Thử nghiệm – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Sương

29.01.2019


Ở phòng kỹ thuật suốt ngày chúi mặt vào những con số đen đặc nên có dịp biến được là tôi chạy sang phòng hóa nghiệm ở cuối dãy nhà.
Khanh, cô bạn ở chung phòng với tôi làm ở đấy. Tôi gọi Khanh là nhà giả kim thuật. Suốt ngày nó loay hoay quanh cái bàn dài giữa phòng. Trên bàn là những giá đầy bình, lọ, bu-rét, pi-pét…ngay ngắn như một gian trưng bày hiện vật trong bảo tàng và Khanh cứ thế mà đong đo mà pha chế. Nào cố định ô-xy, chuẩn độ, hòa tan, kết tủa, tính hàm lượng phù sa nước sông, đo độ ô nhiễm không khí… Tôi thấy hoài đâm rành chứ hết duyên với bộ môn hóa học đã lâu. Bây giờ muốn có những phút thú vị như ngày học bảng hệ thống tuần hoàn của Men-đê-lê-ép không được nữa.

Thử nghiệm – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Sương

Sự đời không thể thích thú mãi một điều huống gì cuộc sống bây giờ cái mới cái hiện đại thay đổi đến ngợp. Mỗi năm bao đời xe máy, mỗi ngày bao thứ dầu gội, nước uống mới, quảng cáo rầm rầm như đánh trận, hương liệu còn hơn cả tự nhiên, công năng hơn cả phép màu, hưởng thụ cũng phải chọn lựa thì cần gì phải tìm tòi. Tôi sẽ không phải như mẹ, dạy con xếp củi thế nào cho nhanh cháy, làm thế nào để đánh sáng chiếc nhẫn bạc. “Cạch” bếp ga bùng lửa, đảo một vòng xe đủ món chua ngọt, không phải bở hơi tai thái bì lợn ủ nem chua mỗi lần tết đến. Tôi lại càng không muốn quan tâm đến hóa chất, thứ khi nào cũng đòi hỏi lương tâm đạo đức.

Tôi có thú vui riêng. Ngoài cửa sổ phía đông phòng hóa nghiệm có hàng cây đại già và thảm cỏ xanh. Kéo chiếc ghế đến cửa sổ là tôi mặc nhà giả kim thuật trổ tài pha chế, lắc trộn với chai lọ...Vào mùa đại nở hoa, những chùm hoa trắng như sứ, mỏng mảnh giữa vẻ trầm tư cổ kính của hàng cây, lắng cả cái không khí của công sở. Hoa rơi đầy cả mặt đất, gió đưa hương vào át cả cái mùi nồng nồng của cả trăm loại hóa chất. Tôi thích ngắm nhìn ngay cả vào mùa đông, khi cây trụi lá, trông như những chiếc sừng hươu khổng lồ. Thế mà Khanh nói chẳng cần nhìn nó cũng biết lá xanh hoa trắng, và “đẹp cái gì thứ cây cong queo xù xì ấy...”. Rõ là dân hóa học!

Có lần nhìn Khanh đun những cái ly thủy tinh nhỏ, khói bốc xám xịt, hôi nồng hôi nặc tôi nhớ đến mụ phù thủy trong một bộ phim thần thoại. Mụ ta đã chế ra những chất cực độc để hãm hại một cô gái xinh đẹp, giành lấy vị trí độc tôn cho mình. Tôi bỗng mong Khanh quỷ quyệt như thế, cáo già như thế bởi cởi chiếc áo blu trắng bước ra khỏi căn phòng đầy những dãy chai lọ ấy là Khanh đểnh đoảng vô hậu. Nếu khi làm việc nó phải đếm từng giọt nước, chỉnh từng li cái núm cân phân tích thì trong nội trợ: rau luộc cả rổ, đậu rang cả lon, chiều ăn luôn khỏi mất công! Nhắc rửa ly tách thì “để xem còn khách không rồi rửa luôn thể”! Mọi người xôn xao về một nữ tài tử tự tử vì tình thì Khanh chạy theo chọc mấy đứa con nít. Tôi là người văn chương, những việc ấy không quan trọng nhưng người khác thì không. Ở khu tập thể việc gì người ta cũng biết, nhất là việc của những cô gái chưa chồng mà trái nết, cứ như nó chọc vào mắt họ. Họ kết luận: xấu, đoảng hậu như Khanh sẽ đứng không cả đời. Tôi giới thiệu Khanh với mấy người bạn, cố moi lên tính chân thật, nhiệt tình của nó thế mà các chàng dạt ra cả. Khanh cũng chẳng ý kiến gì. Có lẽ đã yên phận hẩm.

Hôm nay trông Khanh hồng hồng đôi má, đôi mắt trố anh ánh vui. Khanh như không trông thấy tôi, tay vặn bu-rét, tay lắc lắc cái bình tam giác, nước trong bình xoay tròn theo giọng hát mũi ư ử của Khanh. Chế được vàng rồi chắc? Tôi kéo ghế đến sát cửa sổ, hàng cây xanh thế, hoa nõn nường thế mà rồi sẽ mất. Xếp bảo làm sân chơi cầu lông, kéo những chàng say máu đỏ đen ra khỏi chiếu bạc, kéo phong trào thể dục thể thao lên…Tôi là Ủy viên Ban Văn thể nhưng hàng cây xanh thế, hoa …

- Em yêu anh Linh.

Tôi giật nảy người. Bình nước trong tay Khanh vừa nãy còn trong veo giờ đã chuyển sang màu tím. Khanh nhìn chăm chăm như thể đã cố định tình yêu trong đó. Sao lại có người nói tình yêu với thái độ ấy nhỉ? Huống gì Khanh, bại tướng tình trường xưa nay. Tôi chưa gặp Linh nhưng nghe nói anh ta cùng huyện, hai người gặp nhau trong lần họp đồng hương sau tết năm ngoái. Tôi còn nhớ là Khanh cứ tấm tắc khen cô bạn của Linh rất đẹp.

- Thế…

- Thôi rồi, đá Linh rồi.

- Nhà giả kim thuật! Cậu nghĩ sẽ… chế được ?

- Sao không? Khanh ngẩng nhìn tôi.

Tôi nhìn Khanh. Nó nói thật. Tròn mắt với mình như thế là thật. Một cô gái xấu, rất xấu. Nhưng trái tim thì không chứa chỉ tiêu này. Tim chỉ có mạnh hoặc yếu. Tim nhà giả kim thuật này đập phát một, không loạn nhịp với lá xanh hoa trắng. Nhưng nó đã đập một nhịp tréo ngoe. Bao cô gái đã chết chìm vì nhịp đập tréo ngoe ấy…

Tôi thấy ngạt thở, như đang chìm trong đống giấy đen đặc những con số. Ư ừ ư… Mắt Khanh sáng lên, hát ư ử bài gì đó, như là ơ-rê-ca, ơ-rê-ca… Nhưng Ác-si-mét không nhảy ra khỏi bồn tắm, trước mặt tôi là Khanh, trán ngắn, mũi tẹt… Gương mặt này không phải để làm “hợp chất” mà chỉ là chất xúc tác, làm tăng nỗi đau cho Linh. Rồi Linh sẽ trả thù đời bằng cách nhắm mắt…

- Sao mặt cậu dạo này lắm tàn nhang vậy? tôi làm việc mà trước đây vẫn tránh.    

Khanh chẳng nhìn vào gương, xoa xoa hai gò má: tối nay mình đến anh Linh chơi nha.

- Ôi dào, đàn ông chẳng đến mình thôi chớ.

- Anh ấy đang buồn chẳng đi đâu đâu.

- Chính vậy mới ngại, đừng lấy thân mình lấp vào chỗ trống của họ. Tôi không dám nhìn Khanh bởi câu nói của mình quá nặng nề.

Khanh vênh mặt lên: chi mà ngại? Người ta đá còn mình yêu, có sao?

Khó mà kéo một người đã sổ toẹt lại mình. Nhìn vẻ mặt tưng tửng của Khanh tôi đâm tò mò. Hay là cứ đi thử xem, người ta nói sự sống ở bên bờ cái chết đó thôi.

Linh cao lớn, khuôn mặt đẹp và râu quai nón. Anh ta tiếp chúng tôi với vẻ miễn cưỡng. Giọng nói trầm ấm pha chút chua cay của anh ta làm tôi thất vọng. Chẳng còn gì ở trái tim giá lạnh ấy. Sứ giả xin cầu hòa cũng không nhục bằng. Rõ là ngồi ghế điện…

- Cái gì?

- Đàn ông thất tình là loại người đáng ghét nhất. Một là yếu như bóng ma, lấy vợ rồi cũng ngồi ôm mộng xưa hai là chơi càn phá đời. Hai dạng ấy phải tránh xa, làm vợ họ phí đời xuân... Tôi tuôn một mớ.

- Bồ đá mà vui họa là sư thầy - Khanh làu bàu.

Hai đứa cãi nhau cho đến tận nhà. Trước khi vào phòng tôi còn kịp thề không bao giờ đến nhà Linh nữa, muối mặt một người là quá đủ.

Không hiểu Khanh nói gì với hình nộm kia mà đều đặn tuần đôi lần. Kể cũng phục. Với tôi chỉ cần người yêu nói trái ý một tý là tôi cong mặt lên ngay. Đó là phản xạ không điều kiện chứ nói theo cẩm nang dành cho các cô gái là phải tỏ ra bất cần với đàn ông. Nhưng Khanh thì chẳng cần nhìn vẫn biết lá xanh hoa trắng.

Bất ngờ Linh đến khu tập thể. Khanh không có nhà, anh ta gửi lại bức thư để ngỏ đề nghị Khanh đừng đến nữa. Tệ hại nhất là Khanh là người cuối cùng đọc bức thư. Người khen Linh quá đẹp trai, quá thẳng thắn, người chắc Khanh lì quá nên anh ta mới chơi vậy, rõ là đồ hám hơi trai. Tôi bực điên lên, đứng về mọi người và chắc rằng Khanh sẽ chấm dứt cuộc trường chinh tồi tệ này. Không bao giờ người ta mong tình yêu nhường chỗ cho hận thù nhưng vụ này như vậy sẽ tốt hơn cho Khanh. Điều an ủi tôi là Linh sẽ không…nhắm mắt! Làm mặt lạnh nhưng tôi rất thương nó. Tôi nhặt rau, rửa ly tách, rang đậu. Khanh vẫn tưng tửng: nhà thơ nhặt rau thì ngon lắm! Và rồi đi, đơn thương độc mã. Tôi nhìn theo, phải chăng đây là bệnh nghề nghiệp? Đem vào tình yêu những phản ứng, chờ hòa tan, kết tủa? Ôi! Giá như Khanh xác định được hàm lượng tình yêu như xác định hàm lượng phù sa trong mỗi khối nước mà nó vẫn làm. Thôi, mặc nó. Rồi nó sẽ về như ngựa chiến gãy chân, nằm liếm vết thương mà nhìn tình yêu cuối chân trời. Lúc ấy ngắm thảm cỏ xanh, nhặt cánh hoa rơi không phải chỉ mình tôi và tôi sẽ vênh mặt lên mà “nhân bảo như thần bảo”.

Sáng chủ nhật Khanh đi sớm, y thỉnh kinh! Tôi dọn phòng, một mình. Bỗng nghe chân chống bật tách một cái, Khanh dựng xe, leo lên giường nằm quay mặt vào tường thút thít khóc. Tôi biết nó ăn đòn nhưng không thể đoán ra tình huống nào. Người ta yêu nhau thì đủ lý do để giận hờn: thất ý, lỗi hẹn, ghen tuông còn Khanh ngay khi kéo màn ra đã lạnh lùng, cự tuyệt… Đánh đập thì không thể. Hay là anh ta đã chiếm đoạt nó? Nỗi sợ ngày đầu tưởng đã chết đi bỗng phắt đứng dậy, trùi trũi trước mặt tôi.

- Chuyện gì vậy? Tôi lật nó ra: Khanh, sao vậy?

Khanh quẹt nước mắt, sụt sịt: em đến Linh đang đóng tủ…em chào ảnh chẳng trả lời mà đưa cây gỗ lên chĩa vào mặt em mà nheo mắt…ngắm đã rồi ảnh cười phá lên.

- Chỉ vậy thôi sao?

- Ừa - Đôi mắt trố đỏ hoe.

Phù…! Tôi thở phào. Nhưng rồi nhớ những lúc khuyên bảo không được tôi lại bực. Nhân cơ hội này mà cạy mắt nó ra thôi. Nhưng làm sao nhỉ? Khanh đâu sợ chửi.

Khanh ngồi dậy, sỉ mũi rột rột, rút khăn lau mãi đôi mắt trố. Tôi nhìn nhà giả kim thuật với trái tim đang chao võng.

- Chị cười gì vậy?

Tôi ngưng cười, làm mặt quan trọng: - tớ nhận thấy một điều… (Khanh lồi mắt, chăm chú nghe) rõ ràng anh chàng Linh có vấn đề. Cậu xem, anh ta chỉ nhớ người cho anh ta cái đau, còn tình yêu để chành bành trước mặt mà đâu có thấy…

- Còn lâu - Khanh hét vào mặt tôi - Anh ấy đã yêu em.

Khanh sỉ mũi rột rột (sỉ luôn vào khăn) rồi nói: em khóc vì mừng quá thôi.

!!!

Rồi Khanh thì thầm vào tai tôi, với vẻ bí ẩn của nhà giả kim thuật: chỉ có kim cương mới cắt được kim cương…

N.T.T.S