Thăm thẳm Đội Tình - Nguyễn Thanh

01.06.2016

Thăm thẳm Đội Tình - Nguyễn Thanh

BBT: Nhà văn Nguyễn Thanh (Nguyễn Hữu Thanh) sinh ngày 15/12/1942 tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật

Cà Mau là một cộng tác viên đắc lực của tạp chí Non Nước  trong những năm qua. Được tin nhà văn Nguyễn Thanh đã qua đời vào lúc 10 giờ 20

ngày 24/4/2016, Ban biên tập Tạp chí Non Nước vô cùng thương tiếc và xin gửi lời chia buồn

sâu sắc cùng gia đình và bạn hữu nhà văn Nguyễn Thanh.

Chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc truyện ngắn “Thăm thẳm Đội tình” do nhà văn Nguyễn Thanh trực tiếp mail đến Tạp chí Non Nước. Kính mong linh hồn nhà văn siêu thoát và văn chương của ông còn mãi trong đời.

NON NƯỚC

 

Thăm thẳm Đội Tình - Nguyễn Thanh

 

Xuất viện. Trên ba trăm cây số đường về quê tôi cố giữ an toàn đôi chân, đặc biệt chân trái bị giải phẫu do tắc động mạch, sắp bị hoại tử, thậm chí không dám bước xuống xe nên tới nơi tôi đi lắc nhắc vào tới nhà.  

Nhà hoang, đất hoang, tôi nghe bao phủ chung quanh mình một luồng không khí lạnh lẽo, dàn phong lan héo úa, xương xẩu, mấy cây mai vàng khẳng khiu ngửa mặt lên trời, kêu khát...

Mới về tới nhà đầu hôm sớm mai, trong cơn nhức nhối, ê ẩm, con tim tôi  bỗng nhói đau khi hay tin có người láng giềng tốt bụng sắp xa xóm vĩnh viễn. Đó chính là vợ chồng Đội Tình thuê nhà dài hạn ở kế bên. Không rõ vì lý do nào vợ chồng Đội Tình bỏ xóm ra đi trong lúc nghĩa tình làng xóm như bát nước đầy? Riêng gia đình tôi đối với gia đình vợ chồng Đội Tình có mối thâm giao đặc biệt hơn.

“Chú ơi, chú, chân chú ra làm sao mà đi mổ xẻ hoài vậy? Tội cho chú quá”. Trong dịp về thăm vợ con, từ bên nhà nghe tôi vừa tới nơi, Đội Tình xán tới hỏi thăm rối rít. Tôi nhanh nhảu đáp: “Bị tắc động mạch, Tình ơi, không kịp lên Sài Gòn hôm trước, cưa chân là cầm chắc”. Nói xong, tôi đưa tay nhận lấy keo rượu ngâm xác trăm con ong vò vẽ  từ rừng U Minh Hạ trên tay Tình. “Chú cầm lấy ít rượu này về nhà  uống thông máu”. Đội Tình ân cần nói...

Nhà tôi cách nhà Đội Tình, từ đường 3/2 đi vào đường Nguyễn Du, qua một dàn thiên lý và cây me keo bốn mùa ánh lên những chùm lá non, xanh rì. Mỗi sáng thức dậy thấy lá me keo rơi rụng đầy sân, đầy nhà; lá me xao xác thu gom thành những đụn rác lớn bốc mùi hôi thối, lan tỏa. Chủ cây me keo không ai khác hơn thầy giáo Khên dạy trường Chuyên thành phố Cà Mau. Ngoài đời, thầy Khên bất cần giao tiếp với bà con láng giềng. Biết cây me keo làm ô nhiễm môi trường thuộc loại hạng nặng nhưng thầy Khên không chặt bỏ chờ cho tới khi mở đường  mở lộ, cây me keo bị xe cuốc của Công trình đô thị bứng đi.

 

2- Lại nói thêm về gia cảnh vợ chồng thầy Khên: Không rõ do buồn tình  hay bị ẩn ức việc gì đó khiến thầy Khên thường đóng cửa nhà im ỉm, chỉ trừ khi nào dạy tư he hé cửa ra. Bóng thầy nhập nhòa trong sân dưới tán me keo tranh tối tranh sáng. Nghĩ mà tội nghiệp cho thầy, thời trai trẻ, thầy nhờ người mai mối đi hỏi con em làm vợ. Con em từ chối thầy Khên đây đẩy, chê thầy cận thị, xấu trai, gia đình nhà gái bèn đưa con chị Nguyệt ngọng ra thay thế. Tuy có chút ít chất giọng ngọng nghịu nhưng Nguyệt đẫy đà, rung rinh bộ ngực, mông, đít... không kém con em rưng rức, mơn mởn... So hơn tính thiệt mấy ngày, cuối cùng, thầy Khên rước  Nguyệt ngọng về làm vợ. 

Kể ra, Nguyệt ngọng là mẫu đàn bà nội trợ chỉnh chu, sáng sớm trở dậy lồm cồm cưỡi xe đạp ra phố mua cà phê, thức ăn sáng cho chồng, hí húi làm cơm canh xong đâu vào đó đúng giờ trưa thầy Khên từ trường Chuyên bên kia chợ về bóp kèn tin tin vang động trước cổng.

Ru rú bên chồng, chồng bảo sao nghe vậy, trăm chuyện răm rắp làm theo  chồng. Quen thói thầy Khên lạnh nhạt, khinh khỉnh người láng giềng, lợi dụng buổi sáng vắng hoe, Nguyệt ngọng quăng qua hai bên nhà khi túi cơm nguội, khi bọc xà bần, khi túi rác thải hôi thối. Không ném rác cũng quét hất rác xuống lòng đường, hoặc hất qua hai bên nhà láng giềng. Nhà tôi lãnh đủ.

Thường ngày, lối 4 giờ sáng còn sớm chán, thầy Khên mở cổng rào ken két, đi lòng vòng quơ chân quơ tay mấy cái chưa đổ mồ hôi lại quay về chui vào nhà giống như loài dơi quạ sợ ánh sáng. Đặc biệt quanh năm suốt tháng thầy Khên không làm quen, giao tiếp với bất cứ ai trong xóm thầy đang ở. Láng giềng ai chết ai bệnh mặc ai.

Một lần họp khóm, bà xã tôi tức quá hài ra chuyện Nguyệt ngọng quét rác hất qua nhà hai bên, Nguyệt ngọng lồng lên, nói có thôi có hồi, kết cục nghe được mấy tiếng “Thấy tôi hất rác qua nhà mấy người hồi nào? Không nói được, tôi thưa cho thấy. Lâu nay tôi nhịn nghe. Hồi trước ai tưới cây hất nước qua nhà tôi đến trôi mấy chiếc xe đạp của đám học trò học thêm của ông nhà này”. Trời đất, khoảnh sân trước cửa nhà tôi tường cao che chắn bít bùng, nước chảy ngả nào làm trôi xe đạp? Rõ là Nguyệt ngọng còn biết nói ngoa, bịa đặt, vu khống.

Trước cách cư xử lạ lùng của vợ chồng thầy Khên láng giềng, vợ chồng tôi  lấy làm tiếc rẻ biết bao nhiêu khi Đội Tình bỏ xóm ra đi.

 

3- Tên “Đội Tình” có sẵn từ khi vợ chồng Đội Tình còn đi làm cho Đội 2, Lâm trường Đất Mũi. Có lẽ Tình sắm vai Đội trưởng Đội khai thác rừng nên gọi Tình Đội trưởng riết thành quen.

Địa danh Đội 2 nằm chặng giữa xóm Ông Trang, Rạch Tàu với những bờ bao thoai thoải, bến đậu nhô cao giữa bãi bùn và những vuông tôm mịt mờ sương khói. Người Ông Trang đi Rạch Tàu không ai không biết địa danh Đội 2? 

Từ vạt đất lấm lem bùn sình, mịt mùng cây đước cây mắm, vợ chồng Đội Tình mưu sinh bằng cách dắt díu đứa con trai, thằng Toàn Ân, bốn tuổi gia nhập Công ty TNHH Hải Nam hoạt động địa bàn Hà Tiên, Rạch Giá. Không rõ tính toán thiệt hơn thế nào, Đội Tình thuê nhà cho vợ con ở  lại Phường 5, Cà Mau, còn mình long nhong theo Công ty xây dựng Đại Nam hoạt động tí mú đất Kiên Giang, Rạch Giá.

Kim Cúc, vợ Đội Tình thoát ra khỏi cảnh chặt đầu cá, lột vỏ tôm cho Đội 2 thành người không nghề ngỗng, ở không, trông nhà, trông con. Rời khỏi những  tán cây mắm cây đước, da dẻ trắng hồng hào, tóc cắt bom bê, Kim Cúc hóa ra người thành thị, thanh lịch, đẹp.

Quyết không dựa dẫm vào đồng lương của chồng, Kim Cúc quăng nguyên con vào việc làm ra đồng tiền phụ giúp chồng trả tiền thuê nhà và nuôi con. Ngang nhà có hiệu may Bỉ Thuận, Kim Cúc nhận làm khuy, đơm nút, cắt hai ống tay áo làm áo ngắn tay, vá víu chiếc túi  rách, sửa chữa đồ cũ, thậm chí nhận rửa ly tách quán giải khát gần nhà...

Thấy nhà tôi đơn chiếc, rảnh việc, Kim Cúc tự nhiên xông vào thu gom quần áo dơ đưa vào máy giặt, hoặc cầm chổi quét dọn trước sân, thậm chí dọn dẹp vệ sinh thông thoáng ngoài vỉa hè. Năm nước lên ngập nhà, (do chủ mắc cất biệt thự không nâng nền nhà cho thuê) Kim Cúc dắt thằng Toàn Ân sang ở nhờ nhà tôi chờ khi nước rút xuống bình thường mới trở về chỗ cũ. Vợ tôi được dịp có thêm bạn bè, hàn huyên tâm sự ngày lẫn đêm. Thằng Beo cháu ngoại tôi được dịp mỗi lần sang chơi đeo cổ anh Toàn Ân đã thèm...    

Thời gian lúc đầu vào biên chế Hải Dương, vài tháng, Đội Tình về thăm vợ con một lần. Lần nào Đội Tình về nhà cũng vậy, chắc mẻm vợ chồng tôi cũng nhận được quà biếu là hai chai nước mắm Phú Quốc chính hãng. Còn thằng Toàn Ân lủ khủ đồ chơi. Ngoài các loại máy bay, Toàn Ân có thêm nào xe đò, xe thiết giáp, xe cuốc, nổi bật là chiếc xe cần cẩu cao dàn, lênh khênh...Thằng Su Beo cháu ngoại tôi để ý thấy khoái chiếc xe cần cẩu ngông nghênh, mạnh dạn chìa tay xin “anh Hai” món quà của Đội Tình mới mang về. Toàn Ân tính rạch ròi giống ba, nín im coi như không đồng ý. 

Nhỏ hơn Toàn Ân năm tháng tuổi, Su Beo tự ló ra hai tính xấu cần khắc phục: Một là, không biết nhường nhịn người lớn như Toàn Ân, hai là lấn lướt tranh giành bất cứ vật gì Su Beo thích. Su Beo giãy nảy đồm độp, kêu la chói lói đòi lấy cho bằng được chiếc cần cẩu trên tay Toàn Ân. Biết tính thằng em xạo xự, cứng đầu, hỗn láo, Toàn Ân nhất quyết không cho thằng em chiếc xe cần cẩu, thay vì muốn cho em các món khác, buộc vợ tôi  phải nhân danh bà ngoại Su Beo hỏi mượn, Toàn Ân mới trao chiếc cần cẩu cho thằng em mang về nhà.

Mỗi lần thằng em rủ thằng anh sang nhà chơi, bỏ lại nhà các loại máy bay và nhiều món vặt vãnh khác, Toàn Ân đủng đa đủng đỉnh điều khiển dàn xe các loại, dĩ nhiên có chiếc cần cẩu ì xèo sang chỗ tôi bày bố giữa nhà làm nhộn nhịp một khúc xóm...

 

4- Không ai ngờ rằng những ngày cận kề Tết Nguyên đán năm nay, Đội Tình về thăm nhà nhặt hơn trước kia. Tôi lấy làm lạ trông thấy khi Đội Tình quanh quẩn bên vợ con một tuần, khi nửa tháng. Cuối cùng, một chiếc xe đò khởi đi từ Rạch Giá xuôi về Cà Mau, chiều cuối năm, bỏ lên bến một người đàn ông có gương mặt dãi dầu, cười gượng, cố giấu đi nỗi xót đau trước mặt vợ con: Công ty Đại Nam thực sự đã phá sản. Ông chủ Đại Nam lo xây cất biệt thự cá nhân ở miệt Hà Tiên, bỏ lại đám công nhân nửa năm không tiền lương, tiền thưởng, lang thang kiếm sống. 

Lần đầu tiên tôi nghe Đội Tình than thở khe khẽ “Hết cách rồi chú ơi, bốn  tháng tiền thuê nhà. Không muốn nó vẫn tới. Nhanh quá. Không cách nào trở về Đội 2. Đất đai, vuông bọng nay đã có chủ. Rừng lạ lẫm với người ra đi. Chỉ có cách về với đứa em chú bác ruột có nhà cửa đàng hoàng ở thị trấn Đông Hải. Chia tay chú thím trong nay mai. Điều đó cháu không muốn nhưng không biết làm cách nào?”. Tôi nghe Tình nói, con tim tôi đau thắt nhưng không biết an ủi Đội Tình ra làm sao? Đặc biệt lòng dạ bồn chồn khi nhìn thấy thằng Toàn Ân với bề bộn đồ chơi khi vắng mặt Su Beo cháu ngoại tôi.

Khi đó, Kim Cúc tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra trong gia đình. “Anh yên tâm. Em bán đôi bông cẩm thạch thanh toán xong bốn tháng thuê nhà, còn dôi ra mấy tháng cho thằng Toàn Ân ăn học. Mình có cách xoay xở thôi. Anh yên tâm!”. Kim Cúc nói vừa lúc cô mím môi nhìn Đội Tình bằng ánh mắt trìu mến.

 

5- Một chiếc xe hàng bự chảng xập xựng chỗ ngã tư Nguyễn Du. Xóm có chuyện gì quan trọng mà có xe hàng tới nơi này? Hay ra vợ chồng Đội Tình sắp chia xa xóm cũ. Chốc chốc, chiếc xe hàng lùi sâu vào đường Nguyễn Du, đậu lại chặng nhà vợ chồng Đội Tình trước đống đồ đạc ngổn ngang sắp chuyển lên xe: Tủ lạnh, tủ quần áo, ti vi... dĩ nhiên có vài thùng đồ chơi của Toàn Ân xếp theo chủ; Toàn Ân còn để ngoài một chiếc xe cần cẩu lênh khênh...

Vợ tôi và vợ Đôi Tình hai người mắt đỏ hoe, chuyện to chuyện nhỏ từ sau nhà bếp ra tới trước sân nhà. Vợ tôi đưa tay nhận mấy món vợ chồng Đội Tình gởi lại làm kỷ niệm: Chậu mai vàng, chậu ớt hiểm, chậu cây chỉ vàng... Nói xong, Kim Cúc lom khom khiêng mấy chậu cây cảnh đặt ngay trước cửa nhà tôi, nghẹn ngào nói: “Của ít lòng nhiều, chú thím nhận cho hai cháu chút kỷ niệm. Cháu phải đi”.

Thằng Toàn Ân phát hiện ra Su Beo ngồi trên chiếc hon đa của mẹ nó vừa  tới. Lạ kia, hai đứa bé gặp nhau liền biến thành hai người lớn: “Anh Hai ơi, anh Hai; đừng đi, đừng đi... Hai đi rồi còn ai ở lại chơi với Su Beo? Anh Hai!”. Beo sắp khóc, kêu lên tiếng lớn khiến Toàn Ân giật mình day lại em: “Anh Hai phải đi, phải đi thôi!”. Toàn Ân nhanh nhảu đáp. Chìa ra trước mặt Su Beo chiếc xe cần cẩu, Hai nói: “Quà của anh tặng lại Beo để nhớ anh Hai!”. Nói rồi Toàn Ân lót tót theo ba lên xe bỏ mặc thằng Beo đứng khóc rưng rức dưới đất. Chiếc xe khịt  mũi rồi toàn thân xe chuyển động. Theo chỗ tôi biết, đường xa biệt mù san dã, rồi đây xe sẽ vào địa phận Giá Rai, sẽ qua  ngã tư Ruộng Muối, qua Gò Cát xóm biển Diêm Điền, qua Rau Muống trước khi tới thị trấn biển Gành Hào xa ngút ngàn. Bóng Đội Tình thăm thẳm... Bóng Kim Cúc, Toàn Ân xa thăm thẳm... Không có lý do nào cả ba người đáng thương trở lại chốn này? Mai, mốt ai là người thường chạy qua chạy lại nhà tôi nữa đây? Hết rồi. Hết rồi. Nghĩ đến đó, một lần nữa con tim tôi đau thắt, cố mở to đôi mắt nhìn Đội Tình ngồi thu lu trong ca bin dòm xuống mặt đường. Buổi trưa, trong khi mươi mười bà con láng giềng xúm đen xúm đỏ đưa tiễn vợ chồng Đội Tình, duy, có vợ chồng thầy giáo Khên thản nhiên chìm sâu trong giấc ngủ... 

N.T