Tiếng sóng rất gần - Truyện ngắn của Phan Cung Việt

07.10.2015
1. Lao vào tin học được mức kha khá, tôi được cậu cháu tiến sĩ tin học du học Mỹ về kèm cặp, khen có chỉ số thông minh, còn giảng và truyền cho cái mẹo cóp-pết cắt dán để hành nghề kiếm sống. Dạo ấy vào Tết Rắn, tôi cóp-pết truyện ngắn dài ngoẵng theo hình con rắn. Truyện này cóp-pết theo cách tượng hình. Rồi Tết kế đó, tôi sực nhớ còn phải cóp-pết theo lối tượng thanh. Tức ứng vào cái móng gõ bước chân của những con vật. Cóp cóp… Pết pết.

Tiếng sóng rất gần - Truyện ngắn của Phan Cung Việt



Mấy năm gần đây tôi mê sự ứng, tức linh ứng. Ngay truyện cóp-pết hình con rắn, gõ xong tôi hồi hộp gửi đi. Vào đúng tháng cuối năm, tháng củ mật, một nhà văn lớn nổi tiếng cách tân khen truyện ấy, nhưng nói đăng báo không hợp, để nhà văn đưa vào sách. Một nhà văn nữa trẻ nổi tiếng, cũng hồi âm là thích, nhưng đăng báo không hợp, để đưa vào sách. Lạ nhỉ, cứ i chang. 
Truyện ấy tôi đưa vào các nhà văn họ Giả, giả giả chi giả: Giả Việt, Giả Tùng, Giả Đức… Cũng ứng, xuất hiện cùng lúc mấy nhà văn. Trong truyện có hai đoạn cóp-pết ứng nhất. Đó là đoạn cóp-pết sự ngủ nude và cái sự đi tìm hồng nhan tri kỷ. Dịp cuối năm, đọc trên facebook, một người đẹp ở tận chân trời xa, like mạnh mà rằng, em thường ngủ nude và đang tìm tri kỷ. Hai thứ ấy thật hay và cần anh à. Một người đẹp ở thủ đô cũng like mạnh và nói i chang như vậy. Tôi cảm thấy sung sướng.

 

2. Trên nói cóp-pết đúng là của con ngựa, của cái chân con ngựa. Còn xuân nay khó hơn, là cái bước chân phất như ngọn gió của chú dê, nhất là chú dê núi. Thường xuân Tết đất Bắc, cứ ông Công ông Táo, tôi hay tìm ra ngắm sông Hồng. Ra ngay cái bến Bồ Đề với cái tích nhong nhong ngựa ông đã về cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn. Ở dọc bến sông này, từ xưa có cỏ mần trầu, các bà dùng nấu nước gội vào cúng để đón ông Công ông Táo. Mấy ngày Tết ngan ngát hương cỏ mần trầu.

Từ đó tôi đi thẳng lên Văn Miếu. Đây có các ông đồ viết chữ. Ôi gặp ngay một ông đồ đẹp lão, tóc trắng như tiên ông. Tôi gập mình chào như người xưa và tỏ ý muốn xin hai chữ  Cung - Lan là tên của bố mẹ về treo Tết. Cụ đồ đang dáng tiên ông thoắt đổi sắc mặt kinh tế thị trường. Đây chỉ viết thư pháp, không viết tên hóa đơn, thưa ông. Cụ nhìn tôi trầm tĩnh, ra người xưa có học, bèn dịu lại. Vậy ông cần chữ gì của thánh hiền và có yêu cầu gì nữa không. Cô cháu gái xinh đẹp đứng bên, giúp cụ khoản tài chính và nguyên vật liệu mực tầu giấy bản. Tôi xin mua một tấm. Cô cháu cười rất hiền: Xin biếu ông.

Chiều ba mươi tôi tự tay mài mực tầu, tự viết lấy thư pháp. Tôi moi hết vốn “chung cúa hoa” mấy năm phổ thông và đại học, hội thoại đạt đến mức đi du lịch Trung Quốc không cần phiên dịch và tán các em cũng khá. Nhưng chữ và nghĩa chữ Tàu rất khó, chữ tác dễ thành chữ tộ. Tôi liều bói cho mình một chữ và giấu kín. Hóa ra thư pháp cũng lạ và đầy linh ứng. Người thế nào thì chữ thế vậy. Cái chữ hệt dáng tôi đang đi đang ngồi. Tôi đưa lên facebook. Bà con xóm phây rất khoái. Của lạ. Người đoán chữ này, người đoán chữ kia. Trong khi các người đẹp có học bảo là chữ Văn, chữ Tình… thì ông cả Giả Tùng tận trong Sài Gòn buông một chữ: chữ Mọi. Toàn mù chữ thánh hiền cả. Chỉ đoán bừa theo kiểu giá cả bất động sản kinh tế thị trường. Trách gì người thời nay coi như vô học với chữ thánh hiền.

3. Ngày Tết từ bé bố mẹ tập cho thói quen kiềm chế khoa học, vui vừa độ, không thức khuya đón giao thừa đốt pháo này nọ, sau này thành lối sống, không thức đợi xem khoản truyền thông truyền hình. Dẫu vậy thì giao thừa của đất trời sao tránh được sự rộn rực mệt mỏi. Đang thiu thiu thì bốn chung quanh có tiếng đạp cửa xô cửa như trời giáng, như bom khủng bố. Tỉnh ra thì biết đó là mấy anh đực, có cả chức quyền, lợi dụng giao thừa, đi bia rượu gái gủng. Các bà vợ dằn mặt, không mở cửa.

Trấn an hay hoang tưởng, bỗng mơ màng nghe tiếng khèn dìu dặt. Giao thừa năm trước, mình lên tận chợ ngựa Lào Cai, cưỡi con ngựa trắng đi du xuân như hoàng tử. Sáng ra nằm nghe tiếng khèn phiên chợ, tiếng sao môi trai gái gọi nhau. Nhưng thú nhất, khi đang mơ màng, nhìn ra cửa nhà sàn đầy hoa mận trắng trong sương sớm, mấy chàng đi chợ sớm quá chén say khướt, chẳng biết đất trời gì nữa, được cô vợ đẹp vắt lên lưng ngựa, mềm nhũn như dải khăn thổ cẩm, cứ thế, cô vợ đẹp vừa giữ vừa dắt ngựa đi. Đi trong tiếng khèn chếnh choáng. Mới biết con ngựa có thiên chức kỳ diệu, mà các con vật khác không có. Tức là cứu tinh nâng đỡ con người khi người say khướt hoặc thương tật chốn sa trường…

Chợt nhớ câu thơ của anh bạn thơ nổi tiếng nói về cái sướng của anh đàn ông vùng cao, khi vào hội say khướt, được các cô gái đẹp vắt lên mình ngựa, về vắt lên bờ rào quanh nhà.

4. Đang nói về sự linh ứng. Tết nào mình cũng chuẩn bị bộ sách hay để đọc. Thường là bộ sách cũ để dành, Tết đọc lại nghiền ngẫm nhâm nhi như rượu. Đọc hay quá, rồi say, rồi thiếp đi. Cái sự say sách lạ lắm.

Tết này mình chuẩn bị mấy cái truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Mỹ O’Henry, nhà văn có thiên truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng mà mình đọc không nhớ bao nhiêu lần. Chiều ba mươi, sau khi tự tay viết bản thư pháp treo lên, là chuẩn bị truyện của ông Henry mở sẵn trên bàn. Như một đặc sản nhâm nhi Tết, không gì sánh được.

Sáng tinh khôi đầu năm, thư thái bước ra vườn hoa Thái Hà ngay cạnh nhà. Thực ra cả năm nay đây là cái sân Thiền của mình. Chọn chiếc ghế đá trắng muốt nhìn về hướng nam, mình xếp chân bước vào cuộc Thiền. Kỳ lạ, cái cây xanh mà mình vẫn nhìn ngắm mỗi buổi sớm, nhằm vào từng chiếc lá của nó để tập trung hơi thở, hôm nay chỉ con một chiếc lá đỏ như trong truyện ngắn của O’Henry. Đương nhiên nó trở thành cái đích Thiền của mình, như chiếc lá báu vật thần tiên.

Tiếng chim sớm hay tiếng người, thoảng trong hương tóc, hương xuân:

Ô, chiếc lá cuối cùng, phải không anh?

Chợt mở mắt, cô gái xinh đẹp khoác chiếc áo đỏ như mầu lá, tay vin vào chiếc ghế đá, như bức tượng vệ nữ. Cô gái đứng đó từ bao giờ, ngay cạnh mình, mà mình không hay biết.

Trời đất hay linh hồn của Nhà văn ứng với mình như vậy ư?

Buổi trưa mơ màng tiếng vó ngựa cóp-pết và sực nhớ cái việc cóp-pết vào trang văn…

Nhưng đến xuân này mình vẫn hưởng xuân trên đất Bồ Đề, Văn Miếu, Sông Hồng… Trong gió xuân rời rợi từ con sông, như bao giờ cũng thoảng hương cỏ mần trầu. Nhong nhong tiếng vó ngựa những năm cũ, và tiếng chân đùa giỡn nhỏ xíu như ngọn gió của đàn dê núi non gần nào. Gần nhất là tiếng sóng con sông Hồng. Mỗi độ xuân, tiếng sóng nghe rất gần…

P.C.V

(daibieunhandan.com)