Biển Đà Nẵng và núi Hải Vân xưa trong thơ chữ Hán - Nguyễn Dị Cổ

01.06.2016

Biển Đà Nẵng và núi Hải Vân xưa trong thơ chữ Hán - Nguyễn Dị Cổ

1. Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi. Núi cao, sông sâu, biển rộng. Tự nhiên đó tạo cho Đà Nẵng trở thành một vùng đất nổi tiếng từ rất sớm và thu hút sự chú ý của mọi người khắp nơi hiện nay. Từ lâu hình ảnh Đà Nẵng được ghi lại trong nhiều thư tịch Hán Nôm, bút ký phương Tây. Tuy nhiên hình ảnh này cũng chỉ mới được mọi người khai thác từ những tác phẩm thể văn vừa nêu mà chưa chú ý đến văn bản thơ chữ Hán. Đặc biệt, biển Đà Nẵng trong thơ chữ Hán lại càng ít được chú ý hơn nữa.

Trong thực tế, biển Đà Nẵng ở một vị trí và đóng một vai trò hết sức đặc biệt từ lâu, nhất là dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Trong giai đoạn này, biển Đà Nẵng đã được khắc họa ít nhiều trong các vần thơ chữ Hán - văn tự đương thời - của mọi tầng lớp xã hội. Những tác phẩm thơ chữ Hán về Đà Nẵng hiện tản mát ở nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Chúng tôi cũng chỉ mới bước đầu thực hiện sưu tầm và khai thác giá trị tư liệu của nó về biển Đà Nẵng.

Biển Đà Nẵng như là một ranh giới địa lý của vùng đất mà mỗi tài liệu địa chí về Đà Nẵng phải nhắc đến. Quảng Nam tỉnh phú có đoạn: “Nam giáp Quảng Ngãi, bắc giáp Thừa Thiên, đông lân đại hải ngoại, tây dữ Lào La liên = Nam giáp Quảng Ngãi, bắc giáp Thừa Thiên, tây giáp Lào Xiêm, đông kề biển cả” (Hồ Ngận dịch).  Biển (hẹp hơn là cửa biển) Đà Nẵng trong thơ chữ Hán được ghi bằng các tên Đồng Long, Trà áo, Trà úc, Đà tấn, Đà hải...

Cửa biển Đà Nẵng với khung cảnh “bờ bến mênh mông, sóng gió cuồn cuộn” (Lê Thánh Tông), “Đại hải hà mang mang = Biển khơi rộng mênh mang vô chừng” (Phan Thanh Giản), “Đà tấn vân sơn tiệm giác thu = Đà tấn non mây thu lững lờ” (Cao Bá Quát), là nơi giao lưu quốc tế quan trọng.

Đây là nơi chứng kiến những sứ thần triều Nguyễn xuất dương thực thi trọng nhiệm quốc gia, như Phan Thanh Giản với bài Ngẫu hứng, Phạm Phú Thứ với những bài Trà Úc chu thượng khẩu chiếm, Chu để Đà Nẵng tấn chí sự... Đây còn là nơi chứng kiến những bề tôi bị biếm đày như trường hợp Cao Bá Quát, được ghi lại trong bài thơ Lưu viện du nguyệt, văn đắc tái phát Đà Nẵng, thị dạ đồng Vũ Hoài Phủ thống ẩm của ông. Đây là nơi tụ hội tàu bè các nước đến nơi này buôn bán tấp nập: Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền = Gió ru thuyền Lộ canh năm (Hải Vân hải môn lữ thứ - thơ Lê Thánh Tông, Ngô Linh Ngọc dịch).

Biển Đà Nẵng còn là ngư trường sinh nhai của người dân sở tại: “Phủ thị Thanh Khê ảo/ Phàm tường khả chỉ kế = Nhìn xuống vũng Thanh Khê/ Các cột buồm, có thể chỉ tay đếm ngón”, “Ngư lang xao mãn hàn đàm nguyệt = Chiếc sào của làng chài đập mặt nước đêm sáng trăng lấp loáng” (Độ quan 1, Ngẫu thành - Phan Thanh Giản). Gió biển Đà Nẵng còn là bạn của nhà nông: “Duy nguyện hải phong xuy tác vũ/ Chính nghi thiên lý nhuận tang điền = [Bây giờ] chỉ mong gió ngoài biển xa đem mưa lại/ Tưới mát cho ngàn dặm ruộng dâu ở đất này” (Ái lĩnh xuân vân - Nguyễn Phúc Chu). Vua Lê Thánh Tông nam chinh đánh Chiêm Thành, nghỉ quân ở cửa biển Hải Vân đã ghi lại hình ảnh: “Ngũ cổ thanh phong Lộ Hạc thuyền = Gió ru thuyền Lộ canh năm”. Đây chính là một minh chứng lịch sử hết sức có giá trị. Cửa biển Đà Nẵng từ lâu là nơi giao lưu buôn bán trong nước và quốc tế hoặc là nơi nghỉ chân của những thương thuyền. Ngay từ thế kỷ thứ XV, Đà Nẵng rộng hơn là Quảng Nam đã là một trung tâm mậu dịch quốc tế. Cho nên các tài liệu phương Tây cũng như Nhật Bản vào thế kỷ XVII, XVIII nhắc đến tên gọi “nước Quảng Nam” là một điều dễ hiểu. Và đây cũng chính là điều tự hào của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng đồng thời đang phát huy tiềm năng trong giai đoạn hiện nay.

Biển Đà Nẵng xưa có những khoảnh khắc, không gian yên bình, như bài Ngẫu hứng của Phan Thanh Giản: Đà Nẵng loan đầu lục tự đài/ Trà Sơn yên ái hợp Tam Thai/ Ngư lang xao mãn hàn đàm nguyệt /Tăng quản xuy đoàn dã tự mai/ Bán chẩm dạ triều hô mộng khởi/ Nhất liêm sơ vũ tống sầu lai/ Phiến vân khứ trú hồn vô định/ Bất cảm trùng đăng Điện Hải đài = Biển Đà Nẵng xanh rêu/ Trà Sơn mây vẫn thuận chiều Tam Thai/ Đầm trăng lộn bóng vó chài/ Gốc mơ, sư dạo thổi chơi sáo chùa/ Triều lên, bật dậy trong mơ/ Ngoài rèm mưa đến đầu mùa buồn tênh/ Làn mây vô định bồng bềnh /Thăm đài Điện Hải tái trình, đành thôi” (Nhóm tác giả sách Thơ văn Phan Thanh Giản dịch). Hay bài Trà Áo dạ phiếm của Hà Đình cũng đã cảm thuật: Hải thiên vạn khoảnh vọng man nhiên/ Thập trượng bồ phàm tán mộ yên/ Phong cấp như đăng quang bất định/ Sơn không nguyệt ảnh chiếu vô biên/ Triều khê tỉ ngạc tằng hà nhựt/ Đào chẩm văn kê ức tích niên/ Thùy thị hùng tâm thôn bất đắc/ Nhứt ca khảng khái phá sầu miên = Chân trời vạn khoảnh ngó mút tăm/ Bãi sông mười trượng, buồm tan khói chiều/ Gió vù vù đèn chài chao lắc lư/ Núi vắng trăng sáng mênh mông/ Biển khe dời cá sấu có bao giờ/ Gối sóng nghe gà gáy nhớ chuyện năm xưa/ Ai có hùng tâm nuốt không được/ Lời ca khẳng khái phá ngủ buồn” (Nguyễn Q. Thắng dịch).

Qua bài thơ Ngẫu hứng của Phan Thanh Giản, Trà Áo dạ phiếm của Hà Đình Nguyễn Thuật, ta thấy Đà Nẵng nên thơ là vậy, yên bình là vậy, nhưng vì là cửa ngõ giao lưu quốc tế, là địa - quân sự quan trọng nên không thể nào thoát khỏi tiếng súng của giặc Tây để làm bàn đạp tiến vây kinh thành. Nguyễn Xuân Ôn đã viết trong Đồ quá Hải Vân quan, ngẫu thành: “Dương pháo bôn sơn lũy/ Ô thuyền hám hải than = Súng Pháp đánh đồn núi/ Tàu Ô ngó cửa Hàn” (Nguyễn Đức Vân - Hà Văn Đại dịch). Để rồi các quan dân phải tự hỏi nguyên nhân của cuộc chiến. Với Nguyễn Trường Tộ, “Đất nước muôn đời cảnh đẹp sao/ Cớ gì quân giặc dấy binh đao” (Dư Lê dịch); còn Nguyễn Hàm Ninh là “Ai khiến Tàu Tây vượt biển sang? Mấy vùng duyên hải sấm ầm vang” (Lương An dịch); Trần Quý Cáp thì “Chinh chiến vì đâu nảy họa tai? Mà nay thấy những dấu lang sài!”.

Vụng biển Sơn Trà còn thể hiện những di hận của những chí sĩ Quảng Nam chưa toại nguyện tinh thần ái quốc. Không chỉ là thơ chữ Hán đang xét, mà ngay câu đối của Vũ Duy Thanh thương khóc Trần Quý Cáp cũng đã sử dụng hình ảnh: “Cửu nguyên di hận Trà Sơn úc/ Vạn lý quy hồn Dục Thúy sơn = Chín suối, biển Trà mang mối hận/ Muôn trùng, núi Thúy vẫn vương hồn” (Nguyễn Xuân Tảo dịch). Ở đây cần nói thêm, người viết đã nhận thấy một điểm chung trong thơ chữ Hán về Đà Nẵng: Hải Vân quan biểu trưng cho chí khí “hùng tâm” của kẻ sĩ đất Quảng, vịnh Trà Úc tượng trưng cho nơi những lớp sóng di hận của chí sĩ đất Quảng, Hành Sơn là những ngọn núi nổi lên giữa đồng bằng duyên hải để kết tinh phát tiết cho học khí đất Quảng.

Khi giặc nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng, đất nước lại hiện lên tinh thần chống thực dân Pháp và thế giới phương Tây ngoại xâm với tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Trong đó đáng tự hào về Phạm Phú Thứ, ông dâng sớ xin nhà vua cho các quan là người Quảng Nam được trở về bản quán để tính mưu dẹp giặc. Những người khác cũng đã làm sớ xin nhà vua được ra trận tham gia đánh giặc như Phạm Văn Nghị thể hiện qua bài Sớ thỉnh vãng Quảng Nam quân thứ đắc chỉ dữ thỉnh tỉnh đường yến hội (Dâng sớ xin đi quân thứ Quảng Nam, được chỉ, cùng các quan tỉnh dự tiệc tiễn) với tinh thần: “Giận sôi, tóc dựng mũ, Bút gác, há thua ai! Mong sớm tan giặc dữ/ Tờ ngọc nâng trên tay” (Nguyễn Văn Huyền dịch). Khi người ra trận thì người không ra trận làm thơ tiễn đưa, là Tống Lương Tứ chi Quảng Nam (Đưa Lương Tứ đi Quảng Nam) của Miên Thẩm, Tiễn Nghĩa Trai tiên sinh vãng Quảng Nam (Tiễn ông Nghĩa Trai Phạm Quang Nghị đi Quảng Nam đánh Tây)… Người ra trận với tinh thần: “Mắt căm quân giặc phạm Trà Sơn/ Nay tới Trà Sơn giặc đã tan/ Muốn tiến, quân đang đầy phẫn khích/ Cho về, vua những ngại gian nan/ Tiến lui, đều bởi điều thiên định/ Hay dở chi nề tiếng thế gian/ “Tùng bách tuế hàn”, lời văn đó/ Tấc son đâu nỡ để tro tàn” (Phạm Văn Nghị, Trà Sơn quân thứ, Nguyễn Văn Huyền dịch). Với tinh thần đó, dân binh đất Quảng đã đánh đuổi được giặc Pháp ngay từ buổi đầu. Nguyễn Trường Tộ bày tỏ niềm vui và tự hào: “Sóng kình nay đã mừng im tiếng/ Cưỡi sóng, tung mây, phách khí hào” (Dư Lê dịch). Biển Đà Nẵng lại “Nước lăn tăn mặt đầm gợn sóng/ Khói xây lầu biển rộng bao la” (Mai Thanh dịch), ngày đêm “ba đào muôn lớp dội sườn non” của Ngũ Hành Sơn.

 

Hải Vân, gọi đầy đủ Hải Vân sơn (núi Hải Vân, đèo Hải Vân), là một ranh giới tự nhiên giữa hai vùng Thuận - Quảng, hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Nó vốn là một phần của dãy núi Trường Sơn đâm ra biển, tạo thành một ranh giới của 2 đới khí hậu khác biệt. Từ đó, Hải Vân sơn cũng tạo nên sự dị biệt văn hóa của 2 vùng đất vốn liền kề, thậm chí có thời cùng chung một khu vực hành chính như được ghi trong Ô châu cận lục.

Hải Vân là hình ảnh quen thuộc của người dân địa phương cũng như khách lữ thứ khi đi ngang qua đây. Đó là “Chiều chiều mây phủ Hải Vân/ Chim kêu gành đá, gẫm thân lại buồn”, “Đi bộ thì khiếp Hải Vân/ Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi”… Hải Vân còn được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan”, do vua Lê Thánh Tông đề tặng. Đặc biệt, Hải Vân là nguồn cảm hứng cho thi ca, còn lưu lại nhiều trong lịch sử. Có thể kể đến những sáng tác bằng chữ Hán của các tác giả như Đào Tấn (Quá Hải Vân, Quá Hải Vân thi), Hà Đình Nguyễn Thuật (Quá Hải Vân), Lê Thánh Tông (Hải Vân hải môn lữ thứ), Miên Thẩm (Tàn tốt), Nguyễn Phúc Chu (Ái lĩnh Xuân Vân), Nguyễn Xuân Ôn (Đồ quá Hải Vân quan ngẫu thành), Phan Bội Châu (Quá Hải Vân*), Phan Thanh Giản (Độ quan, Độ quan (Hải Vân), Túc Cu Đê điếm), Trần Bích San (Tam thượng Hải Vân)… Trong đó, có lẽ bài Hải Vân hải môn lữ thứ của Lê Thánh Tông là tác phẩm thơ đầu tiên viết về Hải Vân.

Trước hết, núi Hải Vân xác định rõ không gian địa giới của Đà Nẵng: “Hỗn nhất xa thư cộng bức quyên/ Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên = Xa thư gộp một nền chung/ Hải Vân, nét gạch khoanh vùng trời nam”1 (Hải Vân hải môn lữ thứ - Lê Thánh Tông). Đây không chỉ là vùng đất “Nam thiên” mà còn là vùng đất xung yếu như đất Thục: “Việt Nam xung yếu thử sơn điên/ Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên = Ngọn núi này là chỗ xung yếu nhất của Việt Nam/ Chẳng khác gì cảnh hiểm nghèo như đường vào đất Thục”2 (Ái lĩnh Xuân Vân - Nguyễn Phúc Chu). Có nhiều bài thơ của Phan Thanh Giản, Trần Bích San, Trần Quý Cáp... cùng nhắc đến hình ảnh hiểm trở như vậy.

Những thông tin này dường như chưa được các tài liệu địa chí về Quảng Nam (trong đó có Đà Nẵng) trước đó nhắc đến, với tư cách là một trong những nguồn tư liệu đầu tiên về vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Tất nhiên, về sau, vào đầu thế kỷ XX, những văn bản thơ phú bắt đầu có nói đến vị trí địa lý của Quảng Nam, như tú tài Trương Trọng Hiếu viết bài ca địa chí tỉnh Quảng Nam có nhắc: “Quảng Nam vốn đất Chiêm Thành/ Trần, Lê thuở trước đánh giành đã lâu/ (…) Bắc Thừa Thiên giáp Hải Vân/ Nam thì Quảng Ngãi giáp gần núi Phong”; hay bài Quảng Nam tỉnh phú cũng có đoạn: “Nam giáp Quảng Ngãi, bắc giáp Thừa Thiên, đông lân đại hải ngoại, tây dữ Lào La liên = Nam giáp Quảng Ngãi, bắc giáp Thừa Thiên, tây giáp Lào Xiêm, đông kề biển cả”1.

Hải Vân vừa là địa giới tự nhiên của Đà Nẵng vừa là một nơi phong cảnh hữu tình, đầy ấn tượng. Bất cứ ai vượt qua nó tiến về Nam hay những ai băng qua nó để thượng kinh thì cũng đều dậy lên một cảm xúc dâng trào và hạ bút thành thi. Hình ảnh Hải Vân từ mấy trăm năm trước đã là:

Dao vọng Hải Vân quan.

Du vân chính dung duệ

Nhìn đèo Hải Vân xa,

Mây sũng nước ngầu đục2.

(Độ quan 2 - Phan Thanh Giản)

Đản kiến vân hoành tam tuần lĩnh,

Bất tri nhân tại kỉ trùng thiên.

Lãnh triêm tu phác phi đồng tuyết,

Thấp triển y thường khởi thệ tuyền.

Đứng trên đỉnh chỉ thấy mây phủ cả ba tầng núi cao,

Và không biết bao nhiêu mây trắng như bao bọc quanh ta.

Khí lạnh bám vào tóc râu chẳng khác gì tuyết dính,

Làm cho quần áo ướt sũng như dưới khe vừa bước lên3.

(Ái lĩnh Xuân Vân - Nguyễn Phúc Chu)

Hải Vân quan trong thơ chữ Hán xưa với một quang cảnh núi rừng bao la, đa vẻ và được gói lại trong tứ thơ:

Nguy sạn khủng điên quệ.

Lâm khích kiến triêu nhật,

Thụ diệp vũ điểm truy.

Thạch kính đài tiên hoạt,

Lâm ái phương ung ế.

Ai viên đề bất trú,

Hàn điểu thanh tương kế.

Núi đứng chênh vênh như con thú dữ,

Giơ mõm vào người cắn sủa.

Nước khe lớn ào ào tuôn chảy:

Cầu treo cao sợ bị lật nhào.

Qua kẽ lá đã thấy ánh ban mai,

Mưa rơi từ lá rừng xuống từng giọt, từng giọt.

Rêu phong lối đi bằng đá dễ trượt,

Cây rừng rậm rạp che kín khắp.

Tiếng vượn kêu thảm thiết không ngớt,

Tiếng chim kêu tiếp theo trong gió lạnh4.

(Độ quan 2 - Phan Thanh Giản)

Hải Vân ấn tượng để rồi khó quên, là bạn tri âm của khách bộ hành. Đến khi một lần gặp lại, nhà thơ quan triều Phan Thanh Giản phải thốt lên: “Kim nhật trùng lai xứ/ Tương phùng thị cố nhân = Hôm nay trở lại Hải Vân/ Gặp nhau chính bạn quen thân những ngày”1 (Độ quan 1). Đến như Trần Bích San đã đi ngang đây nhiều lần, nhưng tứ thơ về Hải Vân vẫn không hề nhàm trơ: “Ba năm vượt ải đã ba lần/ Nhẹ cánh chim trời dạo Hải Vân”2 (Tam thượng Hải Vân).

Cảnh sắc Hải Vân quan còn ẩn lưu trong những bài thơ khác như Quá Hải Vân của Hà Đình Nguyễn Thuật, Đồ quá Hải Vân quan ngẫu thành của Nguyễn Xuân Ôn...

Hải Vân non cao, linh khí ngút trời đã hun đúc nên tinh thần chí sĩ của đất Quảng Nam. Dường như trong các văn bản Hán Nôm có rất nhiều câu thơ văn mượn hình ảnh Hải Vân để nói về chí sĩ cũng như nhân tài đất Quảng. Đơn cử câu thơ: “Hùng tâm ưng đái Hải Vân lai = Đèo Mây đưa lại chí anh hùng”3 để chỉ về Hoàng Diệu khi ông “bỏ lạnh lùng” “chén rượu đồng tâm” ở thành Hà Nội. Hải Vân hiểm yếu còn là mạc địa, chứng kiến cảnh sinh tử chiến trận: “Giữa đống thây người anh gượng dậy/ phong phanh vạt áo máu còn dầm/ Ghé hàng mua rượu, anh còn bảo: Sống sót tôi về tự Ải Vân”4 (Tàn tốt - Miên Thẩm).

Thơ chữ Hán về Hải Vân còn cho ta thấy những hình ảnh sinh hoạt đời thường của người dân Đà Nẵng xưa. Đó là bóng dáng người làm nghề đốn củi “Rừng ở chân núi, tiều phu trên đường về nói chuyện cọp kinh hồn!” (Quá Hải Vân - Hà Đình Nguyễn Thuật) hay bức tranh biển Thanh Khê neo đậu các thuyền: “Nhìn xuống vũng Thanh Khê/ Các cột buồm, có thể chỉ tay đếm ngón” (Độ quan - Phan Thanh Giản), “Chiếc sào của làng chài đập mặt nước đêm sáng trăng lấp loáng” (Ngẫu hứng - Phan Thanh Giản), “Cố chu phân trạo hoang thôn mộ = Thuyền cũ rẽ dòng về xóm vắng lúc chiều tối” (Quá Hải Vân - Trần Quý Cáp). Dưới cửa ải Hải Vân xưa còn có trạm dừng chân cho khách bộ hành hay các quan đi kinh lý. Một trạm Cu Đê hết sức hoang sơ, đơn giản nhưng lại rất giàu chất thơ qua ngòi bút của Phan Thanh Giản: “Muốn đi tới Nam Chân/ Câu Đê đã quá chiều/ Hơi triều thấm giường trọ/ Màu núi xanh rèm treo/ Vách hở hoa hương thoảng/ Hiên suông trăng dọi nhiều/ Hải Vân ngày mai vượt/ Biết nhau rồi quên nhau”5 (Túc Cu Đê điếm).

Ngày nay, Hải Vân là tài nguyên du lịch hết sức hấp dẫn của thành phố Đà Nẵng; Song trong đó, có một lý do quan trọng nhất, triết lý nhất, là người ta lên non cao để gần với trời, nhìn xa trông rộng, để tìm cảm hứng, để thấm nhuần tư tưởng của người xưa: “Ngắm rộng, kiền khôn coi cũng bé/ Lên cao, nhật nguyệt tưởng đâu gần/ Gió sương như bủa tài thêm chuốt/ Hồ hải làm nghiên bút mới thần”6 (Tam thượng Hải Vân - Trần Bích San).

 

N.D.C