổ chức vào buổi chiều, còn hát bội thì diễn ra vào buổi tối. Ngay từ chiều ngày 15.2, sau khi làm lễ bến, các đội thuyền chuẩn bị đua, mỗi thuyền có khoảng 10 đến 15 tay chèo, đường đua thường dài khoảng 2.000 m. Sau khi trống nổi lên thì các đội đua xuất phát, đội nào về trước sẽ được phần thưởng của làng. Trên bờ, người dân tập trung để cổ vũ tinh thần cho các đội đua, tiếng chiêng, tiếng trống thúc giục hối hả, cờ hội đủ màu sắc phất phới dọc bờ biển. Tiếng cổ vũ vang lên vui vẻ, náo nhiệt làm tăng thêm không khí nhộn nhịp của hội. Theo các bậc cao niên trong làng cho biết, từ xưa, làng Nam Ô vẫn thường tổ chức đua thuyền vào ngày lễ cầu ngư, mục đích nhằm khuấy động thủy cung, tức là nhân gian cần mưa, Thủy Nương mới sai người làm mưa cho cây cối xanh tươi. Còn hát bội thường tổ chức tại sân lăng Ông vào tối 15.2 để nhân dân đến xem. Hát bội được xem như là hình thức trả lễ hoặc tạ ơn cho thần (lực lượng siêu nhiên) đã ngầm giúp đỡ để họ được toại nguyện.

Lễ hội cầu ngư của cư dân làng Nam Ô thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên của người Việt, là cầu nối cố kết cộng đồng, góp phần giáo dục con người lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân. Từ đó cho thấy, tín ngưỡng thờ cá Ông của cộng đồng cư dân làng Nam Ô là dạng thức tín ngưỡng thờ vật linh, phản ánh sự may rủi và bất trắc khi ngư dân lênh đênh đánh bắt trên biển. Nếu nhìn theo sự phát triển của hình thức đánh bắt thì tín ngưỡng thờ cá Ông ở đây ban đầu là hình thức tín ngưỡng của cư dân làm nghề chài lưới, đóng đáy ở cửa sông và ven bờ. Do vậy, họ mới có quan niệm cá Ông giữ nhiệm vụ trấn giữ các cửa sông để cứu người, đưa vào bờ, không trôi dạt ra khơi. Mặt khác, cũng thấy rằng, con người không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào cá Ông mà còn cứu giúp cá Ông khi bị mắc cạn, bị ăn trúng sam… Đó là mối quan hệ có qua có lại, mang tính hai chiều, phản ánh sự gắn bó, hài hòa giữa con người với tự nhiên, phản ánh triết lý nhân quả “cứu người thì người cứu ta”… của ngư dân.

Thay lời kết

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, bao lớp người Việt từ đất Bắc di cư vào đây để sinh cơ, lập nghiệp. Trên vùng đất mới, họ phải đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm để khai khẩn đất đai, lập thành làng mạc và an cư lạc nghiệp. Trung thành với vốn văn hóa truyền thống nơi quê hương cũ, đồng thời tiếp thu văn hóa của cư dân bản địa người Chăm trên vùng đất mới nên ngư dân làng Nam Ô đã tạo nên những nét văn hóa đa dạng và ngày càng được nâng cao. Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và sự du nhập của nhiều luồng văn hóa ngoại lai thì phong tục, tập quán nói chung và tín ngưỡng thờ cúng cá Ông cũng có nhiều sự thay đổi.

Đến làng cổ Nam Ô ngày nay, chúng ta không còn nhìn thấy những ngôi nhà nằm sát biển, không còn thấy những mẹt cá, tôm được phơi dọc ven bờ biển,... Bởi làng Nam Ô nằm trong dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái Nam Ô của thành phố Đà Nẵng nên một phần cư dân trong làng phải di dời đến các khu tái định cư. Chính những biến đổi về đời sống kinh tế và xã hội đã kéo theo sự thay đổi trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân. Rồi trong tương lai, khi người dân Nam Ô phải vào nơi ở mới, không gian của “làng truyền thống” bị biến đổi thì liệu những nét văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp đã hiện diện từ xưa đến nay có còn được lưu giữ? Đó là câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp!

H.T.H

 

CHÚ THÍCH

1 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (Tập 1), (Huế: Thuận Hóa, 2006), 480.

2 Trương Quốc Dụng, Thối thực ký văn (Nguyễn Lợi - Nguyễn Đổng Chi dịch và chú thích), (Hà Nội: Tân Việt, 1944), 224 - 225.

3 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải), Đồng Nai: Tổng hợp Đồng Nai, 2005), 237.

4 Jean Chevalier - Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (Đà Nẵng: Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997), 22.

5 Nguyễn Thanh Lợi, “Giao lưu văn hóa Việt - Chăm. Nhìn từ tục thờ cá Ông”, Văn hóa dân gian, (Số 2, 2003), 24 - 27.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trương Quốc Dụng. 1994. Thối thực ký văn (Nguyễn Lợi - Nguyễn Đổng Chi dịch và chú thích). Hà Nội: Tân Việt.

2. Trịnh Hoài Đức. 2005. Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải). Đồng Nai: Tổng hợp Đồng Nai.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2006. Đại Nam nhất thống chí (Tập 1). Huế: Thuận Hóa.

4. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant. 1997. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Đà Nẵng: Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du.

5. Nguyễn Thanh Lợi. 2003. “Giao lưu văn hóa Việt - Chăm, nhìn từ tục thờ cá Ông”. Văn hóa dân gian, Số 2.

6. Nguyễn Xuân Hương. 2009. Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Hà Nội: Tự điển Bách khoa và Viện Văn hóa xuất bản.

7. Nguyễn Xuân Hương. 2011. Tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt ở xứ Quảng. Đà Nẵng: Đà Nẵng.