TÁC PHẨM ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ III

01.06.2016

TÁC PHẨM ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ III

BBT: Vừa qua UBND thành phố Đà Nẵng trao giải thưởng văn học, nghệ thuật thành phố lần thứ III, trong đó chuyên ngành Văn nghệ dân gian có 7 tác phẩm đoạt giải như sau:

Giải Nhì: “Tiếng địa phương trong ca dao Đất Quảng” của Đinh Thị Hựu, “Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn” của Đinh Thị Trang;

Giải Ba: “Địa chí dân gian làng Phong Lệ” của Võ Văn Hòe, “Hò khoan xứ Quảng” của Đinh Thị Hựu;

Giải Khuyến khích: “Sắc Bùa xứ Quảng” của Phạm Hữu Đăng Đạt, “Bài chòi xứ Quảng” của Đinh Thị Hựu và Trương Đình Quang, “Hát bả trạo - Hò đưa linh” của Trương Đình Quang và Trương Duy Hy.

Tạp chí Non Nước chúc mừng các tác giả. Do khuôn khổ có hạn, chúng tôi xin trích đăng giới thiệu 2 tác phẩm đoạt giải Nhì của chuyên ngành Văn nghệ dân gian.

 

Giá trị của miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - Đinh Thị Trang

 

BBT: “Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn” của Đinh Thị Trang là tác phẩm nghiên cứu về việc thờ tự, thực hành tín ngưỡng của cư dân Ngũ Hành Sơn tại các miếu thờ. Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ sự chuyển đổi “làng lên phố” đã khiến cho các cơ sở thờ tự, trong đó có miếu thờ đang dần thay đổi hoặc biến mất. Bởi vậy, công trình này đã đi sâu vào nghiên cứu đời sống tinh thần của người dân, qua đó góp phần bảo tồn những tín ngưỡng tốt đẹp đó. Tác phẩm này được UBND thành phố Đà Nẵng trao Giải Nhì trong giải thưởng văn học, nghệ thuật thành phố lần thứ III. Tạp chí Non Nước trích giới thiệu phần nghiên cứu về giá trị của miếu thờ trong tác phẩm này.

 

Giá trị tâm linh tín ngưỡng                                                     

Miếu thờ là một trong những thiết chế văn hóa làng xã của người Việt chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Đó là nơi nhân dân thể hiện lòng tôn kính, sự ngưỡng vọng của mình đối với các bậc thần linh, thần người, đồng thời cũng là nơi để họ thể hiện niềm tin cùng những ước vọng của mình trong cuộc sống.

Những tư liệu lịch sử hiện tồn cho biết, cư dân quận Ngũ Hành Sơn chủ yếu là người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ theo các cuộc Nam tiến đã vào đây định cư. Trên hành trang thiên di của họ, ngoài những vật dụng cần thiết cho công cuộc mưu sinh, họ còn mang theo trong tâm tưởng mình những vị thần trong tín ngưỡng dân gian ở quê hương cũ đến vùng đất mới để thờ phụng. Ngoài ra, khi đến đây, bên cạnh những vị thần của người Việt họ còn đón nhận cả những vị thần của người Chăm, họ Việt hóa rồi thờ phụng trong các ngôi miếu. Về sau, có cả những vị thần người Hoa như Quan Thánh Đế Quân, Châu Thương, Quan Bình, Thái Thượng Lão Quân, Ông Tơ Bà Nguyệt,... cũng được họ đưa vào miếu thờ. Thêm vào đó, họ luôn hướng đến các vị thần, đến những người đã khuất với sự tôn trọng và lòng thành kính sâu sắc. Do đó, vào các ngày lễ tết, ngày sóc, ngày vọng họ đều hương khói, cúng tế đầy đủ nhằm tưởng nhớ, ghi công ơn các vị thần.

Việc thờ cúng ở miếu thờ cũng là biểu hiện của tinh thần nhân văn trong ứng xử với môi trường xã hội. Ví dụ như việc thờ cúng các bậc tiền hiền khai canh lập ấp cũng nhằm giáo dục con cháu đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”. Họ là những người có công khai khẩn đất đai, xây dựng làng xóm và đặt nền móng cho cuộc sống của con cháu sau này. Việc thờ cúng âm linh trong các miếu thờ cũng thể hiện tình cảm yêu thương, tấm lòng nhân ái của người dân đối với những người không may qua đời như cô hồn hay các chiến sĩ trận vong.

Mỗi khi trong làng xảy ra việc mất trộm, mất mùa hay dịch bệnh thì nhân dân tin rằng có lẽ thần linh quở phạt. Thế là người ta biện lễ tới các miếu, lăng để cầu khấn, nhờ ông từ ăn chay, nằm đất, cầu cúng trong mấy ngày liền để xua đuổi dịch bệnh, nhân dân được yên ổn làm ăn sinh sống.

Phần lớn lễ ở các miếu thường được tổ chức vào dịp Xuân - Thu nhị kỳ, làng quê nhàn rỗi, người với người có nhu cầu giao lưu tình cảm. Nhưng lễ cúng còn được mở để con người đặt ước vọng vào thần linh. Thông qua hàng loạt nghi thức, nghi lễ và diễn xướng mang tính “thiêng”, người dân cầu mong mùa màng bội thu, phúc lộc đa đề. Điều quan trọng hơn là qua hội làng, người dân vững tin hơn vào chân lý Thiện thắng Ác, Chính thắng Tà, ở hiền gặp lành, ác giả ác báo - dù niềm tin ấy có phần ngây thơ, hồn nhiên như chính tâm hồn của người nông dân.

Bởi vậy cho nên miếu thờ vẫn được bảo lưu trong tâm thức người dân nơi đây. Họ đã gắn kết con người với thần thánh một cách chan hòa, không đẳng cấp. Các triều đại phong kiến thì phong thần ở nhiều cấp bậc như Thượng Đẳng thần, Trung Đẳng thần, Hạ Đẳng thần. Nhưng đối với nhân dân thì vị thần nào cũng linh thiêng, họ đều ngưỡng vọng như nhau. Trong tâm thức người Việt dường như không có siêu thần thánh, luôn luôn có sự thống nhất, tổng hợp hài hòa giữa các yếu tố siêu nhiên và nhân bản.

Giá trị lịch sử

Miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn không những có giá trị tâm linh tín ngưỡng mà còn có giá trị lịch sử, gắn với hành trình mở cõi về phương Nam và lịch sử đánh giặc giữ nước của quân dân ta.

Miếu thờ Huyền Trân công chúa (Hòa Hải) được nhân dân dựng lên với lòng biết ơn một vị công chúa đã hy sinh hạnh phúc của mình để góp phần mở mang bờ cõi Đại Việt mà vẫn giữ được hòa hiếu với vương quốc Chămpa. Miếu Tiến Sĩ (Khuê Mỹ) thờ ngài Phi Vận Tướng Quân đánh dấu năm 1471 vua Lê Thánh Tông thực hiện cuộc Nam chinh do quân Chiêm Thành quấy phá bờ cõi.

Trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, miếu thờ là nơi ẩn náu cho bộ đội, du kích. Ngôi miếu Bà ở tổ 29, thôn Thị An, phường Hòa Quý là nơi ẩn náu, hội họp của cán bộ Thành (Đà Nẵng) trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Bà Huỳnh Thị Chạy, một người du kích năm xưa kể lại rằng: “Năm 1968, 1969, vùng đất này bị Mỹ - Ngụy ném bom dữ dội, bộ đội du kích không dám trú trong các nhà dân vì lính Mỹ lùng ráo riết. Các anh em đã ra tá túc ở miếu Bà để hoạt động. Ngôi miếu nằm giữa lùm cây rậm rạp nên chúng không để ý. Sau mấy đợt càn quét, chúng phát hiện ra ngôi miếu là nơi trú ẩn của những người hoạt động cách mạng nên chúng cho xe ủi ủi sập miếu. Ngày nay, ngôi miếu chỉ còn một mảng tường với bệ thờ và một lư hương, nhưng vẫn được nhân dân Thị An chăm lo, hương khói”.

Trong chiến tranh, không chỉ miếu Bà ở Thị An mà còn nhiều ngôi miếu khác từng là nơi trú ẩn của bộ đội và dân quân du kích. Nhiều khi, đây còn là nơi diễn ra các cuộc họp bí mật của những người hoạt động cách mạng.

Bên cạnh đó, miếu thờ còn là nơi ghi lại ranh giới giữa các làng với nhau. Chẳng hạn miếu Ông Mốc ở làng Đông Trà (Hòa Hải) là cây cột mốc phân chia địa giới giữa hai làng Trà Khê và Khái Đông khi xưa, trải theo thời gian, người ta đã lập nên ngôi miếu để thờ phụng. Ngoài ra, miếu thờ cũng là nơi ghi lại chứng tích về sự lao động kiên cường của cha ông thuở trước như miếu Bà Đa thờ Thành Hoàng của xứ Bà Đa. Người dân ở đây cho biết ông Thành Hoàng này là một người Chăm mang họ Bà đã khai phá nên mảnh đất này.

Ngũ Hành Sơn ngày xưa còn là nơi diễn ra cuộc giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Việt - Chăm. Dấu ấn của nó là việc cư dân Việt cũng thờ phụng những vị thần của người Chăm trong các ngôi miếu của mình như: miếu Bà Chúa Ngọc, miếu Bà Chúa Lồi. Qua đó cung cấp cho ta hiểu hơn về lịch sử của tộc người Chăm trên vùng đất này. Hơn nữa, trong quá trình tìm hiểu về miếu thờ, phần nào giúp ta biết thêm về lịch sử của những ngôi làng cổ trên địa bàn Ngũ Hành Sơn như Mỹ Thị, Mân Quang, Hóa Khuê,… Thông qua các cuộc tế lễ, các cụ già đã kể cho con cháu nghe về lịch sử lập làng, lịch sử đánh giặc giữ nước của các bậc tiền nhân nhằm trao truyền kiến thức và giáo dục con cháu lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Như vậy, ta có thể thấy miếu thờ cũng là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử liên quan đến mảnh đất Ngũ Hành Sơn, góp phần trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của cha ông.

Giá trị văn hóa, nghệ thuật

Các hoạt động văn hóa tại miếu thờ trên địa bàn Ngũ Hành Sơn thường nghiêng về phần lễ là chính. Ngày xưa tại các miếu người ta thường tổ chức thi hát dân ca, bài chòi, nhưng hiện nay chỉ còn một vài miếu lớn mới tổ chức.

Ngày cúng lễ, bà con trong xóm tập trung về sân miếu để làm công tác chuẩn bị. Các cụ già thì chuẩn bị cho việc tế lễ, những người đàn ông thì trang trí cho buổi tế, các bà, các cô thì chuẩn bị những thức cúng để dâng lên các vị thần, không khí ngày lễ diễn ra nhộn nhịp và trang nghiêm. Trong ngày này, người dân có dịp chia sẻ với nhau những công việc, những tâm tư trong cuộc sống làm cho tình cảm xóm làng thêm gắn bó, làm nên tính cộng cảm, cộng mệnh của người Việt.

Phần hội trong các tín ngưỡng dân gian ở miếu thờ thường có hai phần, gồm hát bả trạo, lễ hội đua thuyền hoặc các trò chơi dân dã. Lễ hội đua thuyền thì chỉ diễn ra ở lăng cá Ông. Hát bả trạo thường diễn ra trong lễ cầu ngư và lễ tế Âm linh. Đây là hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian độc đáo, đó là cuộc diễn hầu thần mang tính linh thiêng. Tuy nhiên, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn không còn nhiều ngôi miếu có hình thức lễ hội này. Hiếm hoi chỉ có một vài nơi như lăng Ông Tân Trà, miếu Bà ở làng Đông Trà ba năm mới tổ chức một lần. Theo khảo sát của chúng tôi thì lễ hội đua thuyền chỉ thấy ở lăng Ông Tân Trà cách đây vài năm.

Như vậy, các phong tục nghi lễ, lễ hội đã thể hiện đời sống tinh thần, tâm linh của người dân nơi đây. Đặc biệt, phần nghi lễ hàm chứa trong nó những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị thẩm mỹ và đạo đức của cộng đồng.

Các công trình tín ngưỡng trong kiến trúc truyền thống của Việt Nam thường không hoành tráng, không lấn át thiên nhiên. Hệ không gian liên hoàn nửa mở, nửa đóng và rất chú ý đến tính biểu tượng, tính ẩn dụ, sự hàm súc, làm cho công trình từ nội dung đến hình thức đều chứa đựng chất triết lý, sức biểu hiện nghệ thuật âm thầm kín đáo nhưng sâu lắng trí tuệ. Miếu tuy là công trình kiến trúc tôn giáo nhỏ hơn so với đình chùa nhưng vẫn mang đầy đủ những đặc tính trên. Tổ chức không gian đến kết cấu chất liệu đều đơn giản, hợp lý, và hài hòa với môi trường, vừa hòa nhập vào môi trường, vừa thích ứng với hoạt động đời sống nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp của vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Một ngôi miếu ở gò đất cao, nằm riêng biệt ở ven làng, cách ly với đời sống nhộn nhịp của người dân nhưng lại nằm lọt giữa những cây cổ thụ tạo nên vẻ thâm nghiêm, kín đáo. Như vậy, bên cạnh đình là nơi thờ các vị thần, thành hoàng làng những người có công với đất nước, chùa là nơi thờ Phật thì miếu cũng là một kiến trúc có mối liên kết chặt chẽ trong hệ thống tín ngưỡng của người dân Ngũ Hành Sơn.

Những trang trí trên miếu rất phong phú với các đồ án trang trí quen thuộc như tứ linh, tứ quý, bát bửu, hoa sen,... Và đặc biệt, ở vùng đất Ngũ Hành Sơn người ta thường vẽ những bức họa phong cảnh sông Cổ Cò với năm cụm Ngũ Hành soi bóng xuống mặt nước rất độc đáo, nhằm ca ngợi cảnh đẹp của quê hương. Những trang trí này vừa làm tăng thêm nét tôn nghiêm cho ngôi miếu đồng thời thể hiện những ước mong của nhân dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong mỗi xóm, mỗi làng đều có miếu thờ. Hầu như các ngôi miếu được xây mới lại ít có giá trị kiến trúc, tuy nhiên vẫn còn một số ngôi miếu vẫn giữ được kiến trúc độc đáo như miếu Ông Chài (Hòa Hải), miếu Thành Hoàng, miếu Bà Chúa Ngọc (Mỹ An), miếu Tam Vị (Hòa Hải), miếu Ngũ Hành (Hòa Quý)… Với kiểu kiến trúc mái vòm, mái ngói âm dương, bờ nóc khảm sành sứ cho ta thấy đây là đặc trưng kiến trúc tín ngưỡng dân gian thời Nguyễn.

Đ.T.T

Bản sắc riêng qua tiếng địa phương trong ca dao Quảng Nam, Đà Nẵng - Đinh Thị Hựu

 

(Trích tác phẩm “Tiếng địa phương trong ca dao Quảng Nam, Đà Nẵng” của Đinh Thị Hựu, tác phẩm này được UBND thành phố Đà Nẵng trao Giải Nhì trong Giải thưởng văn học, nghệ thuật thành phố lần thứ III).

 

 

Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất của một dân tộc thống nhất. Nền văn hóa ấy được hình thành và phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta từ xưa đến nay. Từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, văn hóa Việt Nam đã thể hiện bản sắc riêng. Nền văn hóa dân tộc lại được biểu hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn với những nét đặc thù riêng của từng vùng, từng miền. Mỗi vùng văn hóa của dân tộc ta gắn liền với một hoàn cảnh tự nhiên, cụ thể trong tiến trình lịch sử. Dẫu rằng, mỗi vùng như thế chỉ là sự ánh xạ cụ thể của nền văn hóa chung của dân tộc Việt.

Các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã tạm phân ra các vùng văn hóa như: văn hóa Thăng Long, văn hóa Tây Bắc, văn hóa Nghệ Tĩnh, văn hóa Huế, văn hóa Quảng Nam ...

Người Việt trên con đường Nam tiến vừa chăm chút giữ gìn vốn văn hóa Đại Việt quê cha đất tổ lại tiếp bước sáng tạo nên một nền văn hóa mới phù hợp với những điều kiện sinh hoạt, tồn tại và phát triển ở một vùng đất mới. Người Việt trên đất Quảng luôn gắn bó với nền văn hóa Việt nói chung, đồng thời lại có những yếu tố riêng, góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng trong văn hóa Việt. Hơn thế nữa, do vị trí đặc biệt của Quảng Nam trong công cuộc Nam tiến của dân tộc, vùng văn hóa Quảng Nam càng có một vị trí đặc biệt trong lịch sử phát triển của văn hóa Việt.

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm,

Rượu hồng đào chưa nhấm đà say...

Câu ca dao vô cùng quen thuộc đó có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau nhưng tựu trung nhất ấy vẫn là lời ca, ca ngợi, tự hào về một mảnh đất trù phú, tươi đẹp. Từ trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn đã không ngớt lời ngợi ca đất Quảng. Đó là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Ở đây có nhiều khoáng sản quý hiếm, đặc biệt là vàng:

Quảng Nam bể bạc non vàng,

Bể bạc Nam Hải non vàng

Bông Miêu.

Người Quảng có đủ cơ sở để tự hào về mảnh đất quê hương. Đó là vùng đất giàu truyền thống văn hóa : văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể. Văn hóa vật thể được thể hiện ở các ngôi chùa, đền đài, đình làng, miếu thờ ... Những người thợ Kim Bồng ngày trước đã thể hiện sự tài hoa trong những ngôi nhà cổ, người thợ dệt Phú Bông, Đại Lộc đã dệt nên những tấm lụa tơ tằm óng mượt, người thợ dệt chiếu Bàn Thạch, Cẩm Nê dệt nên những chiếc chiếu với nhiều hoa văn sặc sỡ.

- Quảng Nam có lụa Phú Bông

Có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn

- Em về Bàn Thạch,

Trải chiếu anh nằm.

Tình xưa nghĩa cũ,

Mấy mươi con trăng rằm không phai

Nói đến bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công xứ Quảng còn phải kể đến những người thợ gốm Thanh Hà, người thợ đá Non Nước:

- Non Nước có núi Ngũ Hành

Có nghề khắc đá lừng danh

khắp vùng.

 

- Thanh Hà vẫn gạch, bát, nồi,

Thuốc thơm Cẩm Lệ mấy đời

lừng danh.

Trong vốn từ tiếng Việt, đến thời kỳ này nhiều bộ phận từ đã xuất hiện để phản ánh những sản vật của các ngành nghề thủ công mỹ nghệ nơi đây.

Thêm vào đó, bộ phận từ rất đáng chú ý là những từ thể hiện rõ nét văn hóa ẩm thực của người xứ Quảng như: mỳ Quảng, cao lầu, bánh quai vạc, bánh ít, bánh khô, nổ, bánh khô mè, bánh gừng, bánh tổ, bánh tét, bánh ít, bánh tráng đập, bánh tráng thịt heo, nem lụi, bún chợ Chùa, rau sống Phố, hến Mỹ Xuyên, nước mắm Nam Ô:

- Bữa nay đợi bún chợ Chùa,

Đợi mắm Nam Ô,

đợi cua làng Gành.

- Bữa nay chờ cá Trung Phường,

Chờ mắm Nam Ổ, chờ đường

Bảo An.

- Muốn ăn bánh ít lá gai,

Lấy chồng xứ Quảng cho dài

đường đi.

Trong các đặc sản này, đáng chú ý nhất là mắm. Mắm là món ăn người Quảng tiếp thu được từ văn hóa ẩm thực của người Chăm. Khảo sát các loại mắm ở Quảng Nam chúng ta mới thấy hết sự phong phú trong vốn từ này: mắm cái, mắm nêm, mắm ruốc, mắm nục, mắm cơm, mắm mại, mắm kình, mắm dò ...

- Nam Ô nước mắm thơm nồng,

Đi mô cũng nhớ mùi hương quê nhà.

- Xóm Cồn là xóm Cồn còi,

Rau lang mắm mại mà coi

như vàng.

Tùy theo loại cá được sử dụng làm mắm mà người ta lại đặt cho nó một tên riêng. Nếu người dân xứ Bắc khi xa quê nhớ  “canh rau muống, cà dầm tương” thì người Quảng lại nhớ mắm. Mắm là món ăn dân dã gần gũi nhất với con người xứ Quảng. Nhưng phải nói rằng mỳ Quảng mới là món ăn đặc sản nổi tiếng:

Thương nhau múc bát chè xanh

Làm tô mỳ Quảng mời anh xơi cùng.

Nhiều sản vật xuất hiện trong câu ca dao với một niềm tự hào sâu sắc:

- Quảng Nam có lụa Phú Bông,

Có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn

- Chiều chiều nhớ lại chiều chiều

Nhớ nồi cơm nguội nhớ niêu

nước chè

Nhớ hồi thượng mã đề xe

Nhớ bát nước chè nhớ

chén đường non

Nhớ hồi cá trích y con

Thịt heo xắt khúc lòng còn ước mơ

Nhớ hồi rau muống bò bờ

                                                                                             ...

Người Quảng thích món ăn dân dã, đạm bạc:

- Thương em vì cá trích ve,

Vì rau muống dượt,vì mè

trộn măng

- Ăn tiêu nhớ tới mùi hành

Dù có ăn nem gà, chả vịt cũng nhớ tới rau canh mít già.

- Ốc bươu nấu với chuối già,

Tuy nước nó xám mà mùi nó ngon.

- Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Thấy em kho mắm, luộc rau

mà thèm.

Con người Quảng Nam từ xưa đến nay vẫn mang tính chất của người đi khai phá. Vì thế họ ăn uống không cầu kỳ, chỉ cốt “ăn chắc mặc bền” miễn sao đủ chất đủ lượng để lao động. Nguyên Ngọc có một nhận xét rất xác đáng: “Đi vào Nam, người Việt cũng có sự thay đổi lớn trong nguồn thức ăn và cách thức ăn uống của mình”. Tác giả Nguyễn Tùng trong một nghiên cứu của mình có nhận xét: “Càng đi vào Nam thì món bánh tráng (bánh đa) càng phổ biến; ông cho rằng món bánh đó có thể đã được những người đang trên đường tiến về phương Nam sử dụng làm một thứ lương khô rất thuận lợi. Món bánh tét rất phổ biến từ Quảng Nam trở vào hẳn cũng có nguyên nhân : bánh tét, đó là chiếc bánh chưng truyền thống được cải tiến thông minh cho những người đang di chuyển, cơ động, ăn đến đâu thì tét đến đó, chỗ còn lại có thể để nguyên đến mấy ngày hôm sau”.

Về văn hóa phi vật thể đáng chú ý nhất là những truyền thống văn hóa đã được lắng đọng trong các tập tục lễ hội như : Lễ hội Cầu ngư, lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội đình làng Túy Loan, Hòa Mỹ, lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ... và nổi bật hơn cả là truyền thống hiếu học của con người xứ Quảng. Trong lịch sử người Quảng Nam từng được nhìn nhận là hiếu học và học giỏi. Sử Triều Nguyễn đã nhận xét Quảng Nam là vùng đất “Núi sông thanh tú nên nhiều người có tư chất thông minh, hiếu học”. Người Quảng rất đề cao sự học :

Không tham bị lúa anh đầy,

Tham ba hàng chữ làm thầy thế gian.

Nhà Hội Quảng Nam ra đời tại Huế vào những năm 1917 - 1918 càng đánh dấu việc đề cao sự học vấn của người Quảng:

Nữa mai Chúa mở khoa thi

Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh

Bỏ công cha mẹ sắm sanh

Tiền lưng gạo túi cho anh vào trường.

Quảng Nam có nhiều người đỗ đạt và đỗ đạt với danh hiệu cao. Những danh hiệu cao quý mà triều Nguyễn cũng như nhân dân đã ban tặng cho các sĩ tử Quảng Nam ngày trước: Ngũ PhụngTề Phi, Tứ tuyệt, Tứ hổ, Tứ hùng, Tứ kiệt ... là một niềm tự hào sâu sắc cho người dân xứ Quảng:

Non cao biển cả

Con chim trả trả đi tìm mồi

Khi mô vật đổi sao dời

Đất Quảng Nam hết nước mới

hết người tài hoa.

Quảng Nam, Đà Nẵng có cả ba yếu tố văn hóa: văn hóa biển, văn hóa đồng bằng, văn hóa núi. Tuy nhiên, nhờ tiếp giáp với biển Đông nên có lẽ văn hóa biển là mạnh hơn cả. Người dân cả ba vùng văn hóa đó đều còn khá vất vả. Ngoài cuộc sống vật lộn nơi đầu sóng ngọn gió, người dân Quảng còn phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh với cường quyền, đấu tranh chống ngoại xâm.

 

Đối với giặc, nhân dân xứ Quảng càng thể hiện rõ sự dứt khoát rạch ròi trong tư tưởng, trong tình cảm, thề không đội trời chung với giặc :

- Dân ta chỉ có câu này

Thề cùng giặc Mỹ có mày không tau

Dân ta cầm súng cầm dao

Thề cùng giặc Mỹ có tau không mày.

- Cho dù giặc Mỹ trăm tay

Cũng không chia được đất này

làm hai

Cho dù cạn nước Đồng Nai

Nát chùa Non Nước không sai

tấc lòng...

- Cho dù cạn nước Thu Bồn

Hải Vân hóa cát biển Đông thành đèo

Dù cho cay đắng trăm điều

Cũng không lay được tình keo

nghĩa dày.

Nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng kiên cường, bất khuất quyết một lòng đấu tranh với giặc đến ngày toàn thắng. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng cùng với nhân dân cả nước góp tay xây dựng lại quê hương. Trong không khí hòa bình no ấm hôm nay nhân dân xứ Quảng tiếp tục lao động sáng tạo để tô thắm non sông. Trên con đường Di sản miền Trung Quảng Nam, Đà Nẵng tự hào với những di tích đặc sắc: Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An... Mỗi năm đã thu hút hàng vạn du khách khắp nơi trên thế giới. Đọc lại những trang sử của các thế hệ tiền nhân trên mảnh đất này, chúng ta mới thấy được hết sự thông minh tài trí của con người xứ Quảng. Tất cả những sáng tạo, những cống hiến của họ đã đi vào lịch sử. Mang trong mình hàng trăm di tích, hàng ngàn di vật và cả một kho tàng văn nghệ dân gian truyền thống, Quảng Nam, Đà Nẵng thật sự là vùng văn hóa đặc sắc và quý giá trong tổng thể kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trên đây là chúng ta thử đi tìm những nét riêng của ca dao Quảng Nam, Đà Nẵng được biểu hiện qua tiếng địa phương. Tuy nhiên để xác định phong cách ca dao mỗi miền chúng ta còn phải nhìn nhận nó ở những bình diện khác. Trong nhiều trường hợp, tuy trên bình diện ngôn ngữ chúng ta không thấy dấu hiệu của một phương ngữ nào nhưng nếu so sánh từng cách nói, cách diễn đạt trong từng chủ đề chúng ta vẫn có thể tìm ra những nét riêng. “Nét riêng ấy ẩn sâu gắn với từng vùng văn hóa, từng phong thái lịch sử. Bởi vì phong cách ca dao cũng chính là phong cách của con người”1. Tất nhiên, việc xác định phong cách ca dao mỗi miền bằng loại “siêu phương ngữ” này là một việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức.

 

Đ.T.H