Chất thiền trong tác phẩm của danh họa Lê Bá Đảng - Lê Huỳnh Lâm

01.06.2016

Chất thiền trong tác phẩm của danh họa Lê Bá Đảng - Lê Huỳnh Lâm

Nghệ thuật đích thực nói chung và hội họa nói riêng rất cần sự tĩnh lặng nội tâm. Những trò chơi của đám đông dự phần khi tác phẩm đã hoàn thành. Bất kỳ nghệ sĩ nào, để đạt được cảnh giới cao của nghệ thuật đều phải có khoảng thời gian tĩnh tâm và sáng tạo cũng trong trạng thái tĩnh lặng đó may ra tác phẩm có cơ hội để lại dấu ấn nơi công chúng. Nghệ thuật quả là con đường khắc nghiệt và để đi trọn con đường đầy cam go này, đòi hỏi người nghệ sĩ phải dấn thân, nỗ lực liên tục để trạng thái cảm xúc được hòa nhập với tác phẩm một cách toàn diện. Với nghệ thuật của Lê Bá Đảng, chúng ta có thể nhận ra ở đó là cả một cuộc hành trình nội tâm, đi từ những cánh rừng mùa thu úa vàng xác lá, đến những ngọn núi đông phủ đầy tuyết trắng. Hành trình đó là trạng thái cô đơn mà chỉ những nghệ sĩ lên đường với bước chân bản lĩnh mới đối diện được. Tác phẩm của Lê Bá Đảng khởi lên từ ý niệm sinh diệt của cõi nhân gian, ở đó có những ký ức về quê nhà, biểu đạt đa tầng văn hóa, dục vọng, thiện ác, biểu cảm sự rung động ở tầng thâm sâu của thế giới tâm,... tất cả được chuyển tải trên bề mặt vật liệu khi thì trơn bóng, lúc thô nhám lồi lõm, rất mềm và rất cứng; nhiều tranh của ông kết hợp thể phù điêu và hội họa. Với họa sư Lê Bá Đảng, vật liệu, chất liệu chỉ là phương tiện để diễn đạt cảnh giới của tâm ở từng giai đoạn mà ông trải nghiệm.

Chúng ta lần lượt bước vào cuộc lữ hành của hội họa Lê Bá Đảng, để thấy được một tầm vóc lớn của người nghệ sĩ đã cống hiện trọn đời cho nghệ thuật và làm rạng danh quê hương.

Mèo, ngựa và những giai thoại

Từ một giai thoại về con hẻm ngắn chưa đến 30 mét và rộng chỉ 1,8 mét, nhưng lại được đặt tên theo từng giai đoạn rất trân trọng và đến bây giờ con hẻm đó vẫn mang tên “La Rue Du Chat Qui Pêche” (Phố con mèo câu cá). Cái tên ngộ nghĩnh đó đã tác động đến nghề nghiệp của Lê Bá Đảng thời kỳ chưa có danh tiếng, để ông bắt đầu với những bức tranh vẽ mèo để kiếm kế sinh nhai cùng người vợ hiền Myshu, nơi kinh đô ánh sáng của những tên tuổi lớn trong nghệ thuật và hội họa. Vậy là mèo trở thành đối tượng trong tác phẩm của ông từ những ngày lập nghiệp cho đến sau này. Bàn về mèo trong tranh của tác giả, người xem không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy từ bút pháp tả thực rất ấn tượng cho đến những chú mèo được ông vẽ chỉ bằng một nét bút, thoạt nhìn nét bút phóng khoáng này, cứ ngỡ là chữ viết thư pháp, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy một hoặc hai, ba chú mèo ở nhiều tư thế khác nhau đang nguẫy đuôi rất sinh động.

Con vật thứ hai ngoài mèo trong 12 con giáp mà Lê Bá Đảng vẽ nhiều chính là ngựa. Phong thái của ngựa được họa sĩ thể hiện rất xuất thần, khi tung cước phi nước đại, khi ngẩng cao đầu đứng trên hai chân sau cất tiếng hí vang trời, có lúc chú ngựa hiền lành gặm cỏ xanh, có khi ngẩn ngơ theo tiếng rì rào của gió. Họa sĩ Lê Bá Đảng vẽ ngựa bằng bút lông, mực nho, sơn dầu, hay bằng cách xé giấy, cắt bề mặt vật liệu,... đều đem lại cảm xúc cho người thưởng ngoạn. Chúng ta xem tranh ngựa của Lê Bá Đảng có thể sẽ liên tưởng đến chú ngựa sắt trong giai thoại Thánh Gióng, vị anh hùng đánh đuổi giặc Ân...

Đôi mắt

Sự đặc tả đôi mắt trong tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng không còn thuần túy chỉ là nhãn quang, mà nó chứa đựng cả thế giới ngoại cảnh được diễn đạt trong từng vòng xoáy của từ trường cuộc sống, đôi mắt chiếm tỉ lệ nhỏ trong bức tranh, đôi khi chỉ với vài chấm trắng hoặc là những nốt đen giản đơn nhưng đã diễn đạt được một nỗi buồn sâu thẳm, có ánh mắt chứa đựng cả sự căm hận, có con mắt ngờ nghệch, con mắt có cái nhìn nham hiểm, có loại mắt như mắt cú vọ, có đôi mắt đắm đuối, đôi mắt trừng không của vị thiền sư và cả những ánh mắt vô hồn. Điều đặc biệt là chỉ trên tông màu xanh, với những vòng cung xoắn vào nhau như vũ điệu của sóng đã xô đẩy người xem vào mê trận của sân khấu trần gian vốn chật chội và rối rắm. Mắt trong tác phẩm của Lê Bá Đảng như một bộ sưu tập biểu đạt tâm lý của con người ở mọi cung bậc cảm xúc. Như có sự tương đồng của những tâm hồn lớn giữa họa sư Lê Bá Đảng và thi sĩ Bùi Giáng, khi tôi nhìn thấy chỉ một hình chụp vẽ mắt rất rối rắm của người thi sĩ lạ lùng này, cũng là những vòng xoáy cuộn trọn, tận trong sâu thẳm đó là một điểm sáng hé lộ. Phải chăng đây là cảnh giới của tâm mà những bậc đạt đến đỉnh cao sẽ gặp gỡ.

Khuôn mặt

Trên mỗi bức tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng như không có sự dư thừa hay thiếu sót, nó tự thân tri túc, tròn đầy. Từ màu xanh quyện vào những vết loang, từ cái khép mắt nhưng không phải là hôn trầm hay ngủ, từ đôi môi như hình những chiếc lá vàng xanh, và những vệt sáng khiêm nhường ánh lên dịu dàng,... tất cả như ánh trăng loang trên mặt sông, như cơn gió dạo chơi trên cánh đồng, tự nhiên, như nhiên. Người xem tranh không còn thấy bàn tay của họa sĩ tạo ra tác phẩm, chỉ còn một sự tan biến vào thế giới của màu sắc, của hơi thở. Đó là bộ tranh ông vẽ những gương mặt tĩnh lặng lạ thường như đang hòa vào nhịp đập của vũ trụ.

Không gian, thời gian

Khi nói về không gian thì không thể không nhắc đến yếu tố thời gian. Bề mặt chất liệu mà Lê Bá Đảng sử dụng, hầu hết là mặt phẳng, một số tác phẩm của ông thể hiện như các phù điêu được lồng ghép những bức ảnh vào khoảng rỗng của bề mặt vật liệu, điều này khiến người xem có cảm giác như nhìn xuyên qua lỗ thủng đến một không gian khác. Hoặc là cách tạo độ gồ ghề, lồi lõm trên bề mặt và xử lý màu sắc tạo bóng để biến không gian hai chiều thành ba chiều, rồi dùng kỹ thuật kéo dãn cái nhìn của người xem theo một dẫn dụ của màu như một dòng chảy chuyển động, để tạo độ tập trung theo hướng nào đó đưa người xem vượt ra khỏi chiều kích của tác phẩm để liên tưởng đến không gian khác. Những điều này chỉ có được ở những đầu óc có trí tưởng tượng siêu phàm. Chúng ta thường thấy trên tác phẩm của Lê Bá Đảng những đường thẳng đỏ thanh khiết như huyết mạch trên cơ thể sự sống. Sự sinh động được tăng thêm khi những chấm nhỏ gồ lên tiếp nối nhau như chỉ dấu để dẫn về nguồn cội của nhân loại. Hay có thể là những nốt son trên đôi môi của người con gái bước ra từ thuở hồng hoang.

Hoa và Dục

Cách ông dùng màu sắc để diễn đạt những đóa hoa đạt đến độ hoàn hảo, không chỉ là dáng vẻ bề ngoài mà ông còn đặc tả từng chi tiết bên trong của mỗi loại hoa. Càng quan sát tác phẩm về hoa của Lê Bá Đảng người xem càng liên tưởng mạnh đến bộ phận kín của người nữ. Trong không gian thăm thẳm đó, sự cuốn hút kỳ diệu khiến chúng ta như trở về trước cánh cổng của mái nhà xưa, với sự ngỡ ngàng cùng niềm rạo rực của nỗi nhớ mong. Dục chính là loạt tác phẩm ông vẽ bằng mực nho rất giản đơn nhưng đã diễn đạt thần thái của sự rung cảm trong niềm hoan phúc của các đối tượng đang thực hiện sứ mệnh duy trì nòi giống của tạo hóa.

Bóng

Những tấm tranh về chủ đề bóng của Lê Bá Đảng đã ám ảnh người xem về một thế giới nhân quả, một thế giới luôn được lưu vết lại của những hành động, suy nghĩ dù cho đó là thiện hay ác. Càng nhìn các tác phẩm bóng của Lê Bá Đảng chúng ta chợt giật mình nhìn lại chiếc bóng của chính chúng ta. Đó là tác động tâm lý hay còn gọi là tương tác tâm, từ dòng suy tư của tác giả đặt để vào tác phẩm đã khiến người xem phải tự vấn về bản thân và hoài nghi hay gợi nhắc đến một thế giới siêu hình đang tồn tại và dõi theo mỗi hành vi, suy nghĩ của vạn vật ở mặt đất này. Bóng cũng là một thể cách, một ý niệm mới trong hội họa của Lê Bá Đảng, có thể bóng chính là biến hiện của tâm hay bóng là hình ảnh của tiền kiếp, hoặc của tương lai mà người và vật phải hoán đối.

Tranh hai mặt

Điều khiến mọi người nhìn vào là biết ngay Lê Bá Đảng chính là những mảnh vỡ tưởng chừng bỏ đi, nhưng thật ra trên đó ông đã sáng tạo nên những họa tiết tràn ngập cảm xúc, những dòng sông hư ảo, những khoảng rỗng xuyên bề mặt vật liệu, những gương mặt tĩnh tại gợi tưởng đến đấng toàn giác đang canh giữ sự an bình của địa cầu, những dáng vẻ trầm tư mặc tưởng của hình thể rất đặc thù chỉ có ở Lê Bá Đảng trong loạt tranh hai mặt. Xem loạt tranh này, tôi chợt nhận ra ý niệm của tác giả muốn gửi gắm thông điệp nhân văn, diễn đạt những trầm tích văn hóa đã dẫn đưa người xem du hành đến tận những miền đất xa xôi.

Chất thiền

Nhìn lại hành trình sáng tạo của họa sư Lê Bá Đảng, chúng ta chợt nhận ra một sự thể nhập để trở về nhất thể, thời khắc này chủ thể sáng tạo không còn hiện hữu mà chỉ có sự chuyển động của tâm trên bề mặt vật chất, những vết mực nho nhảy múa theo giai điệu mà chỉ duy nhất kẻ khiêu vũ cảm nhận được thực tại của sáng tạo lóe chớp trong tâm tưởng. Cũng như loạt tranh vẽ khuôn mặt là một cảm nghiệm sâu về sự thanh tịnh bên trong, hay dòng tranh bằng mực nho vẽ về dục tính hay loạt vẽ nude, ông đã thể hiện bản năng sống của vạn vật mà các triết gia gọi là đà sống. Có thể xem danh họa Lê Bá Đảng là một thiền sinh, sử dụng hội họa để đạt cảnh giới thiền, ông vẽ không còn cho chính mình mà cho tất cả mọi người, một nét cọ của ông đặt lên bề mặt vật liệu như đặt vào hư không, chính là cảnh giới phi ngã mà chỉ những bậc hành giả tự tại bước vào trần gian với một niềm rung cảm bi mẫn mới có thể thấu đạt. Viết đến đây tôi chợt nhớ một thi sĩ rong chơi trong thi ca là Bùi Giáng, chữ nghĩa của ông cũng tan biến theo giai điệu của từng đợt sóng đại dương để gợi nhắc con người về cảnh giới chân ngã. Và trên quê xứ Cố đô thơ mộng lại xuất hiện một thiên sứ trong âm nhạc là Trịnh Công Sơn, từng chuỗi hạt âm thanh của ông mong mỏi kết nối nhân loại vào một thế giới thanh bình.

L.H.L