Tản văn của Phạm Nguyễn Ca Dao

01.06.2016

Tản văn của Phạm Nguyễn Ca Dao

Nhạc Trịnh và cha tôi

 

Tôi đặt nhan đề cho bài viết của mình như vậy không có ý đánh đồng giữa nhạc Trịnh và cha tôi. Ấy chỉ là hai điều thiêng liêng đã gắn chặt với tuổi thơ và nuôi dưỡng tâm hồn của một cô gái đôi mươi như tôi.

Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện nhỏ của mình về Trịnh bằng những điều khá riêng tư, có thể khiến người đọc bất chợt nghĩ rằng tôi đang lạc đề hoặc viết nhầm cho một ai khác...

Năm đó tôi tám tuổi. Người ta có thể dễ dàng nhận ra tôi, một cô bé mảnh khảnh, có mái tóc ngang lưng buông hờ thường líu ríu theo chân ba đến một quán café quen thuộc. Ba tôi là một ông giáo dạy văn trung học. Khi ấy tôi còn quá nhỏ để có thể biết ba tôi yêu gì, thích gì? Đối với tôi, việc ba lặp đi lặp lại một việc làm qua nhiều năm tháng cũng có nghĩa là ông thích thú với nó. Và nếu tư duy như vậy thì phòng trà nằm tĩnh lặng cuối góc phố là một trong những sự say mê của ba.

Ông thường đưa tôi đến đây vào mỗi tối thứ bảy, nơi có một dàn nhạc, có những cô ca sĩ mặc áo dài thướt tha, có những giai điệu trầm bổng, nhẹ nhàng làm tôi mê mẩn và dễ dàng thiếp đi tự lúc nào.

Đến năm tôi mười hai tuổi. Ba vẫn giữ thói quen đó, đều đặn mỗi tuần. Nhưng tôi đã không còn cảm giác “bị thôi miên” nữa mà đâm ra rầu rĩ: “Ba ơi, mình lại đến đó ạ?”. Ba tôi nhẹ nhàng: “Con không thích à?”. Tôi lại lắc đầu nguầy nguậy: “Dạ con thích mà”. Trong tích tắc, hình ảnh ba trầm ngâm, đăm chiêu khi lắng hồn mình trong câu hát: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy” cứ hiện về, choáng đầy tâm trí ngây thơ của tôi. Không muốn làm ba buồn nên tôi giả vờ nói vậy thôi chứ thực sự tôi đã phát ngán với việc phải nghe đi nghe lại những giai điệu trầm buồn, ảm đạm và lê thê đó lắm rồi!

Năm tháng qua đi, tôi đã ghi nhớ một cách vô thức đôi ba câu hát rồi cao hứng hát theo lời cô ca sĩ có giọng khàn khàn, trầm trầm phát ra từ máy vi tính của ba: “Thời thơ ấu, bướm hoa và chim cùng mưa nắng. Em đứng bên trời tự do, yêu đời thiết tha”. Ba tôi lúc đó thực sự rất ngỡ ngàng, ông quay sang nhìn tôi trìu mến và mỉm cười - tôi thấy mọi thứ khó hiểu vô cùng, chẳng lẽ việc đó khiến ba tôi vui đến thế sao?...

Thế rồi tôi đóng vai một cô con gái biết làm ba vui bằng việc tìm trong kệ sách của ba những tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn, lén lút bật máy nghe đi nghe lại một bản nhạc Trịnh và học thuộc lòng nó như một cái máy. Một bài, hai bài... rất nhiều những ngôn từ, âm giai của Trịnh cứ ăn sâu vào tâm trí; tôi đâm ra thích thú, rồi say mê với nó tự khi nào không biết.

Đến bây giờ, tôi đã là một cô gái - say văn học và mê nhạc Trịnh. Tôi hát không hay, chỉ dừng ở mức độ thuộc lời và không “phô” nhưng tôi vẫn giữ cho mình một sở thích - chỉ dám gọi là sở thích - là hát cho ba tôi nghe những bài hát, đoạn nhạc hay, thậm chí chỉ là một vài câu trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của Trịnh.

Ngẫm lại, âm nhạc của Trịnh đã gắn bó với tôi từ những ngày tôi thiếp ngủ trên ghế sofa của phòng trà ca nhạc, len lỏi vào trái tim non nớt của tôi, rồi lại trở thành máu thịt khi tôi đã là một cô gái say sưa, trầm tư với những lẽ sống, những trăn trở Trịnh phổ ra trên từng câu hát.

Đã ngoài hai mươi, nhưng còn quá ngắn ngủi so với một kiếp người, tôi vẫn chẳng thể nào hiểu thấu những điều Trịnh gửi gắm. Dẫu sao, xin cảm ơn Trịnh, chính âm nhạc của ông đã thổi ngọn lửa yêu thương và khiến trái tim của một cô con gái đồng điệu với ba mình - dẫu khi ấy, cô bé đó chỉ tiếp cận âm nhạc của ông một cách hồn nhiên nhất.

 
 

Bản hòa tấu đêm xuân

Người Sài Gòn “chính hiệu” có một “phong tục” ngàn đời là cuối tuần phải xuống phố” - Anh bạn vừa nói vừa nháy mắt tinh nghịch. Tôi sống ở Sài Gòn đã vài năm nhưng vẫn chưa một lần kiểm chứng đó có thực sự là “phong tục” của con người nơi đây hay không. Thế nhưng, tôi luôn xem đó là lời rủ rê hấp dẫn nhất dành cho một kẻ ngại đặt chân đến những nơi đông đúc, náo nhiệt.

Sài Gòn đêm cuối tuần, tiếng máy xe cũng trở nên hối hả hơn. Hầu như ai cũng sắp xếp cho riêng mình một cuộc hẹn: kẻ gặp người thương, người hàn huyên trong những quán café lãng mạn tĩnh mịch; người khác chọn việc ăn uống, vui chơi với bạn bè...

Tôi “đánh liều” nghe theo lời “quảng cáo” về “món lẩu cá bớp nức tiếng Sài Gòn” của anh bạn, vào một quán hoàn toàn lạ nằm xuôi theo bờ kênh Nhiêu Lộc. Chỉ hơn 6 giờ tối nhưng quán đã chật kín chỗ ngồi. Tiếng người cười nói rôm rả chìm vào những giai điệu tươi vui phát ra từ mấy chiếc loa mini giăng đầy trần nhà. Bầu không gian như đặc quánh lại, sóng sánh. Dù không mấy thích thú với những chốn ồn ào nhưng tôi lại yêu vô cùng cách người Sài Gòn chuyện trò, hàn huyên bên nhau: bình dị và rất đỗi thân thương. Có lẽ đó là lý do mà tôi chưa bao giờ từ chối lời mời xuống phố vào mỗi cuối tuần của anh bạn.

Tiếng kèn saxophone tựa như một giọng nam trầm, hòa lẫn đâu đó trong không gian. Người quản lý tinh tế đưa tay ra hiệu tắt nhạc nền trong quán. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía vỉa hè, một người đàn ông mái tóc điểm bạc, áo sơ-mi cũ kỹ được đóng thùng gọn gàng đang say sưa biểu diễn một ca khúc bất hủ của Trịnh. Tiếng kèn của ông chỉ thu hút được sự chú ý ban đầu, vài phút sau, ai nấy đều trở về với những câu chuyện còn dang dở của mình, chỉ còn lác đác một vài ánh mắt vẫn ngẩn ngơ đắm chìm trong những âm thanh mê hoặc ấy...

Chiếc loa thùng khoác lên mình chiếc áo sờn bạc của thời gian, bên trên một vài bông hoa đủ màu sắc cắm khiêm nhường trong chiếc lọ nhỏ. Một vị khách tiến từng bước chậm rãi về người nghệ sĩ, ngâm nga từng ca từ trong bài hát: “Người nằm xuống nghe tiếng ru/ Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”... (1) Vị khách lắc lư nhè nhẹ theo điệu nhạc, đôi tay khẳng khiu gân guốc đong đưa theo từng thanh âm trầm bổng. Đôi mắt người thổi kèn ánh lên cái nhìn rạng rỡ, cảm tưởng như vừa tìm được người bạn tâm giao. Phải là người có sự nhạy cảm với âm nhạc, phải là người có tấm lòng sẻ chia thì khán giả mới có thể đồng cảm, thấu hiểu tiếng lòng của người nghệ sĩ đến thế. Vỉa hè mấp mô đá như được phù phép bởi tiếng nhạc, bởi thanh âm của sự đồng cảm, sẻ chia. Ánh đèn đường vàng vọt xuyên qua tán lá, tỏa xuống thứ ánh sáng lấp lánh ảo diệu. Vỉa hè khô khốc bỗng hóa thành một sân khấu mộc mạc, ấm cúng. Bản nhạc của người đàn ông không còn đơn độc, giờ đây đã reo lên những khúc ca rộn rã. Trong khoảnh khắc ấy, ông cũng đã trở thành một nghệ sĩ...

Tiếng động cơ xe máy ì ạch, thở từng đợt nặng nhọc từ đâu đỗ xịch  trên vỉa hè. Một người đàn ông khác một tay cầm xúc xắc, tay kia trĩu xuống bởi bọc bánh phồng tôm lớn. Ông nhìn người nghệ sĩ thổi kèn saxophone gật đầu chào. Họ thì thầm một vài phút rồi cùng nhau chơi một giai điệu mùa xuân rộn rã. Tiếng còi xe, tiếng người cười nói ồn ã như tan vào không khí. Sài Gòn những ngày cuối năm vỗ về người xa quê bằng hình ảnh ngọt ngào, thấm đẫm tình người giữa những con người xa lạ... Những phận người nghèo khó, không chỉ mưu sinh bằng năng khiếu thiên bẩm, niềm đam mê với nghệ thuật mà còn bằng hơi ấm tình người...

Bản nhạc mùa xuân khép lại bằng tiếng kèn ngân vang và những tràng vỗ tay của những vị khách trong quán. Họ sắp xếp đồ đạc gọn gàng lên chiếc xe gắn máy hoen rỉ, mỗi người lại đi về một hướng. Tiếng nhạc xập xình lại vang lên từ hàng chục loa mini trên trần. Thế nhưng, đâu đó vẫn vang vọng tiếng kèn saxophone hòa lẫn trong tiếng xúc xắc, giọng vị khách lại khàn khàn: “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động / Làm sao em biết bia đá không đau / Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng / Ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau” (2).

P.N.C.D